Virus Corona Vũ Hán nhắc nhở rằng Trung Quốc vẫn đang cố gắng quân sự hóa công nghệ sinh học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo gần đây cho rằng virus Corona (COVID-19) thoát ra phòng thí nghiệm Vũ Hán và được cho là không phải một vũ khí sinh học. Tuy nhiên, điều này nhắc nhở rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đang cố gắng quân sự hóa công nghệ sinh học.

Chiến lược quân sự hóa công nghệ sinh học của Trung Quốc

Từ tháng 9 năm ngoái, bà Elsa Kania thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) và chuyên gia an ninh quốc gia của Mỹ Wilson VornDick đã đưa ra một góc nhìn sâu sắc về việc Trung Quốc nỗ lực vũ khí hoá công nghệ sinh học. Bắc Kinh muốn tìm kiếm một phương pháp "chiến thắng không đổ máu" trước kẻ thù.

Theo báo cáo của 2 người này trên Defense One, "Chiến lược quốc gia của Trung Quốc về hợp nhất quân sự - dân sự đã nhấn mạnh rằng sinh học là ưu tiên hàng đầu, và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể đi đầu trong việc mở rộng và khai thác kiến thức trong lĩnh vực này".

Để làm bằng chứng, các tác giả cung cấp một thông tin khi nghiên cứu về chiến lược của PLA. Điều này cho thấy rõ ràng PLA có ý định “thay đổi hình thức hoặc đặc điểm của xung đột”. Các điểm trong chiến lược của PLA được nhắc tới trong báo cáo trên Defense One như sau:

  • Trong bài viết Chiến tranh vì sự thống trị trong sinh học vào năm 2010, ông Guo Jiwei, Giáo sư của Đại học Quân y Thứ ba, đã nhấn mạnh về tác động của sinh học đến chiến tranh trong tương lai.
  • Vào năm 2015, chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Quân y, Thiếu tướng He Fuchu đã lập luận rằng công nghệ sinh học sẽ trở thành “các đỉnh cao chỉ huy chiến lược” mới của quốc phòng, từ vật liệu sinh học đến vũ khí “điều khiển não”.
  • Trong một cuốn sách năm 2017, ông Zhang Shibo, một vị tướng đã nghỉ hưu và cựu chủ tịch của Đại học Quốc phòng cho rằng sinh học là một trong “7 lĩnh vực mới của chiến tranh”. Ông kết luận rằng: “Sự phát triển công nghệ sinh học hiện đại đang dần cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ về các đặc tính mới trong khả năng tấn công”, bao gồm cả khả năng “các cuộc tấn công di truyền đối với nhân chủng cụ thể” có thể được sử dụng.
  • Trong phiên bản năm 2017 của cuốn sách Khoa học về Chiến lược Quân sự được Đại học Quốc phòng thuộc PLA xuất bản, đã đưa vào một phần về sinh học như một lĩnh vực đấu tranh quân sự. Phần này đề cập đến tiềm năng của các loại chiến tranh sinh học bao gồm “các cuộc tấn công di truyền nhân chủng cụ thể”.

Các bước để gắn sinh học với quân sự

Thật vậy, các nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc đã cố gắng vũ khí hóa sinh học cùng với những tiến bộ trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác, như khoa học não, siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Theo báo cáo trên Defense One, Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc đã đứng sau các dự án về khoa học não bộ, hệ thống y sinh tiên tiến, vật liệu y sinh và sinh học, việc nâng cao hiệu suất của con người và “khái niệm mới” - công nghệ sinh học.

Đặc biệt, Trung Quốc đã tập trung nỗ lực rất lớn vào việc chỉnh sửa gen ở người thông qua công nghệ CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats), với hơn một chục thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện, bao gồm cả những thử nghiệm của nhà khoa học Trung Quốc gây tranh cãi, ông He Jiankui để nhân bản con người biến đổi gen “kháng HIV”. Không rõ nghiên cứu của ông đã bị ĐCSTQ trừng phạt hay thậm chí tài trợ, tuy nhiên chính phủ Trung Quốc đã đưa ra luật giám sát mới để điều chỉnh các thí nghiệm như vậy sau khi nghiên cứu của ông đã bị quốc tế lên án.

