Bất chấp bạo loạn và Covid-19, Tổng thống Trump chiến thắng ngoạn mục trên TTCK nhờ việc làm và niềm tin kinh doanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp bạo loạn và Covid-19, bất chấp các chính sách cô lập toàn diện với Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục ngoài sức tưởng tượng. Tất cả là nhờ vào lượng việc làm tăng kỷ lục và niềm tin kinh doanh tăng trở lại trên đất Mỹ…

Đại dịch Covid-19 đã và đang tàn phá mọi nền kinh tế mà nó đi qua, ảnh hưởng thực sự trầm trọng đối với Mỹ trong vài tháng gần đây, khi mà đất nước này đồng thời phải đóng cửa và ban hành các gói trợ cấp thất nghiệp, cứu trợ doanh nghiệp... Đáng tiếc, đại dịch chưa qua thì bạo loạn, cướp bóc sau cái chết của George Floyd đã bùng nổ trên đất Mỹ kể từ ngày 26/5/2020 - một ngày sau sự kiện.

Song song với các sự kiện ngoài mong muốn tác động tiêu cực lên nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định chiến dịch chống Trung Quốc toàn diện, gạt bỏ doanh nghiệp “thiếu minh bạch” và “có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư Mỹ” khỏi thị trường chứng khoán của Mỹ, siết chặt trừng phạt với các doanh nghiệp Trung Quốc không đáng tin cậy, hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ “thoát Trung”, tăng thuế, leo thang thương chiến với Trung Quốc thành chiến tranh tiền tệ… Các động thái chính sách này được cho là có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ.

Nhưng thật bất ngờ, đi ngược lại với dự báo của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự hồi phục mạnh mẽ hình chữ “V” kể từ khi rớt đáy vào cuối tháng 3/2020. Và sự hồi phục này đến quá mạnh mẽ, bất chấp cả sự leo thang của dịch bệnh, bạo loạn và những lời chỉ trích chống lại Tổng thống Trump đang “nhan nhản” trên các kênh truyền thông cánh tả khắp nước Mỹ.

Dow Jones và S&P 500 đang mạnh mẽ tăng trở lại mức kỷ lục hồi tháng 1/2019

Kết thúc tuần trước, chỉ số Dow Jones ngày 5/6 đạt 27.111 điểm, tăng 11,74% trong một tháng qua. Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng đạt 3.187 điểm, tăng 8,75% trong tháng qua và tăng hơn 10% trong năm nay. Nhưng ngoạn mục nhất là chỉ số NASDAQ 100, đạt mức 9.815 điểm vào ngày 5/6; là chỉ số có sức tăng trưởng cao nhất thế giới trong 1 năm qua, ở mức 30,82%.

Thực tế, nếu không tính tới mức kỷ lục hồi tháng 1/2020, trước khi đại dịch Corona Vũ Hán tàn phá nền kinh tế Mỹ, thì các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đang phục hồi mạnh mẽ kể từ khi thoát đáy cuối tháng 3/2020 (Nguồn: Trading Economics)

Niềm tin nhà đầu tư tài chính Mỹ tăng cao: “Nỗi hoảng loạn Phố Wall” giảm mạnh, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thuận chiều

Cùng với xu hướng tăng trưởng thị trường chứng khoán mạnh mẽ, chỉ số “nỗi sợ hãi Phố Wall” (VIX) giảm mạnh, xuống còn 25,55 điểm sau khi sự hoảng loạn leo lên mức đáng báo động, đạt đỉnh 83,14 điểm hồi tháng 3 năm nay.

Chỉ số “nỗi sợ hãi Phố Wall” nhanh chóng giảm xuống dưới mức báo động (30 điểm) sau khi đạt đỉnh là 83,14 điểm vào ngày 16/3/2020

Được tạo ra bởi Sàn giao dịch quyền chọn Chicago Board (CBOE), Chỉ số biến động, viết tắt là VIX, là một chỉ số đo lường kỳ vọng của thị trường về biến động trong tương lai 30 ngày. VIX xuất phát từ đầu vào là giá của các hợp đồng tùy chọn (Option) trong nhóm các cổ phiếu của S&P 500. Như vậy, VIX đo lường kỳ vọng tăng, giảm giá cổ phiếu thông qua “quyền chọn” của thị trường trong 30 ngày, sau đó phản ánh mức độ tin cậy, cảm nhận rủi ro về thị trường của nhà đầu tư trong tương lai.

