Bất ngờ: Trung Quốc đang giúp giảm lạm phát toàn cầu 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá cả tại nhà máy của Trung Quốc tăng vọt trong năm nay khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng nước này sẽ trở thành một nguồn lạm phát mới cho phần còn lại của thế giới. Nhưng trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã giúp giảm bớt một số áp lực về giá do đại dịch gây ra và dường như xu hướng này sẽ còn tiếp tục - ít nhất là trong một thời gian nữa.

Nền kinh tế Trung Quốc còn lâu mới phát triển quá nóng. Vì vậy, đó không thực sự là nguyên nhân chính của lượng cầu đang đẩy giá hàng hóa và hàng tiêu dùng tăng nhanh trên toàn thế giới, các nhà kinh tế cho biết.

Và trong khi một số nhà máy Trung Quốc đã tăng giá cho người mua phương Tây trong năm nay, thì như một vòng tuần hoàn, nhiều nhà máy cũng đang phải chịu chi phí cao hơn cho các nguyên liệu thô như đồng và quặng sắt.

Để tránh nguy cơ này, các nhà máy Trung Quốc buộc phải điều tiết, ngăn không giá hàng tiêu dùng tăng cao hơn nữa ở những nơi khác, mặc dù điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của một số chủ nhà máy Trung Quốc bị giảm đi.

Ông Hui Shan, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs cho biết: “Kinh nghiệm từ đại dịch cho thấy Trung Quốc vẫn là một phần quan trọng trong việc ngăn giá toàn cầu tăng cao hơn nhiều”.

Vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy giá toàn cầu luôn phức tạp. Sự xuất hiện của nó trong những thập kỷ gần đây khi các nhà máy trên thế giới đã đưa hàng triệu công nhân giá rẻ vào nhóm lao động và giúp làm cho các sản phẩm tiêu dùng như quần jean và ghế sofa rẻ hơn.

Nhưng cũng có những giai đoạn khi sự tăng trưởng của Trung Quốc kéo theo việc xuất khẩu lạm phát sang các nước khác, chủ yếu thông qua giá hàng hóa bị nâng lên.

Vào đầu những năm 2000, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc khiến giá dầu tăng cao. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh tung ra hàng trăm tỷ USD kích cầu để xây dựng cầu và chung cư, làm tăng giá kim loại.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kiềm chế chi tiêu quá mức cho cơ sở hạ tầng vì họ muốn tránh tăng thêm nợ và có nguy cơ vỡ bong bóng tài sản trong lĩnh vực bất động sản, điều này cũng giúp hạn chế phần nào nhu cầu sử dụng kim loại của đại lục.

Bà Michelle Lam, nhà kinh tế Trung Quốc tại Société Général, cho biết: “Vai trò của Trung Quốc với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng của hàng hóa đã nhỏ hơn nhiều trong thời gian này”.

Bà Lam và các nhà kinh tế khác cho rằng, động lực lớn hơn của lạm phát chính là chi tiêu kích thích tài khóa khổng lồ ở các nền kinh tế phương Tây đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ nhà ở và nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn, đẩy giá nhiều hàng hóa lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm vào tháng 5 vừa qua do bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu nhập khẩu cao hơn và các mặt hàng khác mà Trung Quốc ít có quyền kiểm soát. Điều đó đã gây ra một chút tác động đến lạm phát tiêu dùng của đất nước, vốn vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3% vào cuối năm.

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết: “Lần này Trung Quốc là nước ép giá và thực sự đã nhập khẩu lạm phát".

Ông Xu Jinwei, người sáng lập Nhà máy Phần cứng Yangjiang Hopefine ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, cho biết giá nguyên liệu thô như cao su tăng khoảng 20% ​​trong năm nay. Nhưng công ty sản xuất dụng cụ ngoài trời và dụng cụ mở nắp chai đã tăng giá xuất khẩu chỉ khoảng 8% cho đến nay và không có kế hoạch tăng thêm, vì làm như vậy sẽ có nguy cơ mất đơn hàng.

Việc chủ nhà máy sẵn sàng chuyển chi phí cao hơn cho người mua phương Tây cũng bị hạn chế bởi viễn cảnh nhu cầu phương Tây có thể giảm trong năm nay khi người tiêu dùng chuyển từ mua sản phẩm sang chi tiêu nhiều hơn cho việc ăn uống và đi du lịch.

Các nhà kinh tế tranh luận về việc Trung Quốc có thể giúp giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu trong bao lâu. Khi nền kinh tế Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn thì khả năng tiếp tục khai thác lao động giá rẻ của nước này cũng giảm dần. Chi phí lao động đã tăng đều đặn và Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với một lượng nhỏ công nhân trẻ sẵn sàng làm việc nhiều giờ trong các nhà máy.

Một số nhà kinh tế lưu ý rằng theo thời gian, chiến dịch mới nhất của Trung Quốc nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ làm giảm sản lượng kim loại trong nước bao gồm thép và nhôm, có khả năng làm tăng áp lực lên giá toàn cầu.

Do đó, các nhà kinh tế nhận định, Trung Quốc khó có thể sớm trở thành động lực lớn của lạm phát. Các nhà kinh tế coi Trung Quốc là một ống dẫn hơn là một nguồn gây ra áp lực lạm phát trong thời kỳ hậu đại dịch.

Và thực tế cũng chứng minh: Trong khi giá nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 2,7% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5, con số này thấp hơn mức tăng tổng thể 5% của lạm phát tiêu dùng của Mỹ trong cùng thời kỳ.

Ngọc Minh

Theo WSJ



BÀI CHỌN LỌC

Bất ngờ: Trung Quốc đang giúp giảm lạm phát toàn cầu