9 'mối đe dọa lớn' của nền kinh tế sau đại dịch (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bất cân đối lớn, các nguy cơ của nền kinh tế Việt Nam - vốn đã là rào cản cho ổn định và phát triển trước đại dịch - sẽ trở thành mối đe dọa lớn sau đại dịch. Rất có thể, hậu Covid-19 mới là giai đoạn mà nền kinh tế chứng kiến các đổ vỡ lớn hơn từ thị trường chứng khoán, hệ thống doanh nghiệp, tiêu dùng và bùng nổ quả bom nợ xấu...

Mời các bạn đọc Kỳ 1: Kinh tế Việt: Ưu điểm hỗ trợ tăng trưởng trong quá khứ đều bị virus đánh bại thành nhược điểm

Thực ra, các mối đe dọa này đã ngấp nghé mức ‘lớn’ hoặc ‘cần quan tâm’ trước đại dịch. Bản thân 9 mối đe dọa này phình to sau một năm 2020 đầy giông tố. Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam nhỏ bé, bất cân đối chưa kịp phục hồi đã chịu cơn sóng thần Covid-19 lần thứ 4. Tất cả mối lo ngại nhanh chóng trở thành mối đe dọa lớn với tăng trưởng, ổn định.

Hậu quả của nó không chỉ trong ngắn hạn mà có thể sẽ diễn biến trong dài hạn, đẩy tăng trưởng của nền kinh tế vào một chu kỳ mới, mặt bằng tăng trưởng bình quân thấp hơn so với hiện tại và so với mức tiềm tăng của nền kinh tế.

1. Khối nợ xấu nội ngoại bảng vượt quá cảnh báo rủi ro (3%) từ năm 2020, đang tăng nhanh trong 2021 - 2022

Số liệu của các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cho thấy, đến 30/6/2021, nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5 (nợ không có khả năng thu hồi, phải trích lập 100% dự phòng rủi ro) tăng mạnh so với cuối năm 2020. Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 4 và 5) này tăng gần gấp đôi ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN) lớn. Nhóm NHTM NN này thực tế chiếm hơn 50% dư nợ toàn hệ thống.

Nợ nhóm 4, 5 tăng 103% chỉ trong 6 tháng tại Vietinbank, chiếm tới 80% nợ xấu của một trong 4 NHTM nhà nước lớn nhất hệ thống. Nợ có nguy cơ mất vốn của Vietcombank tăng 19% nhưng chiếm tới 75% nợ xấu, Tại MB, nợ có nguy cơ mất vốn tăng 145%, chiếm tới 50% nợ xấu (nguồn số liệu: Simply Invest).

Một số ngân hàng thương mại lớn khác như BIDV, tuy duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp (1,6% tổng dư nợ), nhưng do NHTM NN này đã dùng hơn 6 nghìn tỷ VND xử lý nợ nhóm 5. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nợ dưới tiêu chuẩn của ông lớn này tăng tới 40% (gần 1 nghìn tỷ đồng), BIDV cũng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, tăng tới hơn 80% so cùng kỳ 2020 (nguồn số liệu: Thanh Niên).

Tình hình không khả quan hơn ở Agribank, dư nợ xấu nội bảng của Agribank ở mức 24.419 tỷ đồng tính tới 30-6, tăng 13,5% so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ở mức 5.211 tỷ đồng - tăng gần 90%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) ở mức 4.906 tỷ đồng – tăng gần 100%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) ở mức 14.311 tỷ đồng – giảm 12,5%. Tính cả ba nhóm nợ xấu 3, 4 , 5, nợ xấu của NHTM này cũng tăng gần 100%.

