Từ năm ngoái, Trung Quốc đã biết phòng thí nghiệm sinh học của nước mình giống như ‘một quả bom hẹn giờ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã nhận ra rằng các phòng thí nghiệm sinh học bao gồm cả Viện Virus học Vũ Hán, nơi được cho là khởi nguồn dịch bệnh COVID-19, đang rất cần được nâng cấp về mức độ an toàn để ngăn chặn sự rò rỉ của virus.

Gần đây, một bài báo trên Asian Review đã lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng thảo luận về sự cần thiết phải cải thiện “an toàn sinh học” của các phòng thí nghiệm từ năm ngoái.

Theo bài báo, “Trung Quốc đã chuẩn bị luật về an toàn sinh học, nhưng không đủ nhanh” và “Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc này một cách cẩn thận trong một thời gian dài, ý thức được cách mà nước ngoài nhìn nhận về họ”.

Bài báo cũng lưu ý rằng, Pháp - một quốc gia đã đóng góp vào việc xây dựng phòng thí nghiệm của Bắc Kinh - đã tìm thấy một lỗ hổng đáng kể trong khuôn khổ đảm bảo an toàn cho nghiên cứu virus ở Trung Quốc.

Bài báo tiếp tục: “Trung Quốc muốn bắt kịp các nước tiên tiến trong việc nghiên cứu công nghệ sinh học càng sớm càng tốt. Để đạt được điều đó, cần phải thiết lập các quy định liên quan đến phòng thí nghiệm ngang bằng với các quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ và Đức”.

Do những lo ngại về mức độ an toàn của các phòng thí nghiệm, một báo cáo đã được gửi cho quốc hội Trung Quốc vào tháng 10/2019. Báo cáo nêu chi tiết về 8 điểm cần thiết để nâng cấp mức độ an toàn:

  1. Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi, dịch bệnh ở động vật và thực vật.
  2. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
  3. Đảm bảo an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm.
  4. Đảm bảo an ninh tài nguyên sinh học và tài nguyên di truyền người của Trung Quốc.
  5. Ngăn chặn sự xâm lược của các loài ngoại lai và bảo vệ đa dạng sinh học.
  6. Xử lý sự kháng thuốc của vi sinh vật.
  7. Ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố sinh học.
  8. Bảo vệ chống lại mối đe dọa của vũ khí sinh học.

Nhưng Trung Quốc đã không đưa ra các biện pháp kịp thời để ngăn chặn sự dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán. Thay vào đó, thông tin ban đầu được che đậy và các bước đầu tiên của nước này đã bị trì hoãn.

Khi dịch bệnh rõ ràng đang lan rộng vào tháng 2/2020, “ông Tập mới kêu gọi các nhà lãnh đạo hàng đầu tăng cường năng lực quản trị quốc gia về an toàn sinh học và ban hành luật an toàn sinh học sớm nhất có thể”.

Điều này chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ của những người tin rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo thì kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã từ chối các nhà khoa học Mỹ tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán. Trong buổi họp báo gần đây vào ngày 29/4 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo một lần nữa kêu gọi Trung Quốc để Hoa Kỳ tiếp cận Viện Virus học Vũ Hán.

Ông nói: “Mặc dù chúng tôi đã hết sức nỗ lực để đưa các chuyên gia đến đó, họ [các quan chức Trung Quốc] vẫn cố tình che giấu và làm tình hình thêm rối ren. Điều đó là không đúng, nó tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với thế giới, và tất cả chúng ta cần phải biết được rốt cuộc những gì thực sự đang diễn ra ở các phòng thí nghiệm này, không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn phải đảm bảo rằng điều tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai”.

Ngày càng có nhiều quan chức và lãnh đạo các nước trên thế giới yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn về nguồn gốc của virus cũng như cách thức họ xử lý đại dịch.

Theo hãng tin Reuters, vào hôm 28/4, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham tiếp tục khẳng định quan điểm của Australia về việc kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về virus Corona Vũ Hán. Đồng thời, ông nhấn mạnh Australia không đánh đổi lợi ích kinh tế với sức khỏe cộng đồng, và cuộc điều tra này là cần thiết để tránh xảy ra trường hợp tương tự trong tương lai.

Ông Birmingham nói: "Chúng tôi không thay đổi quan điểm về vấn đề sức khỏe cộng đồng trước bất kỳ sức ép hay mối đe dọa nào. Chúng tôi chỉ thay đổi chính sách khi liên quan đến an ninh quốc gia”.

Văn Thiện

Theo summit.news, asianreview



BÀI CHỌN LỌC

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã biết phòng thí nghiệm sinh học của nước mình giống như ‘một quả bom hẹn giờ’