Bắc Kinh khuyến khích lao động trẻ về nông thôn nhằm xoa dịu khủng hoảng thất nghiệp ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã đăng tải các bài bình luận khuyến khích những người trẻ tuổi di chuyển đến các vùng nông thôn, vì hiện đang không có đủ việc làm ở các thành phố do tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những người nông dân ở vùng nông thôn cũng không thể tìm đủ việc làm.

Chính quyền Trung Quốc cũng đang thúc đẩy một kế hoạch khuyến khích tiêu dùng nội địa, gọi là "lưu thông kinh tế nội địa": vì phải đối mặt với việc thiếu đơn hàng xuất khẩu do đại dịch, Trung Quốc nên thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp để sản xuất hàng hóa mà người dân Trung Quốc muốn mua.

Không có việc làm ở khu vực nông thôn

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm tỉnh Quý Châu nằm ở phía tây nam Trung Quốc vào ngày 6-7/7 để đánh giá tình hình kinh tế hiện tại và ảnh hưởng của trận lũ lụt nghiêm trọng gần đây.

"Trên đường đến đây, tôi thấy rất nhiều xưởng sản xuất bỏ không dọc các con đường. Tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương của chúng ta nên khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chúng để mở rộng sản xuất", ông Lý nói, trong khi tham quan nhà máy Beiyitong ở thành phố Đồng Nhân vào ngày 6/7, theo báo cáo của chính quyền địa phương.

"[Các doanh nghiệp] nên thuê thêm lao động nhập cư", ông Lý gợi ý.

Nhiều công nhân nhập cư bị mất việc làm trong thành phố trong đại dịch virus Corona Vũ Hán. Không có nguồn thu nhập, nhiều người đã trở về làng quê của mình.

Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương phân bổ các mảnh đất bằng nhau cho mỗi hộ gia đình, các gia đình nông thôn từ lâu đã trải qua tình trạng khó khăn khi không có đủ đất để kiếm sống.

Vào cuối năm 2019, Trung Quốc có 290,77 triệu lao động nhập cư, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Nhưng vì họ không đăng ký chính thức tại các khu vực đô thị nơi họ làm việc, nên họ đã không được tính vào cơ quan dữ liệu về tình trạng thất nghiệp.

Không có việc làm trong thành phố

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp chính thức tại các thành phố trong tháng 5 là 5,9%, mặc dù người dân và các nhà kinh tế Trung Quốc nghi ngờ về con số đó.

Vào tháng 4, nhà kinh tế Trung Quốc Li Xunlei và nhóm của ông đã đăng lên mạng rằng theo nghiên cứu của họ, tỷ lệ thất nghiệp quốc gia nên được tính là 20,5%, có nghĩa là hơn 70 triệu người đã mất việc làm. Sau khi nghiên cứu này tạo ra một cuộc tranh luận công khai nóng bỏng, ông Li đã bị buộc phải từ chức vị trí giám đốc của công ty môi giới Zhongtai Securities.

Vào tháng 5 và tháng 6, truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài và truyền thông tiếng Anh đã trích dẫn lời của các nhà kinh tế Trung Quốc (những người muốn ẩn danh) rằng 80 triệu người Trung Quốc đang tìm kiếm việc làm trong các thành phố.

Zhou Li, một nhà kinh tế cấp cao và cựu thứ trưởng của Ban Liên lạc Quốc tế của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng một bài báo vào ngày 22/6 đề cập đến những thách thức to lớn mà đất nước đang phải đối mặt.

"Kể từ khi đại dịch lan rộng khắp thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đã nhận được rất ít đơn đặt hàng. Các nhà cung cấp và người mua của họ đã ngừng sản xuất, và giao thông quốc tế thì bị tắc nghẽn", ông Zhou viết trong bài báo, được đăng trên Bản tin Khoa học Xã hội Trung Quốc của nhà nước. "Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn đối với nền kinh tế và việc làm của Trung Quốc".

Trên cả những thách thức kinh tế, ông Zhou viết rằng Trung Quốc cũng phải đối mặt với mối quan hệ Mỹ - Trung đang dần xấu đi, một đại dịch virus Corona Vũ Hán đang diễn ra, các giao dịch quốc tế dựa vào đồng đô-la Mỹ, và sự thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc.

Người dân địa phương đang cảm thấy gánh nặng của những thiệt hại kinh tế. Zhou Na, một cư dân ở thành phố cảng Thanh Đảo phía đông Trung Quốc, cho biết nhiều nhà máy tập trung xuất khẩu trong khu vực đang phải trải qua thời kỳ khó khăn.

"[Các nhà máy sản xuất] khăn, giày, mũ, quần áo ... hầu hết tất cả bạn bè của tôi làm việc trong các doanh nghiệp này hiện đều không có việc gì để làm", cô nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Cô Zhou nói thêm rằng nhiều người dân địa phương không còn đủ khả năng để ăn ngoài.

"Hầu như không ai ăn ở nhà hàng vì các món ăn ở đó quá đắt tiền. Các quán ăn vỉa hè lại rất đông khách bởi vì chúng khá rẻ. Mọi người không có việc và không có tiền. Năm nay rất khó khăn đối với chúng tôi", cô cho biết.

Đề xuất giải pháp

Tờ báo nhà nước Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận vào ngày 6/7 để khuyến khích 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong tháng này "đi đến các vùng nông thôn, nơi đất nước đang tha thiết cần các bạn".

Đó là một khẩu hiệu tương tự mà chế độ ĐCSTQ đã sử dụng trong chiến dịch "Phong trào xuống vùng nông thôn" trong những năm 1960 và đầu những năm 1970.

Bài bình luận khuyến khích họ "trở thành giáo viên, nông dân và bác sĩ ở khu vực nông thôn, và đi đến các vùng nghèo khó [nơi] có sự phát triển nghề nghiệp rộng lớn hơn".

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, quan chức hàng đầu của ĐCSTQ về chính sách kinh tế, đã đề xuất một kế hoạch phục hồi nền kinh tế trong diễn đàn kinh tế Lujiazui tại Thượng Hải vào ngày 18/6.

"Chúng ta [Trung Quốc] vẫn đang phải đối mặt với áp lực khá lớn từ suy thoái kinh tế. ... Hệ thống kinh tế của chúng ta đang hình thành một mô hình mới, chủ yếu dựa vào lưu thông trong nước", trong khi vẫn dựa vào thương mại quốc tế, ông nói.

Ông Lưu yêu cầu mọi người chú ý hơn đến tính toàn vẹn của chuỗi công nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện nay phụ thuộc vào xuất khẩu và các nhà cung cấp nước ngoài, và nói rằng các ngành công nghiệp địa phương nên tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng giá trị 6,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (885 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm 2020, trong khi nhập khẩu 5,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (762 tỷ USD) - ít hơn lần lượt 4,7% và 5,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh khuyến khích lao động trẻ về nông thôn nhằm xoa dịu khủng hoảng thất nghiệp ở Trung Quốc