Bắc Kinh sử dụng Dược liệu làm Vũ khí chiến lược chống Mỹ và phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 22/4, các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Tina Smith và Marco Rubio đã giới thiệu lại hai đạo luật nhằm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nguồn cung cấp dược liệu từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các nguồn dược liệu trong chuỗi sản xuất đang ngày càng gia tăng và đang khiến thế giới dân chủ gặp rủi ro. Đây là cách ĐCSTQ sử dụng đại dịch để thực hiện chương trình chính trị của mình.

Bà Rosemary Gibson, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Hastings, cho biết tại phiên điều trần năm 2019 của Ủy ban Đánh giá Tình hình An ninh và Kinh tế Mỹ -Trung vào ngày 31/7, nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu thuốc và các thành phần dược liệu chính của họ, thì các bệnh viện dân sự, trung tâm y tế và các quân y viện ở Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động trong vòng vài tháng, chứ không phải vài ngày, The Epoch Times đưa tin ngày 5/5.

Chắc chắn giới lãnh đạo ĐCSTQ biết rõ quyền lực họ đang nắm giữ.

“Nếu bây giờ Trung Quốc trả đũa bằng lệnh cấm đi lại đối với Hoa Kỳ, việc kiểm soát chiến lược đối với các sản phẩm y tế và lệnh cấm xuất khẩu, thì Hoa Kỳ sẽ tha hồ vùng vẫy trong chiếc bẫy COVID-19 tràn lan”, Tân Hoa Xã đưa tin ngày 4/3/2020.

Sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc

Theo phiên điều trần năm 2019 về vai trò của Trung Quốc đối với vấn đề sức khỏe toàn cầu, và những quan ngại về an ninh quốc gia, kinh tế và sức khỏe cộng đồng bắt nguồn từ sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm y tế của Trung Quốc, 80% hoạt chất dược phẩm đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, phiên điều trần cũng tiết lộ rằng Ấn Độ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc với khoảng 80% các thành phần hoạt chất của họ.

Ông Yanzhong Huang, cán bộ nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã từng viết, “API (hoạt chất dược phẩm) và các chất trung gian hóa học từ Trung Quốc rẻ hơn từ 35 đến 40% so với của Ấn Độ”.

Phiên điều trần cũng cho biết, rằng ngành công nghiệp thuốc gốc của Trung Quốc đang phát triển mạnh cùng với sự tăng vọt xuất khẩu thuốc sang Hoa Kỳ. Các loại thuốc gốc do các công ty trong nước sản xuất tại Trung Quốc và được bán ở Hoa Kỳ bao gồm: thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, hóa trị liệu điều trị ung thư cho trẻ em và người lớn, thuốc chữa bệnh Alzheimer, HIV / AIDS, tiểu đường, Parkinson và chứng động kinh, và nhiều loại thuốc khác.

Hoa Kỳ không còn có thể sản xuất thuốc kháng sinh thông thường; và hiện nay, Trung Quốc là nhà sản xuất thuốc kháng sinh hàng đầu.

Vấn đề chất lượng

Tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Quốc gia ở Bắc Kinh vào tháng 3/2019, Ông Li Daokui, một nhà kinh tế học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói: “Mặc dù lệnh trừng phạt đối với chip thực sự đã hạn chế Trung Quốc, nhưng hệ thống y tế của một số nước phát triển sẽ chịu đau đớn với xuất khẩu sụt giảm từ Trung Quốc, nhà xuất khẩu dược liệu vitamin và kháng sinh hàng đầu thế giới”.

Phiên điều trần năm 2019 cũng tiết lộ rằng, có 5.000 đến 7.000 công ty đã đăng ký trong lĩnh vực dược phẩm của Trung Quốc. Trung Quốc là nguồn cung cấp thuốc gốc, dược phẩm và các sản phẩm sức khỏe lớn nhất trên toàn cầu, bao gồm cả thực phẩm chức năng, sinh học và thiết bị y tế.

