Tư duy siêu nhận thức - biện pháp tăng cường hiệu quả đọc sách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đọc sách giúp con người mở mang kiến thức, cải thiện khả năng phán đoán và phát triển tư duy. Những hiệu quả trên sẽ đạt được khi người đọc sách áp dụng một số kỹ năng giúp tăng cường khả năng ghi nhớ kiến thức từ sách vở. 

Nhiều người đặt ra mục tiêu đọc một trăm đầu sách mỗi năm, nhưng số lượng không liên quan tới khả năng hấp thụ kiến thức. Liệu bạn có ghi nhớ được hết kiến thức từ trăm quyển sách đó không? Có những cuốn sách bạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới lĩnh hội được nội hàm sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

Đặc biệt, những khái niệm và kiến thức mới mẻ đòi hỏi tâm trí phải chú ý và suy nghĩ nhiều hơn khi đọc. Nếu quá vội vàng, đọc một cuốn sách chỉ trong vài ngày, bạn không thể nhớ hết những gì đã đọc. Như vậy, bạn không chỉ bỏ sót kiến thức mà còn mất đi trải nghiệm thưởng thức khi đọc sách.

“Thói quen đọc nhanh sẽ khiến cuốn sách chưa kịp tạo ấn tượng vào bộ nhớ, chứ chưa nói đến khả năng tri thức trong đó trở thành một phần của chúng ta. Việc tích lũy kiến thức, trí tuệ và kinh nghiệm của tác giả giúp chúng ta trở thành những con người hoàn chỉnh”, tác giả Susan Hill chia sẻ. Nhà phát minh kiêm doanh nhân Naval Ravikant cho hay: “Khi càng hiểu biết hơn thì người ta càng nghiền ngẫm, đọc chậm hơn”.

Như vậy, số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Vậy làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đọc sách?

Áp dụng tư duy siêu nhận thức khi đọc sách

Tư duy siêu nhận thức đòi hỏi bạn phải có nhận thức rõ ràng và chủ động phân tích quá trình suy nghĩ trong khi đọc sách. Như vậy, bạn sẽ ghi nhớ kiến thức tốt hơn. (Ảnh: Pixabay)

Áp dụng tư duy siêu nhận thức khi đọc sách bao gồm:

  • Dành thời gian để phân tích nội dung và liên tưởng. Ví dụ, có thể liên tưởng đến nội dung tương tự trong nguồn khác hoặc những trải nghiệm của bản thân.
  • Tự đặt ra những câu hỏi thách thức và phản biện khi đọc sách. Ví dụ, vấn đề tác giả đề cập trên thực tế đúng bao nhiêu phần trăm? Nó được áp dụng trong thực tế như thế nào? Đã có sách nào đưa ra quan điểm ngược lại chưa?
  • Liên kết với kiến thức đã biết trước khi đọc và tìm ra điểm cải thiện, mới mẻ trong cuốn sách hiện tại.
  • Tìm cách ghi nhớ lại những gì mình đọc.
  • Ứng dụng ý tưởng trong cuốn sách vào cuộc sống của mình

Những người đọc sách hiệu quả nhận thức rõ họ muốn gì từ quá trình đọc sách và liên tục cải thiện trải nghiệm đọc sách.

Học cách vừa đọc sách vừa nghiền ngẫm

“Khi đọc chậm lại, ta có thể để ý đến cách sử dụng từ ngữ, lối hành văn, nhịp điệu của câu và trải nghiệm thú vị về thông điệp mà tác giả gửi gắm đến từng độc giả”, tác giả Thomas Newkirk chia sẻ trong cuốn sách của ông về Nghệ thuật đọc sách chậm rãi. 
“Khi đọc chậm lại, ta có thể để ý đến cách sử dụng từ ngữ, lối hành văn, nhịp điệu của câu và trải nghiệm thú vị về thông điệp mà tác giả gửi gắm đến từng độc giả”, tác giả Thomas Newkirk chia sẻ trong cuốn sách của ông về Nghệ thuật đọc sách chậm rãi. (Ảnh: Pixabay)

Hầu hết các cuốn sách có nội hàm sâu sắc đều yêu cầu đầu tư từ 5 đến 10 giờ để hấp thụ nội dung một cách thấu đáo. Khi bạn định dành nhiều thời gian cho những cuốn sách hay, bạn phải đảm bảo tiếp thu được nhiều kiến thức nhất từ chúng mà không lãng phí thời gian.

Một kế hoạch đọc sách rất cần thiết khi bạn định mua nhiều sách. Và kế hoạch đó hiếm khi bao gồm việc đọc lướt trừ khi bạn muốn nhanh chóng chuyển sang một cuốn sách hay hơn từ một cuốn sách trung bình. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn ghi nhớ tốt hơn kiến thức được cung cấp trong sách:

  • Ghi chú khi đọc sách.
  • Lưu ý đến ý tưởng đột phá, những ý tưởng khiến bạn thay đổi lối suy nghĩ cố hữu thông thường.
  • Gạch chân những ý tưởng quan trọng bạn có thể tham khảo trong tương lai.
  • Tóm tắt mỗi chương sau khi đọc.
  • Thảo luận chủ đề với nhiều người xung quanh để hiểu rõ khoảng trống kiến thức của mình.
  • Truyền tải ý tưởng đến mọi người bằng cách viết về chúng.

Đọc sách với tư duy phân tích buộc tâm trí bạn phải hoạt động. Bạn sẽ hiểu hơn về khuôn mẫu tư duy của bản thân, những kiến thức còn thiếu sót, từ đó khai mở trí tuệ và lĩnh hội được kiến thức mới tốt hơn.

Tất nhiên, không phải mọi cuốn sách đều được tiếp cận giống nhau. Sách vở cũng như món ăn tinh thần, như nhà triết học Francis Bacon từng nói, một số chỉ nên thử qua, số khác thì dễ nuốt, nhưng chỉ có số ít có thể nhai và tiêu hóa. Một số cuốn sách chỉ đọc được vài phần; số khác cũng đọc được, tất nhiên, với không nhiều sự hào hứng; nhưng có những cuốn sách phải đọc trọn vẹn, với sự siêng năng và chú ý tột bậc.

Mỗi cuốn sách đều có chiến lược đọc khác nhau. Đối với những cuốn sách hay và có nội hàm sâu sắc, không thể vội vàng xem lướt hay đọc cho xong mà phải chú ý suy nghĩ về các ý tưởng một cách sâu sắc.

Nếu việc hiểu thấu đáo, ghi nhớ và áp dụng kiến thức không phải là mục tiêu của bạn, bạn có thể thử một cách tiếp cận nhanh hơn và phù hợp với bạn. Còn nếu bạn muốn ghi nhớ tối đa những gì đã đọc và biến những tri thức trong đó trở thành của mình, thì thật sự phải đầu tư thời gian nghiền ngẫm nó một cách nghiêm túc.

Theo theladders



BÀI CHỌN LỌC

Tư duy siêu nhận thức - biện pháp tăng cường hiệu quả đọc sách