Trung Quốc đưa vệ tinh Bắc Đẩu cuối cùng lên quỹ đạo trong nỗ lực cạnh tranh với GPS của Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc vào thứ Ba (23/6) đã đưa vào quỹ đạo vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou) cuối cùng, hoàn thành một mạng lưới điều hướng được xây dựng nhiều năm để thay thế Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) thuộc sở hữu của Hoa Kỳ.

Ý tưởng phát triển hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc hình thành vào những năm 1990 khi quân đội nước này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào GPS do Không quân Hoa Kỳ điều hành.

Phạm vi phủ sóng chỉ giới hạn ở Trung Quốc khi các vệ tinh Bắc Đẩu 1 đầu tiên được phóng vào năm 2000. Bây giờ các dịch vụ liên quan đến Bắc Đẩu như giám sát giao thông đã được xuất khẩu tới khoảng 120 quốc gia.

Khi việc sử dụng các thiết bị di động gia tăng, Trung Quốc năm 2003 đã cố gắng tham gia dự án định vị vệ tinh Galileo do Liên minh châu Âu đề xuất nhưng sau đó đã rút ra để tập trung vào Bắc Đẩu.

Thế hệ thứ hai gồm các vệ tinh Bắc Đẩu 2 đi vào hoạt động năm 2012, với phạm vi bao trùm khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu triển khai thế hệ thứ ba gồm các vệ tinh Bắc Đẩu 3 nhằm mục đích phủ sóng toàn cầu. Chiếc cuối cùng của thế hệ này được phóng vào hôm 23/6 là vệ tinh thứ 35.

Mô hình hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu tại một triển lãm ở Bắc Kinh vào ngày 27/2/2019.
Mô hình hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu tại một triển lãm ở Bắc Kinh vào ngày 27/2/2019. (Ảnh: Getty Images)

Các chuyên gia trước đó đã nói với CNBC rằng Bắc Đẩu sẽ giúp quân đội Trung Quốc luôn “trực tuyến” trong trường hợp có xung đột với Hoa Kỳ, nhưng sự ra mắt này cũng là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng công nghệ trên toàn cầu.

Ông Cameron Stickings, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh cho biết: “Tín hiệu dân sự từ Bắc Đẩu không tốt hơn GPS hay Galileo. Từ góc độ phòng thủ, thật khó để nói liệu Bắc Đẩu có vượt trội hay không. Một trở ngại mà Bắc Kinh sẽ phải đối mặt sẽ là nâng cấp máy thu trên các nền tảng quân sự, việc này sẽ mất nhiều thời gian”.

Nhiều quốc gia liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ của Bắc Đẩu để tạo thành Con đường Tơ lụa thời hiện đại.

Ông Stickings nói: “Hệ thống này có thể phổ biến giữa các quốc gia Vành đai và Con đường, đặc biệt là những nước muốn ít phụ thuộc vào hệ thống GPS của Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, Bắc Đẩu sẽ cần phải chứng minh độ tin cậy và khả năng cung cấp tín hiệu nhất quán để có được sự tin tưởng của người dùng giống như cách GPS đã làm trên toàn cầu.

Văn Thiện

Theo Reuters, CNBC



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đưa vệ tinh Bắc Đẩu cuối cùng lên quỹ đạo trong nỗ lực cạnh tranh với GPS của Hoa Kỳ