Trong lời khai nhân chứng của mình, bà Gibson nhấn mạnh rằng trong 5 đến 10 năm nữa, Hoa Kỳ sẽ hầu như không còn năng lực sản xuất thuốc gốc, vốn chiếm 90% lượng thuốc của Hoa Kỳ. “Chúng ta đang mất kiểm soát đối với việc cung cấp thuốc của mình và khi chúng ta mất kiểm soát đối với nguồn cung, chúng ta sẽ mất kiểm soát về chất lượng". Một điểm gây sốc mà bà Gibson đưa ra là, "Đó là lý do tại sao chúng ta có các loại thuốc huyết áp có chất gây ung thư trong đó".

Có lẽ sự thật là một lời cảnh báo. Tại buổi điều trần, bà Gibson nói, "Năm 2018, hơn 31.000 quân nhân tại ngũ, cựu chiến binh và thành viên gia đình của họ đã được thông báo rằng họ có thể đã được sử dụng thuốc huyết áp có chứa thành phần gây ung thư". Ngoài ra, việc Bộ Quốc phòng mua thuốc dựa trên giá cả chứ không phải chất lượng khiến người Mỹ gặp rủi ro ở cấp độ quốc gia.

“Hơn 10% thuốc gốc được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng”, bà Gibson nói.

Một thị trường quá lớn để bỏ qua

Mặt khác, ông Huang giải thích rằng theo quy trình đấu thầu cạnh tranh không lành mạnh, các hãng dược phẩm đa quốc gia mất thị phần ở Trung Quốc ngay cả khi sản phẩm của họ được cam kết chất lượng cao.

Trên thực tế, vì “ Trung Quốc không có vụ bê bối vắc-xin nào liên quan đến các nhà sản xuất nước ngoài”, như ông Huang đã nói, người tiêu dùng Trung Quốc thích các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu, cao cấp hơn.

Trung Quốc đã nổi lên là thị trường dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới tính theo doanh thu, sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các công ty y tế và công nghệ sinh học của Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các rào cản về quy định và thị trường khác làm hạn chế khả năng bán hàng ở Trung Quốc và cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, như đồng chủ tịch Michael Wessel đã tuyên bố.

Trong khuyến nghị chính sách, ông Huang chỉ ra, "Chúng ta nên đưa ra một thông điệp rõ ràng cho phía Trung Quốc rằng, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là điều hết sức không nên làm".

Ngoài các sản phẩm dược liệu, Bắc Kinh còn sử dụng đồng nhân dân tệ làm vũ khí chiến lược để chống lại Mỹ và phương Tây, cũng như vượt lên vị trí đứng đầu thế giới. "Đồng tiền định giá cuối cùng của thế giới sẽ là đồng Nhân dân tệ", Bắc Kinh cho biết, The Epoch Times đưa tin hồi tháng Tư.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) là môi trường để ĐCSTQ thúc đẩy lưu thông đồng nhân dân tệ ở các nước đang phát triển.

BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường, là một chiến lược đầu tư toàn cầu lớn do ĐCSTQ đưa ra vào năm 2013 nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.

Mục tiêu của BRI là tạo ra sự tuần hoàn của đồng nhân dân tệ trong các quốc gia đối tác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đại diện cho hàng tỷ người. Trung Quốc sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ để đầu tư vào các quốc gia này, trả nhân dân tệ cho những người họ thuê ở những quốc gia này và yêu cầu các quốc gia này mua hàng hóa từ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Và vòng tuần hoàn này vẫn đang tiếp tục, theo một học giả, cố vấn kinh tế cấp cao của Bắc Kinh.

Ngoài ra, đại dịch là một cơ hội "ngàn năm có một" để ĐCSTQ thực hiện mục tiêu khiến "tất cả bảy tỉ người trên thế giới phải trả tiền cho Trung Quốc".

Nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt được quyền bá chủ toàn cầu, Bắc Kinh sẽ có khả năng in thêm tiền để làm loãng giá trị của đồng nhân dân tệ do dân số thế giới nắm giữ, theo đó, chuyển của cải sang Trung Quốc, vị học giả của Bắc Kinh cho biết.

Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà còn là quốc gia có chuỗi sản xuất hoàn thiện. Việc Bắc Kinh dốc sức thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ là mối đe dọa không nhỏ với Washington trong dài hạn.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh sử dụng Dược liệu làm Vũ khí chiến lược chống Mỹ và phương Tây