Các bước đi tới ‘địa ngục’: Đội quân DN xác sống sinh ra bởi ‘quái vật nợ’ đã ‘quá lớn, quá nguy hiểm’ và thúc đẩy khủng hoảng tài chính kế tiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày càng nhiều doanh nghiệp gia nhập đội quân doanh nghiệp xác sống, hoạt động “vật vờ” nhờ được bơm nợ từ nguồn vốn giá rẻ và các gói cứu trợ xa hoa ngày một lớn. Đội quân doanh nghiệp xác sống có thể đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các mạng lưới an toàn tài chính của các nền kinh tế, phủ thêm bóng đen lên nền tài chính toàn cầu năm 2021, bên cạnh bong bóng giá tài sản tài chính đã và đang bị thổi phồng quá mức.

Mặt trái của chính sách lãi suất bằng và thấp hơn 0 của các ngân hàng thương mại (NHTW) toàn cầu đã tạo ra các dòng tiền giá quá rẻ trong hơn một thập kỷ qua, khiến bong bóng nợ, bong bóng giá tài sản tài chính phình lớn trên toàn cầu. Thêm vào đó, các khoản cứu trợ xa hoa của cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 và tiếp nữa là đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng số lượng doanh nghiệp xác sống trên khắp các nền kinh tế, đặc biệt các nền kinh tế lớn, nơi có hệ thống trung gian tài chính hiện đại, sản phẩm đa dạng và đa tầng.

Doanh nghiệp xác sống là gì?

Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 2006 trong một bài báo được trích dẫn nhiều về vai trò của hệ thống ngân hàng Nhật Bản trong 'thập kỷ mất mát' của đất nước này vào những năm 1990. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã tìm cách giải quyết vấn đề kể từ đó, nhưng thuật ngữ “doanh nghiệp xác sống” (zombie firm) đã trở lại thịnh hành do ngày càng có nhiều công ty mắc nợ cao ở châu Âu và Bắc Mỹ - một xu hướng tăng vọt sau cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu năm 2008.

Định nghĩa đối với những gì cấu thành một công ty xác sống là khác nhau, nhưng một thước đo được chấp nhận rộng rãi là tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp thấp hơn một trong ba năm liên tiếp, đặc biệt là đối với các công ty đã có lịch sử hoạt động trong hơn một thập kỷ. Chỉ số khả năng trả nợ lãi vay nói lên rằng khoản thu nhập trước thuế và lãi của doanh nghiệp đó thậm chí không đủ để trả nợ lãi vay cho doanh nghiệp trong năm đó. Nhiều công ty trong số đó nhận được tín dụng trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp, như trường hợp của nhiều công ty ở Đông Á và Nam Âu.

Vậy, khi nào thì một doanh nghiệp khỏe mạnh bị “chết dần” và biến thành một công ty xác sống thay vì phá sản như đúng quy luật của thị trường? Khả năng sinh lời kém trong một thời gian dài rõ ràng là một tiêu chí quan trọng, đặc biệt nếu công ty không thể trả được lãi từ các khoản nợ của họ chứ chưa nói đến nợ gốc. Tiêu chí thứ hai là tuổi tác: các công ty "trẻ" có thể cần nhiều thời gian hơn để các dự án đầu tư mang lại lợi nhuận. Cuối cùng, lợi nhuận kỳ vọng thấp cũng là rất quan trọng.

Có nhiều quan điểm khác nhau về cách định nghĩa công ty xác sống. Một định nghĩa phổ biến là một công ty có dòng tiền không đủ để trang trải chi phí lãi vay, khi đó họ tăng nợ để trả nợ gốc cũ chứ không phải để đầu tư dài hạn. Vay để trả nợ gốc là vòng xoáy tài chính nguy hiểm nhất và tồi tệ nhất, nó có thể sớm trở thành ác mộng nếu kéo dài. Với trường hợp của các doanh nghiệp xác sống, đó là 3 năm liên tiếp thu nhập trước thuế và lãi không đủ trả nợ lãi vay. Nợ không ngừng gia tăng nợ để tồn tại.

