Bloomberg: Trung Quốc sử dụng chip độc để theo dõi hệ thống máy tính của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (ngày 12/2), một bài báo từ Bloomberg News tiết lộ Trung Quốc có thể đã theo dõi các hệ thống máy tính của Mỹ trong một thập kỷ qua bằng cách cung cấp chip đã gắn phần mềm độc hại cho công ty Super Micro Computer (Supermicro), một trong những nhà cung cấp bo mạch chủ hàng đầu của Mỹ.

Theo bài báo, các cơ quan tình báo Mỹ đã biết về chương trình gián điệp này của Bắc Kinh nhưng không cảnh báo Supermicro hoặc khách hàng của công ty này, vì họ ưu tiên theo dõi các kỹ thuật giám sát của Trung Quốc và phát triển các biện pháp đối phó với chúng.

Bài báo của Bloomberg cho biết, kế hoạch gián điệp của Trung Quốc đã lợi dụng sự phụ thuộc của Supermicro vào chuỗi cung ứng toàn cầu để có được chip cho bo mạch chủ với giá rẻ.

Cựu quan chức FBI Jay Tabb nói với Bloomberg: “Supermicro là minh họa hoàn hảo về mức độ nhạy cảm của các công ty Mỹ đối với khả năng của việc can thiệp bất chính đối với bất kỳ sản phẩm nào mà họ chọn sản xuất tại Trung Quốc. Đây cũng là một ví dụ về trường hợp xấu nhất nếu bạn không có toàn quyền giám sát nơi sản xuất thiết bị của mình”.

Ông nói thêm: “Chính phủ Trung Quốc đã làm điều này trong một thời gian dài và các công ty cần phải biết rằng Trung Quốc đang làm điều này và đặc biệt là Thung lũng Silicon cần phải bỏ việc giả vờ rằng điều này không xảy ra”.

Hầu hết các nguồn tin mà Bloomberg thu thập được đều ẩn danh - tổng cộng hơn 50 nguồn, cả chính phủ và tư nhân. Các phóng viên cho biết họ có thể sao lưu nhiều chi tiết mà các nguồn tin cung cấp với tài liệu của Supermicro.

Tuy nhiên, Supermicro đã bác bỏ thông tin của Bloomberg và cho chúng là “một mớ hỗn độn của những cáo buộc sai lệch và không chính xác” nhằm “đưa ra những kết luận sai lầm”. Công ty lập luận rằng các cơ quan chính phủ sẽ không tiếp tục mua các sản phẩm của Supermicro nếu nhiều cơ quan liên bang tin rằng Trung Quốc đang thao túng các bo mạch chủ của công ty để thực hiện hoạt động gián điệp.

Bloomberg đã tìm thấy khá nhiều chuyên gia bảo mật của chính phủ và tư nhân, những người tuyên bố chính phủ đã điều tra và giám sát sự hiện diện của các chip độc hại trên bo mạch của Supermicro trong nhiều năm. Dường như không ai trong số họ nghĩ rằng chính Supermicro phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hoạt động gián điệp nào.

Nói một cách đơn giản, các trường hợp gián điệp được mô tả trong bài báo của Bloomberg liên quan đến các chip bổ sung chứa đầy phần mềm gián điệp được các nhà cung cấp Trung Quốc lén lút thêm vào bo mạch máy tính. Các con chip độc hại này sẽ lặng lẽ truyền dữ liệu từ các máy tính bị xâm nhập tới các máy chủ ở Trung Quốc.

Máy tính của một số nhà sản xuất đã bị xâm nhập với những con chip bổ sung này. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, mạng lưới gián điệp mạng của Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ về việc phá hoại bo mạch của Supermicro.

Các nhà điều tra ban đầu biết về những chiến thuật này đã tự hỏi liệu các chip gián điệp có thể thiết lập mạng lưới cho các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn sau này hay chuẩn bị cho việc phá hoại trong trường hợp xảy ra xung đột Mỹ-Trung. Theo bài báo, các quan chức tình báo Mỹ quyết định giữ im lặng về việc phát hiện ra các chip gián điệp - vốn cực kỳ tiên tiến và rất khó bị phát hiện - và tiếp tục theo dõi chúng, để nghiên cứu hành vi của chúng và chuẩn bị các chiến lược phòng thủ.

Bloomberg đã từng đưa tin về sự xâm nhập của phần mềm gián điệp gắn trên chip trong quá khứ, nhưng bài báo mới này chỉ ra rằng hành động này đã lan rộng hơn nhiều so với những gì được mô tả trước đây - hàng chục sự cố ảnh hưởng đến hàng nghìn máy tính, từ năm 2008 đến nay.

Các cơ quan chính phủ và cơ quan an ninh tư nhân của Mỹ đã phản ứng bằng nhiều cách khác nhau đối với việc phát hiện ra các chip gián điệp Trung Quốc. Một số nguồn tin từ các cơ quan chỉ coi sự xâm nhập vào các bo mạch Supermicro là một bí mật mở trong cộng đồng tình báo mạng; những người khác khẳng định không có vấn đề bảo mật lớn nào với các sản phẩm của Supermicro và tiếp tục mua chúng cho nhiều mục đích; những người khác mua hệ thống máy tính có các thành phần Supermicro cho một số mục đích, nhưng hạn chế chúng trong các dự án có độ nhạy cảm cao nhất.

Một số khách hàng doanh nghiệp cho biết họ đã được cảnh báo về các lỗi bảo mật trong một số sản phẩm của Supermicro và từ các công ty khác làm ăn với các nhà cung cấp Trung Quốc. Trong khi đó, những người khác nói rằng họ chưa bao giờ được biết về bất kỳ vấn đề nào như vậy. Danh sách các quan chức nhà nước và tư nhân từ chối bình luận khi được các phóng viên Bloomberg liên hệ cũng dài như danh sách các nguồn đã cung cấp thông tin cho câu chuyện.

Văn Thiện

Theo Breitbart

 

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Bloomberg: Trung Quốc sử dụng chip độc để theo dõi hệ thống máy tính của Mỹ