Ám ảnh các cuộc gọi ký quỹ vì nợ kỷ lục: Bán tháo và Đổ vỡ hệ thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãy hình dung trong một ngày đen tối, thị trường chứng khoán (TTCK) tại Mỹ, Đài Loan hay Việt Nam, khi một số nhà đầu tư nhỏ hoặc một nhà đầu tư lớn buộc phải bán tháo chứng khoán để đáp ứng cuộc gọi ký quỹ, khi đó các quỹ và nhà đầu tư khác cũng phải xả hàng theo, chứng khoán có thể lao dốc thẳng đứng. Hãy tưởng tượng, thị trường chỉ có người bán, không có người mua, thanh khoản đóng băng… Với lạm phát đang bùng phát trở lại sớm hơn dự kiến, viễn cảnh này là có thể...

Theo hãng tin Bloomberg, ngày 12/5 vừa qua, tại thị trường chứng khoán Đài Loan, giao dịch đã khởi đầu êm ả như thường lệ. Nhưng ngay trước khi phiên sáng kết thúc, chỉ số Taiex, thước đo chính của chứng khoán Đài Loan, bất ngờ sụt gần 9%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử 54 năm của thị trường có quy mô 2 nghìn tỷ USD này.

Không ai có thể đưa ra được một lý do cụ thể nào dẫn tới sự bán tháo này.

Do ảnh hưởng bởi đại dịch? Không, Đài Loan là nước có tỷ lệ lây nhiễm virus Vũ Hán gần như thấp nhất thế giới.

Do mối lo lạm phát trên thế giới ảnh hưởng? Không, giới đầu tư chứng khoán ở Đài Loan hầu như chẳng có lý do gì để sợ thua lỗ. Đài Loan là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ sự đối đầu Mỹ-Trung. Các hãng chip Đài Loan ăn nên làm ra trong bối cảnh Washington ra sức cản trở nỗ lực của Bắc Kinh về xây dựng nền công nghiệp chip nội địa. Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, Taiex là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, với mức tăng hơn 90% nếu tính theo giá trị bằng USD. Kể cả khi đại dịch Covid-19 đang làm thế giới chao đảo, thì tính đến hết tháng 4 năm nay, Taiex đã có 7 tháng tăng không nghỉ.

Do chính trị? Cũng không phải, mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa, nhưng với một liên minh chống Trung hùng mạnh đang vây tỏa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như hiện tại, Trung Quốc có lẽ sẽ không manh động, cái mà Trung Quốc nhắm đến đầu tiên ở Biển Đông hiện tại không phải là đảo quốc này, mà là nguồn tài nguyên đang nằm sâu dưới đáy biển.

Vậy tác nhân đó là gì? Câu trả lời là: Cuộc gọi ký quỹ (call margin)!

Trong suốt mấy tháng qua, những người có quan điểm hoài nghi về thị trường tài sản tài chính tăng giá chóng mặt trên toàn cầu đã cảnh báo rằng việc sử dụng đòn bẩy tràn lan đang khiến thị trường chứng khoán trở nên rủi ro hơn. Vụ sập quỹ đầu cơ Archegos Capital Management hồi tháng 3 là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về rủi ro đó. Ở Đài Loan, do đặt niềm tin vào những dự báo giá lên và được hậu thuẫn bởi lịch sử chứng khoán Đài Loan hiếm khi có biến cố lớn, các nhà đầu tư ở vùng lãnh thổ này vay nợ ký quỹ ngày càng nhiều. Cách đây 2 tuần, dư nợ ký quỹ chứng khoán ở Đài Loan đã tăng 46% so với đầu năm, đạt mức khoảng 274 tỷ Đài tệ, tương đương 9,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2011.

Trong khi đó, chỉ số Taiex chỉ tăng 19% trong cùng khoảng thời gian, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư vay nợ với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng giá cổ phiếu.

Tuần này, đà tăng của thị trường chứng khoán Đài Loan bắt đầu đuối. Khi Taiex sụt 3,8% trong phiên giao dịch ngày 11/5, mức dư nợ ký quỹ trên thị trường chứng khoán Đài Loan giảm 12,6 tỷ Đài tệ, mức giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ tháng 10/2018. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã nhận được cuộc gọi ký quỹ từ công ty môi giới yêu cầu bù lỗ cho danh mục.

Phiên giảm kỷ lục vào ngày 12/5 có thể khiến dư nợ ký quỹ chứng khoán trên thị trường Đài Loan giảm mạnh hơn nữa. Hiện tại, chưa có một con số cụ thể nào được công bố.

“Giao dịch ký quỹ đã thúc đẩy Taiex tăng trong mấy tháng qua, và sẽ khiến thị trường giảm mạnh hơn bình thường nếu xảy ra margin call”, Chủ tịch Paul Cheng của Master Link Securities Investment phát biểu.

