Bắc Kinh yêu cầu ‘doanh nghiệp Mỹ hy sinh giá trị Mỹ’ vì thị trường Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những tuần lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch thông tin nhằm vào Hoa Kỳ. Nhưng các bài phát biểu, thư và thông báo… không phải chủ yếu “tấn công” chính quyền mới, mà đó là một nỗ lực nhằm vào cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tại sao?

Ông Pottinger, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, giai đoạn 2019-2021. Trong bài phát biểu của mình tại Viện Hoover vào ngày 10/3, ông nhận định rằng các doanh nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong cuộc chiến Mỹ-Trung, khi Bắc Kinh muốn dùng đòn bẩy kinh tế để đạt được các mục tiêu chính trị.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Dương Khiết Trì, đã “gián tiếp” tuyên bố với một cộng đồng gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các cựu quan chức chính phủ vào đầu tháng Hai. Ông Dương đã vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc về các cơ hội đầu tư và thương mại ở Trung Quốc; trước khi cảnh báo rằng Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan là những “lằn ranh đỏ” mà người Mỹ nên giữ im lặng.

Thông điệp của Bắc Kinh không thể nhầm lẫn: Doanh nghiệp, bạn phải lựa chọn!

Ông Dương đã chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc và quyết liệt thúc giục cử tọa của mình vận động hành lang để chính quyền Biden đảo ngược chúng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối tháng Giêng, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp chống lại các nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách châu Âu và Mỹ - nhằm “tách rời” các phân khúc nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc. Ông Tập cũng đã viết một bức thư cá nhân cho một doanh nhân nổi tiếng của Hoa Kỳ, khuyến khích ông này “nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Mỹ”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối tháng Giêng, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp chống lại các nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách châu u và Mỹ - nhằm “tách rời” các phân khúc nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối tháng Giêng, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp chống lại các nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách châu u và Mỹ - nhằm “tách rời” các phân khúc nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

Để làm rõ rằng đây là những yêu cầu chứ không phải gợi ý, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với gần 30 quan chức chính phủ Mỹ hiện tại hoặc cựu quan chức. Đây là những biện pháp bổ sung cho các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh đã áp dụng đối với các nhà hoạt động nhân quyền, các tổ chức ủng hộ dân chủ và một số thượng nghị sĩ Mỹ vào năm ngoái.

Thông điệp của Bắc Kinh không thể nhầm lẫn: Bạn phải lựa chọn. Nếu bạn muốn kinh doanh ở Trung Quốc, thì sẽ phải hy sinh giá trị Mỹ.

  • Bạn sẽ phải tìm cách bỏ qua nạn diệt chủng của các dân tộc thiểu số và tôn giáo bên trong biên giới của Trung Quốc;
  • Bạn phải bỏ qua thực tế rằng Bắc Kinh đã "phản bội" lại những lời hứa lớn của họ — bao gồm cả hiệp ước quốc tế đảm bảo “mức độ tự chủ cao” cho Hong Kong;
  • Và bạn phải ngừng giao du với các quan chức quan tâm đến an ninh quốc gia của Mỹ, trừ khi điều đó để vận động hành lang nhằm thuyết phục họ phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.

Một yếu tố đáng chú ý khác trong cách tiếp cận của Bắc Kinh là làm cho thế giới phụ thuộc vĩnh viễn vào Trung Quốc, và khai thác sự phụ thuộc đó cho các mục đích chính trị. Ông Tập đã đưa ra hướng dẫn, và chúng đã được thể chế hóa.

Ông đang theo đuổi một chiến lược lớn là làm cho Trung Quốc độc lập với hàng nhập khẩu cao cấp từ các quốc gia công nghiệp phát triển, trong khi khiến các quốc gia đó phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguồn cung cấp công nghệ cao và một thị trường cho nguyên liệu thô. Nói cách khác, tách rời chính xác là chiến lược của Bắc Kinh - miễn là nó tuân theo các điều kiện của họ.

Vào cuối tháng 10/2020, ông Tập tuyên bố “phải thắt chặt sự phụ thuộc của các chuỗi sản xuất quốc tế vào Trung Quốc” với mục đích “hình thành các biện pháp đối phó và khả năng răn đe mạnh mẽ”.

