Ai là người được hưởng lợi từ ‘canh bạc’ GameStop?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự tăng giá của 'canh bạc' GameStop thường được coi là chiến thắng của những người nghiệp dư trước bầy sói Phố Wall. Nhưng các quỹ đầu tư chuyên nghiệp mới kiếm bộn tiền từ canh bạc này, dù họ đầu tư vào GameStop nhờ phân tích cơ bản hay chỉ "tát nước theo mưa" để thúc đẩy canh bạc nóng bỏng hơn. Trong cuộc đảo chính này, cái được duy nhất của các nhà đầu tư nhỏ dường như chỉ là thể hiện thái độ, đòi dân chủ và lật tẩy thêm bước nữa quyền lực mềm của Phố Wall mà thôi...

Thắng 700 triệu USD dù không 'đánh bạc' với GameStop

Richard Mashaal và Brian Gonick là những nhà quản lý quỹ đầu cơ Senvest Management LLC ở New York. Mối quan tâm của công ty này đối với cổ phiếu của hãng bán lẻ trò chơi điện tử đã được khơi dậy bởi một bài thuyết trình từ Giám đốc điều hành GameStop tại một hội nghị đầu tư tiêu dùng vào tháng 1 năm ngoái.

Các nhà quản lý quỹ đầu cơ Senvest đã nói chuyện với ban quản lý của GameStop, loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và ghi nhận sự tham gia của các nhà hoạt động vào cổ phiếu, bao gồm cả người đồng sáng lập Chewy Inc., Ryan Cohen, cuối cùng họ đã bắt đầu mua vào cổ phiếu của hãng này. Đến cuối tháng 10, Senvest sở hữu hơn 5% cổ phần của GameStop với giá dưới 10 đô la một cổ phiếu cho phần lớn cổ phiếu mà họ nắm giữ.

Senvest đầu tư vào GameStop với niềm tin (sau khi phân tích cơ bản) rằng giá cổ phiếu của hãng này có thể trụ vững cho đến khi thế hệ máy chơi trò chơi điện tử tiếp theo ra mắt và thúc đẩy nhu cầu về trò chơi và phụ kiện, công ty sẽ có được động lực lớn để phát triển mạnh mẽ. Và họ lý luận rằng nếu ông Cohen có thể giúp chuyển đổi GameStop từ một hoạt động chủ yếu truyền thống thành một điểm đến chơi game trực tuyến, thì giá trị của công ty có thể sẽ lớn hơn rất nhiều.

Khi “cơn thịnh nộ” của GameStop bắt đầu, nhịp tăng giá ổn định đã khiến Messrs. Mashaal và Gonick bắt đầu nghĩ đến thời điểm chốt lời. Hai người đàn ông dán mắt vào màn hình theo dõi hành động.

Khi Citadel LLC, Citadel Partners và Point72 Asset Management đầu tư 2,75 tỷ USD vào Melvin Capital, công ty đang thua lỗ nặng nề, Messrs. Mashaal và Gonick nghi ngờ Melvin đã thoát khỏi vị trí GameStop và nhận thấy thời cơ có vẻ sắp đến.

Sau khi thị trường đóng cửa vào ngày 26 tháng 1 vừa qua, chứng kiến nhà đầu tư nhỏ lẻ đẩy giá cổ phiếu lên cao, quỹ này đã quyết định "bán sạch" khi Elon Musk gây bão với dòng tweet "Gamestonk!!", một lời kêu gọi tập hợp tới người dùng diễn đàn WallStreetBets của Reddit, những người đã ủng hộ GameStop. Sau đó, cổ phiếu Gamestop tăng từ gần 10 USD/cổ phiếu lên trên 400 USD/cổ phiếu, họ đã thu về lợi nhuận gần 700 triệu USD, một trong những vận may hiếm có của thị trường tháng Giêng.

GameStop hiện là khoản đầu tư sinh lời cao nhất của Senvest tính theo USD kiếm được và tỷ lệ hoàn vốn nội bộ - một chỉ số hiệu suất có tính đến thời gian đầu tư. Nó đã thúc đẩy quỹ chọn cổ phiếu hàng đầu của công ty từ 1,6 tỷ USD vào cuối năm 2020 lên 2,4 tỷ USD. Trong tháng 1, quỹ đã hoàn trả 38,4% sau phí.

