3 vấn đề ‘trầm trọng’ với Gói cứu trợ Covid-19 mới ‘trị giá hàng nghìn tỷ’ của TT đắc cử Joe Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất kỳ gói cứu trợ trên cơ sở lập pháp nào - nhằm mục đích phục hồi nền kinh tế - đều không nên bao gồm các chính sách dự kiến ​​sẽ khiến... hàng triệu người thất nghiệp.

Vào tối thứ Năm (14/1), ông Joe Biden đã đưa ra một đề xuất sâu rộng cho khoản chi tiêu cứu trợ đại dịch viêm phổi Vũ Hán và gói kích thích mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.

"Tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ về mặt đạo đức", Tổng thống Biden nói trong một bài phát biểu tại Delaware thông báo về kế hoạch. "Trong đại dịch ở Mỹ này, chúng ta không thể để người ta đói, chúng ta không thể để người ta bị đuổi ra khỏi nhà, chúng ta không thể nhìn các y tá, các nhà giáo dục và những người khác mất việc làm, chúng ta rất cần họ. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, và chúng ta phải hành động một cách dứt khoát".

Đó là một đề xuất lớn và bất kỳ văn bản lập pháp cuối cùng nào dựa trên nó chắc chắn sẽ dài hàng trăm trang (nếu không muốn nói là hàng nghìn trang). Nhưng đây là một số điều khoản chính của gói:

  • Thêm 1.400 USD trong ngân phiếu “kích thích” cho hầu hết người Mỹ, nâng khoản thanh toán 600 USD vừa được thông qua lên 2.000 USD;
  • Gia hạn và tăng trợ cấp thất nghiệp để mở rộng khoản chi trả cho các tầng lớp lao động đến tháng 9/2021. Đề xuất của ông Biden sẽ thêm 400 USD/tuần trong các khoản thanh toán liên bang bên cạnh các khoản trợ cấp cấp tiểu bang hiện có;
  • Mở rộng tín dụng thuế trẻ em và Tín dụng thuế thu nhập;
  • Tăng trợ cấp phiếu thực phẩm;
  • Tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ trên toàn quốc;
  • Mở rộng lệnh cấm trục xuất của chính phủ liên bang;
  • Dành 350 tỷ USD cho chính quyền địa phương, tiểu bang và bộ lạc;
  • Dành 160 tỷ USD cho phân phối vaccine và các biện pháp y tế khác chống Covid-19;
  • Chi nghỉ phép có lương cho hàng triệu công nhân, phần lớn trong số đó sẽ do người đóng thuế trả.

Khoản chi tiêu được đề xuất của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh chính phủ liên bang đã chi con số 3 nghìn tỷ USD đáng kinh ngạc, và đang trông cậy vào gói cứu trợ COVID-19 và các gói kích thích. Nhiều sáng kiến ​​kinh tế khác nhau của chính phủ đã được chứng minh là không hiệu quả và đầy rẫy gian lận, nhưng kế hoạch của ông Biden chỉ đơn giản là “nhân đôi” cách tiếp cận này và đổ thêm tiền vào đó.

Tất nhiên, những người ủng hộ sẽ nói rằng chính phủ có nghĩa vụ đạo đức và thận trọng trong việc can thiệp và hướng nền kinh tế thoát khỏi tình trạng báo động đỏ. “[Kế hoạch] này nhanh chóng đưa tiền vào túi của hàng triệu người Mỹ, những người sẽ tiêu nó nhanh chóng”, ông Biden nói.

Nhưng đây là ba vấn đề chính với đề xuất trị giá hàng nghìn tỷ USD của chính quyền Biden.

  1. Bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng kinh tế của chúng ta

Mặc dù bề ngoài là một dự luật cứu trợ Covid-19, đề xuất của Biden phần lớn đã bỏ qua nguyên nhân sâu xa của tình trạng khó khăn kinh tế của chúng ta: chính phủ phong tỏa và cấm cản nền kinh tế. Các trung tâm kinh tế lớn như California và New York phần lớn vẫn bị phong tỏa, các doanh nghiệp đóng cửa và người dân phần lớn bị cách ly trong nhà của họ. (Mặc dù có rất nhiều - và ngày càng tăng - bằng chứng cho thấy việc phong tỏa không phải là một chiến thuật ngăn chặn virus corona Vũ Hán hiệu quả).

