Bắc Kinh trừng phạt thương mại theo kiểu Mafia, các nền dân chủ buộc phải đoàn kết ‘chống Trung’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những kiểu đe dọa của Bắc Kinh có xu hướng giống như một phân cảnh trong Phim Bố Già, với cách diễn đạt như là: “Đức có ngành công nghiệp xe hơi tuyệt vời, thật đáng tiếc nếu điều gì đó xảy ra với nó... nếu bạn không mời Huawei tham gia mạng 5G của mình...” Cách duy nhất mà các nền dân chủ hướng tới chỉ có thể là "chống Trung".

Chỉ hai ngày trước buổi hội đàm dự kiến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Angela Merkel vào tuần trước, Trung Quốc đã chặn tất cả thịt lợn nhập khẩu từ Đức. Lý do Trung Quốc nêu ra là một chú lợn rừng Đức được phát hiện chết do mắc dịch tả lợn Châu Phi - dịch bệnh vốn đã được Trung Quốc đặc biệt “sở hữu” trong suốt 2 năm qua.

Đe dọa trừng phạt theo phong cách ‘Bố già’

Hiển nhiên, lý do này không thuyết phục, một số nhà phân tích đã đưa ra một kết luận khác. Đối với họ, đây là ví dụ mới nhất về chính sách ngoại giao thương mại mang tính cưỡng chế của Bắc Kinh - biện pháp này đang được Trung Quốc tận lực lạm dụng để chi phối quan hệ với nhiều quốc gia.

Chiêu bài “o ép” ngoại giao này không bao giờ được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thừa nhận một cách công khai. Đối với thịt lợn Đức, Bắc Kinh tuyên bố họ đã chặn nhập khẩu hoặc mở các cuộc điều tra đối với các sản phẩm của nước này, vì lo ngại về an toàn hoặc một số lý do quan liêu khác.

Nhưng những hành động này hầu như luôn nhắm vào các quốc gia gần đây đã làm mất lòng Bắc Kinh; và chúng có mục đích nhằm ép buộc các quốc gia đó phải thay đổi chính sách hoặc hành vi (sao cho phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh).

Việc chặn nhập khẩu thịt lợn là một lời cảnh báo để Berlin không tham gia vào chiến dịch cô lập Bắc Kinh của Washington và ngừng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của chính quyền này.

Úc cũng là một ví dụ điển hình khi trở thành nạn nhân của chiêu bài “giết gà dọa khỉ” này. Quan hệ Trung-Úc đã băng giá trong một thời gian, và rơi vào “khủng hoảng” vào tháng 4/2020, sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và cách xử lý ban đầu của Bắc Kinh đối với dịch viêm phổi Vũ Hán.

Úc cũng là một ví dụ điển hình khi trở thành nạn nhân của chiêu bài “giết gà dọa khỉ” này (Ảnh: MARK GRAHAM/AFP qua Getty Images)
Úc cũng là một ví dụ điển hình khi trở thành nạn nhân của chiêu bài “giết gà dọa khỉ” này (Ảnh: MARK GRAHAM/AFP qua Getty Images)

Trong vòng vài tuần, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt bò từ một số nhà cung cấp lớn của Úc vì "yêu cầu về nhãn mác và chứng chỉ". Tiếp theo là áp thuế “chống bán phá giá” đối với lúa mạch Úc, điều tra nhập khẩu rượu vang của Úc và cảnh báo cho công dân Trung Quốc không đi du học hoặc du lịch tại Úc.

Trước đó, nạn nhân là Canada, sau khi nhà chức trách nước này bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, vào cuối năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Để trả đũa, ngoài việc bỏ tù hai người Canada về tội “an ninh quốc gia”, Bắc Kinh đã ban hành cảnh báo du lịch Canada; chặn nhập khẩu đậu nành, cải dầu và thịt của Canada vì chứng nhận không phù hợp và sản phẩm có chứa “sinh vật gây hại”.

