5 lý do chứng minh tăng thuế thặng dư vốn là chính sách thảm hại nhất của ông Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chưa bàn đến việc đẩy mức thuế lên cao để tìm kiếm sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp, mà chỉ nhìn vào bản chất kinh tế của mức thuế thặng dư vốn cao ngất ngưởng các nhà phân tích chính sách phải thốt lên: "đây là sự ngu xuẩn lớn nhất" trong quá nhiều các chính sách tồi tệ của ông Biden. Tại sao?

Mức thuế đánh vào thặng dư vốn được dựa trên một nền tảng lý thuyết không chắc chắn nên chịu khá nhiều phản đối. Nhiều quốc gia không đánh thuế thặng dư vốn. Tiền đề đằng sau việc đánh thuế thặng dư vốn là thuế suất đánh vào việc thu lợi từ các khoản đầu tư dài hạn - một kẻ hở không chính đáng.

Dù vậy, Mỹ vẫn là quốc gia đánh thuế thặng dư vốn, tuy nhiên, trong lịch sử, mức thuế này chưa bao giờ phá vỡ kỷ lục 40%. Mức cao nhất hiện tại là 23,8%, bao gồm 3,8% phụ phí phải nộp cho chương trình ObamaCare. Ngay cả trong những năm 1970, thời điểm nền kinh tế Mỹ phải chịu đựng rất nhiều chính sách bất hợp lý về kinh tế và rất nhiều thất bại kinh tế đã xảy ra trong thời kỳ này thì tỷ lệ thuế đánh vào thặng dư vốn cao nhất vẫn chưa bao giờ phá vỡ 40%.

Vậy tại sao mức thuế thặng dư vốn kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ, hơn 43%, lại là chính sách được chuyên gia kinh tế, chính trị gia phàn nàn rằng đây là "đây là chính sách ngu xuẩn" nhất của ông Biden?

5 lý do không thể chối cãi

Thứ nhất, làn sóng tháo chạy khỏi các thị trường tài sản, một cuộc khủng hoảng mới có thể đã được ông Biden châm ngòi trên đất Mỹ.

Để tránh khoản thuế tăng sốc, gần như tăng gấp đôi, phản ứng của thị trường đương nhiên sẽ là bán tháo tài sản đang đầu tư, đầu cơ trước khi thời hạn hiệu lực của mức thuế khủng này. Các thị trường tài sản hiện nay là những thị trường nào? Đó các thị trường đang bị bơm phồng bởi tiền giá rẻ và rủi ro đầu cơ cao như thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường hàng hóa và thị trường bất động sản. Khi quả bóng đang căng phồng đột ngột chịu sức ép giảm giá từ đợt bán tháo để tránh thuế khủng, điều gì sẽ xảy ra? Vỡ bong bóng nợ, giá sụt giảm mạnh, tiền rơi vào các con sói phố Wall đang bán khống chứng khoán. Các con sói Phố Wall đang đánh cược vào sự thất bại của nền kinh tế dưới thời ông Biden để kiếm tiền. Họ sẽ là những người đầu tiên ủng hộ nhiệt thành chính sách này.

Điều này có nghĩa, ông Biden sẽ chẳng thu được bao nhiêu từ nhóm nhà giàu, vốn thu lợi khủng từ đầu cơ bán khống hoặc đang nắm giữ các tài sản có giá trị. Họ sẽ nhanh chóng thu xếp bán tài sản trước khi ngày hiệu lực của thuế. Thứ họ để lại là một thị trường không còn hấp dẫn để đầu tư. Lúc này, thị trường nợ lớn nhất toàn cầu, Mỹ, sẽ phải đối mặt với một cơn sóng thần thật sự. Không có gì ngạc nhiên nếu ai đó chỉ trích rằng chính sách này ông Biden thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc đại khủng hoảng.

Thứ hai, dịch chuyển dòng vốn tốt nhất (dài hạn và giàu có nhất) của Mỹ sang các thiên đường trốn thuế

Có thể một chuyên gia kinh tế nào đó sẽ lập luận rằng: giới nhà giàu bán tài sản đi để tránh thuế, đó sẽ là khoản tiết kiệm, dù sao thì khoản đó sẽ lại đi vào đầu tư theo quy luật của toàn bộ nền kinh tế.

Nhưng lập luận này chỉ đúng trên lý thuyết. Chúng ta không được quên rằng, những người giàu có nhất thế giới đồng thời cũng là những người giỏi nhất thế giới về trốn thuế và gìn giữ tài sản của họ.

