Bộ Tài chính Mỹ bị chỉ trích vì cố gắng ‘hạ nhiệt’ lệnh cấm của TT Trump đối với công ty Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc xung đột trong chính quyền Trump đã được đưa ra ánh sáng, liên quan đến cách thực hiện lệnh hành pháp mới của tổng thống - về việc bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ khỏi “trò bẩn” của các công ty Trung Quốc; trong khi Bộ Tài chính Mỹ lại cố gắng ‘hạ nhiệt’ lệnh cấm của ông Trump.

Vào ngày 17/12, Financial Times báo cáo rằng Bộ Tài chính Mỹ đã cố gắng “hạ nhiệt” sắc lệnh của Tổng thống Trump - nhằm cấm các nhà đầu tư Hoa Kỳ rót vốn vào các công ty có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo báo cáo, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đã phản đối dữ dội đối với nỗ lực “làm dịu lệnh cấm” của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Ông Mnuchin đã phản hồi bằng tweet vào ngày 18/12 rằng: “Không có bất đồng nào giữa Ngoại trưởng Pompeo và tôi về việc thực hiện Lệnh hành pháp của Tổng thống. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ trên cơ sở liên ngành”.

Vài phút sau dòng tweet của ông Mnuchin, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng phủ nhận các báo cáo cáo buộc có xung đột giữa ông và Bộ trưởng Tài chính.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là làm việc để giải quyết cơ chế liên ngành của một lệnh hành pháp quan trọng”, ông viết trên Twitter.

Bất đồng lớn về phạm vi của lệnh cấm

Vào ngày 12/11, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty quân sự Trung Quốc. Lệnh này được đưa ra trước những lo ngại ngày càng tăng về các khoản đầu tư của các quỹ hưu trí Mỹ vào các công ty có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Lệnh này nhắm vào chiến lược hiếu chiến của Bắc Kinh được gọi là "Sự kết hợp quân sự-dân sự", nhằm sử dụng các công ty Trung Quốc để củng cố PLA.

Cho đến nay, Lầu Năm Góc đã chỉ định 35 công ty thuộc “sở hữu hoặc kiểm soát” của PLA. Nhiều công ty trong số này được giao dịch công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán trên khắp thế giới, và các nhà đầu tư Mỹ đã đổ hàng tỷ USD vào cổ phiếu của các công ty này.

Danh sách đen của Lầu Năm Góc bao gồm hai gã khổng lồ viễn thông lớn nhất Trung Quốc là China Mobile và China Telecom, cũng như nhà sản xuất thiết bị giám sát Hangzhou Hikvision.

Bộ Tài Chính đang trong quá trình chuẩn bị các hướng dẫn về cách thực hiện các quy định mới, nhưng họ phải tham khảo ý kiến ​​của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Tình báo Quốc gia, theo lệnh hành pháp.

Bộ Tài chính muốn giới hạn lệnh cấm - chỉ áp dụng đối với 35 công ty (đã bị Lầu Năm Góc đưa vào danh sách đen), trong khi Bộ Quốc phòng và chính quyền Trump muốn mở rộng danh sách để bao gồm cả các công ty con và chi nhánh của các công ty quân sự này, theo The Wall Street Journal đưa tin vào ngày 17 tháng 12. Hai phía có bất đồng lớn đối với phạm vi của lệnh cấm.

Công ty con là doanh nghiệp mà công ty mẹ nắm giữ đa số cổ phần (từ 50% cổ phần trở lên) và công ty liên kết là công ty trong đó công ty khác nắm giữ cổ phần thiểu số (dưới 50% cổ phần).

Chính quyền Trump đã sử dụng một loạt công cụ - bao gồm các biện pháp trừng phạt, danh sách đen thương mại và lệnh cấm nhập khẩu - để gây áp lực với Bắc Kinh và nhiều công ty hàng đầu của nước này. (Ảnh của OLIVIER DOULIERY / AFP qua Getty Images)
Chính quyền Trump đã sử dụng một loạt công cụ - bao gồm các biện pháp trừng phạt, danh sách đen thương mại và lệnh cấm nhập khẩu - để gây áp lực với Bắc Kinh và nhiều công ty hàng đầu của nước này. (Ảnh của OLIVIER DOULIERY / AFP qua Getty Images)

Hơn 140 công ty Trung Quốc nằm trong ‘tầm ngắm’

Vào ngày 5 tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phát hành một tờ thông tin có tiêu đề “Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang tài trợ cho các công ty độc hại của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa trên các chỉ số chứng khoán chính” - đề cập đến ít nhất 24 trong số 35 công ty quân đội Trung Quốc đang công khai, hoặc có các công ty con hoặc chi nhánh được giao dịch công khai trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ.

Một nghiên cứu khác của RWR Advisory, một công ty tư vấn rủi ro và nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho thấy hơn 140 công ty Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng - nếu tất cả các công ty con và chi nhánh đại chúng của họ bị đưa vào danh sách cấm theo yêu cầu của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao. Cổ phiếu của nhiều công ty này đã có trong chỉ số chứng khoán MSCI hoặc FTSE.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã vận động các nhà cung cấp chỉ số toàn cầu tăng tỷ trọng cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong các tiêu chuẩn hoặc danh mục đầu tư của họ. Ví dụ, một nhà cung cấp chỉ số thống trị, MSCI, năm ngoái đã nâng tỷ trọng đáng kể của cổ phiếu Trung Quốc trên thị trường mới nổi và các chỉ số khác, dẫn đến việc các nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD vào các công ty Trung Quốc.

