Bộ trưởng Thương Mại Anh: Cần phải cải tổ WTO để đối đầu trực diện với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc là quốc gia duy nhất lợi dụng được WTO để thành công trong công nghiệp hóa vì Trung Quốc hứa mà không làm, ký kết mà không thực thi bất kỳ một điều khoản nào. Điều đáng ngạc nhiên là WTO có quyền trừng phạt thương mại với các quốc gia không tuân thủ cam kết nhưng lại chưa bao giờ trừng phạt Trung Quốc theo đúng khuôn khổ pháp lý mà WTO đã đề ra.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss vừa chủ trì cuộc họp với những người đồng cấp trong G7 và lãnh đạo mới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo Iweala vào ngày 31 tháng 3 vừa qua. Vương quốc Anh hiện là chủ tịch luân phiên của Khối các quốc gia công nghiệp phát triển G7, bao gồm các nền kinh tế lớn hơn của Châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản. Bà cảnh báo rằng phương Tây phải “giành chiến thắng trong cuộc chiến giành lấy linh hồn của thương mại toàn cầu” bằng cách cải tổ WTO sao cho phù hợp để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng.

Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, bà nói: “WTO được thành lập khi Trung Quốc có quy mô 10% so với nền kinh tế Mỹ. “Thật nực cười khi nước này vẫn tự cho mình là một quốc gia đang phát triển - điều này cần phải thay đổi.

Các quy tắc của WTO đã lỗi thời và không còn phù hợp với thế giới hiện đại

“Đây là thời điểm để cứng rắn với Trung Quốc và hành vi của họ trong hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời hiện đại hóa WTO. Vì nhiều lý do khác nhau, nó đã bị mắc kẹt trong những năm 1990". “Chúng tôi đã bị kìm hãm bởi một loạt các quy tắc không còn phù hợp với thế giới hiện đại”.

Đồng thời, bà Truss cũng đề nghị thắt chặt các điều khoản nhân quyền trong các hiệp định thương mại, mặc dù chính phủ của bà gần đây đã chặn các nghị sĩ Anh chèn "điều khoản diệt chủng" trong các giao dịch thương mại của Vương quốc Anh. Bà nói: "Mọi người không thể tin tưởng vào thương mại tự do nếu không có sự công bằng. Niềm tin của công chúng đã bị hao mòn vì các hoạt động xấu, từ việc sử dụng lao động cưỡng bức đến suy thoái môi trường và đánh cắp tài sản trí tuệ". “Thật là nực cười khi một số quốc gia có thể trốn tránh các quy tắc thị trường bằng cách tuyên bố là các quốc gia đang phát triển trong khi họ không phải là quốc gia đang phát triển”.

Bà nói thêm rằng nếu không có hành động, thương mại quốc tế có nguy cơ "phân mảnh dưới sự chuyên chế của kẻ lớn nhất ... trong đó những người chơi lớn cảm thấy họ phải đặt ra các quy tắc", với một tương lai "người chiến thắng là tất cả" để lại hàng triệu người trên khắp thế giới trong tình cảnh bi thảm.

Mặc dù bà Truss không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc trong tuyên bố của mình, nhưng tất cả khía cạnh bà đề cập đến đều là những vấn đề trước đây Anh từng nêu ra với Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ, làm suy thoái môi trường hay buôn bán hàng hóa do lực lượng lao động bị cưỡng bức làm ra.

Vương quốc Anh hiện đang dẫn đầu các lời kêu gọi cải tổ WTO. Cùng với Thủ tướng Anh Boris Johnson, bà Truss quyết tâm sử dụng nền độc lập mới giành được của Anh để đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại tự do.

Để chống lại mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc, bà Truss cũng đang xem xét các đề xuất mà Joe Biden đưa ra cho các nền dân chủ phương Tây nhằm thiết lập động lực đầu tư toàn cầu để cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đây là kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh liên quan đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển, từ đó mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Các chuyên gia thương mại cho biết bài phát biểu của bà Truss mang tính hô hào hơn là thực chất.

Ông David Henig, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu cho biết: “Bài phát biểu đó chỉ lặp lại một chút những gì người Mỹ và một số người khác đã nói”. “Tôi không nghĩ rằng có một lập trường đặc biệt của Vương quốc Anh trong WTO. Nó chỉ muốn thể hiện mình là một công ty toàn cầu hàng đầu sau sự kiện Brexit”.

Bất kỳ cải cách nào cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa EU và Mỹ nhưng Henig cho biết WTO đã không thể tạo điều kiện cho một thỏa thuận thương mại đáng kể giữa các cường quốc kể từ khi thành lập.

Nhiều quốc gia thích tạo ra các hiệp định thương mại đa phương của riêng mình. Vương quốc Anh, trong vai trò xoay trục sang châu Á hậu Brexit, đã đăng ký tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước bao gồm Canada, Úc và Nhật Bản tham gia ký kết.