Thế giới có rất nhiều thiên đường thuế, nơi các con sói Phố Wall, giới tài phiệt và giàu có của Mỹ và toàn cầu có vô số cách để rửa tiền và đầu tư từ những công ty thành lập tại các thiên đường đó. Sau khi đợt khủng hoảng qua đi, lợi nhuận kiếm được từ đầu tư không còn có nguồn gốc từ Mỹ nữa. Giới tài phiệt sau khi thu lợi khủng từ bán khống trước khi mức thuế suất ngất ngưởng này được xác lập bởi Luật, họ lại chuyển tiền vào các thiên đường thuế, họ sẽ không phải trả tiền kiếm được từ các khoản đầu tư vốn này cho ông Biden, dù chỉ một xu.

Chính vì lo ngại dòng vốn tốt này bỏ trốn khỏi Mỹ, tìm tới các thiên đường thuế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Yellen đã kêu gọi toàn cầu chung tay kiểm soát và áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu. Một cách làm kêu gọi liên minh giống như ông Biden vẫn làm. Nhưng ai cũng vì lợi ích của mình. Các thiên đường thuế có từ bỏ lợi ích của họ chóng vánh chỉ vì một lời kêu gọi của Mỹ không?

Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu trong sự kiện đề cử “nhóm kinh tế” của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại Nhà hát Queen vào ngày 1/12/2020 (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Chính vì lo ngại dòng vốn tốt này bỏ trốn khỏi Mỹ, tìm tới các thiên đường thuế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Yellen đã kêu gọi toàn cầu chung tay kiểm soát và áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì sao? Thuế thặng dư vốn là rào cản của thanh khoản các thị trường tài sản. Thị trường tài sản sở dĩ phát triển và sôi động nhờ thanh khoản hiệu quả, mua bán nhộn nhịp. Nhưng một khi mức thuế này xuất hiện, những người nắm giữ tài sản có xu hướng giữ tài sản và ngại việc luân chuyển mua bán, đầu tư vào tài sản dài hạn. Việc này sẽ tác động tiêu cực tới sự tăng trưởng của các thị trường tài sản Mỹ trong tương lai. Một nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Li Jin vào năm 2006 cho thấy thuế thặng dư vốn cao không khuyến khích bán hàng. Như vậy nó sẽ tác động theo hướng tiêu cực tới cung - cầu và thanh khoản trên thị trường tài sản. Lúc này, chỉ các tài sản nhỏ, các khoản đầu tư nhỏ sẽ giao dịch nhiều hơn do nhà đầu tư có nhiều khả năng bán ra hơn.

Thứ ba, chính sách thuế vô lý khi chỉ một số khoản lỗ, chứ không phải là tất cả được tính khấu trừ trong khi mọi khoản lãi đều bị đánh thuế. Theo các quy định về thuế hiện hành, tất cả lợi nhuận từ các khoản đầu tư đều bị đánh thuế đầy đủ, trong khi mọi khoản lỗ không được khấu trừ hoàn toàn (chỉ một số khoản lỗ được khấu trừ). Các khoản lỗ có thể bù đắp lợi nhuận trong bất kỳ năm nhất định nào, nhưng các khoản lỗ vượt quá mức lãi chỉ có thể được bù đắp vào thu nhập cá nhân ở mức 3000 USD.

Thứ tư, phần giá trị tài sản tăng (đối tượng đánh thuế) không được điều chỉnh theo lạm phát, tức là thuế sẽ đánh vào giá trị tăng ảo của tài sản. Vì vậy các nhà đầu tư nắm giữ tài sản trong một thời gian dài phải trả thuế cho những khoản tăng “có phần ảo tưởng”. Các phần khác của luật thuế, bao gồm khung thuế thu nhập, được lập điều chỉnh theo lạm phát, nhưng không áp dụng với lãi vốn, mà khoản lãi này lại là thứ cần điều chỉnh nhất, vì tài sản thường được giữ trong nhiều thập kỷ.

Thứ năm, thuế thặng dư vốn là loại thuế thứ hai đánh vào thu nhập doanh nghiệp, vi phạm nguyên tắc đánh thuế hai lần trên một đối tượng. Luật thuế trung tính sẽ chỉ đánh thuế tất cả thu nhập một lần. Nhưng Mỹ đánh thuế lợi nhuận kinh doanh, và Tổng thống Biden muốn tăng mức thuế đó lên 30% (từ 21% lên 28%). Khi một doanh nghiệp phân phối thu nhập sau thuế dưới dạng cổ tức, hoặc một nhà đầu tư bán cổ phiếu đã tăng giá trị do thu nhập cao hơn, thu nhập đó sẽ bị đánh thuế lần thứ hai.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jerry Nadler gần đây đã lên tiếng phàn nàn về sự không công bằng của “đánh thuế hai lần” - liên quan đến việc khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương, mặc dù ông có thể không biết rằng mình đang nêu một nguyên tắc thực sự áp dụng cho thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thặng dư vốn.

