1,32 triệu lao động trong nước có thể bị mất việc làm nếu dịch bùng phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo khảo sát tại hơn 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa công bố kết quả, 94% các doanh nghiệp cho biết đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Tính đến ngày 20/03/2020, ở Việt Nam đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch này trên mọi phương diện. Các nhà kinh tế học, các tổ chức tài chính quốc tế đều cho rằng đây là lần “khủng hoảng kinh tế” nghiêm trọng nhất, và khó lường nhất trong 100 năm qua.

CẤU TRÚC MẪU NGHIÊN CỨU

Nhóm nghiên cứu của NEU đã tiến hành khảo 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 01/04/2020). Theo thành phần sở hữu: 92,6% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; 6,08% doanh nghiệp FDI; 1,76% doanh nghiệp nhà nước. Theo ngành nghề, cơ cấu điều tra của mẫu như sau: ngành dịch vụ chiếm 65,1%; ngành công nghiệp và xây dựng 29,8%; ngành nông nghiệp 5,1%. Theo địa điểm, 69,3% các doanh nghiệp tại Hà Nội; 12,2% tại TP. Hồ Chí Minh; 18,5% tại các địa phương khác. Theo quy mô: 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người; 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người.

880.000 - 1,32 triệu người có thể bị mất việc làm nếu dịch bùng phát

Nhóm nghiên cứu của NEU đã làm một ước tính đơn giản: Nếu số lao động bình quân là 25 lao động/1 doanh nghiệp, thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt: doanh thu bị co hẹp, buộc phải đóng cửa do dịch bệnh, thiếu vốn, tiêu dùng trong nước giảm. Với doanh nghiệp SMEs, tác động từ giảm xuất khẩu chỉ có 17,2% số doanh nghiệp trong mẫu khảo sát đánh giá đây là mức khó khăn lớn mà họ đối mặt.

  • Sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% doanh nghiệp)
  • Hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% doanh nghiệp)
  • Không có nguồn thu (43,4% doanh nghiệp)
  • Không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định để phòng chống dịch (39,4% doanh nghiệp)
  • Thiếu hụt nguồn vốn (36,7% doanh nghiệp)
  • Hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước (31,2% doanh nghiệp)
  • Thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp)
  • Hàng hóa không xuất khẩu được (17,2% doanh nghiệp)
Các khó khăn doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Nguồn: NEU
Các khó khăn doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Nguồn: NEU

Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Hầu hết số doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% doanh thu trở lên, chỉ 2,7% doanh nghiệp bị giảm dưới 10% doanh thu. Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí lớn:

  • Lớn nhất là chi phí nhân công (34,5% doanh nghiệp)
  • Chi trả lãi vay ngân hàng (25% doanh nghiệp)
  • Chi phí hoạt động thường xuyên (20,6% doanh nghiệp)
  • Chi phí thuê mặt bằng (17,9% doanh nghiệp)

20% doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phá sản nếu dịch bệnh kéo dài hết tháng 4/2020 và 38,5% nếu kết thúc vào tháng 6/2020

Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020 Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020
49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh;

31,9% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất;

18,1% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động;

0,8% doanh nghiệp có khả năng phá sản.

14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động;

46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm quy mô;

32,4% doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động;

6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ tăng cao, nếu dịch bệnh kéo dài thêm 2 tháng từ tháng 4 đến tháng 6, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 5,3%; nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ này sẽ là 19,3%, và nếu dịch kéo dài đến hết năm nay, tỷ lệ này sẽ là 39,3%. Đây quả là những con số tỷ lệ đáng báo động đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong giai đoạn từ đây cho đến hết năm 2020.

Doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, cắt giảm chi phí, lao động và tiền lương để ứng phó khủng hoảng

Trước mắt, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, đặc biệt là nhân công. Nhưng đáng mừng là 15,1% doanh nghiệp cho biết họ chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

  • Cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên (65,5% doanh nghiệp)
  • Cắt giảm lao động (35,3% doanh nghiệp)
  • Cắt giảm lương nhân công lao động (34,0% doanh nghiệp)
  • Cho lao động nghỉ việc không lương (34,5% doanh nghiệp)
  • Cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh (44,7% doanh nghiệp)
  • Tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn (34,7% doanh nghiệp)
  • Chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới (15,1% doanh nghiệp)
Các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp với ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: NEU
Các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp với ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: NEU

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động xấu của dịch bệnh như hiện nay, khuyến nghị của nhóm nghiên cứu là cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt.

Báo cáo nhận định, nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát trong tháng 4 hoặc đến hết quý II/2020, thì chính phủ nên có biện pháp mang tính "hỗ trợ", với một vài giải pháp được các doanh nghiệp đánh giá cao như là: miễn, giảm lãi phí ngân hàng (2,51 điểm); hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (2,6 điểm); cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ (2,66 điểm).

Các chính sách còn lại bao gồm: tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn (2,78 điểm), không tăng chi phí điện, nước (2,9 điểm); cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (3,08 điểm).

Tuy nhiên, nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III/2020 hoặc hết năm 2020) chính phủ cần thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "giải cứu". Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, cần chú trọng “hỗ trợ” những nhóm đối tượng “dễ tổn thương” của nền kinh tế. Chẳng hạn như, đối với những người lao động mất việc kéo dài, có thể tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp tối thiểu cho những đối tượng lao động tự do…

Đặc biệt, trong mọi trường hợp cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của NEU cũng cho rằng chính sách tiền tệ với đặc điểm là có “độ trễ lớn”, do đó sẽ chỉ phát huy tác dụng kích thích kinh tế khi quốc gia bắt đầu kiểm soát được dịch, bắt đầu quá trình hồi phục. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay vai trò chủ yếu của chính sách tiền tệ là đảm bảo hệ thống tài chính vận hành thông suốt, duy trì khả năng thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Tâm An

TÀI LIỆU THAM KHẢO

NEU, Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách, 1/4/2020



BÀI CHỌN LỌC

1,32 triệu lao động trong nước có thể bị mất việc làm nếu dịch bùng phát