Fed công bố kế hoạch bơm tiền không giới hạn và có hiệu lực vĩnh viễn dành cho Phố Wall

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cơ chế cung tiền thường trực, khối lượng khủng cho Phố Wall thông qua cho vay ngắn hạn có tài sản đảm bảo là chứng khoán (cách mô tả đơn giản về repo) đã được Cục dự trữ liên bang nhiệt tình đáp ứng. Fed sẽ cung cấp lượng tiền (qua repo) lên tới 500 tỷ USD mỗi ngày và không giới hạn nếu Phố Wall cần thêm. Chính sách này có hiệu lực vĩnh viễn.

Theo nguồn tin từ Wall Street on Parade, ngày 28/07, một nhóm công tác của G30 do ông Tim Geithner, cựu Chủ tịch Fed New York chủ trì. Ông Geithner là người đã bí mật chi 29 nghìn tỷ USD [theo cách đầy tranh cãi] để cứu các ngân hàng Phố Wall khỏi sụp đổ vào năm 2008. Ông cũng là người đã công bố một báo cáo kêu gọi Fed thiết lập cơ chế mua lại (repo) thường trực cho “nhiều đối tượng tham gia thị trường khác nhau….”

Dòng tiền cứu trợ khổng lồ không giới hạn

Liền sau đó, Fed đưa ra một thông cáo báo chí cho biết họ sẽ ngay lập tức chấp nhận đề xuất này và sẽ tiến hành bơm tiền theo hình thức repo hàng ngày. Fed có thể thực hiện các nghiệp vụ mua lại qua đêm mỗi ngày với tổng giá trị lên đến 500 tỷ USD với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.

Nếu nhu cầu của các định chế vượt quá 500 tỷ USD thì Chủ tịch Fed Jerome Powell có toàn quyền quyết định mức tăng thêm.

Các hoạt động bơm tiền repo như vậy sẽ được tiến hành bởi Bộ phận Thị trường Mở của Fed New York. Giải thích cho điều này, trang Wall Street on Parade nhận định rằng điều này có nghĩa là danh tính của các ngân hàng nhận được các khoản vay sẽ không bao giờ được tiết lộ, trừ khi một đế chế truyền thông hùng mạnh nào đó dám đứng lên ủng hộ dân chủ, minh bạch và không ngại đưa Fed ra tòa.

Cơ chế bơm tiền bằng cam kết mua lại cổ phiếu, một thuật ngữ tài chính gọi là repo, thực chất là việc Fed cho các định chế vay ngắn hạn với tài sản đảm bảo là cổ phiếu mà các định chế này đang nắm giữ. Việc này sẽ giúp các định chế có thanh khoản dồi dào. Quan trọng hơn, một đồng tiền mặt nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại thì sẽ tạo ra 5 - 6 đồng tiền ảo khác. Điều này hoàn toàn là do tính chất tự tạo tiền của bất kỳ hệ thống ngân hàng hiện đại nào mà thôi.

Như vậy, chúng ta có quyền hình dung, 500 tỷ USD mỗi ngày từ chứng khoán (không tạo ra tiền được) trở thành tiền mặt, có thể nhân lên 5 - 6 lần trong hệ thống. Về lý thuyết, khi có thêm số tiền mặt 500 tỷ USD, các định chế tài chính có thể cho vay ra tới 2,500 - 3,000 tỷ USD.

Một dòng tiền khổng lồ sẽ tràn ngập thị trường chứng khoán (TTCK) và các thị trường tài sản khác của Mỹ. Không khó để hình dung, TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá nhà đất ở Mỹ (vốn đang được gom bởi các định chế tài chính cực lớn như Blackrock) sẽ tiếp tục bùng nổ. Nhưng lớn đến mức nào và bao giờ bong bóng này nổ thì chưa chuyên gia nào dám nói cụ thể, tất cả chỉ có thể chắc chắn về sự đổ vỡ mà thôi.

Tòa nhà Marriner S. Eccles, trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington, D.C. (Ảnh: Wikipedia)
Tòa nhà Marriner S. Eccles, trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington, D.C. (Ảnh: Wikipedia)

Ai đề xuất chính sách này và ai hưởng lợi?

Nhóm công tác của G30 kể trên không chỉ có ông Geithner mà còn gồm cả Larry Summers và Bill Dudley. Ông Larry Summers là người đã giúp bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall để các siêu ngân hàng ở Phố Wall có thể nắm giữ hàng nghìn tỷ USD từ các chứng khoán phái sinh đầy rủi ro, cũng như hàng nghìn tỷ USD tiền gửi của các doanh nghiệp quy mô nhỏ hay công ty gia đình.

Không giống như Ủy ban dự trữ liên bang, Fed New York không phải là một cơ quan liên bang. Nó thuộc sở hữu tư nhân của các ngân hàng lớn trên Phố Wall. Chính những ngân hàng này mới sở hữu và đề ra các chính sách tài chính của Fed New York.

Để có vẻ ngoài rằng đây không chỉ là một gói cứu trợ dành riêng cho các đại lý giao dịch của các ngân hàng lớn trên Phố Wall, Fed đã thông báo rằng cơ chế cứu trợ bằng repo sẽ được mở rộng cho các tổ chức tài chính khác. Fed New York đã nói rõ điều đó như sau:

“Các đại lý chính (đại lý cấp 1) sẽ tiếp tục là đối tác của các hoạt động mua lại của cơ chế cứu trợ bằng repo. Các đối tác của cơ chế này sẽ được mở rộng đến các tổ chức lưu ký. Các tiêu chí ban đầu được thiết lập là để quản lý một cách hiệu quả việc tham gia của các tổ chức lưu ký. Các tiêu chí này cho phép các tổ chức lưu ký có nắm giữ trái phiếu kho bạc, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp lớn hơn 5 tỷ USD được tham gia kể từ ngày 30/06/2021; hoặc có tổng tài sản lớn hơn 30 tỷ USD được tham gia từ ngày 1/10/2021. Tất cả các đối tác phải có khả năng giao dịch trên nền tảng giao dịch ba bên. Về sau, các tiêu chí này sẽ được điều chỉnh, mở ra con đường rộng hơn, phù hợp với cam kết của Fed New York trong việc đảm bảo các chính sách thuận lợi dành cho các đối tác, nhằm thúc đẩy một thị trường cạnh tranh và công bằng."

Fed cũng thông báo rằng họ đang thiết lập cơ chế mua lại thường trực cho các cơ quan quản lý tiền tệ nước ngoài và quốc tế (FIMA). Fed New York giải thích FIMA như sau:

“Theo cơ chế mua lại FIMA, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) chỉ đạo Bộ phận Thị trường Mở của Fed New York thực hiện các nghiệp vụ mua lại qua đêm với lãi suất 0,25% đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài và các tài khoản quốc tế có các chứng khoán kho bạc hiện được lưu giữ tại Fed New York. Giới hạn cho mỗi bên đối tác là 60 tỷ USD. Các đối tác đủ điều kiện là các tổ chức chính thức ở nước ngoài có tài khoản lưu ký tại Fed New York đã được Tiểu ban ngoại tệ của FOMC phê duyệt.”

Dường như Fed đang nhận thấy các dấu hiệu cấp thiết buộc phải sớm thực thi việc xây dựng các cơ chế bơm tiền bằng repo thường trực này. Quyết định của Fed có hiệu lực từ ngày 29/07/2021.

Chi Anh

Theo Wall Street on Parade



BÀI CHỌN LỌC

Fed công bố kế hoạch bơm tiền không giới hạn và có hiệu lực vĩnh viễn dành cho Phố Wall