Tỷ lệ nợ xấu công bố của hệ thống NHTM Việt Nam 2013-2020 (theo VN Economy)

Dư nợ của nhóm 04 NHTM NN lớn nhất hệ thống này chiếm hơn 50% dư nợ toàn hệ thống. Việc nợ xấu, đặc biệt nợ không có khả năng thu hồi, tăng vọt vào 30/6/2021 là một dấu hiệu rất tệ vì các lý do sau:

    1. Nợ xấu không bao giờ biểu hiện ngay lập tức khi nền kinh tế suy yếu, nó là căn bệnh ngấm ngầm ăn vào xương tủy của nền kinh tế, làm vô hiệu mọi chính sách kích thích kinh tế sau đó. Do đó, nợ không có khả năng thu hồi tăng vọt vào nửa đầu năm 2021 chỉ là biểu hiện một phần nhỏ khó khăn của doanh nghiệp năm 2020, chưa phải là biểu hiện khó khăn của năm 2021;
    2. Khách hàng của các NHTM NN lớn như Vietinbank, Vietcombank, BIDV luôn là các khách hàng lớn (DNNN lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn), có sức khỏe tài chính mạnh nhất, được ưu ái nhất trong nền kinh tế, không phải là nhóm chịu tác động tiêu cực nhất trong đại dịch;
    3. 04 NHTM NN lớn đã đại diện hơn 50% dư nợ toàn hệ thống, nhóm dư nợ có chất lượng tốt nhất (theo các dữ liệu lịch sử). Vậy khi nhóm NHTM NN lớn nhất, có khách hàng ưu tú nhất, chiếm tỷ lệ đa số về dư nợ đang có tốc độ tăng nợ xấu không có khả năng thu hồi tăng 70-100% chỉ trong 6 tháng, thì cả hệ thống, tại các NHTM CP nhỏ còn lại, chúng ta có thể khẳng định rằng tình trạng nợ xấu còn tệ hơn nhiều trong cả hệ thống ngân hàng.

Thêm vào đó, khối nợ xấu đề cập ở trên chỉ là khối nợ hiện diện trong nội bảng của các NHTM mà thôi. Một khối nợ lớn nằm ngoài bảng cân đối, được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nắm giữ.

Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ xấu lại cho VAMC. Công ty này sẽ mua lại nợ xấu từ phía ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt trong thời hạn 5 năm với lãi suất 0% và mỗi năm, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số trái phiếu này. Thực tế, việc bán nợ cho VAMC chỉ là cách giúp ngân hàng kéo được tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức cho phép và kéo dài thời gian để trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu này. Nói cách khác, VAMC chỉ là nơi giữ hộ nợ xấu, các ngân hàng vẫn phải xử lý những khoản nợ này..

Theo Vneconomy, tới tháng 7/2021, VAMC hiện đang ôm khoảng 91,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (dưới dạng trái phiếu đặc biệt của các NHTM). Tổng dư nợ toàn hệ thống vào tháng 6/2021 (theo số liệu của NHNN công bố tại website) và khoảng 9,78 triệu tỷ đồng. Như vậy, riêng nợ xấu VAMC đang giữ đã là 0,9% dư nợ toàn hệ thống. Các khoản nợ này NHTM vẫn phải bù đắp vào bằng dự phòng rủi ro trong 5 năm sau khi bán nợ (trong trường hợp nợ xấu không thể xử lý tại VAMC).

Báo cáo tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế ngày 10/6/2021, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nếu cộng tất cả các khoản nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu… thì con số này vào khoảng 3,43-3,84%, còn tính toán theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 thì tổng số nợ xấu trong hệ thống vào khoảng 4,56-4,98%. Với xu hướng này, nợ xấu 2021 và 2022 sẽ là ‘tảng đá lớn’ với an toàn tài chính cũng như tăng trưởng.

2. Rủi ro lây nhiễm từ thị trường bất động sản (BĐS) sang hệ thống tài chính

Trong suốt 2020 và quý 1/2021, cảnh báo rủi ro tín dụng BĐS tăng cao, núp bóng dưới nhiều hình thức như tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp BĐS, Ngân hàng nhà nước (SBV) đã cảnh báo tình trạng dư nợ tín dụng BĐS và tín dụng chứng khoán tăng cao kể từ 2020.

