Phần 3: Báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ “vạch tội” Cơ quan Phúc thẩm - não bộ của WTO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ năm 2017, Tổng thống Trump đã kiên trì không bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán cho Cơ quan Phúc thẩm của WTO. Điều này khiến “não bộ” của WTO chính thức bị vô hiệu kể từ ngày 11/12/2019. Vừa qua, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã ra báo cáo lên án các vi phạm và yếu kém của Cơ quan Phúc thẩm của WTO.

Tuần trước, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố báo cáo của mình về Cơ quan Phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Báo cáo chuyên sâu, đưa ra các bằng chứng, dữ liệu thuyết phục chứng minh Cơ quan Phúc thẩm đã “không tuân thủ các quy định của WTO và diễn giải các hiệp định của WTO bằng văn bản".

Trong thông cáo báo chí, ông Robert Lighthizer, Đại diện thương mại thứ 18 của Hoa Kỳ tuyên bố: “Trong hơn 20 năm, các Chính quyền kế tiếp nhau và Quốc hội Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng Cơ quan Phúc thẩm đã không hoạt động theo các quy định mà Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO đã thỏa thuận. Tiếc là cách ứng xử của Cơ quan Phúc thẩm đã biến WTO từ một diễn đàn để thảo luận và đàm phán thành một diễn đàn để kiện tụng. Tổng thống Trump đang rất nỗ lực với một chương trình nghị sự thương mại có lợi cho tất cả người Mỹ và việc đánh giá lại WTO cũng như vai trò của WTO là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự đó”.

Báo cáo đã cáo buộc rằng: “Cơ quan Phúc thẩm đã thêm cho Hoa Kỳ nhiều nghĩa vụ nhưng lại giảm quyền của nước này bằng cách không tuân thủ các quy định của WTO, giải quyết các vấn đề mà họ không có thẩm quyền để giải quyết, thực hiện các hoạt động mà họ không có thẩm quyền để thực hiện và diễn giải các hiệp định của WTO theo cách mà các nước thành viên WTO tham gia vào các hiệp định đó không hình dung nổi. Sự lạm quyền dai dẳng này hoàn toàn trái ngược với sự ủy thác hữu hạn cho Cơ quan Phúc thẩm, như được xác lập trong các quy định của WTO”. Báo cáo cung cấp rất nhiều ví dụ, bao gồm:

  • Cơ quan Phúc thẩm luôn bỏ qua các thời hạn để quyết định kháng cáo mang tính bắt buộc;
  • Cơ quan Phúc thẩm cho phép các cá nhân đã ngừng phục vụ trong Cơ quan Phúc thẩm tiếp tục quyết định kháng cáo như thể thời hạn của các cá nhân này đã được các nước thành viên WTO gia hạn trong Cơ quan giải quyết tranh chấp;
  • Cơ quan Phúc thẩm tuyên án dựa trên các án lệ, bao gồm cả án lệ liên quan đến luật trong nước của các nước thành viên WTO, mặc dù các nước thành viên đã ủy quyền cho Cơ quan Phúc thẩm chỉ giải quyết các vấn đề pháp lý;
  • Cơ quan Phúc thẩm đưa ra các ý kiến ​​tư vấn và mặt khác chủ trương các vấn đề không cần thiết để hỗ trợ Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO trong việc giải quyết tranh chấp trước cả cơ quan này;
  • Cơ quan Phúc thẩm nhấn mạnh rằng các hội đồng giải quyết tranh chấp phải xử lý ưu tiên các diễn giải của Cơ quan Phúc thẩm hơn là tiền lệ pháp bắt buộc;
  • Cơ quan Phúc thẩm khẳng định rằng họ có thể bỏ qua các quy định của WTO ủy quyền rõ ràng cho cơ quan này để khuyên một nước thành viên WTO khi nước này đưa ra biện pháp không nhất quán với WTO phải tuân thủ các quy tắc của WTO; và
  • Cơ quan Phúc thẩm vượt quá thẩm quyền của mình và chủ trương các vấn đề thuộc thẩm quyền của các nước thành viên WTO đang hoạt động thông qua Hội nghị Bộ trưởng, Đại Hội đồng và Cơ quan giải quyết tranh chấp.

Báo cáo cũng lập luận rằng việc Cơ quan Phúc thẩm lạm quyền “đã tước bỏ các quyền và áp đặt nghĩa vụ mới” cho các nước thành viên WTO bằng cách giải thích sai các hiệp định của WTO.

Cơ quan Phúc thẩm làm được vậy bằng cách cố tình điền vào “các lỗ hổng” trong các thỏa thuận đó và “bằng cách quan trọng hóa các quyền hoặc nghĩa vụ” mà Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO khác không bao giờ đồng ý. Nói chung, báo cáo nói rằng những khuyết điểm này đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho Hoa Kỳ và cho tất cả các nước thành viên WTO và hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO tiếp tục mất uy tín cần phải có để hoạt động đúng và duy trì sự ủng hộ của công chúng.

Cơ quan Phúc thẩm của WTO - một hội đồng gồm bảy thành viên - hiện chỉ còn một thành viên do Tổng thống Trump đã kiên kỳ không bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm thành viên mới vào hội đồng kể từ năm 2017, nên hiện tại không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Báo cáo kết luận rằng những lo ngại và khiếu nại về hệ thống giải quyết tranh chấp và Cơ quan Phúc thẩm đã bị bỏ qua quá lâu: “Đối thoại trung thực và thẳng thắn về việc làm thế nào và tại sao WTO lại dẫn đến tình trạng này là cần thiết cho bất kỳ một sự cải cách nào có ý nghĩa và bền vững lâu dài. Điều này sẽ đòi hỏi các nước thành viên WTO cam kết thảo luận sâu hơn về lý do tại sao Cơ quan Phúc thẩm sẵn lòng làm lệch hướng những gì mà các nước thành viên đã đồng ý. Không hiểu được điều này, thì không có lý do gì để tin rằng chỉ cần một văn bản mới hoặc văn bản bổ sung được đơn giản thông qua, dưới bất kỳ hình thức nào, là sẽ giải quyết được các vấn đề đặc hữu này”.

Nỗ lực vô hiệu hóa WTO của ông Trump trong hơn 2 năm qua đã gặp phải các phản ứng và chỉ trích gay gắt. Báo cáo lần này như một minh chứng mạnh mẽ cho thấy các quyết định của Tổng thống Trump và chính phủ của ông dựa trên cơ sở căn cứ khoa học, thực tiễn và lý tính cao. Dù sao, việc vô hiệu hóa WTO là bước đầu tiên thực sự kìm hãm được sự trỗi dậy của Trung Quốc, biến nhiều vụ kiện Mỹ do Trung Quốc đứng đơn lên WTO thành vô nghĩa. Đồng thời, vô hiệu WTO còn giúp ông Trump khôi phục lại Đạo luật Omnibus 1988 để có thể đơn phương trừng phạt Trung Quốc và các nền kinh tế có bất cân bằng thương mại với Mỹ - Đạo luật vốn bị “xếp xó” kể từ năm 1994 bởi WTO.

Thủy Tiên

Theo www.ustr.gov



BÀI CHỌN LỌC

Phần 3: Báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ “vạch tội” Cơ quan Phúc thẩm - não bộ của WTO