Trong bối cảnh dòng tiền dư thừa như hiện nay, công cụ nợ quá nhiều và khó kiểm soát, các rủi ro đạo đức trong ngành quá lớn, việc mở rộng vay nợ để trả nợ cũ của các doanh nghiệp zombie chính là nguồn gốc bùng nổ nợ xấu của tương lai. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp xác sống sẽ phải cấu kết với tổ chức tín dụng để che đậy vấn đề tài chính của họ; như thế bảng cân đối tài chính của cả hai phía sẽ được làm đẹp. Việc này sẽ khiến doanh nghiệp zombie chiếm hữu nguồn lực tài chính đáng ra nên dành cho doanh nghiệp tốt. Bởi vậy, sự tồn tại của doanh nghiệp xác sống và sự lớn mạnh khó kiểm soát của lực lượng này là bóng ma hiện hữu ám ảnh nền tài chính toàn cầu 2021.

Suy thoái kinh tế làm tăng đáng kể số lượng các công ty đáp ứng tiêu chí này, gợi ra một định nghĩa tốt hơn có thể xem xét đến khả năng một công ty có thể trả nợ khi nền kinh tế trở lại bình thường. Khi sử dụng một định nghĩa hơi khác, nghiên cứu này cho thấy cuộc suy thoái đại dịch viêm phổi Vũ Hán có khả năng làm tăng đáng kể số lượng các công ty xác sống.

Theo Deutsche Bank và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, số lượng công ty xác sống - các công ty lớn không thể bù chi phí lãi vay của họ bằng lợi nhuận hoạt động - tại khu vực đồng euro và Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. (Johannes EISELE/AFP/Getty Images)

Lực lượng doanh nghiệp xác sống ngày một hùng hậu sau mỗi cuộc khủng hoảng

Theo quy luật kinh tế thông thường, khi không thể trả nổi cả lãi vay, khi buộc phải mở rộng nợ (tới 3 năm liên tiếp) để trả nợ lãi vay và nợ gốc, doanh nghiệp đó nên phải phá sản hoặc được mua bán, sáp nhập. Phá sản đúng lúc và nhanh chóng là đặc sản của nền kinh tế thị trường lành mạnh, nơi các chủ nợ có cơ hội thu hồi nợ, các chủ doanh nghiệp có cơ hội sớm chấm dứt tình trạng tài chính bê bết của mình, trả hết nợ, tuyên bố phá sản theo luật định, khởi nghiệp lại trong một ngành kinh doanh khác có triển vọng hơn.

Nhờ thế, cả nền kinh tế cũng được tái cấu trúc lại mới, dòng vốn tài chính lành mạnh hơn, không bị tắc nghẽn bởi các công cụ nợ xấu như "máu đông" và không ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp khỏe mạnh khác.

Nhưng chính hệ thống tài chính hiện đại với chính sách tiền tệ mở rộng quá mức, các dịch vụ tài chính đan xen quá phức tạp chỉ nhằm tăng vòng quay vốn và lẩn tránh các chuẩn mực an toàn theo quy định khiến doanh nghiệp xác sống vẫn có thể vay để trả nợ gốc và lãi. Đây chính là lý do khiến số lượng các công ty dựa vào nợ để tồn tại đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Liệu sự ‘xác sống hóa’ nền kinh tế này có gây ra cuộc đại suy thoái tiếp theo?

Số lượng ngày càng tăng của cái gọi là công ty xác sống đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng trong giới học thuật và chính sách. Sự lan tràn của các công ty như vậy trong tổng số các công ty phi tài chính (thị phần các công ty xác sống) đã tăng lên đáng kể sau cuộc Đại khủng hoảng tài chính (GFC) trên khắp các nền kinh tế tiên tiến một cách phổ biến hơn.

Thị phần các công ty xác sống đã có xu hướng tăng lên theo thời gian thông qua sự thay đổi đi lên trong bối cảnh suy thoái kinh tế không thể đảo ngược hoàn toàn trong các đợt phục hồi sau đó.