Nỗi lo về sự sụt giảm sâu hơn đang hiển hiện trên thị trường chứng khoán Đài Loan, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng hơn 60% giao dịch. Thị trường chứng khoán phái sinh của Đài Loan đặc biệt sôi động: hơn 1,75 triệu hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số Taiex được chuyển nhượng trong phiên ngày 12/5, đánh dấu phiên sôi động thứ ba kể từ năm 2016. Các nhà đầu tư mua mạnh các hợp đồng giá xuống (bearish contracts) cho dù hàng chục quyền chọn ngắn hạn hết hạn, khiến giá của một quyền chọn bán có lúc tăng tới 7.757%.

Nhà giao dịch Kevin Lee thuộc KGI Securities, nói rằng khách hàng của ông đã bắt đầu hoảng loạn: “Các lệnh được đặt ồ ạt”. “Nhà đầu tư muốn phát điên khi có nhiều tin tức liên tục xuất hiện trong các phiên giao dịch, và chúng tôi chẳng biết thực hư thế nào”, ông Lee nói với Bloomberg.

Ở Việt Nam: Margin 101,4 ngàn tỷ, trích lập dự phòng chưa đến 1%

Thống kê chính thức từ Ủy ban chứng khoán, đến cuối quý 1/2021, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ ở mức 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Trước đó, thời điểm cuối năm 2020, tổng dư nợ ký quỹ tại các công ty chứng khoán được xác nhận là 80,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019.

Theo quy định hiện nay, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Do đó, với số liệu về margin hiện nay, đại diện lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, một số công ty chứng khoán đã chạm mức trần đối với cho vay ký quỹ.

Trong khi đó, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Trong quý 1/2021, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập thị trường đến nay.

Bên cạnh dòng tiền vào mạnh, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán cũng tăng rất mạnh và từ đó xuất hiện tình trạng cạnh tranh căng thẳng giữa một số công ty chứng khoán nhằm thu hút khách hàng.

Tính đến cuối năm 2020, số tài khoản của nhà đầu tư đạt 2.705.266 tài khoản, tăng 380 nghìn tài khoản, tương đương tăng 14% so với năm 2019. Đến hết quý 1/2021, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại các công ty chứng khoán đạt 2.931.000 tài khoản, tăng 226 nghìn tài khoản so với cuối năm 2020.

Tính riêng 20 CTCK lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối quý 1/2021 lên tới 98.407 tỷ đồng, tăng khoảng 17.200 tỷ (+41%) so với quý 4/2020 và tăng 127% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1/2020.

Thời gian gần đây, áp lực cạnh tranh trong ngành chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ. Không chỉ các CTCK Hàn Quốc với lợi thế nguồn vốn giá rẻ, các CTCK nội cũng đẩy mạnh tăng vốn, đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường bùng nổ, qua đó khiến cuộc đua dư nợ margin, thị phần trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Thống kê cho biết tính tới cuối quý 1/2021, có tới 23 CTCK có dư nợ cho vay trên 1.000 tỷ đồng, đây là điều chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong hoạt động cho vay margin tại các công ty chứng khoán là dự phòng hiện đang ở mức rất thấp, thậm chí có doanh nghiệp không có khoản dự phòng này.

Chẳng hạn, tại chứng khoán Mirae Asset, cho nhà đầu tư vay lên đến 13.893 tỷ đồng nhưng dự phòng cho vay ký quỹ chỉ 5,8 tỷ đồng, tương đương bằng 0,04% tổng dư nợ cho vay hiện tại. Chứng khoán SSI cho vay 11.122 tỷ đồng nhưng dự phòng cho vay ký quỹ chỉ 30 tỷ đồng, khoảng 0,26%. TVSI cho vay 3.008 tỷ đồng nhưng dự phòng hơn 9 tỷ đồng, khoảng 0,5%; HSC dự phòng 37 tỷ đồng khoảng 0,4%…

Một số công ty chứng khoán khác không có khoản dự phòng như Chứng khoán VPS, Chứng khoán BSI.

Còn lại, đa phần dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính của các công ty chứng khoán dao động quanh mức vài chục tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với hàng nghìn tỷ đồng đang cho vay ký quỹ. Khoản dự phòng này không được thuyết minh chi tiết, có thể bao gồm dự phòng cho vay margin và dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính của doanh nghiệp như cổ phiếu, trái phiếu tự doanh…

Ở Mỹ: Nợ ký quỹ đạt mức cao kỷ lục 822 tỷ USD

Theo dữ liệu mới được công bố từ FINRA, nợ ký quỹ đã tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức kỷ lục 822 tỷ USD vào tháng 3/2021.

Đó là mức tăng 1,1% so với mức cao kỷ lục trước đó của tháng 2 là 813 tỷ USD, và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước trong việc sử dụng nợ ký quỹ.

Các nhà đầu tư đang giao dịch ký quỹ nhiều hơn bao giờ hết, bất chấp những rủi ro liên quan trong quyết định đầu tư.

