Hà Nội và Chỉ thị 16

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như vậy, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 sau một thời gian áp dụng các biện pháp gần như tương tự. 

Tối muộn ngày 23/7 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ra chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Nghe tin thủ đô áp dụng Chỉ thị 16, nhiều người vội vàng ‘tháo chạy’ ngay trong đêm

Theo Tuổi trẻ, đêm muộn ngày 23 rạng sáng 24/7, tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào thủ đô, có rất đông người dân đã tranh thủ "khăn gói" về quê hoặc trở lại thành phố trước khi Hà Nội áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch theo chỉ thị 16.

Vào thời điểm 2h sáng 24-7, tại quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), có rất đông xe máy nối đuôi nhau, đi thành từng tốp theo hướng về Hà Nam hoặc ra khỏi TP. Hà Nội.

"Khoảng 23h30 đêm thì em nghe tin 6h sáng nay Hà Nội sẽ áp dụng chỉ thị 16, vì vậy em đã quyết định về quê ngay trong đêm. Mặt khác, việc Hà Nội thông tin trong đêm cũng khiến em không kịp trở tay, nên em cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi xe máy về giữa đêm thế này", một bạn chạy xe máy từ Hà Nội về Hà Nam chia sẻ.

Hình ảnh cho thấy một đường cao tốc gần như không có người ở Hà Nội vào ngày 24 tháng 7 năm 2021, ngày đầu tiên thành phố phong tỏa trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)
Hình ảnh cho thấy một đường cao tốc gần như không có người ở Hà Nội vào ngày 24 tháng 7 năm 2021, ngày đầu tiên thành phố phong tỏa trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

Ngồi đợi để xin đi nhờ xe về quê ở trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vào thời điểm 2h30 sáng, anh Trịnh Văn Dương (25 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết: "Mấy ngày tới nhà mình có việc quan trọng nên hôm nay mình phải về giữa đêm, tuy nhiên Hà Nội thông báo áp dụng chỉ thị 16 giữa đêm nên mình cũng không kịp chủ động. Đáng lẽ theo lịch thì chiều 24-7 mình mới về quê, nhưng nay mình phải về gấp. Vì hết xe nên mình ngồi đây đợi mong may mắn xin được ai tốt bụng cho đi nhờ, đi được tới đâu hay tới đó".

Ngoài những phương tiện rời thành phố về quê, thì cũng có rất đông các phương tiện tranh thủ từ các tỉnh ngoài vào Hà Nội trước “giờ giới nghiêm".

Ghi nhận tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng vào Hà Nội lúc 2h40 sáng 24/7, có rất đông ôtô từ các tỉnh vào Hà Nội. Nhiều người dân đang ở các tỉnh lân cận cũng phải trở về Hà Nội gấp khi thành phố ban hành việc áp dụng chỉ thị 16 trong đêm muộn.

"Nếu đêm nay Hà Nội không có thông báo 6h sáng áp dụng chỉ thị 16, thì tầm 4h sáng mình sẽ bắt đầu đi vào TP. Hà Nội, tuy nhiên nay có quyết định trên mình phải trở về Hà Nội ngay giữa đêm, nếu không ngày mai không được vào thành phố thì ảnh hưởng rất nhiều tới công việc của mình tại đây", anh Trần Thiên Tường (Phủ Lý, Hà Nam) nói.

Anh Nguyễn Bá Phú (31 tuổi, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) cho biết ngay sau khi có thông tin TP sẽ áp dụng chỉ thị 16, lúc 12h đêm anh đã đi xe từ nội thành Hà Nội để về huyện Ứng Hòa đón bà nội trở lại trung tâm thành phố, bởi thời điểm trên bà nội đang về quê chơi, phải đón bà về gấp vì nếu không lên được Hà Nội bà sẽ không có người chăm sóc.

Theo chỉ thị, TP. Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Không ‘ngăn sông cấm chợ’

Đêm muộn mới nhận được thông tin, mà hôm sau (24/7) lại là ngày rằm nên một số người trên mạng xã hội kêu ca là cảm giác như “bị đánh úp” và “trở tay không kịp”. Tuy nhiên, Thành phố tuyên bố không ngăn sông cấm chợ và thực tế là không ngăn sông cấm chợ, không như một số nơi vẫn không có sự thống nhất giữa quyết định của “bên trên” với hành động thực tế của “bên dưới”.

Sáng 24/7 là ngày rằm, do thông báo quá gấp nên chợ búa vẫn đông người, nhưng lực lượng thực thi công vụ cố gắng thuyết phục mọi người thực hiện giãn cách để bảo đảm an toàn chứ không áp dụng các biện pháp cực đoan gây phản cảm đối với người dân. Người Hà Nội vẫn đi mua hoa cúng rằm, và số lượng số người bị xử phạt trong ngày chỉ lác đác, theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông.

hà nội giãn cách theo chỉ thị 16
TP. Hà Nội vắng vẻ trong ngày 24/7 - ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Trước thời điểm giãn cách, ngành công thương đã được yêu cầu tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5 lần, và đặc biệt là Hà Nội không cấm bất kỳ chợ nào hoạt động.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tuyên bố: “Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa”.

Cho đến thời điểm này, toàn thành phố đang chấp hành nghiêm chỉnh việc giãn cách nhưng cảm giác vẫn dễ chịu hơn nhiều so với một số nơi. Quan điểm của Hà Nội có vẻ là, không chống được dịch thì không thể tổ chức sản xuất kinh doanh, ngược lại không duy trì sản xuất kinh doanh thì không thể có đủ nguồn lực để phòng chống dịch.

Đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ?

Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố quyết định áp dụng chỉ thị 16 đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

"Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, đã áp dụng các biện pháp tiệm cận, nhằm có sự chuẩn bị để bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với chỉ thị 16", ông Dũng nói.

Về bảo đảm đời sống nhân dân, ông Đinh Tiến Dũng cho biết: "Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tùy từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông vận tải đã tạo "luồng xanh" thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển".

Các sở, ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm.

"Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ôtô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...", ông Dũng nói.

Đến thời điểm này, vẫn chưa có quá nhiều bức xúc được phản ánh trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội kể từ thời điểm Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16. Có lẽ một phần vì Hà Nội đã có kinh nghiệm giãn cách, và cũng “học hỏi” được phần nào đó từ những phản ứng của người dân TP.HCM và một số tỉnh phía Nam trước những quy định cực đoan và một chiều của chính quyền. Hoặc cũng có lẽ là do số ca mắc của Hà Nội chưa nhiều so với Sài Gòn, nên mức độ căng thẳng chưa bị đẩy lên quá cao. Và có lẽ, vì Hà Nội là nơi nhiều cơ quan đầu não của chính phủ hoạt động, nếu áp dụng quá cực đoan thì hậu quả sẽ khôn lường. Dù sao, vẫn mong rằng Hà Nội sẽ không cực đoan trong cách thức chống dịch, để 15 ngày giãn cách thực sự không phải là những ngày “đóng cửa” - đóng cửa nền kinh tế và đóng cửa cả trong lòng người dân.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Hà Nội và Chỉ thị 16