Trong một bài báo có ảnh hưởng năm 2018 được xuất bản bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các nhà kinh tế Ryan Banerjee và Boris Hofmann đã kiểm tra dữ liệu từ 14 nền kinh tế tiên tiến. Họ phát hiện ra rằng số lượng các công ty có đặc điểm giống công ty xác sống tăng trung bình từ khoảng 2% vào cuối những năm 1980 lên khoảng 12% vào năm 2016; số lượng doanh nghiệp xác sống tăng đáng kể

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp xác sống của Mỹ hiện đang ôm khoản nợ 1.980 tỷ USD (số liệu tính tới tháng 11/2020), lớn hơn nhiều so với mức nợ các các doanh nghiệp xác sống của Mỹ nắm giữ hồi đỉnh khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là 1.540 tỷ USD. Cũng theo phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp của 3.000 doanh nghiệp niêm yết của Bloomberg, chỉ sau một năm hứng chịu đại dịch, Mỹ đã đóng góp thêm 200 doanh nghiệp vào đội ngũ này.

Không chỉ ở Việt Nam, sự tồn tại của doanh nghiệp xác sống đã là thách thức với mọi nền kinh tế sau những sai lầm chính sách kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (Ảnh: getty)
Nghiên cứu cho thấy cuộc suy thoái virus Corona Vũ Hán có khả năng làm tăng đáng kể số lượng các công ty xác sống. (Ảnh: getty)

Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của các công ty xác sống?

Các tài liệu đã xác định các ngân hàng yếu kém là nguyên nhân chính. Khi bảng cân đối kế toán của họ bị suy giảm, các ngân hàng có động lực bơm thêm tiền cho các công ty không thể tồn tại chứ không xếp hạng nợ của họ dưới dạng nợ xấu. Lý do các ngân hàng làm vậy là vì nếu không giúp doanh nghiệp xác sống che dấu năng lực tài chính của họ, các ngân hàng này sẽ phải xếp nợ của doanh nghiệp xác sống thành nợ xấu; họ phải trích dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đó.

Chưa kể, nếu tỷ lệ nợ xấu/tổng tài sản của ngân hàng mà lớn, ngân hàng thương mại đó cũng phải chịu giám sát khắt khe hơn bởi NHTW hoặc các cơ quan trong mạng lưới giám sát của họ. Họ bị hạn chế hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính của mình, như thế tham vọng kinh doanh cùng cổ tức cũng biến mất. Không ngân hàng thương mại nào muốn điều đó. Họ có quá nhiều động lực để nuôi dưỡng đoàn quân xác sống thay vì tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy rằng các ngân hàng yếu kém thực sự đóng một vai trò trong sự trỗi dậy của cuộc Đại Khủng hoảng tài chính. Bằng cách ức chế tái cấu trúc doanh nghiệp, các thể chế phá sản được thiết kế kém cũng góp phần làm gia tăng lực lượng doanh nghiệp xác sống này.

Một yếu tố có liên quan nhưng ít được khám phá hơn là sự sụt giảm lãi suất kể từ những năm 1980. Mức lãi suất giảm dần sau mỗi chu kỳ có khả năng tiềm tàng làm giảm áp lực tài chính đối với các công ty xác sống. Như vậy, do lãi suất thấp, các doanh nghiệp xác sống không chịu áp lực mạnh mẽ phải tái cơ cấu để thoát khỏi tình trạng tài chính thiếu lành mạnh thậm chí ở mức đang phải phá sản của họ.

Thật vậy, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng các chính sách tiền tệ trong thập kỷ qua đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Lãi suất thấp trong lịch sử cùng với nới lỏng định lượng (QE) có thể đã giúp các nền kinh tế phát triển tránh bị sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng chúng cũng tạo ra bong bóng tín dụng ngày một lớn.

Emre Tiftik, Giám đốc Nghiên cứu Bền vững tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một hiệp hội toàn cầu của các tổ chức tài chính, nói với World Finance: “Môi trường lãi suất thấp là một trong những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng [trong công ty xác sống]. Tiếp cận dễ dàng với tín dụng giá rẻ với kỳ hạn dài hơn tiếp tục hỗ trợ nhiều công ty mà nếu không sẽ khó tồn tại”.

Chính sách tiền tệ nới lỏng cũng thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội rủi ro hơn, chẳng hạn như các công ty mắc nợ nhiều lại phát hành trái phiếu. “Lãi suất thấp tạo nền tảng cho các chính sách tài chính hung hăng hơn và hành vi 'rủi ro hơn' từ phía các tổ chức phát hành, cũng như bao dung hơn đối với những điều này như một cách để làm dịu cơn khát lợi tức của một phần các nhà đầu tư", Sudeep Kesh, Trưởng của Nghiên cứu Thị trường Tín dụng tại S&P Global Ratings, nói với World Finance.