Các mục tiêu khác của Bắc Kinh bao gồm Philippines và Nhật Bản vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ; Thụy Điển vì chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc; Anh và Mông Cổ vì các chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến các nước này; và Hàn Quốc vì muốn lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, “một mối đe dọa bí mật” không được xem là “một mối đe dọa lớn”; do đó, trong khi phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào (với các kiểu đe dọa này) trước công chúng, Bắc Kinh sẽ lặng lẽ “đánh tiếng” với “bên vi phạm” rằng hành động, tuyên bố hoặc chính sách của họ là lý do cho sự trừng phạt.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường diễn đạt ý này rõ ràng hơn, kèm theo đó là các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của ĐCSTQ.

Những cảnh báo này có xu hướng giống như một phân cảnh trong Phim Bố Già, với cách diễn đạt như là: “Đức có ngành công nghiệp xe hơi tuyệt vời, thật đáng tiếc nếu điều gì đó xảy ra với nó... nếu bạn không mời Huawei tham gia mạng 5G của mình...”

Thao túng WTO, Trung Quốc ngang ngược trừng phạt đối tác thương mại

Trung Quốc là quốc gia lừa dối WTO nhiều nhất, để lợi dụng và làm giàu thành công nhất từ WTO, đơn giản vì chính quyền này hứa mà không làm, ký kết mà không thực thi bất kỳ một điều khoản nào.

Điều đáng ngạc nhiên là WTO có quyền trừng phạt thương mại với các quốc gia không tuân thủ cam kết, nhưng lại chưa bao giờ trừng phạt Trung Quốc theo đúng khuôn khổ pháp lý mà WTO đã đề ra.

Cam kết WTO của Trung Quốc

Trung Quốc có thực hiện cam kết?
Không yêu cầu chuyển giao công nghệ như là điều kiện để tiếp cận thị trường Không
Tham gia hiệp định về mua sắm Chính phủ (GPA) Không
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện mua sắm thông qua việc cân nhắc thương mại Không
Giảm quy mô của DNNN trong cấu phần nền kinh tế Không
Các ngân hàng nước ngoài được hưởng chính sách công bằng Không
Mở cửa Thị trường viễn thông cho các nhà sản xuất nước ngoài Không
Phim ảnh nước ngoài được cung cấp một cách tự do Không
Trợ cấp xuất khẩu phải được cắt giảm một cách đáng kể Không
Ăn cắp tài sản trí tuệ và vi phạm bản quyền phải được giảm xuống một cách đáng kể Không
Tuân thủ các rào cản kỹ thuật theo các Hiệp định thương mại và không thao túng các tiêu chuẩn công nghệ Không
Hướng tới mô hình phát triển “Đồng thuận với Washington” Không

Tóm tắt những điều khoản Trung Quốc đã cam kết nhưng không thực hiện khi gia nhập WTO (nguồn: ntdvn.com)

Nhưng không chỉ lờ đi việc trừng phạt các sai phạm của Trung Quốc, WTO thậm chí còn cho Trung Quốc một “không gian tùy ý”; ngoài các nguyên tắc, quy định của WTO để “trừng phạt thương mại” với các đối tác của mình.

Các bằng chứng thương mại cho thấy, trong 3 năm gần đây, kể từ khi chính quyền Trump leo thang thương chiến với ĐCSTQ và phản đối vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc (vốn bị cả thế giới lên án), chính quyền Trung Quốc không ngừng gia tăng các đòn trừng phạt thương mại với các đối tác khi cần mặc cả lấy sự im lặng về nhân quyền hay các lợi ích ngoại giao khác.

Washington nổi giận, cho rằng WTO đã “chọn nhầm phe” trong cuộc chiến của chính quyền Trump chống lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Washington nổi giận, cho rằng WTO đã “chọn nhầm phe” trong cuộc chiến của chính quyền Trump chống lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Việc nói Trung Quốc thao túng WTO là không quá lời. Gần đây nhất, WTO thậm chí còn xử Trung Quốc thắng kiện trong các sự vụ đánh thuế trừng phạt của Mỹ. Dĩ nhiên, các kết luận này sẽ bị vô hiệu hoặc không thể thực thi nếu Mỹ phủ nhận và kháng cáo, vì bản thân toà Phúc thẩm - não bộ của WTO - đã bị Tổng thống Trump vô hiệu khi không bổ nhiệm Thẩm phán kể từ năm 2017.