Tín dụng bất động sản tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhanh thời gian qua liên tục được cảnh báo. Mới nhất, vào ngày 15/6/2021, HSBC đưa ra đánh giá, dịch bệnh Covid-19 diễn biến kéo dài đã phủ bóng lên những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà với Việt Nam, đó là ngành bất động sản, bởi lẽ bất động sản thường đóng góp 5-15% cho tăng trưởng GDP của ASEAN và tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng 8%, trong khi hệ lụy từ “bong bóng” nhà đất giai đoạn 2007-2012 đến nay vẫn là gánh nặng với hệ thống ngân hàng. Hiện tại, dư nợ bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong hệ thống hiện tồn tại ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS trên 50% tổng dư nợ. Đây là một dấu hiệu rất xấu và bất thường.

Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng trong việc cân bằng giữa hạn chế tín dụng đổ vào bất động sản với nỗ lực giảm thiểu rủi ro trước mắt do đại dịch Covid-19 đối với ngành này. Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản trong tháng 1 và tháng 2/2021 đã vượt ngưỡng mục tiêu 12% của Ngân hàng Nhà nước. Đến giữa tháng 4/2021, tổng tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này đạt trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, dòng vốn chảy vào thị trường BĐS tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng tín dụng của toàn nền kinh tế.

This picture taken on September 20, 2015 shows a sale agent (L) helping a customer to choose a house from a coastal residential development project during a sale launching ceremony held by the project developer in Ha Long city located next to the famous UNESCO world-classed Ha Long Bay. Frozen for years, the Vietnamese property market has showed signs of warming since last year. AFP PHOTO / HOANG DINH NAM (Photo credit should read HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)
Trong suốt năm 2020 cho tới nay, cảnh báo rủi ro tín dụng BĐS tăng cao, núp bóng dưới nhiều hình thức như tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp BĐS… Rủi ro từ thị trường BĐS sẽ lây nhiễm sang hệ thống tài chính. (Ảnh: HOÀNG ĐÌNH NAM / AFP qua Getty Images)

Thị trường BĐS bắt đầu dấu hiệu xấu 6 tháng đầu năm 2021dự báo sẽ tiếp tục tồi tệ đi vào nửa cuối năm 2021 ở mọi phân khúc của thị trường (theo Cafeland.vn).

Thêm vào đó, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) BĐS đã phát hành suốt 3 năm trước đại dịch giống như các khoản nợ dưới chuẩn. Khoản nợ dưới chuẩn BĐS như vậy hoặc là được bảo lãnh bởi các NHTM hoặc là đã bán ra trực tiếp cho nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thực chất, các phân tích về minh bạch thông tin, mức độ đáng tin cậy của nhóm TPDN này cho thấy chất lượng của sản phẩm tài chính này thấp, nó có thể trở thành ‘bom nổ chậm’ với an toàn tài chính của hệ thống NHTM nói riêng và hệ thống tài chính nói riêng.

3. Lạm phát sẽ thúc đẩy lãi suất tăng vọt sau đại dịch

Điều này đáng lẽ đã xảy ra nếu Covid-19 kết thúc hồi năm 2020. Vì khi Covid-19 kết thúc, cầu tăng trong bối cảnh giá hàng hóa tăng vọt sẽ khiến lạm phát toàn cầu chịu tác động cả hai phía phí đẩy và cầu kéo. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới năm 2021 với biến thể Delta tràn sang các nền kinh tế đang phát triển, tiếp tục tàn phá các nền kinh tế phát triển đã khiến cầu thế giới suy yếu, chưa thể phục hồi. Điều này làm lạm phát chưa thể bùng nổ ngay theo quỹ đạo. Nhưng lạm phát chưa bùng phát không có nghĩa là nó sẽ không bùng phát. Nó chỉ trì hoãn và chờ đợi một sự bùng nổ mới, mạnh mẽ hơn mà thôi.

Hiện tại, lạm phát giá nhà sản xuất của Trung Quốc tăng cao nhất trong 13 năm qua. Trung Quốc tuần trước đã có động thái chưa từng có là sử dụng dầu dự trữ chiến lược chứ không nhập khẩu để có thể hạch toán chi phí dầu thấp hơn giá thị trường, ngăn chặn phần nào lạm phát giá nhà sản xuất lan sang giá hàng hóa tiêu dùng ở nước này. Lạm phát tại Mỹ trở thành mối quan ngại lớn nhất của nền kinh tế. Đức cũng vừa báo cáo con số lạm phát tăng cao vào tháng 8 vừa qua.

