Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đề xuất hàng loạt biện pháp cấp bách với TP.HCM

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh thiếu nhân lực, chi phí cao cho hoạt động xét nghiệm, các quy định chưa áp dụng đồng nhất... đã khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chật vật, gánh lỗ trong thời gian dài. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị TP. HCM giãn, giảm thuế, hạ giá xét nghiệm...

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP. HCM với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sáng 20/8, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, 8 thành viên trong tập đoàn đang gặp hàng loạt khó khăn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Những khó khăn đáng chú ý là: việc thiếu nhân lực vận hành hệ thống do người lao động sinh sống trong các vùng cách ly y tế, nghi nhiễm COVID-19; thiếu hụt shipper; khó giao hàng liên quận; chi phí cao cho hoạt động xét nghiệm COVID-19; các quy định chưa được áp dụng phổ biến và áp dụng đồng nhất tại các trạm kiểm soát giao thông trong các “vùng xanh" của thành phố mặc dù nhân viên và nhà cung cấp đã xuất trình thẻ và giấy xác nhận làm việc của công ty...

Do đó, bên cạnh các chính sách đã được Chính phủ công bố, ông Furusawa Yasuyuki kiến nghị với lãnh đạo thành phố hàng loạt biện pháp, bao gồm: kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, với lộ trình lùi khoảng 3 - 6 tháng; tăng tỉ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định.

Lãnh đạo Aeon Việt Nam cũng cho biết, liên quan đến các biện pháp phòng dịch, một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày một lần, có tháng lên đến 10 lần với phí xét nghiệm hiện tại trung bình từ 1,5 triệu – 3 triệu mỗi nhân viên… Aeon Việt Nam kiến nghị được giảm giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 để giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Thành phố cũng cần tiếp tục hỗ trợ ưu tiên phân bổ và tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động đang làm việc tại các hệ thống bán lẻ phân phối hàng hoá thiết yếu.

Ngoài ra, hệ thống bán lẻ này cho rằng, nên tổ chức các chương trình ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các hình thức thanh toán điện tử để kích cầu, xem xét tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, để đẩy nhanh các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty FDI.

Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch TP. HCM cho biết, do vấn đề thuế vượt quá thẩm quyền của thành phố nên lãnh đạo thành phố sẽ gửi Chính phủ về vấn đề này, và sẽ quan tâm để kịp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vắc xin; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh COVID-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất; hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vắc xin.

Hiệp hội Thương mại Châu Âu đề xuất sửa đổi mô hình "3 tại chỗ"; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế; đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng dịch COVID-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Hiệp hội các doanh nghiệp Đức kiến nghị chỉ áp dụng hình thức “3 tại chỗ” tối đa 4 tuần; yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày (khi từ nhà máy về nhà); ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.

Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.

Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm COVID-19 và thời gian xét nghiệm giữa TP. HCM và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.

Trước những chia sẻ này, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp thu các kiến nghị mà các doanh nghiệp và hiệp hội vừa nêu.

Theo thống kê của Cục Thuế TP. HCM, tính từ đầu năm đến ngày 31/7, thành phố có hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể, khiến số vốn giảm xuống hơn 12.000 tỉ đồng.

Đông Dương

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đề xuất hàng loạt biện pháp cấp bách với TP.HCM