‘Chuyên gia’ về ‘đòn trừng phạt thương mại bẩn’

Đối với ĐCSTQ, “đòn trừng phạt thương mại bẩn” là một chiến thuật có hiệu quả, mặc dù trên thực tế nó chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Một thành công ban đầu là với Na Uy. Bắc Kinh đã xa lánh Oslo và chặn nhập khẩu cá hồi vì “lý do sức khỏe”, sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (từng bị cầm tù tại Trung Quốc vào năm 2010).

Sau vài năm bị “trừng phạt”, hình thức bỏ phiếu của Na Uy tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chuyển sang gắn kết chặt chẽ hơn với ĐCSTQ, ủng hộ quan sát viên của Bắc Kinh tại Hội đồng Bắc Cực. Các nhà lãnh đạo Nauy hứa sẽ không gặp Đạt Lai Lạt Ma và thề sẽ không làm bất cứ điều gì phá hoại chính sách "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.

Ngày nay, Trung Quốc tuyên bố là đối tác thương mại lớn nhất của 130 quốc gia và khu vực; và hiệu ứng trình diễn - “giết gà để dọa khỉ” như người ta vẫn biết của ĐCSTQ - thường đủ để khiến những đối tác phải tuân thủ. Nhưng liệu “chiêu thức” này của ĐCSTQ có mang lại thành công lâu dài?

Lợi bất cập hại

Việc cưỡng chế được cho rằng để làm tổn thương các ngành chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà không liên quan đến tranh chấp. Điều này thường thuyết phục các công ty thay mặt Bắc Kinh vận động hành lang, nhằm chống lại chính phủ của họ.

Trong trường hợp của Úc, việc “trừng phạt” xuất khẩu lúa mạch, rượu vang và thịt bò Úc không gây ảnh hưởng nhiều đến Bắc Kinh, khi các sản phẩm này có thể được mua từ nhiều quốc gia khác. Nhưng với lượng cung 60% quặng sắt từ Úc mà Trung Quốc cần để sản xuất thép cho mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng của mình, thì việc trừng phạt ngành này sẽ chỉ khiến Trung Quốc tự chuốc lấy thất bại.

EU, Mỹ và các nền dân chủ khác cần hình thành một mặt trận thống nhất và chính thức cam kết rằng họ sẽ ủng hộ nhau khi các nước riêng lẻ bị Bắc Kinh “bắt nạt” (Ảnh: Andrew Parsons - Pool/Getty Images)
EU, Mỹ và các nền dân chủ khác cần hình thành một mặt trận thống nhất và chính thức cam kết rằng họ sẽ ủng hộ nhau khi các nước riêng lẻ bị Bắc Kinh “bắt nạt” (Ảnh: Andrew Parsons - Pool/Getty Images)

Điều này làm nổi bật các giới hạn của sự ép buộc đó. Che giấu thương mại và tiếp cận thị trường được xem như một vũ khí chính trị, có thể gây “tác dụng ngược”, làm tổn hại đến chính các công ty và nền kinh tế của Trung Quốc. Nó hủy hoại lòng tin và thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa việc tách rời Trung Quốc, để giúp họ ít phụ thuộc hoặc chịu ép buộc từ Trung Quốc hơn.

Điều này đã xảy ra với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Hiện nay, tất cả các quốc gia này đều có các chính sách chính thức để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có các rào cản diễn ra, với việc nhiều quốc gia thích đầu hàng theo yêu cầu của Bắc Kinh để nối lại thương mại và tiếp cận thị trường.

Điều cần thiết bây giờ là một cơ chế đa phương giúp các nước từng bước thoát khỏi sự ép buộc này. Bước tiếp theo là EU, Mỹ và các nền dân chủ khác cần hình thành một mặt trận thống nhất và chính thức cam kết rằng họ sẽ ủng hộ nhau khi các nước riêng lẻ bị Bắc Kinh “bắt nạt”.

Cho đến nay, lợi ích của “ngoại giao thương mại cưỡng chế” của Bắc Kinh đã vượt xa chi phí. Nếu các nước muốn Bắc Kinh dừng lại, thì họ cần đảo ngược phương trình đó.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh trừng phạt thương mại theo kiểu Mafia, các nền dân chủ buộc phải đoàn kết ‘chống Trung’