Một khi lạm phát toàn cầu tăng vọt, các nền kinh tế lớn sẽ thay đổi chính sách lãi suất, Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy này. Hiện tại, lạm phát 8 tháng đầu năm mới tăng bình quân 1,79% so với cùng kỳ 2020, nhưng rủi ro luôn nằm ở tương lai. Hiện tại, lạm phát thấp do cầu yếu trong khi yếu tố phí đẩy cũng yếu vì sản xuất của cả nền kinh tế đình trệ trong đại dịch.

Lạm phát giá lương thực tăng cao ở các nền kinh tế mới nổi (Nguồn: JP Morgan)

Lạm phát sau đại dịch trong nước chịu tác động bởi cả phí đẩy và cầu kéo đồng thời chịu tác động bởi lạm phát nhập khẩu (Trung Quốc, Mỹ) sẽ là rủi ro vĩ mô lớn. Điều này khiến lãi suất tăng cao. Lãi suất tăng sẽ làm nền kinh tế không thể phục hồi, thậm chí bồi thêm cú đánh tiêu cực.

Đáng nói là hiện nay, dù lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay bình quân vẫn duy trì khoảng cách cao so với huy động bình quân trong hệ thống NHTM, không thể giảm hoặc giảm không đáng kể từ năm 2019 cho tới nay. Điều này do nợ xấu thật (cả nội ngoại bảng) vẫn cao nên NHTM cần tìm kiếm lợi nhuận cao để bù đắp. Ngoài ra, chính sách ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp nhà nước lớn đã khiến nguồn lực vốn không thể ưu ái cho nhóm còn lại, lãi suất bình quân thực tế cho cả nền kinh tế không thể giảm theo mong muốn của chính sách suốt năm 2019 cho tới nay.

4. Dòng vốn ngoại cả trực tiếp và gián tiếp rời khỏi các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam không phải là ngoại lệ

Hệ thống tài chính toàn cầu đang ngồi trên quả bom nợ kỷ lục, nóng bỏng, nơi các sản phẩm tài chính đầu cơ như các hợp đồng phái sinh có thể khiến quả bom này nổ tung. Xu thế này sẽ xảy ra khi đại dịch suy yếu, cầu thế giới phục hồi khiến phí đẩy- cầu kéo làm lạm phát tăng mạnh và lãi suất phải điều chỉnh.

Việc này sẽ khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp rời khỏi các nền kinh tế mới nổi tìm về nơi an toàn hơn. Báo cáo của UNCTAD cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến nguồn vốn FDI giảm mạnh vào năm 2020. Dòng vốn FDI toàn cầu giảm 35% xuống 1 nghìn tỷ USD, từ 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Xu hướng này sẽ mạnh hơn nếu chính sách lãi suất đảo chiều bởi lạm phát và vỡ nợ tại TTTC Trung Quốc hoặc Mỹ nổ ra.

5. Rủi ro cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) - thị trường có thể sụp đổ (mất hơn 50% điểm)

TTCK Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục trong đại dịch khi vừa đón dòng tiền nhàn rỗi trong nước (vì không thể ngấm vào khu vực kinh tế thực) vừa được hưởng lợi từ dòng vốn rẻ, dồi dào đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ các nền kinh tế lớn bên ngoài.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không song hành với sức khỏe của nền kinh tế thực. Có ba lý do: (i) hai khu vực của nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong đại dịch là các doanh nghiệp tài chính (ngân hàng, quỹ) và phát triển BĐS; (ii) có yếu tố đầu cơ với thị trường BĐS và các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; (iii) mức vốn hóa của các doanh nghiệp tài chính và phát triển BĐS chiếm 70-80% tổng mức vốn hóa của cả thị trường chứng khoán.