Bởi thế, biến động của VIX về giá tương lai của cổ phiếu cung cấp thước đo rủi ro thị trường và tâm lý của nhà đầu tư. VIX cũng được biết đến với các tên khác như "thước đo nỗi sợ hãi" hoặc "chỉ số sợ hãi". Các nhà đầu tư, nhà phân tích nghiên cứu và quản lý danh mục đầu tư tìm đến các giá trị VIX như một cách để đo lường rủi ro thị trường, nỗi sợ hãi và căng thẳng trước khi họ đưa ra quyết định đầu tư.

Ngưỡng an toàn của “thước đo sợ hãi Phố Wall” được khuyến cáo ở mức 30 điểm. Điều này có nghĩa là khi chỉ số này tăng vượt ngưỡng 30 điểm, nỗi sợ hãi Phố Wall tăng mạnh, thì niềm tin vào tăng trưởng trong tương lai của nhà đầu tư sẽ sụt giảm sâu. Chỉ số càng tăng cao, nỗi hoảng loạn và mất mát niềm tin kinh doanh lại càng lớn.

Không chỉ VIX, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ, vốn “manh nha” có dấu hiệu đảo chiều vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, khiến giới đầu tư lo ngại về dấu hiệu bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính mới cũng đang nhanh chóng ổn định trở lại. Điều này phản ánh rằng nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng sức khỏe ổn định, lợi suất TPCP Mỹ dài hạn lớn hơn lợi suất TPCP ngắn hạn để bù đắp cho các rủi ro liên quan đến thời gian như rủi ro lạm phát và các biến động kinh tế - chính trị khác trong tương lai

Đường cong lợi suất TPCP nhanh chóng ổn định trở lại, phản ánh nền kinh tế Mỹ trong tình trạng sức khỏe ổn định, niềm tin kinh doanh, đầu tư tăng (nguồn: Ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis)

Việc làm tăng kỷ lục

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng gây sốc cho các nhà kinh tế ở Phố Wall, khi giảm xuống còn 13,3% trong tháng 5/2020.

Các chuyên gia của Dow Jones từng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của Mỹ sẽ tăng vọt lên 19,5% với 8 triệu việc làm bị mất. Nhưng số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ mới công bố cho thấy, nền kinh tế thực sự tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Đây là mức tăng việc làm lớn nhất trong một tháng ở Mỹ kể từ năm 1939.

Số lượng người mất việc làm (trung bình trượt 4 tuần liên tiếp) giảm liên tiếp từ 12/4 - 30/5/2020 (Nguồn: Trading Economics)

"Chúng ta có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Và sức mạnh đó giúp chúng ta vượt qua đại dịch kinh khủng này", Tổng thống Trump nói.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống 13,3% từ mức 14,7% hồi tháng 4/2020. Bộ trưởng Lao động Mỹ Eugene Scalia tin tưởng rằng con số lao động của tháng sau thậm chí sẽ còn tốt hơn nữa.

Trong khi đó các nhà phân tích của Phố Wall (thị trường tài chính Mỹ) cũng cảm thấy bất ngờ. "Con số việc làm tháng 5 là một bất ngờ lớn", ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors ở Boston cho biết. "Đây là dấu hiệu xác nhận thêm rằng nền kinh tế đang trở lại. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các tác động của dịch bệnh là tạm thời và nền kinh tế đang cải thiện", ông Michael Arone nói với hãng tin Reuters.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp bạo loạn và Covid-19, Tổng thống Trump chiến thắng ngoạn mục trên TTCK nhờ việc làm và niềm tin kinh doanh