Lý do quan trọng nhất để đánh thuế đầu tư vốn ở mức thấp là để khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Tiêu dùng - mua xe hơi hoặc du thuyền - phải đối mặt với thuế bán hàng chứ không phải thuế liên bang.

Nhưng nếu ai đó tiết kiệm thu nhập và đầu tư vào công việc kinh doanh của gia đình hoặc vào cổ phiếu, người đó sẽ bị đánh một đợt thuế khác. Đánh thuế nhiều hơn và bạn nhận được ít hơn. Đánh thuế thu nhập vốn nhiều hơn, và bạn nhận được ít đầu tư hơn, có nghĩa là đầu tư ít hơn để cải thiện năng suất của người lao động và do đó thu nhập giảm đi theo thời gian.

Mỹ sẽ mất tiền chứ không phải thu được tiền

Như một cựu Tổng thống Hoa Kỳ đã từng nói: “Thuế thặng dư vốn ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định đầu tư, sự di chuyển và dòng vốn rủi ro từ các tình huống tĩnh đến năng động hơn, mức độ dễ dàng hay khó khăn của các dự án kinh doanh mới trong việc thu được vốn, và đó là sức mạnh và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế”.

Đó không phải là phát biểu của cựu Tổng thống Ronald Reagan, mà là của John F. Kennedy, người có cố vấn kinh tế chính là Walter Heller - theo trường phái tự do của Keynes. Nếu một thành viên đảng Dân chủ mà nói như vậy vào ngày hôm nay thì sẽ bị “vạ” cấm khẩu, nhưng dù sao thì phát biểu đó cũng là sự thật.

Mục tiêu cuối cùng của những người cấp tiến là tăng thuế thặng dư vốn để tăng doanh thu thuế cho chính phủ Mỹ.

Họ cũng sai về điều đó !

Như cựu Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Larry Lindsey giải thích, tỷ suất thuế liên bang 43,4% sẽ khiến chính phủ mất tiền chứ không thu được tiền. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết tỷ lệ tối đa hóa doanh thu đối với lãi vốn là khoảng 28%. Các nhà kinh tế khác nói rằng nó thấp hơn, và nhiều người nghĩ rằng tỷ lệ lý tưởng là 0.

Không ai bên ngoài cơn sốt này có thể tưởng tượng rằng mức thuế mà ông Biden có thể đề xuất thậm chí còn cao hơn mức điên rồ trong lịch sử Mỹ là 40% và sự điên rồ này sẽ áp dụng ở các bang hiện đã có đủ mọi loại thuế cao ngất ngưởng nếu đề xuất của Biden trở thành luật. Điều gì sẽ xảy ra tại các bang như vậy? Dòng tiền sẽ tháo chạy theo quy luật.

Lịch sử của thuế thặng dư vốn đã chứng minh điều này. Bán một tài sản thường là một quyết định tùy ý, vì vậy các nhà đầu tư có thể quyết định khi nào lãi hoặc lỗ. Khi tỷ giá tăng, người Mỹ có xu hướng giữ tài sản của họ lâu hơn, làm giảm khả năng bán để thu lãi về.

CBO đã phát hiện ra rằng cứ tăng 1% tỷ lệ lãi vốn thì sẽ giảm 1,2% doanh số bán tài sản. Nếu cứ tăng thuế tùy theo ý muốn của ông Biden, số tiền thu được sẽ giảm đáng kể. Tỷ lệ cao hơn sẽ làm mất doanh thu của chính phủ.

Trừng phạt người giầu chỉ vì sự trừng phạt đó làm hài lòng cử tri nghèo hoặc nghe có vẻ như vì công bằng kiểu cào bằng xã hội mà bất chấp hậu quả hoặc hiệu quả của chính sách thì đó chính là một chính sách ngu xuẩn nhất. Khi chính phủ chẳng thu được gì thì người nghèo sẽ chịu tổn thất lớn nhất. Còn người giầu và giới tài phiệt Phố Wall? Họ chưa bao giờ thất bại trong các cuộc chơi này, đó là lý do họ ủng hộ ông Biden hết mình.

Lê Minh - Hữu Nguyên

 



BÀI CHỌN LỌC

5 lý do chứng minh tăng thuế thặng dư vốn là chính sách thảm hại nhất của ông Biden