Bắc Kinh tìm kiếm quyền tự chủ về chip, nhưng Mỹ vẫn nắm giữ ‘quân át chủ bài’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một thời gian dài, đạt được sự tự chủ về sản xuất chip nội địa là một mục tiêu quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, Bắc Kinh đang hy vọng giảm sự phụ thuộc vào các con chip của Mỹ. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng Mỹ vẫn nắm giữ “quân át chủ bài” mạnh mẽ khi nước này đứng ở đầu chuỗi giá trị chip. Nếu như Mỹ quyết định gây áp lực, khả năng tự chủ về chip của ĐCSTQ sẽ có thể bị cản trở.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IC Insights, doanh số của công ty thiết kế chip HiSilicon của Huawei trong quý vừa rồi đã tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên Tạp chí Phố Wall cho biết Huawei vẫn chưa đạt được quyền tự chủ hoàn toàn. HiSilicon là nơi chuyên thiết kế, bán chip phần cứng và bán dẫn nhưng không trực tiếp gia công các sản phẩm này mà đi thuê ngoài do không có nhà máy sản xuất riêng. Nó dựa vào các công ty khác như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (gọi tắt là TSMC) để sản xuất chip. Chính quyền Trump đang xem xét các quy định để có thể hạn chế doanh số bán chip của TSMC cho HiSilicon.

Huawei có thể sẽ chuyển một phần đơn đặt hàng của mình sang công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhưng công nghệ của SMIC vẫn bị tụt hậu so với các nhà lãnh đạo trong ngành như TSMC và Samsung. Tuy nhiên, các cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của SMIC đã tăng 43% trong năm nay, bởi vì các nhà đầu tư mong đợi các đơn đặt hàng từ các công ty Trung Quốc khác sẽ tăng.

Mặc dù vậy, nếu chính quyền Trump quyết định tăng áp lực lên Trung Quốc, khả năng sản xuất của SMIC có thể sẽ bị cản trở. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng họ sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm và công nghệ do Mỹ sản xuất mà cần phải trải qua các đánh giá an ninh quốc gia trước khi được chuyển đến Trung Quốc. Việc sản xuất của SMIC phụ thuộc vào thiết bị sản xuất chất bán dẫn nước ngoài, bao gồm cả một số tại Mỹ.

Có thể thấy rằng, bất chấp mong muốn đạt được quyền tự chủ về kỹ thuật của Bắc Kinh, Mỹ vẫn nắm giữ một “quân át chủ bài” mạnh mẽ ở đầu chuỗi giá trị nếu nước này lựa chọn sử dụng nó.

Không có công nghệ của Mỹ, tham vọng phát triển chip của ĐCSTQ sẽ ‘đi vào ngõ cụt’

Kể từ năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển ngành công nghiệp chip địa phương, khiến số lượng các công ty thiết kế chip của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vài năm qua.

Ngoài cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm ngoái, cuộc chiến công nghệ giữa hai nước cũng trở nên căng thẳng hơn. Bộ Thương mại Mỹ đã đưa gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và hơn 100 công ty con của nó trên toàn thế giới vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu. Tất cả các sản phẩm trên thế giới có chứa ít nhất 25% công nghệ của Mỹ đều bị cấm bán cho Huawei khi chưa được sự cho phép của chính phủ Mỹ.

Các công ty nằm trong danh sách đen phải xin giấy phép từ Mỹ trước nếu họ muốn mua các sản phẩm và công nghệ của Mỹ, nhưng xác suất phê duyệt là nhỏ. Điều này tương đương với việc cấm các thực thể trong danh sách đen có được các sản phẩm và công nghệ của Mỹ.

Một báo cáo trước đây trên Nikkei Asian Review dẫn lời một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu tại Trung Quốc cho biết: "Mặc dù có những lựa chọn thay thế ở Trung Quốc, nhưng khoảng cách về công nghệ là quá lớn".

Nhà sản xuất chip này phải dựa vào công nghệ của Mỹ để thiết kế chip. "Nếu chúng tôi không thể nhận được phần mềm của Mỹ hoặc không thể nhận được các bản cập nhật (phần mềm) nữa, việc phát triển chip của chúng tôi sẽ đi vào ngõ cụt", vị giám đốc điều hành nói.

Một giám đốc điều hành cấp cao của nhà sản xuất chip NextVPU có trụ sở tại Thượng Hải, cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự. "Nếu không có cập nhật từ các nhà cung cấp phần mềm Mỹ, việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển con chip của riêng mình sẽ gặp khó khăn", ông nói với Nikkei Asian Review.

Bloomberg trước đây đã báo cáo rằng Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ đối với chip máy tính. Các công ty của Mỹ như Intel và Nvidia đang thống trị thị trường bộ xử lý toàn cầu, và đây là những thành phần chính của máy tính xách tay và máy tính để bàn. Một lựa chọn khác là AMD, cũng là một công ty bán dẫn của Mỹ. Ngoài ra, chip di động và chip chuyển đổi của Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp Mỹ.

Một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo cho biết các công ty Trung Quốc vẫn ưu tiên chip nhập khẩu hơn các sản phẩm nội địa đối với các loại chip cao cấp được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và các ứng dụng phức tạp khác. Không chỉ hiệu suất của chip Trung Quốc tụt hậu mà chi phí cũng tăng đáng kể. Đôi khi do quy mô sản xuất hạn chế, chi phí chip Trung Quốc cao hơn tới 50%. Sự do dự về việc sử dụng chip trong nước khiến các nhà phát triển chip Trung Quốc gặp khó khăn trong việc cải thiện công nghệ của họ.

Thanh Hương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh tìm kiếm quyền tự chủ về chip, nhưng Mỹ vẫn nắm giữ ‘quân át chủ bài’