Bắc Kinh trắng trợn ăn chặn hàng tỷ USD hưu trí của người Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh ra chính sách yêu cầu các hãng bảo hiểm không cho phép người Hong Kong rút tiền bảo hiểm bắt buộc khi họ chạy sang Anh quốc. Chính sách này có thể giúp Bắc Kinh ‘ăn chặn’ hàng tỷ USD hưu trí của người Hong Kong, đồng thời đẩy rất nhiều người vào tình cảnh khốn khổ ở nước ngoài.

Hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) là một loại giấy thông hành cho phép người Hong Kong được đến thăm Vương quốc Anh một cách dễ dàng và lưu trú trong vòng 6 tháng.

Kể từ ngày 31/01/2021, tấm hộ chiếu này đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho hàng chục nghìn người Hong Kong không muốn sống trong điều kiện các quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt. Những biện pháp do chính phủ Boris Johnson ban hành hồi đầu năm cho phép hàng triệu người Hong Kong có thể lưu trú, học tập, và làm việc tại Anh trong thời hạn ban đầu là 5 năm và sau đó có quyền xin nhập quốc tịch Anh.

Quyết định này của London hiển nhiên đã chọc giận Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ sự phẫn nộ bằng nhiều biện pháp đáp trả, trong đó có việc ngăn chặn người dân đã di trú sang Anh rút khoản tiền trong Quỹ hưu trí bắt buộc (MPF) của họ.

Ăn cướp trắng trợn

Một chuyên gia bất động sản 37 tuổi, người từng tham gia vào các cuộc biểu trong phong trào chống dẫn độ năm 2019, cho biết rằng trong đơn đăng ký rút quỹ, anh đã nộp cả giấy phép cư trú ở Anh. Tuy vậy, yêu cầu của anh về việc tiếp cận các khoản tiền của chính mình trong MPF liên tục bị từ chối.

Anh cho hay, khoản tiền đang bị kẹt ở Manulife tương đương với hơn một năm rưỡi tiền thuê nhà ở Anh. Trong khi đó, anh thật sự đang phải vật lộn tìm việc làm ở London giữa đại dịch Covid-19.

Manulife cho biết họ đang tuân thủ các thông lệ ngành và các quy định luật pháp khi xử lý đơn xin rút tiền sớm.

Một cặp vợ chồng chuyển đến Anh vào tháng 4/2021 có khoảng 51.000 USD trong 2 tài khoản hưu trí bị mắc kẹt ở Hong Kong. Ban đầu, nhân viên của HSBC đã chấp nhận hồ sơ của họ và hẹn phê duyệt sau 3 tuần. Sau đó, HSBC yêu cầu cung cấp thêm các tài liệu, bao gồm hợp đồng thuê nhà ở Anh cùng với hóa đơn điện và nước. Mặc dù cặp vợ chồng này đã cung cấp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, HSBC vẫn không chấp thuận hồ sơ của họ.

Đại diện của HSBC đã nói trong một tuyên bố rằng họ cần tuân theo yêu cầu của cơ quan chức năng về việc xử lý các đơn đăng ký rút tiền sớm liên quan đến MPF.

Một nhân viên kế toán hiện đang sống ở London cho biết cô có số tiền trị giá hơn 64.000 USD đang bị mắc kẹt ở Principal Trust và AIA. Vào tháng 5/2021, cô đã nộp đơn xin rút tiền của mình ở Principal nhưng tổ chức này đã từ chối yêu cầu của cô. Trong khi đó, AIA vẫn chưa trả lời cho yêu cầu tương tự.

Người đại diện của Principal và AIA đều lên tiếng rằng họ đang xử lý các yêu cầu theo các quy định của MPF.

Rất nhiều người Hong Kong khác cũng đang gặp tình trạng tương tự.

Hợp pháp hóa ‘cướp bóc’ hưu trí

Hồi tháng 1/2021, Bắc Kinh đã ra quyết định về việc rút lại sự công nhận hộ chiếu BNO là tài liệu hợp lệ chính thức trong quá trình làm thủ tục rút tiền sớm ở quỹ MPF.

