Trung Quốc phóng tên lửa thất bại 2 lần liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tối thứ Năm (9/4), Trung Quốc phóng tên lửa thất bại 2 lần liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, theo South China Morning Post.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, các quan chức đang điều tra nguyên nhân gây ra sự cố trong suốt giai đoạn thứ ba của vụ phóng tên lửa Trường Chinh 3B - mang theo vệ tinh Palapa-N1 của Indonesia. Tên lửa này được phóng lên tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên lúc 7:46 tối.

Thông tin cho biết: “Giai đoạn đầu tiên và thứ hai của tên lửa hoạt động tốt, nhưng giai đoạn thứ ba bị trục trặc. Các mảnh vỡ từ giai đoạn thứ ba của tên lửa và vệ tinh rơi xuống đất. Nhiệm vụ phóng thất bại”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không nói tên lửa hạ cánh ở đâu, nhưng văn phòng của Bộ Quốc phòng và An ninh Dân sự đảo Guam cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: họ quan sát thấy “một vật thể bốc cháy trên bầu trời quần đảo Mariana” có khả năng liên quan đến vụ phóng thất bại.

Đoạn video ghi lại những mảnh vụn cháy từ trên trời rơi xuống được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội.

Theo Jakarta Post đưa tin vào đầu tháng này, vệ tinh bị mất hôm thứ Năm (9/4) có tên là Nusantara 2, được các công ty viễn thông Indonesia Pasifik Satelit Nusantara và Indosat Ooredoo đặt hàng Trung Quốc chế tạo. Indonesia dự tính dùng vệ tinh Nusantara 2 để thay thế một vệ tinh cũ hơn trong việc cung cấp dịch vụ internet và phát sóng ở quốc gia này.

Người ta không biết liệu vụ phóng thất bại này có ảnh hưởng đến các vụ phóng tên lửa Trường Chinh 3B khác đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay hay không.

Trước đó vào ngày 16/3, tên lửa Trường Chinh 7A, phiên bản mới cải tiến của tên lửa đẩy Trường Chinh 7, cũng gặp phải một sự cố bất thường trong vài phút sau khi được phóng từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam, phía Nam Trung Quốc.

Tên lửa Trường Chinh 3B, còn có tên gọi khác là CZ-3B và LM-3B, là một tên lửa đẩy quỹ đạo 3 tầng với 4 tầng tách của Trung Quốc, được đưa vào sử dụng từ năm 1996 và được phóng từ Khu phóng 2 và 3 của Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên. Hiện tại đây là tên lửa mạnh nhất trong các phiên bản Trường Chinh-3 và dòng tên lửa Trường Chinh. Tên lửa này chuyên được dùng để đưa các vệ tinh thông tin lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO).

Văn Thiện

Theo Scmp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phóng tên lửa thất bại 2 lần liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng