Zealandia, lục địa thứ 8 bị chìm dưới Thái Bình Dương hiển thị ‘rõ ràng’ trên bản đồ mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học vừa lập được bản đồ chi tiết về lục địa thứ 8 chìm sâu dưới mặt nước nam Thái Bình Dương khoảng 3.500 feet (1,07 km), theo Business Insider.

Tuy đã xác nhận có một lục địa chìm dưới nước tên là Zealandia vào năm 2017, nhưng đến tận ngày nay các nhà khoa học mới có thể lập bản đồ toàn bộ chiều rộng của nó.

Hôm thứ Hai (22/6), các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu GNS Science ở New Zealand tuyên bố rằng họ đã lập bản đồ hình dạng và kích thước của lục địa một cách chi tiết chưa từng thấy. Họ đặt bản đồ của mình lên một trang web tương tác để người dùng có thể khám phá lục địa này.

Ông Nick Mortimer, người đứng đầu dự án, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đã tạo ra những bản đồ này để cung cấp một bức tranh chính xác, đầy đủ và cập nhật về địa chất của khu vực New Zealand và tây nam Thái Bình Dương - tốt hơn những gì chúng ta có trước đây".

Ông Mortimer và các đồng nghiệp đã lập bản đồ khu vực xung quanh Zealandia - hình dạng và độ sâu của đáy đại dương - cũng như hồ sơ kiến tạo địa chất của nó.

Ngoài ra, các bản đồ cũng tiết lộ thông tin về cách Zealandia hình thành rồi bị chìm dưới nước hàng triệu năm về trước.

Một lục địa dưới nước có kích thước gần 5 triệu km vuông

Lục địa Zealandia có kích thước gần 2 triệu dặm vuông (5 triệu km vuông), bằng khoảng một nửa của châu Úc.

Nhưng chỉ có 6% lục địa này nằm trên mực nước biển. Phần đó bao gồm các hòn đảo phía bắc và phía nam của New Zealand và đảo New Caledonia. Phần còn lại nằm dưới nước và gây khó khăn cho việc khảo sát.

Để hiểu rõ hơn về phần lục địa ngập nước này, ông Mortimer và nhóm của mình đã lập bản đồ cả Zealandia và đáy đại dương xung quanh nó. Bản đồ độ sâu mà họ tạo ra cho thấy những ngọn núi và sườn núi của lục địa này gần mặt nước như thế nào.

Một bản đồ độ sâu của Zealandia, cho thấy hình dạng của lục địa dưới nước.
Một bản đồ độ sâu của Zealandia, cho thấy hình dạng của lục địa dưới nước. (Ảnh: GNS Science)

Bản đồ mô tả đường bờ biển, giới hạn lãnh thổ và các đặc điểm chính của lục địa này. Nó là một phần của sáng kiến toàn cầu về lập bản đồ toàn bộ đáy đại dương vào năm 2030.

Bản đồ thứ hai mà các nhà khoa học của GNS tạo ra mô tả về các lớp vỏ tạo nên lục địa dưới nước, độ tuổi của chúng và các đứt gãy lớn. Lớp vỏ lục địa lâu đời hơn được thể hiện bằng màu đỏ, cam, vàng và nâu. Lớp vỏ đại dương thường trẻ hơn có màu xanh lam. Hình tam giác màu đỏ là vị trí của các núi lửa.

Một bản đồ kiến tạo của New Zealandia, cho thấy các loại lớp vỏ và độ tuổi của chúng, các đứt gãy lớn và núi lửa tạo nên lục địa.
Một bản đồ kiến tạo của New Zealandia, cho thấy các loại lớp vỏ và độ tuổi của chúng, các đứt gãy lớn và núi lửa tạo nên lục địa. (Ảnh: GNS Science)

Bản đồ này cũng cho thấy Zealandia nằm trên các mảng kiến tạo khác nhau. Những mảng này đang bị đẩy vào nhau trong một quá trình được gọi là “hút chìm”.

Nghiên cứu các quá trình kiến tạo Zealandia ngày nay có thể tiết lộ manh mối về cách lục địa này hình thành lúc đầu.

Nguồn gốc 85 triệu năm của Zealandia

Khái niệm về Zealandia đã có cách đây 25 năm khi nhà địa vật lý Bruce Luyendyk đã đặt ra thuật ngữ này vào năm 1995.

Ông Luyendyk từng nói với Business Insider rằng ông không bao giờ có ý định dùng thuật ngữ này để mô tả một lục địa mới. Thay vào đó, cái tên ban đầu được gọi là New Zealand và một tập các lớp vỏ chìm dưới nước đã phá vỡ siêu lục địa cổ đại Gondwana khoảng 85 triệu năm trước.

Ông Luyendyk nói: "Lý do tôi đưa ra thuật ngữ này là vì sự tiện lợi. Chúng là những mảnh giống nhau khi bạn nhìn vào Gondwana. Vì vậy, tôi nghĩ, 'Tại sao bạn cứ đặt tên cho bộ sưu tập các mảnh này là những thứ khác nhau?'".

Lục địa Gondwana hình thành khi siêu lục địa cổ đại của Trái đất Pangea tách thành hai phần. Laurasia ở phía bắc đã trở thành Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Gondwana ở phía nam phân tán để hình thành Châu Phi, Nam Cực, Nam Mỹ và Úc ngày nay.

Bản đồ của Pangea 200 triệu năm trước, với ranh giới mảng kiến tạo màu trắng.
Bản đồ của siêu lục địa Pangea 200 triệu năm trước, với ranh giới mảng kiến tạo màu trắng. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Các lực địa chất tiếp tục sắp xếp lại các khối đất này và Zealandia bị chìm xuống dưới nước khoảng 30-50 triệu năm sau khi nó phá vỡ Gondwana.

Những bản đồ này cho thấy Zealandia là một lục địa giống như 7 lục địa khác

Cho đến năm 2017, Zealandia vẫn được phân loại là "tiểu lục địa", giống như đảo Madagascar. Tuy nhiên, theo ông Mortimer, Zealandia có tất cả các tính chất của lục địa: Nó đã xác định rõ ràng ranh giới, chiếm một diện tích hơn 386.000 dặm vuông (1 triệu km vuông), được nâng lên trên lớp vỏ đại dương xung quanh, và có một lớp vỏ lục địa dày hơn lớp vỏ đại dương đó.

Ông Mortimer nói thêm rằng do đó, những bản đồ mới này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy phần đất liền dưới nước nên được coi là lục địa thứ 8.

Ông nói với Science News vào năm 2017: "Nếu chúng ta có thể rút hết nước trên các đại dương của thế giới, thì rõ ràng Zealandia nổi lên trên. Khi đó chúng ta đã nhận ra Zealandia là một lục địa từ lâu”.

Văn Thiện

Theo businessinsider



BÀI CHỌN LỌC

Zealandia, lục địa thứ 8 bị chìm dưới Thái Bình Dương hiển thị ‘rõ ràng’ trên bản đồ mới