Sự thật đáng tiếc là chính phủ liên bang có thể thông qua dự luật kích thích trị giá 100 nghìn tỷ USD nhưng nó vẫn không thể vực dậy một nền kinh tế đang bị trói buộc bởi các lệnh phong tỏa của chính quyền địa phương.

“Nếu các bang dỡ bỏ các lệnh phong tỏa chặt chẽ, chúng ta sẽ không phải tiếp tục xem xét các cuộc trao đổi về kích thích chi tiêu”, Dân biểu Đảng Cộng hòa Lisa McClain lập luận. "Chúng ta cần nhiều việc làm hơn, không phải nhiều gói cứu trợ của chính phủ".

2. Đề xuất này bao gồm các điều khoản giết chết việc làm và sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp nhỏ

Có thể hiểu một cách dễ hiểu rằng một dự luật cứu trợ Covid-19 nên phải thúc đẩy tăng trưởng công ăn việc làm, chứ không phải giết chết nó. Nhưng đề xuất của Biden làm tăng giả định này.

Đồng thời, trong khi tổng thống đắc cử hứa hẹn sẽ thúc đẩy đất nước đổi mới kinh tế, ông đang đề xuất mở rộng hệ thống trợ cấp thất nghiệp cực kỳ hào phóng trong 7 tháng tới. Đó là Econ 101 - một vấn đề trực quan về các biện pháp khuyến khích cơ bản; trên thực tế, các chương trình của chính phủ làm cho tỷ lệ thất nghiệp trở nên gia tăng hơn — trong nhiều trường hợp, chương trình trợ cấp mở rộng này sẽ trả gần bằng hoặc hơn công việc bình thường của mọi người — làm tổn hại đến tăng trưởng việc làm và nâng cao tỷ lệ thất nghiệp.

Các nhà kinh tế Casey Mulligan và Stephen Moore ước tính rằng dự luật Biden sẽ phá hủy ít nhất 4 triệu việc làm, do hành động này không khuyến khích tạo ra động lực làm việc.

Và việc đưa vào mức lương tối thiểu 15 USD/giờ cho toàn liên bang cũng phản tác dụng. Chỉ riêng chính sách của nó cũng sẽ đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy gần 60% chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng họ không mong đợi doanh nghiệp của họ sống sót đến tháng 6/2021. Việc tăng lương - thường là khoản chi lớn nhất của doanh nghiệp - chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào nhiều doanh nghiệp này.

“Nếu anh thực sự muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn trong thời kỳ đại dịch này, thì tại sao anh lại áp đặt mức lương tối thiểu 15 USD/giờ đắt đỏ lên các doanh nghiệp nhỏ?”, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Greg Murphy hỏi. “Đây chỉ là một ví dụ khác về những người tiến bộ đang cố gắng thông qua chương trình nghị sự tự do của họ dưới chiêu bài cứu trợ Covid-19”.

Mức lương tối thiểu 15 USD/giờ toàn liên bang cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động bằng cách giết chết hàng triệu việc làm. Kinh tế học cơ bản là khi chi phí của một dịch vụ tăng lên, thì cầu của nó sẽ giảm đi.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội không đảng phái đã dự đoán rằng mức lương tối thiểu 15 USD/giờ toàn liên bang sẽ loại bỏ khoảng 1,3 triệu đến 3,7 việc làm.

Bất kỳ gói cứu trợ mang tính lập pháp nào nhằm mục đích phục hồi nền kinh tế đều không nên bao gồm các chính sách dự kiến ​​sẽ khiến hàng triệu người thất nghiệp.

3. Gửi hàng trăm tỷ USD tiền của người nộp thuế cho những người không túng thiếu

Một sai lầm rõ ràng khác đang gây khó khăn cho gói cứu trợ của chính quyền Biden là: Phần lớn chi tiêu của gói cứu trợ này sẽ không dành cho những người đang cần hoặc những người thực sự nghèo khó do cuộc khủng hoảng Covid-19 và do các đợt phong tỏa, mà dành cho những người Mỹ giàu có hoặc khá giả.

Theo kịch bản này, những người đóng thuế sẽ phải chịu hàng tỷ USD gửi đến các gia đình giàu có.

