Vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đủ nghiêm trọng để đóng cửa, đồng sở hữu Pháp cảnh báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người phát ngôn của công ty điện lực Pháp (EDF), đồng sở hữu nhà máy hạt nhân tại Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết nếu nhà máy này ở Pháp, họ sẽ đóng cửa nhà máy khi các thanh nhiên liệu hư hỏng. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng tùy thuộc vào nhà điều hành Trung Quốc, Công ty TNHH Liên doanh Điện hạt nhân Đài Sơn (TNPJVC).

Theo CNN, người phát ngôn của EDF cho biết mặc dù việc các thanh nhiên liệu hư hỏng "không phải là tình huống khẩn cấp" tại Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn, nằm ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nhưng đây là một "tình huống nghiêm trọng đang diễn biến”.

Người phát ngôn cho biết, nếu lò phản ứng này ở Pháp, công ty sẽ đóng cửa nó do "các thủ tục và thông lệ vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp".

Người phát ngôn không trực tiếp kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động nhà máy, lưu ý rằng đây là quyết định của đối tác Trung Quốc và cổ đông lớn của nhà máy, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN).

EDF nắm giữ 30% cổ phần của TNPJVC, 70% còn lại do CGN thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ.

Người phát ngôn nói: "Chúng tôi đã chia sẻ với họ tất cả các yếu tố trong phân tích của EDF và tất cả lý do tại sao, tại Pháp, chúng tôi sẽ dừng lò phản ứng, để họ có thể đưa ra quyết định cần thiết với tư cách là nhà điều hành có trách nhiệm”.

Theo người phát ngôn, EDF sẽ đóng cửa lò phản ứng để "tránh làm suy giảm thêm các thanh nhiên liệu, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra và tránh thiệt hại thêm cho cơ sở công nghiệp”.

Người phát ngôn cho biết thêm, nhưng quyết định cuối cùng là tùy thuộc vào TNPJVC.

Trước đó vào tháng 6, hãng CNN lần đầu tiên đưa tin rằng công ty Framatome của Pháp - một công ty con của EDF hỗ trợ các hoạt động tại Đài Sơn - đã cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" tại nhà máy, thúc giục chính phủ Hoa Kỳ phải điều tra khả năng rò rỉ.

Theo một bức thư từ Framatome gửi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, công ty cũng đã cáo buộc cơ quan an toàn Trung Quốc nâng giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài nhà máy để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã phủ nhận bất kỳ mối nguy hiểm nào tại nhà máy, cho biết "không có bất thường trong môi trường bức xạ" và sự an toàn của nhà máy đã được "đảm bảo”. Các nhà chức trách từ chối trả lời các câu hỏi tiếp theo liên quan đến cảnh báo của Framatome đối với các quan chức Mỹ.

Vào tháng 6, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Trung Quốc thừa nhận mức độ phóng xạ tăng lên trong mạch sơ cấp của một trong hai lò phản ứng do thanh nhiên liệu bị hư hỏng - nhưng nói thêm rằng sự việc này "hoàn toàn khác với một vụ rò rỉ phóng xạ" vì "các rào cản vật lý là an toàn”.

Cơ quan Trung Quốc cũng phủ nhận việc nâng giới hạn bức xạ có thể chấp nhận được, và cho biết mức độ "vẫn nằm trong phạm vi cho phép, hoạt động ổn định”.

Cơ quan này trước đó cũng cho biết chỉ có 5 trong số hơn 60.000 thanh nhiên liệu của lò phản ứng bị ảnh hưởng, thêm vào đó là không có nguy cơ "rò rỉ phóng xạ ra môi trường".

Framatome từ chối cung cấp thêm bình luận khi được hỏi về tuyên bố của EDF.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đủ nghiêm trọng để đóng cửa, đồng sở hữu Pháp cảnh báo