Các quỹ đầu cơ khác kiếm lời nhờ 'té nước theo mưa'

Các quỹ khác đã nhảy vào giao dịch cổ phiếu GameStop và một số cũng đã thu lợi đáng kể từ những giao dịch này, các nhà giao dịch cho biết. Họ nói rằng với khối lượng cổ phiếu và quyền chọn được giao dịch trong GameStop và các tên khác, các nhà đầu tư cá nhân chỉ thúc đẩy một phần hoạt động của “canh bạc” này.

Ông Thomas Peterffy, Chủ tịch Interactive Brokers Group Inc., cho biết: "Không chỉ có những nhà đầu tư cá nhân được hưởng lợi từ sự việc này. Có rất nhiều người chơi đang chơi cả hai mặt của GameStop".

Sau sự việc này, Senvest cho biết câu chuyện của GameStop sẽ thay đổi một phần cách họ kinh doanh: Công ty sẽ chú ý đến việc các nhà đầu tư cá nhân đang thảo luận về một cổ phiếu trên bảng tin trước khi họ đặt cược vào hay bỏ nó ra khỏi danh mục đầu tư.

Chín nhà đầu tư, bao gồm cả các tổ chức điều hành quỹ lớn như Fidelity's FMR và BlackRock (BLK) cộng với một số cá nhân có vị trí tốt như người đồng sáng lập Chewy (CHWY) Ryan Cohen đã theo dõi giá trị nắm giữ GameStop của họ tăng hơn 1 tỷ đô la mỗi năm chỉ trong năm nay, theo phân tích hàng ngày của Nhà đầu tư về các khoản nắm giữ gần đây nhất được báo cáo cho S&P Global Market Intelligence.

9 nhà đầu tư này đã kiếm được tổng cộng khoảng 16 tỷ đô la từ cổ phần GameStop của họ, chỉ trong tháng Giêng. Điều đó có nghĩa là họ đã giành được khoảng 3/4 trong số 20,4 tỷ USD tăng giá trị thị trường của công ty trong năm nay. GameStop hiện trị giá 22,7 tỷ USD, tăng so với chỉ 1,3 tỷ USD một tháng trước.

Fidelity FMR là quỹ nắm giữ nhiều cổ phần của GameStop nhất. Nó sở hữu 9,5 triệu cổ phiếu tính đến tháng 9, tương đương gần 14% số cổ phiếu đang lưu hành. Thêm vào đó, Fidelity đã thu về gần 3 tỷ USD chỉ trong năm nay cho các nhà đầu tư của mình.

Tương tự, BlackRock đạt 2,6 tỷ USD và Vanguard 1,6 tỷ USD, khi họ sở hữu lần lượt 12,3% và 7,6% GameStop.

Cá nhân giành được lợi nhuận tốt nhất từ sự kiện này là Ryan Cohen, ông hiện là chủ sở hữu cá nhân lớn nhất của cổ phiếu GameStop sau giao dịch ngày 10 tháng 1 năm 2021. Cohen thực sự bắt đầu mua cổ phiếu vào tháng 8 năm ngoái. Ông đã viết thư cho hội đồng quản trị của công ty với những ý tưởng về cách thúc đẩy các dịch vụ thương mại điện tử của mình. Hội đồng quản trị của GameStop đã đề nghị cho ông một chỗ ngồi và ông đã chấp nhận.

Cohen hiện sở hữu 9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 13% số cổ phiếu đang lưu hành. Điều đó chuyển thành khoản lợi nhuận thực tế qua đêm là 2,8 tỷ USD trong năm nay.

Ăn theo Gamestop là sự trỗi dậy của loạt 'cổ phiếu meme'

Câu chuyện nổi bật vào tháng Giêng năm nay là sự đảo lộn của các trật tự thông thường trên Phố Wall, khi các quỹ đầu cơ phải đối mặt với những khoản thua lỗ lớn và các nhà đầu tư cá nhân chiến thắng sau khi hợp tác với nhau để tăng giá một số ít cổ phiếu.

Nhờ động lực của nhóm nhà đầu tư trên Reddit, các cổ phiếu khác vốn bị bán khống mạnh như Bed Bath & Beyond, BlackBerry và Nokia cũng tăng cao hơn.

Sự trỗi dậy của loạt "cổ phiếu meme" đã giúp tỷ suất sinh lời của Union Square Park Capital Management tăng 12,9% vào tháng trước. Theo đó, công ty này trở thành một trong những công ty có hiệu suất hoạt động tốt nhất trong ngành quỹ phòng hộ.