Chuyên gia Marc Goldwein của Ủy ban chịu trách nhiệm về Ngân sách Liên bang đã xem xét thể chế đối với "ngân phiếu kích thích" - được đề xuất của đảng Dân chủ Hạ viện, ông báo cáo rằng một người trưởng thành độc thân với một mức lương 100.000 USD sẽ nhận được 750 USD nhờ sự hỗ trợ của người đóng thuế Hoa Kỳ - ngay cả khi thu nhập khá lớn của họ không bị ảnh hưởng gì. Một cặp vợ chồng có 3 đứa con với thu nhập hộ gia đình là 200.000 USD sẽ nhận được 7.500 USD từ tiền của người đóng thuế.

Đây chỉ là hai ví dụ. Nhưng nói một cách tổng thể thì đúng là những đề xuất này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD - được tài trợ bằng thuế và nợ của chúng ta — cho những người khá giả mà việc làm của họ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc phong tỏa vì Covid-19.

Theo cách tương tự, gói cứu trợ của Biden phân bổ hàng trăm tỷ USD tiền thuế của người dân để cứu trợ cho các chính quyền địa phương và tiểu bang quản lý yếu kém.

“Đây là một gói cứu trợ cho các bang màu xanh [bang Dân chủ] vì các chính sách tồi tệ của họ, vì các chính sách phong tỏa của họ”, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael Waltz, người đại diện bang Florida, giải thích.

“Họ phải lấp đầy lỗ hổng đó”, ông Waltz nói. “Các bang phải tự cân đối ngân sách, chính phủ liên bang thì không. Vì vậy, Ủy ban Hoạt động Hành chính (AOC) và bây giờ là Joe Biden sẽ đi đến kế hoạch in tiền không ngừng”.

Điều này đủ để nói rằng việc buộc người nộp thuế liên bang phải cứu trợ các bang khỏi hậu quả của việc “đã ra quyết định yếu kém” là không thận trọng và không công bằng. Sự cứu trợ mà các bang như vậy thực sự cần là sự cứu trợ khỏi các chính sách nghèo nàn trong quản trị của mình.

Sử dụng Khủng hoảng để mở rộng quyền lực của chính phủ Lớn

Kế hoạch kích thích kinh tế mới của Biden có thể được dùng như một “đòn mở đầu” trong các cuộc đàm phán. Nhiều điều khoản trên có thể không được đưa vào dự luật cuối cùng mà Quốc hội sẽ xem xét. Nhưng đề xuất sâu rộng của tổng thống đắc cử vẫn cung cấp cho công chúng một ví dụ rõ ràng về một nguyên tắc vượt thời gian: Các chính trị gia sẽ luôn khai thác một cuộc khủng hoảng để mở rộng quyền lực của họ.

Đây là mối nguy hiểm mà nhà kinh tế học Robert Higgs đã xác định trong tác phẩm Khủng hoảng và quái vật biển Leviathan của ông như là “Hiệu ứng không bị đảo ngược (Ratchet Effect)”.

Higgs chỉ ra rằng trong suốt lịch sử, các cuộc khủng hoảng đã được sử dụng để bào chữa cho việc giành quyền lực của chính phủ. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, chính phủ sẽ buông bỏ một số quyền lực, nhưng không bao giờ buông tất cả. Kết quả là, quyền lực của chính phủ liên bang (quái vật biển Leviathan) đã 'tăng lên (không bị đảo ngược)', hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, trong suốt 100 năm qua.

Vì vậy, người Mỹ không nên coi đề xuất kích thích Covid-19 của chính quyền Biden - giống như các điều khoản và điều kiện của một dịch vụ ứng dụng và chỉ đơn giản là chấp nhận nó - sau khi đọc lướt qua. Chúng ta phải đề phòng sự thâu tóm quyền lực lớn của chính phủ và những can thiệp kinh tế triệt để nhằm vào chúng ta với danh nghĩa “phản ứng với khủng hoảng”.

Tác giả: Brad Polumbo là một nhà báo theo chủ nghĩa tự do và là biên tập viên tại Foundation for Economic Education. Trước đây, anh là Ủy viên Báo chí và Truyền thông tại Washington Examiner và là biên tập viên tại tổ chức truyền thông tự do phi lợi nhuận Young Voices.

Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam

Thủy Tiên

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

3 vấn đề ‘trầm trọng’ với Gói cứu trợ Covid-19 mới ‘trị giá hàng nghìn tỷ’ của TT đắc cử Joe Biden