Kết quả là một vòng luẩn quẩn của nợ tăng vọt - lãi suất thấp là cần thiết để duy trì tăng trưởng, dẫn đến số lượng các công ty xác sống ở châu Âu và Mỹ ngày càng tăng.

Các bước đi tới địa ngục: Ảnh hưởng của công ty xác sống lên nền kinh tế

Sự gia tăng của các công ty xác sống đã gây ra cái mà các nhà kinh tế học gọi là ‘hiệu ứng tắc nghẽn’. Bằng cách rút cạn các nguồn lực như vốn và nhân công, các công ty xác sống khiến các công ty lành mạnh, có khả năng tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế khó phát triển hơn. Hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng chúng bóp méo cạnh tranh, giảm năng suất và cản trở tăng trưởng, mặc dù một số người đặt câu hỏi liệu các công ty có năng suất cao hơn có thể thoát ra nếu các công ty xác sống ở các nền kinh tế kém năng động hơn, chẳng hạn như ở Nam Âu, bị buộc phải đóng cửa.

Sự gia tăng của các công ty xác sống phần nào giải thích tỷ lệ nợ doanh nghiệp ngày càng tăng trên toàn cầu. Trong quý II/2020, nợ doanh nghiệp của Mỹ không bao gồm khu vực tài chính ở mức 84% GDP, tăng từ 67% vào cuối quý II/2007; vượt qua con số được ghi nhận sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (theo Cục dự trữ liên bang). Năm 2020, theo báo cáo của BofA Global Research, nợ doanh nghiệp Mỹ đã lên tới 10.500 nghìn tỷ USD, cao gấp 30 lần so với nợ doanh nghiệp của 50 năm trước.

Theo dữ liệu mới nhất của IIF, bức tranh tương tự ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, nơi nợ doanh nghiệp phi tài chính ở mức 107,9% GDP trong quý III/2019, gần với mức cao nhất 112% đã chứng kiến ​​vào năm 2015.

Các công ty xác sống dường như ít đối mặt hơn với áp lực để giảm nợ và cắt giảm hoạt động. Và trái với những gì dự đoán, các công ty này không bị thay đổi nhiều trong cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính xảy ra vào đầu những năm 2000.

Các ước tính hồi quy cho thấy rằng, trước năm 2000, các công ty xác sống đã cắt giảm nợ với tỷ lệ chỉ dưới 2% tổng tài sản một năm so với các công ty không phải là công ty xác sống. Tuy nhiên, sau năm 2000, tốc độ xóa nợ trung bình (tương đối) của công ty xác sống đã chậm lại đáng kể. Tốc độ xóa nợ của các công ty xác sống sau năm 2009 còn chậm hơn nữa, nhưng nó không có ý nghĩa thống kê.

Khi quá trình xóa nợ chậm lại, công ty xác sống đã chiếm giữ nhiều tài nguyên hơn, cản trở việc phân bổ lại các nguồn lực kinh tế vốn hữu hạn vào các doanh nghiệp và khu vực hiệu quả hơn. Cụ thể, họ đã làm chậm đáng kể việc thanh lý tài sản của mình so với các công ty có lợi nhuận cao hơn. Áp lực giảm đối với công ty xác sống không phản ánh rằng công ty cải thiện tương đối về lợi nhuận. Không có sự gia tăng đáng kể nào trong thu nhập của công ty xác sống trước khi trả lãi và thuế (EBIT) trên tổng tài sản so với những những công ty không phải là công ty xác sống kể từ năm 2000 hoặc từ năm 2009.

Bằng cách rút cạn các nguồn lực như vốn và nhân công, các công ty xác sống khiến các công ty lành mạnh, có khả năng tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế khó phát triển hơn. (Getty Images)

Hội chứng Trung Quốc

Ở Trung Quốc, các công ty xác sống phải chịu một phần trách nhiệm về khoản nợ tăng vọt của đất nước này. Nợ của Trung Quốc lần đầu tiên tăng trên 300% GDP vào năm 2019. Theo Fitch Ratings, một số lượng kỷ lục các công ty tư nhân của Trung Quốc đã vỡ nợ vào năm 2019 - và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp diễn mạnh mẽ vào năm 2020.

Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ dựa vào xuất khẩu vào đầu những năm 1990, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị đóng cửa hoặc tư nhân hóa. Vào cuối những năm 2000, khi đất nước bắt đầu trở nên cạnh tranh trên thị trường thế giới bằng cách xây dựng quy mô kinh tế hiệu quả về chi phí, áp lực đó đã giảm bớt.

Đỉnh điểm xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi Trung Quốc tung ra chương trình kích cầu trị giá 600 tỷ USD để ngăn chặn tình trạng thiếu cầu đang ảnh hưởng đến Mỹ và châu Âu. Các ngân hàng của đất nước này đã buộc phải bơm vào hệ thống kinh tế bằng các khoản vay doanh nghiệp, nhiều khoản vay trong số đó được dành cho các DNNN thua lỗ.

Kết quả là bong bóng tín dụng, với nợ doanh nghiệp đạt 160% GDP vào năm 2018 - gấp đôi quy mô của nó so với năm 2008. Năm 2009, Deutsche Welle, một đài truyền hình quốc tế của Đức, ước tính rằng hơn 10.000 công ty xác sống đang hoạt động ở Trung Quốc, khoảng 20% trong đó nhận được tài trợ từ chính phủ trung ương.

Theo Dinny McMahon, một nhà báo và là tác giả của cuốn sách "Vạn lý trường thành nợ nần của Trung Quốc: Ngân hàng bóng tối, Thành phố ma, Khoản vay khổng lồ và Sự kết thúc của Phép màu Trung Quốc", sự khác biệt chính giữa các công ty xác sống phương Tây và Trung Quốc là cách mà Trung Quốc vẫn giữ cho các công ty này tồn tại: “Doanh nghiệp xác sống Trung Quốc được chính quyền địa phương nuôi sống, [chính quyền] cung cấp trợ cấp và dựa vào ngân hàng để cung cấp đủ tín dụng để đảm bảo chúng vẫn tồn tại. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được thúc đẩy để giữ cho xác sống sống sót, vì chúng vẫn có khả năng tạo ra doanh thu từ thuế, ngay cả khi chúng hoạt động thua lỗ".

Chính phủ Trung Quốc đang giải quyết vấn đề này thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm cả việc buộc phải sáp nhập. Theo McMahon, chương trình cải cách cơ cấu bên cung đã giúp giải quyết vấn đề bằng cách giảm tình trạng dư thừa công nghiệp. Ông nói với World Finance: “Chính phủ không muốn thấy các DNNN lớn sụp đổ và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo chúng tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền trung ương muốn làm điều đó càng rẻ càng tốt”.

Tháng 10/2019, chính quyền Trung Quốc thông báo họ đã xóa sổ hơn 95% các công ty xác sống, dự định loại bỏ phần còn lại vào cuối năm 2020. Một kế hoạch cải cách được đưa ra vào năm 2019 đã cấm các cơ quan chính phủ trung ương và chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính cho các công ty xác sống. Tuy nhiên, một số vết nứt đã bắt đầu xuất hiện trong hệ thống: vào năm 2016, Tập đoàn Kim loại màu Quảng Tây, một nhà sản xuất kim loại thuộc sở hữu nhà nước, trở thành nhà phát hành trái phiếu liên ngân hàng lớn đầu tiên của đất nước thông qua thanh lý không tự nguyện, với tổng số nợ lên tới 14,5 tỷ CNY (2,09 tỷ USD).

Nhưng tuyên bố của Trung Quốc rất đáng ngờ, nó không hề tương thích với nợ, các vụ vỡ nợ trái phiếu và phá sản ngân hàng nhỏ địa phương đang bùng nổ mạnh trong nền kinh tế này.

Bơm tín dụng: cung tín dụng TQ bùng nổ năm 2020 do tăng cho vay của NHTM quốc doanh, tăng phát hành trái phiếu từ chính quyền địa phương, và mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (đen: vay đồng nội tệ CNY, xanh nhạt: tín dụng ngầm, xanh đậm: TPCP, ghi: TPDN)

Ai là người cần phải sợ các doanh nghiệp xác sống?

