BRI không chỉ là cái ‘bẫy nợ’ toàn cầu mà còn đang ‘hút máu’ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh liệu có thể tiếp tục theo đuổi tham vọng thống trị toàn cầu khi mà năm 2020, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào các nước BRI thấp hơn 54% so với năm 2019; các khoản nợ xấu của Trung Quốc đã ở mức 1,5 nghìn tỷ USD; trong khi tổng nợ công ở mức 270% GDP, bao gồm nợ nước ngoài là 2,4 nghìn tỷ USD.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là trung tâm của chính sách kinh tế và đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình, và là một yếu tố quan trọng giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng bá chủ toàn cầu.

Hiện đã có 139 quốc gia trên thế giới ‘dấn thân’ vào các dự án con của Sáng kiến này gồm: Con đường tơ lụa kỹ thuật số, Con đường tơ lụa y tế, và Con đường tơ lụa trên biển

BRI (còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”) bao gồm một loạt các chương trình cơ sở hạ tầng được kết nối với nhau như đường giao thông, cảng biển, viễn thông, và ngân hàng. Mô hình căn bản là các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển vay tiền, và sử dụng số tiền ấy để trả cho các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia này.

Các thành viên BRI được Trung Quốc hứa hẹn rằng: BRI sẽ làm tăng GDP quốc gia nhiều hơn số tiền cần thiết để quốc gia ấy trả nợ. Nhưng cho đến nay, phần lớn các dự án BRI đã thất bại trong việc giúp các quốc gia trở nên giàu có. Trên thực tế, nợ BRI đang đè nặng lên nền kinh tế của một số quốc gia nghèo nhất thế giới. 23% trong tổng số các thành viên BRI cho hay: Số nợ BRI khổng lồ đã đẩy khối nợ nước ngoài của họ lên mức không bền vững.

BRI cố gắng liên kết 100 nền kinh tế và 6 hành lang kinh tế :

    • Đường cao tốc nối liền Á - Âu mới: Một tuyến đường sắt xuyên Kazakhstan, Nga, Belarus, và Ba Lan.
    • Hành lang kinh tế Trung Quốc - Mông Cổ - Nga: Bao gồm các tuyến đường sắt và đường trên thảo nguyên, kết nối với tuyến cao tốc Á - Âu.
    • Hành lang kinh tế Trung Quốc - Trung Á - Tây Á: Kết nối Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ.
    • Hành lang kinh tế Trung Quốc - bán đảo Đông Dương: Bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, và Malaysia.
    • Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC): Trải dài từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đến cảng Gwadar ở Pakistan.
    • Hành lang kinh tế Trung Quốc - Bangladesh - Ấn Độ - Myanmar.
Cảng Sihanoukville ở Campuchia - một phần của BRI. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)
Cảng Sihanoukville ở Campuchia - một phần của BRI. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)

Trên thực tế, vào thời điểm trước đại dịch, BRI đã không còn mấy sức hút do ngày càng có nhiều những chỉ trích về tính không bền vững của các dự án đã và đang hoàn thiện, trong khi các dự án mới bị giảm mức đầu tư. Các quốc gia thành viên trở nên chán nản bởi lẽ hầu hết các dự án BRI không có khả năng tạo ra đủ mức tăng GDP để trang trải các khoản nợ. Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) là một ví dụ điển hình. Đã 7 năm trôi qua kể từ khi được khởi động, dự án này mới chỉ hoàn thành chưa đầy 1/3. Cho đến nay, CPEC vẫn ‘vô dụng’ trong việc giúp Pakistan tăng trưởng GDP để trả lãi vay từ Trung Quốc.

Giờ đây, khi COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, thì khả năng sinh lời của ngay cả những dự án BRI tốt nhất cũng còn rất lờ mờ. Các quốc gia thành viên có thể sẽ dừng các dự án này; hoặc đợi cho đến khi kinh tế hoàn toàn phục hồi mới khởi động lại, và quá trình này sẽ mất đến nhiều năm.

Ngân hàng trung ương của 2/3 tổng số các quốc gia BRI cho biết, đại dịch đã tác động tiêu cực đến tiến độ của các dự án BRI. Các quốc gia khác nhau đã thực hiện các biện pháp phong tỏa khác nhau, với thời lượng và cường độ khác nhau. Điều này khiến cho việc lập kế hoạch trở nên bất khả thi, và khiến chuỗi cung ứng thường xuyên bị gián đoạn một cách không thể lường trước.

