Bài toán lợi nhuận và đạo đức: Nike và Coca-Cola đang vận động chống lại dự luật lao động cưỡng bức Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhóm nhân quyền hy vọng rằng Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ sẽ được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua. Tuy nhiên, những công ty lớn như Nike, Coca-Cola và Apple được cho là đang vận động Quốc hội chống lại đạo luật này.

Người đứng đầu Hiệp hội Quyền lao động nói rằng những doanh nghiệp này "phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn" để khiến dự luật “cấm hàng hóa nhập khẩu được làm từ lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương” của Trung Quốc - suy yếu hoặc ngừng lại.

Nike cho biết họ không lấy nguồn vải dệt hay sợi từ khu vực này của Trung Quốc, nhưng Scott Nova, giám đốc điều hành của Hiệp hội Quyền lợi Người lao động, chỉ ra rằng sản phẩm bông không nằm trong danh sách “cấm nhập” - trong khi 80% bông của Trung Quốc đến từ Tân Cương.

Tất cả các công ty đều “rời khỏi” khu vực này là "biện pháp hiệu quả duy nhất để đảm bảo bạn không phạm luật", một viên chức của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ cho biết.

Trong khi đó, những công ty lớn như Nike, Coca-Cola và Apple được cho là đang vận động Quốc hội chống lại Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Dự luật được chính phủ Mỹ đưa ra hồi đầu năm, yêu cầu các công ty đảm bảo không tìm nguồn cung ứng nguyên liệu từ khu vực Tân Cương, nơi các dân tộc thiểu số Hồi giáo - chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ - được cho là bị buộc phải làm việc trong các trại tạm giam và nhận được một khoản tiền rất ít ỏi, hoặc thậm chí không nhận được gì.

Tra tấn, cưỡng bức ly thân và triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ chỉ là một trong số các hình thức áp bức mà chính phủ Trung Quốc sử dụng đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo.

Cờ Trung Quốc treo ở một con đường dẫn đến một cơ sở được cho là trại cải tạo, nơi hầu hết là người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi bị giam giữ, ở ngoại ô Hotan, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 31 tháng 5 năm 2019. (Nguồn ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)

‘Pha loãng’ dự luật: Khi lợi nhuận ‘lấn át’ đạo đức

Đáp lại, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm cách “pha loãng” dự luật. Họ cho rằng các yêu cầu của luật có thể ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Theo các nhân viên quốc hội và những người nắm rõ sự việc, quá trình vận động hành lang của những công ty này đã tiêu tốn một khoản tiền lớn.

Vào tháng 9/2020, Hạ viện đã bỏ phiếu áp đảo với 406 phiếu thuận và 3 phiếu chống để tuyên bố rằng “bất kỳ hàng hóa nào do các nhóm thiểu số Hồi giáo bị đàn áp ở Tân Cương sản xuất đều không được phép nhập khẩu vào Mỹ”.

Quan chức quốc hội cho biết, dự luật có thể được Thượng viện thông qua và trở thành luật được ban hành bởi chính quyền Hoa Kỳ. Nhưng hiện dự luật "phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn" bởi sự phản đối của các tập đoàn lớn, họ đang cố gắng làm suy yếu hoặc ngăn chặn dự luật.

Liên minh chấm dứt lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, gồm một nhóm các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn trên toàn thế giới, đang yêu cầu các công ty lớn phải chịu trách nhiệm về việc đóng góp vào chuỗi cung ứng có liên kết với Tân Cương.

Ông Nova cho biết nếu dự luật bị suy yếu hoặc thất bại, "các tập đoàn lớn của Mỹ sẽ có thêm điều kiện thuận lợi hơn nữa - trong việc thúc đẩy cưỡng bức lao động ở Tân Cương; làm giảm triển vọng chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền và vi phạm lao động nghiêm trọng ở khu vực này trong thời gian tới. Cuộc chiến sẽ không thể đi đến hồi kết thúc”.

Cuộc chiến nhân quyền

Khi được hỏi về chuỗi cung ứng của Nike ở Tân Cương, công ty đề cập đến tuyên bố từ tháng 3/2020, Nike không nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ khu vực Trung Quốc. "Chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp rằng chúng tôi không sử dụng hàng vải dệt hoặc sợi từ khu vực này", đại diện tập đoàn nói.