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã biến nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi của Hoa Kỳ thành những kẻ thua lỗ chỉ có thể trụ vững chỉ vì nguồn tín dụng dồi dào, một phần phản ánh các chương trình cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang và Kho bạc.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng những công ty xác sống này sẽ rút cạn nguồn lực từ các bộ phận lành mạnh của nền kinh tế Mỹ, làm chậm sự phục hồi và kìm hãm tăng trưởng năng suất. Những nỗi sợ hãi này về cơ bản là sai lầm, theo Joseph E. Gagnon, tham mưu nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Xác sống là hệ quả của nền kinh tế yếu kém, xác sống không phải là nguyên nhân.

Các hành động về chính sách để tiêu diệt xác sống, bằng cách buộc họ đóng cửa vĩnh viễn, sa thải nhân viên và trả nợ cho các chủ nợ - có nguy cơ làm sâu sắc thêm cuộc suy thoái hiện tại, biến nó thành một tình trạng đình đốn.

Khi nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng và các lực thúc đẩy đưa nó trở lại tiềm năng không có hoặc yếu đi, chi phí để tiêu diệt các công ty xác sống là rất lớn. Giết một công ty xác sống sẽ ngay lập tức xóa sạch thu nhập mà người lao động phải chi cho hàng hóa và dịch vụ trong toàn bộ nền kinh tế. Sự sụt giảm chi tiêu này kéo GDP xuống dưới tiềm năng hơn 100% so với những gì công ty xác sống đã sử dụng để sản xuất thông qua hiệu ứng số nhân Keynes.

Lợi nhuận tiềm năng từ việc tiêu diệt công ty xác sống bắt nguồn từ không gian được tạo ra cho các đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn và những người mới tham gia để phát triển. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự gia tăng năng suất của ngành từ các cuộc tự do hóa thương mại lớn (dẫn đến việc gia nhập và rời bỏ bán buôn của các doanh nghiệp) là từ 10 đến 20%. Nếu các đối thủ cạnh tranh hiệu quả có thể tiếp quản toàn bộ doanh thu của một doanh nghiệp xác sống, thì thu nhập trên toàn nền kinh tế có thể tăng từ 10 đến 20% so với những gì doanh nghiệp xác sống đã sử dụng để sản xuất.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cần có thời gian khi các công ty lập kế hoạch thuê nhân công mới và lắp đặt vốn họ cần. Do đó, tiêu diệt một công ty xác sống khi nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng gây ra sự sụt giảm ngay lập tức trong GDP theo thứ tự 100% (hoặc hơn) sản lượng của xác sống, điều này chỉ được bù đắp dần bằng những cải thiện cuối cùng về năng suất, dù mức cải thiện chỉ là một phần nhỏ GDP bị mất.

Khi nền kinh tế hoạt động dưới mức tiềm năng, nhiều công ty hoạt động thua lỗ. Trong môi trường như vậy, các NHTW đặt lãi suất gần bằng 0, và các chủ nợ phải trả rất ít chi phí để giữ các công ty thua lỗ hoạt động với hy vọng có lãi mới khi nền kinh tế phục hồi. Không có gì sai với kết quả này. Thật vậy, ở một mức độ nào đó, đó là mục tiêu của chính sách tiền tệ trong thời kỳ suy thoái sâu. Với sự không chắc chắn xung quanh cấu trúc của nền kinh tế sau đại dịch, điều quan trọng hơn là giữ cho các công ty không có lợi nhuận tồn tại ngay bây giờ trong trường hợp nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của họ tăng trở lại sau này.

Cách đúng đắn để tiêu diệt công ty xác sống là thúc đẩy nền kinh tế vượt quá tiềm năng, tăng lương và lãi suất cao hơn mức công ty xác sống có thể chi trả. Trong môi trường này, những người lao động bị xác sống bỏ rơi sẽ nhanh chóng chuyển sang các công ty cạnh tranh hơn, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng cho tất cả mọi người.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Các bước đi tới ‘địa ngục’: Đội quân DN xác sống sinh ra bởi ‘quái vật nợ’ đã ‘quá lớn, quá nguy hiểm’ và thúc đẩy khủng hoảng tài chính kế tiếp