Chứng khoán của nhiều công ty Trung Quốc được đưa vào các quỹ giao dịch hối đoái (ETF) và các quỹ đầu tư thụ động khác - được chuẩn hóa dựa trên các chỉ số chính này.

Theo một quan điểm thỏa hiệp, Bộ Tài chính có thể đề nghị mở rộng danh sách cấm - chỉ bao gồm các công ty con. Nhưng đây có thể không phải là một giải pháp tốt, vì các công ty Trung Quốc có thể giảm tỷ lệ nắm giữ tại các công ty con xuống dưới 50% để lách lệnh cấm.

Một tranh chấp khác là về việc liệu “các quỹ theo dõi chỉ số được quản lý thụ động” có nên nằm ngoài phạm vi của lệnh điều hành hay không. Nguồn tin nội bộ cho rằng Bộ Tài chính nhất quyết loại trừ ETF khỏi phạm vi của lệnh cấm - vì cho rằng tỷ trọng của chứng khoán Trung Quốc quá nhỏ trong các chỉ số tổng hợp và do đó không gây rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư Mỹ.

Nếu đề xuất của Bộ Tài Chính được thực hiện, các nhà quản lý quỹ hàng đầu như BlackRock và Vanguard sẽ không bị buộc phải thoái vốn các công ty nằm trong danh sách đen.

Nói một cách tương đối, những khoản đầu tư này chiếm một phần nhỏ trong quỹ, lương hưu và các công ty bảo hiểm của Hoa Kỳ. Ví dụ, BlackRock có 7,5 nghìn tỷ USD tài sản đang được quản lý; nhưng sở hữu 2,4 tỷ USD cổ phiếu trong 16 công ty quân sự Trung Quốc, tính đến ngày 20 tháng 11. Số tiền đó chỉ chiếm 0,03% các khoản đầu tư vào quỹ của BlackRock.

Nhưng trên thực tế, hàng tỷ USD Mỹ đang chảy vào các công ty này và gián tiếp tài trợ cho chế độ Trung Quốc.

Phố Wall & Bắc Kinh

Có sự bất đồng trong chính quyền Trump về cách đối phó với các công ty Trung Quốc - vốn đang lợi dụng thị trường vốn của Mỹ. Bộ Tài chính lo ngại rằng các biện pháp cứng rắn hơn đối với chứng khoán Trung Quốc sẽ gây xáo trộn cho cả thị trường tài chính Hoa Kỳ và toàn cầu.

Trong khi đó, ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách an ninh quốc gia và những người ủng hộ nhân quyền tin rằng các nhà đầu tư trung bình của Mỹ không nên tài trợ cho các công ty ủng hộ chế độ toàn trị ở Trung Quốc.

Phố Wall đang ở trong guồng quay đó vì tiền, và họ không nhận ra hoặc không quan tâm rằng họ đang bán rẻ Hoa Kỳ. Thương mại đã làm suy yếu tinh thần yêu nước của họ. (Ảnh: Getty Images)
Phố Wall đang ở trong guồng quay đó vì tiền, và họ không nhận ra hoặc không quan tâm rằng họ đang bán rẻ Hoa Kỳ. Thương mại đã làm suy yếu tinh thần yêu nước của họ. (Ảnh: Getty Images)

“Hai bên được xác định khá rõ ràng: Phố Wall và Bắc Kinh so với các cộng đồng an ninh và nhân quyền của Mỹ”, Roger W. Robinson, cựu chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc, cũng từng là quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, cho biết

Ông Robinson cho rằng lần này ông Mnuchin và những người ủng hộ ông trên Phố Wall dường như đã đi quá xa, khi công khai tìm cách trốn tránh Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống - được thiết kế để chấm dứt hành vi tài trợ quân sự này cho Trung Quốc.

Đã đến lúc Bộ Tài chính tuân theo sự chỉ đạo của Tổng thống và bảo vệ người dân Mỹ

Lệnh hành pháp nghiêm cấm đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu của các công ty quân sự này bắt đầu từ ngày 11 tháng 1 năm 2021. Nếu các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã mua chứng khoán tại các công ty này, họ có chưa đầy một năm, cho đến tháng 11 năm 2021, để rút lại các khoản đầu tư của mình, theo lệnh hành pháp của tổng thống.

Theo lệnh điều hành của Tổng thống Trump, FTSE Russell ngày 4/12 thông báo sẽ giảm cổ phần của 8 công ty Trung Quốc, trong đó có Hangzhou Hikvision. Cổ phiếu các công ty này sẽ bị xóa khỏi chỉ số cổ phần toàn cầu - có hiệu lực từ ngày 21 tháng 12. Động thái này có nghĩa là các quỹ theo dõi chỉ số sẽ phải bán những cổ phiếu đó.

MSCI đã công bố một bước tương tự vào ngày 16 tháng 12, nói rằng họ sẽ loại bỏ 7 công ty quân sự Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC, khỏi chỉ số vốn chủ sở hữu vào ngày 5 tháng 1.

Christopher Iacovella - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ (ASA) - một tổ chức đại diện cho các công ty dịch vụ tài chính nhỏ và khu vực, cho biết: “Sắc lệnh hành pháp này ưu tiên đúng mức cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta; đã đến lúc Bộ Tài chính cần tuân theo sự chỉ đạo của Tổng thống và bảo vệ người dân Mỹ”.

Thanh Vân
The The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Tài chính Mỹ bị chỉ trích vì cố gắng ‘hạ nhiệt’ lệnh cấm của TT Trump đối với công ty Trung Quốc