Cho đến nay, Trung Quốc đã cho các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á, và châu Mỹ Latinh vay hơn 500 tỷ USD để phát triển các dự án BRI. Trung Quốc và Nhóm 20 quốc gia khác đã gia hạn việc tạm hoãn nợ cho những quốc gia nghèo nhất với tổng số tiền vay trả chậm lên đến khoảng 16,5 tỷ USD. Trong đại dịch, những quốc gia này đã ban hành các biện pháp kích thích kinh tế, từ đó làm tăng nợ quốc gia cũng như tăng nguy cơ vỡ nợ. Nếu các quốc gia này không thể trả các khoản vay BRI thì các khoản nợ xấu của Trung Quốc, vốn đã ở mức kỷ lục, sẽ tăng lên đáng kể.

Đại dịch cũng thúc đẩy xu hướng hủy bỏ dự án BRI. Năm 2018, Malaysia đã hủy bỏ Dự án Kết nối Đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) và hai đường ống dẫn khí - đường ống dẫn Đa sản phẩm (MPP) và đường ống dẫn xuyên Sabah (TSGP). Năm 2019, Pakistan đã cho dừng dự án nhà máy điện than trị giá 2 tỷ USD, đồng thời giảm các khoản vay cho việc xây dựng một tuyến đường sắt xuống còn 2 tỷ USD. Trong khi đó, Myanmar đã cắt giảm quy mô cảng nước sâu Kyauk Pyu xuống còn 6 tỷ USD. Sierra Leone cũng đã hủy bỏ một sân bay BRI trị giá 400 triệu USD.

Một nguyên nhân khác khiến các dự án BRI khó có thể hoàn thiện đó là nhiều hợp đồng có các điều khoản bất khả kháng. Những điều khoản này có thể bảo vệ các nhà thầu hoặc bảo vệ bên vay nợ. Rủi ro gia tăng trong việc thu hồi nợ xảy ra vào đúng thời điểm Trung Quốc vẫn đang cố gắng phục hồi kinh tế sau các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, trong đó có việc dừng hoạt động các nhà máy và cụm cảng. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khiến việc sản xuất và phục hồi trở nên khó khăn hơn.

Cảng Gwadar, một phần chính của BRI ở Pakistan, hôm 04/10/2017. (Ảnh: Amelie Herenstein/AFP/Getty Images)
Cảng Gwadar - một phần chính của BRI ở Pakistan, hôm 04/10/2017. (Ảnh: Amelie Herenstein/AFP/Getty Images)

Tính đến nay, Trung Quốc đã cho hơn 150 quốc gia vay 520 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng số vay nợ của các ngân hàng Trung Quốc cho các nước đang phát triển. Trước đại dịch, 23 quốc gia BRI đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều quốc gia BRI dự kiến xin xóa nợ hoặc tái cấu trúc nợ do hậu quả của đại dịch.

ĐCSTQ ước tính rằng 20% các dự án BRI đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19. Các đợt phong tỏa bởi đại dịch đã làm tăng thêm xu hướng giảm đầu tư ra nước ngoài và làm chậm các dự án BRI. Tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài hàng năm của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 49,3% vào năm 2016, và đã giảm kể từ đó. Con số này giảm 23% vào năm 2017, giảm thêm 13,6% vào năm 2018, và duy trì như vậy vào năm 2019.

Đến năm 2020, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào các nước BRI thấp hơn 54% so với năm 2019. Các khoản nợ xấu của Trung Quốc đã ở mức 1,5 nghìn tỷ USD, trong khi tổng nợ công ở mức 270% GDP, bao gồm nợ nước ngoài là 2,4 nghìn tỷ USD.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các chiến dịch phong tỏa khiến nền kinh tế nước này suy sụp. Chỉ tính riêng đầu năm 2020, hơn 240.000 doanh nghiệp Trung Quốc đã tuyên bố phá sản. Do đó, ĐCSTQ đang tập trung rất nhiều vào việc phục hồi nền kinh tế trong nước đến mức họ có thể không đủ nguồn lực cũng như động lực để quay trở lại các dự án BRI.

Nếu như vào năm 2013, ông Tập Cận Bình và rất nhiều nước trên thế giới tin vào một trật tự thế giới mới do ĐCSTQ lãnh đạo thì hiện nay, việc hoàn thành Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường dường như là bất khả thi. Tham vọng của ĐCSTQ trong việc thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới đã bị vấp phải một bước lùi nghiêm trọng.

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio hiện đang là Giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm "Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc)" và "A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc)”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

BRI không chỉ là cái ‘bẫy nợ’ toàn cầu mà còn đang ‘hút máu’ Trung Quốc