Với các cấu trúc như phân tích ở trên, khi nợ xấu không thể che giấu, lạm phát bùng lên, lãi suất quay đầu tăng cao, dòng vốn tháo chạy, khu vực tổn thương trầm trọng nhất và gần như ngay lập tức là các NHTM, quỹ, công ty chứng khoán và cả các doanh nghiệp BĐS, vốn đang dựa vào nguồn vốn từ NHTM để tăng trưởng, đồng thời là nhóm chiếm tới 70-80% vốn hóa của cả TTCK.

Cấu trúc cực kỳ mất cân đối của TTCK Việt Nam đã tạo nên sức sống kinh ngạc cho thị trường trong suốt vài năm qua khi tiền rẻ ngập các nền kinh tế mới nổi khắp toàn cầu. Nhưng ngược lại, cấu trúc này cũng trở thành rủi ro đáng lo ngại nhất của TTCK Việt Nam. Chỉ một chút bất thường từ chính sách tiền tệ, TTCK Việt Nam có thể quay đầu lao dốc ngay lập tức, khả năng mất 50% điểm trong một thời gian ngắn không phải là không thể.

6. Cú sốc tỷ giá (có thể)

Hiện nay, đồng VND còn có xu hướng tăng giá so với USD, EUR… Điều này được hỗ trợ bởi cầu ngoại tệ yếu trong khi nguồn cung ngoại tệ chưa bị hao hụt lớn so với cầu ngoại tệ. Ngay trong bối cảnh hiện tại, việc tăng giá đồng VND đã là một sự ‘thua thiệt’ về thương mại khi hàng hóa xuất khẩu không thể cạnh tranh về giá với các nền kinh tế có quy mô tương đương.

Trường hợp các dòng vốn trực tiếp và gián tiếp rời khỏi Việt Nam, cung ngoại tệ giảm, lạm phát tăng cũng dẫn động vào tỷ giá, lúc đó cú sốc tỷ giá không mong muốn cũng là một rủi ro cần lưu ý trong giai đoạn sau đại dịch.

7. Thiếu nguồn lực để M&A và tái khởi nghiệp

Sau mỗi cuộc khủng hoảng, sức phục hồi của nền kinh tế được đo bằng làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp), cũng như nguồn lực đổ vào khởi nghiệp.

Tuy nhiên, khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trước đó, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 không đánh quỵ doanh nghiệp một cách đột ngột bởi nợ, mà nó vắt kiệt hầu hết các doanh nghiệp lớn, nhỏ trong nền kinh tế một cách từ từ, gần như mọi lĩnh vực (trừ ngân hàng và BĐS như phân tích ở trên). Sau đại dịch, các doanh nghiệp sống khỏe của ngành ngân hàng và BĐS lại là những doanh nghiệp có nguy cơ lớn nhất (vì rủi ro lây nhiễm).

Lúc này, nhóm doanh nghiệp khỏe nhất sẽ thuộc về nhóm dược phẩm, y tế và các dự án đầu tư xanh. Tại sao lại là dự án đầu tư xanh? Vì một dòng tiền chính sách khổng lồ đang đổ vào nhóm dự án này một cách có kế hoạch. Do vậy, dù các dự án xanh có suy yếu đến đâu trong và sau đại dịch hay TTTC có chao đảo thì các chính phủ vẫn mua trái phiếu xanh và các NHTM vẫn giải ngân cho nó (theo chính sách). Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp khỏe và doanh nghiệp có dự án xanh như vậy không nhiều, không phải là lực lượng có thể làm đảo ngược tình thế hay có thể hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi.

8. Tiêu dùng yếu, khôi phục chậm

Đại dịch đánh đòn mạnh vào tiết kiệm và tiêu dùng của người dân. Sau khi phục hồi, tiêu dùng không thể khôi phục nhanh sau khi thu nhập suy giảm suốt hai năm. Tâm lý bất an cũng là rào cản lớn hạn chế người dân chi tiêu sau đại dịch, trừ lương thực, thực phẩm và các hàng hóa cơ bản khác.