Cụm từ “các biện pháp đối phó và khả năng răn đe mạnh mẽ” - là biệt ngữ mà ĐCSTQ dùng để chỉ đòn bẩy tấn công. Chiến lược lớn của Bắc Kinh là tích lũy và sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được các mục tiêu chính trị trên toàn thế giới.

Dùng đòn bẩy kinh tế để đạt được các mục tiêu chính trị

Một ví dụ gần đây: Sau khi xây dựng khối lượng thương mại đáng kể với Úc trong nhiều năm, Bắc Kinh năm ngoái đột nhiên bắt đầu hạn chế nhập khẩu rượu vang, thịt bò và lúa mạch của Úc, hoàn toàn vì lý do chính trị.

Bắc Kinh đã công bố danh sách 14 “tranh chấp” - các yêu cầu chính trị đối với chính phủ Úc, bao gồm việc rút lại các luật của Úc được thiết kế để chống lại các hoạt động ảnh hưởng bí mật của Bắc Kinh trong chính trị và xã hội Úc, và thậm chí liên quan đến báo chí tự do của Úc để ngăn chặn các tin tức chỉ trích Trung Quốc.

Ông Biden trong tháng này đã công bố Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của mình. Văn kiện này xếp Trung Quốc vào danh sách “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ của mình để tạo ra thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”.

Tinh thần khởi đầu này là hữu ích. Khi bí mật của ông Tập không còn là “bí mật”. Hãy xem xét một đoạn trong bài phát biểu của ông trước Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ vào ngày 5/1/2013 (được giữ bí mật trong sáu năm): “Lịch sử cho rằng chủ nghĩa tư bản nhất định chết và chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển xã hội và lịch sử. Nhưng con đường quanh co... đòi hỏi một quá trình lịch sử lâu dài để đạt tới sự hoàn thiện”.

Vậy các CEO Mỹ nên làm gì?

Các CEO sẽ ngày càng khó làm hài lòng cả Washington và Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, như đã đề cập, đang đưa ra những cảnh báo ở mức cao rằng các công ty đa quốc gia phải từ bỏ giá trị của mình - như cái giá phải trả của việc kinh doanh ở Trung Quốc. Giống như các thủy thủ đặt chân trên hai con thuyền, các công ty Mỹ có khả năng ngã xuống nước.

Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với Trung Quốc đã tạo ra một loạt rủi ro về quy định, ủy thác và uy tín. Một bước thận trọng khác là dự phòng cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Sự vội vã tập trung quá nhiều sản xuất vào một quốc gia chuyên quyền là một sai lầm và không bền vững.

Michael Eisner - chủ tịch và giám đốc điều hành Công ty Walt Disney, nói chuyện với Mel Woods - chủ tịch và giám đốc điều hành của Haim Saban (Ảnh: FREDERICK M. BROWN / AFP qua Getty Images)
Giống như các thủy thủ đặt chân trên hai con thuyền, các công ty Mỹ có khả năng ngã xuống nước. (Ảnh: FREDERICK M. BROWN / AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh và Washington đang trong cuộc đua marathon, và chỉ một thí sinh sẽ chiến thắng. Nếu trong vòng bốn năm tới, Hoa Kỳ không đặt ra các điều kiện thích hợp, thì có thể rơi vào tình trạng thua cuộc đua.

Trên tất cả, Mỹ và các đồng minh cần cân nhắc trong mọi chính sách, mọi dự luật, và mọi quan hệ đối tác mà chính phủ và ngành thực hiện.

Bắc Kinh cũng biết họ đang trong giai đoạn nước rút. Các đảng viên trong hệ thống của ông Tập biết ưu điểm của chế độ này là thoáng qua; còn những khuyết điểm của nó - bao gồm sự lãng phí, quan liêu, trì trệ, tham nhũng… đã bắt đầu lộ diện.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã đúng về một điều: Các giám đốc điều hành người Mỹ, hội đồng quản trị của họ và các nhà đầu tư Mỹ phải quyết định chọn bên, vì họ là đối tượng tiếp sức cho chiến thắng chung cuộc.

Lê Minh

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh yêu cầu ‘doanh nghiệp Mỹ hy sinh giá trị Mỹ’ vì thị trường Trung Quốc