Nợ ký quỹ trước đó đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trước khi bong bóng dot-com và vào năm 2007 chỉ ba tháng trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Biểu đồ dưới đây minh họa chỉ số nợ ký quỹ theo dõi chặt chẽ như thế nào với S&P 500:

Khi The Wall Street Journal hỏi James Angel, giáo sư tài chính của Đại học Georgetown, về xu hướng tăng nợ ký quỹ vào tháng 12 năm 2020, giáo sư nói rằng "thị trường chứng khoán hiện đang hưng phấn" và "rất nhiều người đang ngoại suy từ quá khứ gần đây".

"Chúng tôi đã từng thấy trận đấu này diễn ra trước đây, và nó không kết thúc tốt đẹp", ông Angel nói thêm.

Mặt khác, vào tháng 1 vừa qua, Bank of America đã nói với khách hàng của mình rằng "các nhà đầu tư không bị vay quá nhiều về nợ ký quỹ theo tỷ lệ phần trăm của vốn hóa thị trường S&P 500, vẫn còn dư địa để chạy khi so sánh với mức cao nhất từ ​​2007 đến 2018. "

Kể từ tháng 1 năm nay, nợ ký quỹ đã tăng thêm 3%, nhưng tốc độ tăng không nhanh như vào năm 2020.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cảnh báo về việc sử dụng nợ ký quỹ quá mức, bao gồm Edward Yardeni, chủ tịch của công ty tư vấn Yardeni Research.

Ông Yardeni nói với Wall Street Journal rằng nợ ký quỹ "thúc đẩy thị trường tăng giá và nó làm trầm trọng thêm thị trường giá xuống và ở một mức độ nhất định, bạn đưa nó vào danh sách các khoản thanh toán phi lý".

Ông Yardeni cho biết thêm: “Thị trường chứng khoán này càng đi xa, số nợ ký quỹ sẽ càng cao, và khi một thứ gì đó nổ tung sẽ là một trong những yếu tố giải thích tại sao cổ phiếu đi xuống”.

Ông Michael Burry - người sáng lập quỹ đầu tư Scion Capital (Mỹ), cũng cảnh báo về mức nợ ký quỹ kỷ lục trong hệ thống tài chính vào tháng 2 trước khi gỡ tài khoản Twitter của mình..

"Bong bóng cổ phiếu đầu cơ cuối cùng chứng kiến ​​các con bạc gánh quá nhiều nợ", nhà đầu tư này đã tweet cùng với biểu đồ cho thấy S&P 500 và mức nợ ký quỹ đều tăng vọt trong những tháng gần đây.

Call margin - không chỉ là nỗi lo mà đã trở thành ám ảnh

Cho vay margin có thể hái ra tiền cho khối doanh nghiệp chứng khoán, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lãi từ mục này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Các khoản cho vay margin đều được đảm bảo bằng giá trị cổ phiếu, có lẽ vì đã “nắm đằng chuôi” nên việc dự phòng cho khoản margin hiện nay đang ở mức rất nhỏ. Tuy nhiên, trong quá khứ, bài học nhãn tiền FTM khiến nhiều công ty chứng khoán sốc vì khoản nợ xấu margin.

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, mặc dù nắm đằng chuôi nhưng thực tế việc xử lý margin không phải chuyện đơn giản, bởi một khi chứng khoán thông báo call margin - yêu cầu người vay margin để đầu tư chứng khoán phải nộp thêm tiền mặt vào tài khoản để cân đối với giá tài sản đang đi xuống của họ hoặc phải bán tháo ra để trả nợ- việc xả hàng khiến các công ty chứng khoán khác cũng phải bán theo. Lệnh bán phải có lệnh mua nhưng khi tất cả đều bán giá trị cổ phiếu sẽ lao dốc, thanh khoản “chết đứng”.

Khi giá trị đảm bảo không đủ, công ty chứng khoán được quyền bán cho đến khi thu hồi được đủ tài sản, đến khi ko bán được nữa thì số cổ phiếu đấy sẽ được chuyển sang mục tự doanh.

Nêu quan điểm về việc nên chăng trích lập theo tỷ lệ nhất định trên tổng dư nợ cho vay, chuyên gia này cho rằng mục đích của trích lập dự phòng là để giúp cho doanh nghiệp không bị "sốc" nếu có biến động xấu, điều này phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng doanh nghiệp.

Tâm Chính

NGUỒN THAM KHẢO:

https://www.straitstimes.com/business/companies-markets/taiwans-stock-crash-deepens-as-traders-unwind-leveraged-bets

https://www.bloombergquint.com/markets/here-s-what-analysts-are-saying-about-the-taiwan-stock-plunge

https://vneconomy.vn/so-lieu-chinh-thuc-margin-101-4-ngan-ty-da-gan-cham-tran.htm?fbclid=IwAR02iOGREz8Pf97qOp5EGG0A39tD_9PTatrWnpOII_oDllwHmhBZAIukjDk

https://markets.businessinsider.com/news/stocks/finra-margin-debt-hit-another-record-march-topping-822-billion-2021-4-1030330216#:~:text=According%20to%20newly%20released%20data,record%20high%20of%20%24813%20billion



BÀI CHỌN LỌC

Ám ảnh các cuộc gọi ký quỹ vì nợ kỷ lục: Bán tháo và Đổ vỡ hệ thống