Ông Nova lưu ý: "Hầu như chắc chắn rằng công ty - thông qua các nhà cung cấp - tìm nguồn cung ứng bông từ vùng Tân Cương. Bông là một vấn đề".

Trung Quốc là nhà cung cấp sản lượng bông lớn nhất thế giới và hơn 80% lượng bông của quốc gia này đến từ Tân Cương.

Apple không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Theo các tài liệu của thời báo New York Times, ông lớn công nghệ này đã đề nghị kéo dài thời hạn tuân thủ và không công bố một số thông tin nhất định cho công chúng. Apple cũng đề xuất gây thêm áp lực lên chính phủ Hoa Kỳ để xem xét “liệu các công ty Trung Quốc có đồng lõa trong việc áp bức người thiểu số Hồi giáo hay không”.

Còn Coca-Cola nhận nguồn cung cấp đường từ Trung Quốc. Trong một tuyên bố, công ty "nghiêm cấm mọi hình thức lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng" và sử dụng các kiểm toán viên từ bên thứ ba để theo dõi chuỗi cung ứng của mình.

Người dân Trung Quốc ăn mừng trong buổi lễ Coca-Cola đánh dấu 100 ngày đếm ngược tới Thế vận hội Olympic London 2012 tại Sân vận động Quốc gia, còn được gọi là Tổ chim, vào ngày 18 tháng 4 năm 2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012 sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 7 năm 2012. (Ảnh của Feng Li / Getty Images)
Người dân Trung Quốc ăn mừng trong buổi lễ Coca-Cola đánh dấu 100 ngày đếm ngược tới Thế vận hội Olympic London 2012 tại Sân vận động Quốc gia, còn được gọi là Tổ chim, vào ngày 18 tháng 4 năm 2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012 diễn ra vào ngày 27 tháng 7 năm 2012. (Ảnh của Feng Li / Getty Images)

Coca-Cola cho biết cơ sở COFCO Tunhe ở Tân Cương, nơi cung cấp đường cho một cơ sở của công ty ở địa phương, có liên quan đến cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức, theo The Wall Street Journal vào tháng 5/2020, cơ sở "đã hoàn thành kiểm toán trong năm 2019".

Peter Irwin, quan chức cấp cao của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, nói rằng tuyên bố của Coca-Cola cho thấy "họ không biết làm thế nào để loại bỏ hiệu quả tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ".

Ra khỏi khu vực người Duy Ngô Nhĩ - Biện pháp hiệu quả duy nhất để chấm dứt tội ác

Theo ông Irwin, các kiểm toán viên không tích cực trong việc tìm ra lao động cưỡng bức, trong khi các công nhân Duy Ngô Nhĩ làm việc tại các nhà máy bị giám sát liên tục và bị đe dọa giam giữ nếu lên tiếng phản đối.

Ông cho biết dự luật cưỡng bức lao động Tân Cương - là bước tiếp theo để Quốc hội Mỹ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Irwin nhấn mạnh rằng các công ty như Nike cần phải làm rõ vai trò của mình, đặc biệt khi đã nhận thức được các chuỗi cung ứng có liên quan đến lao động cưỡng bức trong hơn một năm qua.

“Nếu họ thực sự nghiêm túc trong việc tuân thủ luật pháp hiện hành, họ đã thực hiện các bước để tách chuỗi cung ứng của mình ra khỏi khu vực người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện”, ông nói.

Các đàn áp tàn bạo về nhân quyền sẽ còn tiếp tục cho đến khi các công ty lớn cắt đứt mọi quan hệ với các nhà máy và chuỗi cung ứng từ Tân Cương.

Lao động cưỡng bức chỉ đơn thuần là biểu hiện mới nhất của chính phủ Trung Quốc - trong nỗ lực nhằm làm xói mòn bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ đến mức không thể nhận ra", ông Irwin nói.

May May
Theo businessinsider



BÀI CHỌN LỌC

Bài toán lợi nhuận và đạo đức: Nike và Coca-Cola đang vận động chống lại dự luật lao động cưỡng bức Tân Cương