Leon Zaltzman – cựu trader của Lehman Brothers và đối tác điều hành của Union Square Park, cho biết: "Chúng tôi không nghĩ điều này sẽ diễn ra, thực sự rất điên rồ". Mùa thu năm ngoái, quỹ của ông đã mua cổ phiếu của thương hiệu đồ may mặc Express Inc., với mức giá khoảng 1 USD và tin rằng đây chính là mức giá hời.

Express đã ghi nhận khoản lỗ vào quý IV tính đến tháng 12, nhưng Zaltzman cho rằng hãng này vẫn có tiềm năng đáng kể sau đại dịch Covid-19. Trong kịch bản tích cực nhất, ông cho rằng cổ phiếu này có thể tăng lên mức 7-8 USD trong 2 năm.

Tuy nhiên, diễn biến còn khởi sắc hơn những gì ông dự đoán. Cổ phiếu Express đã tăng vọt từ mức dưới 1 USD vào đầu năm lên đỉnh lịch sử với gần 14 USD vào ngày 27/1. Khi đó, Zaltzman có thể bán cổ phần trong công ty này với mức giá 13,50 USD. Sau đó, Express đã giảm trở lại, giao dịch quanh mức 3 USD. Ông cho hay: "Chúng tôi gặp may trước những gì đã diễn ra trên Reddit".

Mudrick Capital Management LP, một quỹ đầu cơ hơn 3 tỷ đô la ở New York, đã ra tay “cứu vớt” AMC Entertainment Holdings Inc. vào tháng 12 năm ngoái, thì nay kiếm được gần 200 triệu USD phần lớn từ cổ phiếu AMC vào tháng Giêng năm nay. Chuỗi rạp chiếu phim, từng chống chọi với phá sản, gần đây là một trong những con cưng của giới bán lẻ.

Lợi nhuận của Mudrick chủ yếu đến từ khoản nợ AMC nắm giữ, vốn đã tăng vào tuần trước khi giá cổ phiếu của AMC tăng vọt. Quỹ này cũng đã thực hiện khoảng 50 triệu USD bằng cách viết và bán các quyền chọn mua trên AMC và cổ phiếu GameStop mà nó sở hữu.

PlusTick Management ở Charlottesville, Va., điều hành một quỹ đầu tư mua cổ phiếu và trái phiếu, quản lý khoảng 120 triệu USD, tổng tài sản quỹ đã tăng 20% ​​vào tháng Giêng. Một phần lợi nhuận của nó đến từ cổ phần hiện có trong các công ty bao gồm BlackBerry Ltd. và chủ sở hữu trung tâm mua sắm Macerich Co.

Trong khi đó, nguồn tin thân cận tiết lộ, các quỹ khác cũng được hưởng lợi từ đợt bùng nổ này.

Logo của ứng dụng Robinhood trên một điện thoại (Getty Images)
Logo của ứng dụng Robinhood trên một điện thoại. (Getty Images)

Ngoài ra, quỹ phòng hộ cùng tên của Jason Mudrick cũng ghi nhận lợi nhuận đáng kể khi giá cổ phiếu của nhà điều hành rạp chiếu phim AMC tăng vọt từ hơn 2 USD vào giữa tháng 1 lên mức đỉnh gần 20 USD vào ngày 27/1. Mudrick – quản lý 3,1 tỷ USD tài sản, đã ghi nhận tỷ suất lợi nhuận tăng 19% trong năm nay.

Theo Hedge Fund Research, trong năm 2020, các quỹ phòng hộ đã ghi nhận năm khởi sắc nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều quỹ đã thành công trong việc "điều hướng" các loại tài sản rủi ro trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng tới thị trường chính, sau đó là sự hồi phục mạnh mẽ nhờ động thái kích thích của NHTW và chính phủ.

Tuy nhiên, đà tăng trong năm 2021 được thúc đẩy bởi nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ đã trở thành một thách thức hoàn toàn khác đối với ngành này – vốn đã trở thành mục tiêu của một số nhà đầu tư trên Reddit. Sức ảnh hưởng của xu hướng này cũng lan rộng đến nhiều ngóc ngách khác của thị trường chứng khoán khi các quỹ phòng hộ đua nhau rút tiền đối với các cổ phiếu bị bán khống mạnh khác, đẩy mức giá tăng cao hơn. Họ cũng cắt giảm vị thế đối với những cổ phiếu khác để huy động tiền mặt.

