Ả Rập Xê Út bắt đầu cuộc chiến giá dầu sau sự rạn nứt giữa OPEC và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ả Rập Xê Út đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến giá dầu, giảm giá dầu thô sau khi hiệp định cung cấp dầu giữa OPEC và Nga sụp đổ vào ngày 6/3 trong tình trạng cay đắng.

Đại gia dầu mỏ Saudi Aramco cho biết trong một tuyên bố ngày 7/3 rằng họ sẽ giảm giá bán chính thức (OSP) trong tháng 4 của tất cả các loại dầu thô của mình, với mức giảm giá chưa từng có lên đến gần 20% tại các thị trường trọng điểm.

Động thái này là một nỗ lực công khai để giành thị phần từ Moscow, giới chức Ả Rập Xê Út nói với tờ The Wall Street Journal, sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không đi đến một thỏa thuận chung về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bối cảnh nhu cầu về dầu sụp đổ do virus Corona.

Trong khi giá dầu rẻ hơn sẽ giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp được hưởng lợi do giá năng lượng phải chăng, thì điều này lại gây thiệt hại cho các nước và các công ty sản xuất dầu.

Trích dẫn lời giới chức Ả Rập Xê Út và đại biểu của OPEC, The Wall Street Journal báo cáo rằng bên cạnh việc giảm giá, vương quốc này cũng đang lên kế hoạch tăng sản lượng dầu lên khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày, gây áp lực giảm giá hơn nữa. Sau khi OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận chung về việc cắt giảm nguồn cung vào ngày 6/3, giá dầu đã giảm mạnh khoảng 10% trên thị trường quốc tế - đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Khu vực sản xuất dầu chủ yếu của Hoa Kỳ đã cắt giảm hàng ngàn việc làm và đang phải chịu đựng các vụ phá sản gia tăng, và việc giá dầu giảm thấp hơn sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề đó.

Trong khi đó, tất cả các thị trường lớn ở Trung Đông đã giảm mạnh vào ngày 8/3 khi các nhà đầu tư cân nhắc các tác động của cuộc chiến giá cả.

Thị trường “đang gặp khó khăn trong việc đối phó với tất cả các biến số đã xảy ra trong 10 ngày qua”, ông Mohammed Ali Yasin, giám đốc chiến lược tại Al Emirates Capital Ltd., nhận xét với Bloomberg. “Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy đợt hoảng loạn bán tháo lần này khiến nhiều thị trường rơi xuống mức thấp còn hơn cả hồi xảy ra khủng hoảng tài chính”.

‘Quyết định đau đớn’

Sự lây lan của virus Corona mới đã làm giảm mạnh việc di chuyển bằng đường hàng không và do đó làm giảm nhu cầu về nhiên liệu, trong khi ngành công nghiệp ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã bị gián đoạn nghiêm trọng do các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển.

Để đối phó với nhu cầu dầu giảm, OPEC và các đồng minh của mình, một nhóm được gọi là OPEC+, trước đó đã đồng ý về việc cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu và đang đàm phán để mở rộng những cắt giảm đó.

Vào ngày 5/3, 14 quốc gia OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 1,5% sản lượng của thế giới. Nhưng liên minh này đã không thể vượt qua được sự kháng cự của Nga.

Khả năng chịu đựng giá dầu thấp của Nga tốt hơn Ả Rập Xê Út, và Nga tỏ ra miễn cưỡng trong việc cắt giảm sản lượng của mặt hàng xuất khẩu mang lại doanh thu chính của mình.

Trong khi Ả Rập Xê Út có thể sản xuất dầu với giá rẻ, họ cần giá dầu ở mức 83,60 USD/thùng để cân bằng ngân sách nhà nước, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vì họ hầu như chỉ phụ thuộc vào doanh thu từ dầu. Nga thì chỉ cần giá dầu ở mức 42,40 USD/thùng.

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo người Nigeria cho biết ngày 6/3 rằng cuộc họp đã bị hoãn lại trong cái mà ông gọi là một “quyết định đau đớn”.

“Vào cuối ngày, hội nghị chung đã đưa ra một quyết định đau đớn là hoãn lại cuộc họp”, ông Barkindo nói. Ông cho biết các cuộc đàm phán không chính thức sẽ tiếp tục vì tình hình là khẩn cấp.

“Những con số rất rõ ràng: Việc sụp đổ cầu về dầu là có thật”, ông nói thêm.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Ả Rập Xê Út bắt đầu cuộc chiến giá dầu sau sự rạn nứt giữa OPEC và Nga