Liền sau đó, MPF ra thông báo, “các ủy viên của MPF có nhiệm vụ tuân thủ luật pháp Hong Kong khi xử lý các vấn đề hành chính cho các chương trình MPF bao gồm việc xử lý các đơn xin rút tiền sớm”.

Đại diện của MPF đã nói với các tổ chức bảo hiểm và tổ chức ủy thác rằng hộ chiếu BNO không thể được sử dụng để chứng minh việc rời khỏi Hong Kong - một điều kiện tiên quyết để người Hong Kong có quyền tiếp cận sớm vào quỹ. Những tổ chức này, bao gồm HSBC, Manulife, AIA, và Sun Life, hiện đang bị lôi kéo vào cuộc chiến giành hàng tỷ USD tiết kiệm trong tài khoản hưu trí.

Đối với các tổ chức tài chính, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chặn quyền truy cập vào khoản tiền của khách hàng liên quan tới MPF bởi vì họ có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp địa phương.

Chính phủ Anh dự đoán sẽ có hơn 300.000 người dân sử dụng hộ chiếu BNO để đến Anh tìm cuộc sống mới, khiến hàng tỷ USD có nguy cơ bị mắc kẹt. Chỉ trong quý đầu của năm 2021 đã có khoảng 30.000 đơn xin hộ chiếu BNO.

Trước khi chính quyền Hong Kong thay đổi các quy tắc của MPF, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Bank of America đã ước tính rằng số tiền rút khỏi quỹ hưu trí của dòng người di cư sang Anh sẽ lên tới 6,9 tỷ USD trong 5 năm tới. Vào thời điểm đó, số tiền rút khỏi MPF với lý do rời khỏi Hong Kong vĩnh viễn trong 6 tháng gần nhất đã lên mức kỷ lục là 497 triệu USD.

Theo ông Duncan Abate, đối tác của công ty luật Mayer Brown, sẽ rất khó để kiện các tổ chức ủy thác vì họ đang tuân thủ các nghĩa vụ theo luật định.

Nếu những người yêu cầu rút tiền sớm có thể chứng minh rằng họ có quyền cư trú ở Vương quốc Anh và các quyền đó không phụ thuộc vào BNO, chẳng hạn như họ nhận được quốc tịch Anh sau 6 năm, thì họ có thể yêu cầu MPF trả lại tiền, ông Abate cho biết thêm. Nhưng đó là với điều kiện 6 năm sau, Trung Quốc không một lần nữa thay đổi các quy tắc.

Cả chính phủ Hong Kong và MPF không bình luận về việc liệu những người nắm giữ BNO sau khi nhập quốc tịch Anh có thể tiếp cận với khoản tiền của họ hay không.

South China Morning Post đưa tin, trong vòng một năm tính đến tháng 6/2021, gần 90.000 người Hong Kong đã di cư đến Anh và các quốc gia khác, khiến dân số Hong Kong sụt giảm ở mức đáng báo động.

Ông Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu và đã rời Hong Kong ngay sau khi luật an ninh được áp dụng, cho hay: Nhà chức trách Trung Quốc coi BNO là “phương tiện gây bất ổn ở Hong Kong” và những người rời Hong Kong là “những kẻ phản bội và đào tẩu".

Chính phủ Trung Quốc không bình luận về các chi tiết cụ thể của câu chuyện nhưng cho biết trong một email rằng, vương quốc Anh đã “vi phạm trắng trợn các cam kết của mình bằng cách thay đổi chính sách BNO. Đó là một nỗ lực can thiệp vào công việc của Hong Kong và công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Ngày 16/07/2021, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên bảy quan chức Trung Quốc làm việc tại Văn phòng liên lạc ở Hong Kong. Đây là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự xói mòn nhà nước pháp quyền tại đặc khu Hong Kong, và tất nhiên là Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Chính quyền Biden cũng từng cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro khi kinh doanh tại Hong Kong, với lý do là Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát nhiều hơn đối với trung tâm tài chính này, theo Reuters.

Chi Anh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh trắng trợn ăn chặn hàng tỷ USD hưu trí của người Hong Kong