Các công ty phương Tây ở Trung Quốc mắc hội chứng Stockholm - tin tưởng vào kẻ bắt cóc mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội chứng Stockholm, được đặt tên theo một vụ cướp khét tiếng ở thủ đô Thụy Điển vào năm 1973, là một hiện tượng trong đó nạn nhân của vụ bắt cóc nảy sinh cảm giác tin cậy, quý mến hoặc đồng cảm với kẻ bắt giữ họ. Đó là một tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân và một số chính phủ khi giao dịch với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Jamil Anderlini, phụ trách mảng Châu Á của báo Financial Times, trước đây là Giám đốc văn phòng tại Bắc Kinh kể lại rằng, gần đây ông được một nhóm giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc tế có trụ sở tại Hồng Kông mời đến để thảo luận về các động thái của Bắc Kinh nhằm phá bỏ nền dân chủ và tự do ngôn luận trên mảnh đất này. Một số giám đốc điều hành từ các xã hội dân chủ cho biết họ coi báo chí tự do là kẻ thù lớn nhất của họ. Đối với họ, vấn đề không phải là sự xói mòn các quyền và tự do tại một trong những trung tâm tài chính năng động nhất thế giới. Vấn đề là các nhà báo được cho là phá rối dám đưa tin về những diễn biến này, từ đó thuyết phục hội sở chính ngừng đầu tư vào thành phố Hồng Kông.

Có phải bạn cảm thây lạ khi các liên doanh kiếm tiền thành công ở Trung Quốc lại được ví như những con tin? Nhưng trong hoạt động hàng ngày, nhiều công ty trong số này phải đối mặt với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, hoạch định chính sách không thể đoán trước và chịu sự săn đuổi, sự xâm nhập, giám sát của cảnh sát mật. Họ bị đe dọa cấm xuất cảnh hoặc thậm chí bị bắt giữ chỉ vì các tranh chấp kinh doanh thông thường.

Từ trước tới giờ, Bắc Kinh đã trừng phạt rất nhiều công ty và quốc gia về một loạt các hành vi sai trái chính trị - theo cách nói của quốc gia này - trong các chiến dịch tiếp thị, hoặc né tránh sử dụng các loại bông được cho là do lao động nô lệ thu hoạch. Điều này khiến cho nhiều công ty quốc tế ở Trung Quốc cảm thấy họ như con tin. Nhưng họ lại có xu hướng đổ lỗi cho các chính trị gia, các phương tiện truyền thông hoặc các nhóm nhân quyền ở quê nhà vì đã chống lại những kẻ bắt giữ họ. Các công ty như Volkswagen, Apple, Starbucks, Nike, Intel, Qualcomm, General Motors và H&M đều kiếm được lợi nhuận kếch xù ở Trung Quốc nên bị phụ thuộc vào thị trường khổng lồ và đang phát triển này. Nhiều công ty phương Tây thậm chí đã thay mặt cho chính phủ công khai vận động hành lang giúp Trung Quốc “đòi tiền chuộc”.

Trong khi đó, gần như tất cả các công ty này đều từng bị Bắc Kinh ra tay trừng phạt. Gần đây nhất, H&M và Nike đã bị nhà nước này tổ chức tẩy chay vì từ chối sử dụng bông được cho là do lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo ở miền tây Trung Quốc sản xuất.

Thật không may cho các công ty này. Khi phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, họ sẽ không còn đủ quyền tự do, thậm chí chỉ là tự do im lặng trước các hành vi vi phạm nhân quyền, các hoạt động kinh doanh không công bằng hoặc các can thiệp chính trị. Nếu bạn muốn kiếm tiền ở Trung Quốc hiện đại, bạn phải tuân theo đường lối của Đảng Cộng sản, phải tham gia vào các màn phô trương lòng trung thành và hỗ trợ các nỗ lực tuyên truyền của đảng này trên toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở đó, ông Tập Cận Bình còn nói rõ ràng rằng đảng "phải thắt chặt sự phụ thuộc của các chuỗi sản xuất quốc tế vào Trung Quốc" để hình thành "khả năng đối phó và răn đe mạnh mẽ".

Gần đây, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida đã gọi hãng hàng không Delta Air Lines là "đỉnh cao của sự đạo đức giả" vì phản đối luật cử tri ở bang Georgia của Hoa Kỳ trong khi hãng này đang hợp tác với chính phủ mà ông cáo buộc là "tích cực tham gia vào cuộc diệt chủng" ở Tân Cương. Delta cũng có cổ phần trong China Eastern Airlines - một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Đạo đức giả và các triệu chứng của hội chứng Stockholm không phải chỉ có ở các công ty. Chính phủ New Zealand đã được nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ như một biểu tượng của các giá trị tiến bộ. Nhưng khi nói đến Trung Quốc, chính sách đối ngoại “độc lập, dựa trên giá trị” của nước này dường như được đặt dưới thử thách của nỗi sợ hãi và lòng tham.

Ngay cả trước khi thương chiến Úc - Trung nổ ra vì Australia “dám” kêu gọi một cuộc điều tra xác thực về nguồn gốc của đại dịch, Wellington cũng đã cố gắng không làm mất lòng Bắc Kinh. Ngoại trưởng nước này thậm chí đã đặt câu hỏi về thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes đã tồn tại giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Có lẽ mục tiêu của họ đơn giản là muốn bán thêm một chút sữa bột vào thị trường Trung Quốc (?)!.

Điều này đã gây ra nỗi kinh hoàng ở các thủ đô phương Tây khác và khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc hoan hỉ . Nhưng có lẻ chính phủ New Zealand và nhiều nước quên rằng, việc chấp nhận yêu cầu của những kẻ bắt cóc chỉ giúp khuyến khích chúng bắt thêm con tin mà thôi.

Lê Minh

Theo Financial Times



BÀI CHỌN LỌC

Các công ty phương Tây ở Trung Quốc mắc hội chứng Stockholm - tin tưởng vào kẻ bắt cóc mình