Dịch bệnh, mất việc làm, giá lương thực tăng trong khi các gói cứu trợ trực tiếp tới hộ gia đình còn hạn chế khiến tiêu dùng trong nước suy giảm mạnh sau gần một năm phục hồi nhẹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (đã trừ yếu tố giá, cộng dồn so cùng kỳ) suy giảm mạnh 4 tháng liên tiếp, tháng sau giảm mạnh hơn tháng trước .

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ 1/2017 - 8/2021 (Nguồn số liệu: TCTK, NTDVN tổng hợp)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%).

Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 6,2%, mức giảm này sâu hơn cùng kỳ năm 2020 là - 5,8%.

9. Nợ công phình to, rủi ro tài khóa đẩy tăng trưởng rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp

Nghĩa vụ trả nợ gốc của chính phủ Việt Nam rất cao vào năm 2021-2022 và năm 2025. Với giả định GDP phục hồi mạnh 6,7% năm 2021, bình quân tới 7% năm 2021-2025, Bộ Tài chính dự toán thu theo xu hướng phục hồi ở mức lạc quan nhất, dù vậy ước tính nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách vẫn ở mức kỷ lục trong năm 2021, vượt quá giới hạn đỏ 25% (theo khuyến cáo của IMF), ở mức 27,4%.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ Việt Nam/Thu NSNN giai đoạn 2016 - 2025; số liệu 2021 - 2025 là số liệu dự báo của Bộ tài chính (Nguồn: Vn Economy)

Hiện nay, gần như trọn vẹn quý 2 và quý 3, đại dịch làm tê liệt hoàn toàn các trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất của các nước là Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... Hàng loạt các KCN đóng cửa, hơn 85 nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm, hàng triệu người mất việc làm, khu vực doanh nghiệp FDI cảnh báo rời khỏi Việt Nam nếu tình trạng đóng cửa còn tiếp diễn… Tất cả khiến mọi dự báo tăng trưởng trước đó đều trở nên sai lệch. World Bank hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 xuống còn 4,5% vào tháng 8/2021 vừa qua. Hồi tháng 5/2021, NTDVN cũng dự báo GDP của Việt Nam cả năm 2021 chỉ ở mức 4,5-5% nếu đại dịch kết thúc vào tháng 6, nền kinh tế mở cửa trở lại tháng 7.

Mọi việc đã không diễn biến theo dự kiến. Nền kinh tế chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại dù đã hết quý 3, quý quan trọng với tăng trưởng và thu nhập do yếu tố thời vụ. NTDVN cho rằng, GDP năm 2021 có thể sẽ thấp hơn mức dự báo 4,5% của WB và dự báo của chính NTDVN hồi tháng 5/2021. Tăng trưởng năm 2021 có thể chỉ ở mức 3-4% nếu đại dịch kết thúc trong tháng 9 này.

Cũng giống như một gia đình công nhân nghèo, còn vay nợ và không có tích lũy, nội lực yếu, bệnh dịch khiến thu nhập giảm mạnh trong khi nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi không vì thế mà thay đổi.

Với GDP suy giảm mạnh, thu NSNN đang chịu tác động tiêu cực và suy giảm thuận chiều. Chỉ số ‘Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp/Thu ngân sách nhà nước’ ngày một rời xa giới hạn 25%, có thể cao hơn mức 30% trong năm 2021. Lưu ý là theo tính toán của Bộ Tài chính, với giả định GDP phục hồi mạnh, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Việt Nam năm 2025 cũng vượt 30% so với thu Ngân sách nhà nước.

Nghĩa vụ trả nợ công quá lớn trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đe dọa sức phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Chắc chắn, Việt Nam buộc phải mở rộng nợ công, mở rộng bội chi ngân sách để tìm kiếm phục hồi. Nhưng đó là sự phục hồi trên nền nợ lớn và các nghĩa vụ trả nợ trực tiếp lớn hơn, làm sao mòn tăng trưởng trong dài hạn. Rất có thể, một chu kỳ mới về tăng trưởng bắt đầu, và đó là chu kỳ tăng trưởng thấp.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

9 'mối đe dọa lớn' của nền kinh tế sau đại dịch (Kỳ 2)