Patrick Ghali – đồng sáng lập của Sussex Partners, nhận định: "Xu hướng này chắc chắn đã gây ra sự bất ổn cho các nhà quản lý quỹ. Một số cổ phiếu chất lượng đã bị nhiều quỹ phòng hộ bán tháo, khi họ giảm tỷ lệ nắm giữ và bù đắp cho các khoản bán khống".

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thật sự được gì từ 'canh bạc đảo chính' này?

Trao đổi với CNBC trong chương trình phát sóng ngày 18/2, tỷ phú Bill Gates nói: "Mọi người thích cờ bạc, nhưng thật đáng buồn cờ bạc lại là một trò chơi có tổng bằng 0. Một nhóm người bơm thổi giá trị công ty vượt xa mức hợp lý và việc đó chẳng mang lại lợi ích cho xã hội. Những người vào sớm ra sớm sẽ hưởng lãi, trong khi những người chậm chân hơn nếm trái đắng".

Còn ông Kevin O'Leary – Nhà sáng lập O'Shares ETF và là một nhà đầu tư Shark Tank - nhận định: "Mỗi nhà đầu tư đều là một nhà đầu cơ, cho dù là sở hữu cổ phiếu trong 1/1.000 giây hay nắm giữ trong 10 năm. Thị trường phải chấp nhận sự thật này". "Trong đầu tư phải có khi được khi mất".

Những nhà đầu tư cá nhân trên Reddit, dù là nghiệp dư, họ đều hiểu đây là một canh bạc và họ có nguy cơ gì từ canh bạc này, có thể trở thành triệu phú cũng có thể trắng tay trong nháy mắt. Nhưng tại sao họ vẫn lựa chọn làm như vậy?

Có người nói hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang gây ra những đợt sóng lớn trên thị trường là một sự “dân chủ hóa thị trường tài chính”. Một thành viên dạng đầu tư nghiệp dư viết trên diễn đàn Reddit: “Tôi là một người thuộc thế hệ Millenials. Tôi thấy mệt mỏi vì bị giới tinh hoa thế giới chơi xỏ từ lâu. Đây không phải là chuyện tả hữu, Dân chủ hay Cộng hòa. Đây là chuyện 1% chống lại mọi người khác”. Tức là ở đây các nhà đầu tư cá nhân đang xem chuyện đầu tư như một cách bày tỏ thái độ kiểu một dạng phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”, khi họ đã quá mệt mỏi vì đang là khách hàng như lại đồng thời là đối tượng bị các ông lớn “xẻ thịt”.

Cũng như Google hay Facebook không thu phí người dùng nhưng bán hay sử dụng thông tin của khách để kinh doanh, Robinhood cũng bán thông tin giao dịch của người chơi chứng khoán cho các bên tạo lập thị trường. Dù chỉ thu về một khoản rất nhỏ, chừng 1 xu mỗi cổ phiếu giao dịch nhưng nhân lên số lượng nhiều, Robinhood thu về những khoản khổng lồ - chỉ tính riêng quí 2-2020 đã lên đến 180 triệu đô la. Chính yếu tố không thu phí này đã thu hút rất nhiều người chơi mới, có nghĩa là càng nhiều người chơi, Robinhood càng có lợi nhuận lớn hơn nữa, và người chơi dù không trực tiếp trả tiền cho Robinhood, nhưng họ mới thực sự là người “trả lương” cho ứng dụng này.

Là một khách hàng thông thường, khi gặp vấn đề, họ sẽ được bên cung ứng dịch vụ bảo vệ quyền lợi, tuy nhiên, khi “cơn sốt” Gamestop xảy ra gây thiệt hại cho các ông lớn của ngành chứng khoán, thì Robinhood lại lựa chọn đứng về phía đối nghịch với khách hàng và bảo vệ các “tay to”, các “cá mập”: Đình chỉ hoạt động mua vào, thậm chí một số nhà đầu tư còn cho biết sàn giao dịch Robinhood đã ép họ phải nhập lệnh bán cổ phiếu GameStop của họ. Có vẻ như điều này đã xảy ra do yêu cầu ký quỹ tăng lên. Để chặn đà “đảo chính” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, Robinhood bổ sung chính sách không cho các nhà đầu tư cá nhân mua vào không chỉ GameStop, mà còn một loạt các cổ phiếu như AMC, Blackberry,... bán ra thì được, nhằm đưa giá các cổ phiếu này xuống. Với các quỹ đầu tư “cá mập”, Robinhood không hạn chế quyền mua bán.