WTO và Trung Quốc có truyền thống lợi dụng lẫn nhau

Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Việc tiếp cận cơ quan giám sát thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã được Nick Clegg, cựu phó thủ tướng Vương quốc Anh, tạo điều kiện thuận lợi khi ông làm quan chức thương mại cho Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels.

Hình ảnh của trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được chụp vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh của Robert Hradil/Getty Images)
Nhờ lờ đi mọi cam kết với WTO, Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất công nghiệp hóa thành công sau khi gia nhập tổ chức này. (Ảnh của Robert Hradil/Getty Images)

Tư cách thành viên của cơ quan có trụ sở tại Geneva này đã giúp đưa nền kinh tế Trung Quốc lên vị trí hiện tại - nước này dự kiến ​​sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới có lẽ sớm nhất là vào năm 2032.

WTO và Trung Quốc có truyền thống lợi dụng lẫn nhau. Nhà kinh tế học Mỹ đạt giải Nobel Joseph Stiglitz, trong cuốn sách “Fair trade for all. How trade can promote development” [2005] và “Making globalization work” [2006] đã vạch trần mặt trái của WTO: nếu các nước đang phát triển tham gia vào sân chơi WTO thì khả năng thua cuộc sẽ rất lớn bởi “lợi bất cập hại”, đặc biệt khi nền kinh tế đó không được quản trị bằng “một khung định chế quốc tế dân chủ”. Khi đó, thứ mà WTO mang lại là công nghệ cũ dịch chuyển từ các nước phát triển sang các quốc gia chưa phát triển, là tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, là môi trường bị hủy hoại và một thị trường tiêu dùng mở toang cho các nền kinh tế lớn trong WTO.

Tất cả các các nền kinh tế đang phát triển kể từ khi gia nhập WTO thì không một nền kinh tế nào thành công trong công nghiệp hóa. Mọi nền kinh tế công nghiệp hóa đều thành công trước khi tham gia vào WTO. Bởi vì khi gia nhập WTO, hàng loạt các cam kết mở cửa thị trường, không có chính sách bảo hộ, tự do tài chính... Điều này đồng nghĩa các điều kiện để thành công trong công nghiệp hóa nêu trên hoàn toàn bị xóa bỏ.

Nhưng Trung Quốc thì khác hẳn, Trung Quốc là quốc gia duy nhất lợi dụng được WTO để thành công trong công nghiệp hóa vì Trung Quốc hứa mà không làm, ký kết mà không thực thi bất kỳ một điều khoản nào. Điều đáng ngạc nhiên là WTO có quyền trừng phạt thương mại với các quốc gia không tuân thủ cam kết nhưng lại chưa bao giờ trừng phạt Trung Quốc theo đúng khuôn khổ pháp lý mà WTO đã đề ra.

Bằng việc vi phạm các cam kết này, Trung Quốc đã bảo hộ doanh nghiệp nhà nước của mình tại thị trường trong nước khiến hàng hóa của nước ngoài khó có thể cạnh tranh trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hưởng vô số ưu đãi, từ tiếp cận tài chính, tài nguyên, công nghệ cưỡng chế và ăn cắp từ các doanh nghiệp FDI... cho tới nguồn vốn dồi dào từ thị trường tài chính quốc tế chảy vào Trung Quốc trong gần 2 thập kỷ qua.

Ngozi Okonjo-Iweala, tân tổng giám đốc của WTO, là cựu bộ trưởng tài chính và ngoại trưởng Nigeria. Bắc Kinh đã rất ủng hộ bà này lên nắm quyền.

Trung Quốc đã nhiều lần phải đối mặt với những lời chỉ trích về chính sách công nghiệp của mình và sự xâm lấn thị trường toàn cầu với các mặt hàng giá rẻ chất lượng thấp, đồng thời nước này còn bị cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ hàng loạt; và báo cáo các vụ vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc chống lại dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp tín ngưỡng và mổ cướp nội tạng người tu luyện Pháp Luân Công.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ ngày càng thúc đẩy hình thức ngoại giao “chiến lang sói” hung hăng, trong nỗ lực chống lại sự chỉ trích của quốc tế đối với chế độ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố vào ngày 27/3 về các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, Tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch của Anh cho biết: “Trong khi Mỹ, Anh, Canada và EU đã trừng phạt những người vi phạm nhân quyền, chính phủ Trung Quốc đã chọn trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền, các ủy ban và các nhà lập pháp được bầu hàng đầu trên toàn thế giới".

“Tất cả sự giả vờ vô tội [của Bắc Kinh] giờ đã biến mất và những chiến lang sói đang cắn lại, thế giới phải thống nhất để ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, người Hong Kong và những người khác đang đối mặt với sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc”.

Ngọc Minh - Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Thương Mại Anh: Cần phải cải tổ WTO để đối đầu trực diện với Trung Quốc