Sửa đổi gen
He Jiankui thông báo về việc tạo ra các em bé được chỉnh sửa gen Lulu và Nana. (Ảnh chụp màn hình Youtube/The He Lab)

Theo Defense One, điều đáng chú ý là có bao nhiêu thử nghiệm CRISPR của Trung Quốc đang diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa PLA. Thật vậy, các tổ chức y tế thuộc PLA, đã nổi lên như các trung tâm nghiên cứu về chỉnh sửa gen và các lĩnh vực mới khác của y học quân sự và công nghệ sinh học. Học viện Khoa học Quân y (AMMS) của PLA, mà Trung Quốc gọi là “cái nôi đào tạo về tài năng quân y”, gần đây được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự. Thay đổi này cho thấy sự tích hợp chặt chẽ hơn của khoa học y tế với nghiên cứu quân sự.

Và vào năm 2016, một nghiên cứu sinh tiến sĩ của PLA đã xuất bản một luận án có tựa đề "Nghiên cứu về Đánh giá Công nghệ Nâng cao Hiệu suất của Con người". Luận án nêu ra CRISPR-Cas là một trong 3 công nghệ chính có thể được sử dụng để tăng cường hiệu quả chiến đấu của quân đội. Theo Defense One, "anh này đã ủng hộ nghiên cứu xem xét hiệu quả của thuốc Modafinil, có ứng dụng trong việc tăng cường nhận thức và kích thích từ xuyên sọ, một loại kích thích não bộ. Đồng thời, anh này cũng cho rằng CRISPR-Cas có tiềm năng lớn với tư cách là một công nghệ răn đe quân sự".

Công nghệ sinh học giao thoa với Trí tuệ nhân tạo (AI)

Công nghệ sinh học của Trung Quốc cũng giao thoa với trí tuệ nhân tạo. Báo cáo của Defense One viết: "Sự to lớn của bộ gen người - thuộc loại lớn nhất trong những dữ liệu lớn - đòi hỏi phải sử dụng AI và học máy để chỉ ra con đường cho những cải tiến liên quan đến CRISPR trong trị liệu hoặc tăng cường".

Năm 2016, giá trị chiến lược tiềm tàng của thông tin di truyền đã khiến chính phủ Trung Quốc cho ra mắt National Genebank, nơi dự định trở thành kho lưu trữ dữ liệu di truyền lớn nhất thế giới. Nơi này có mục đích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền có giá trị của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia trong thông tin sinh học và tăng cường khả năng của nước này để nắm bắt các đỉnh cao chỉ huy chiến lược trong lĩnh vực công nghệ sinh học”.

Theo Defense One, kho lưu trữ này được quản lý bởi BGI (Beijing Genomics Inc.), công ty hàng đầu trong lĩnh vực này của Bắc Kinh. BGI đã thiết lập được lợi thế cạnh tranh trong việc giải mã trình tự gen giá rẻ và tập trung vào việc tích lũy một lượng lớn dữ liệu từ một loạt các nguồn khác nhau. Công ty đã hiện diện toàn cầu, bao gồm các phòng thí nghiệm ở California và Úc.

Mối nguy cơ lớn đối với Hoa Kỳ đã xuất hiện khi BGI đang tiếp cận thông tin di truyền của người dân Mỹ. Công ty này đã trở thành đối tác với những nơi như Đại học California Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia về giải trình tự bộ gen người. Nghiên cứu và các quan hệ đối tác của công ty này tại Tân Cương cũng bị lên án do sự vi phạm nhân quyền - chẳng hạn như việc thu thập thông tin di truyền bắt buộc về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Hơn nữa, BGI dường như có liên kết đến các hoạt động nghiên cứu quân sự của PLA - và đặc biệt là Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc (NUDT). Theo báo cáo của Defense One, "Nghiên cứu thông tin sinh học của BGI đã sử dụng siêu máy tính Thiên Hà để xử lý thông tin di truyền cho các ứng dụng y sinh. Các nhà nghiên cứu của BGI và NUDT đã hợp tác trong một số ấn phẩm, bao gồm thiết kế các công cụ để sử dụng CRISPR".

Văn Thiện

Theo Zerohedge, Defense one



BÀI CHỌN LỌC

Virus Corona Vũ Hán nhắc nhở rằng Trung Quốc vẫn đang cố gắng quân sự hóa công nghệ sinh học