Không chỉ một mình Robinhood, một nền tảng giao dịch cổ phiếu khác, Interactive Brokers cũng đã có các tuyên bố tương tự và tăng lượng ký quỹ đối với người dùng vào ngày 28/1/2020. Nền tảng sàn giao dịch Webull cũng cho dừng việc mua GME và một số mã khác vào cùng ngày. Ngoài Robinhood, các nhà đầu tư cá nhân còn tiến hành giao dịch chứng khoán qua các ứng dụng môi giới như Schwab, Ameritrade, Fidelity… Các ứng dụng này không đưa ra chính sách chặn, mà khôn ngoan hơn, đưa ra các lỗi trục trặc kỹ thuật để việc mua bán không thực hiện được.

Đơn kiện chống lại Robinhood tại một tòa án liên bang ở New York vào ngày 28/1. (The Epoch Times)
Đơn kiện chống lại Robinhood tại một tòa án liên bang ở New York vào ngày 28/1. (The Epoch Times)

Cộng đồng đầu tư Reddit nổi giận, vào kho ứng dụng của Google và Apple, đánh tụt hạng Robinhood từ 4 sao xuống 1 sao. Các Big Tech như Google, Apple cũng chọn đứng vào phe “cá mập”: Google xóa hơn 100.000 bình luận tiêu cực về Robinhood trên kho ứng dụng, Apple thì ngay từ đầu đã chặn các bình luận tiêu cực.

Và cuối cùng, giống như ông Tim Cook của Apple đã từng nói: “Kết quả cuối cùng là bạn không còn là khách hàng nữa”, mà "Bạn là sản phẩm". Tóm lại, khách hàng của các ứng dụng miễn phí này chỉ là đối tượng bị lợi dụng, họ thực sự bị lừa, họ không chỉ không được miễn phí mà đã phải trả một giá rất đắt: Thông tin và dữ liệu cá nhân của họ bị tiết lộ, trở thành “mồi ngon” cho ngành công nghiệp dựa vào thông tin khách hàng để kinh doanh.

Có vẻ như Robinhood cũng như một loạt các ứng dụng miễn phí khác đang đi đúng con đường mà các ông lớn Google và Facebook đang đi: Kinh doanh trên dữ liệu người dùng. Có quá nhiều người đang đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đã bị rò rỉ bao nhiêu thông tin cá nhân?”, và “Hậu quả là gì?”.

Đã đến lúc có những ván bài lớn như Gamestop để người sử dụng được lên tiếng và được trở về đúng vai trò khách hàng của mình, họ cần được tôn trọng. Và đây có lẽ là cái được lớn nhất mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ đạt được trong “canh bạc” này: khiến các “ông lớn” phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của họ. Giống như CEO của Apple từng tuyên bố: “Nếu một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên việc khai thác dữ liệu của người dùng một cách sai lệch, dựa trên những lựa chọn hoàn toàn không có lựa chọn nào, thì nó không đáng được chúng ta khen ngợi. Mà nó xứng đáng được cải cách”. “Chúng tôi tin rằng công nghệ có đạo đức là công nghệ phù hợp với bạn”. "Đó là công nghệ giúp bạn yên tâm ngủ chứ không phải bắt bạn phải thức để trông chừng. Nó cho bạn biết khi nào bạn đã có đủ. Nó cung cấp cho bạn không gian để sáng tạo, vẽ hoặc viết hoặc học chứ không phải khiến bạn phải phụ thuộc vào nó”.

Tâm Chính

NGUỒN THAM KHẢO:

  1. https://www.investors.com/etfs-and-funds/sectors/gme-stock-gamestop-investors-instantly-make-16-billion-gamestop-stock-squeeze/
  2. https://news.futunn.com/en/post/8712425?src=3&report_type=stock&report_id=16571133&seo_redirect=1&level=1&data_ticket=1613889019536261
  3. https://www.inc.com/justin-bariso/tim-cook-may-have-just-ended-facebook.html



BÀI CHỌN LỌC

Ai là người được hưởng lợi từ ‘canh bạc’ GameStop?