Trung Quốc áp dụng công nghệ nhận diện cảm xúc trong việc giám sát người dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không hài lòng với mức độ giám sát hiện tại, chính quyền Trung Quốc giới thiệu thêm công nghệ nhận diện cảm xúc để tăng cường kiểm soát người dân trên toàn quốc. Công nghệ sẽ sử dụng hàng triệu máy camera đặt ở khắp nơi để quét khuôn mặt và xác định cảm xúc của từng cá nhân. 

Nhận biết cảm xúc

Li Xiaoyu, chuyên gia trị an từ cục an ninh công cộng tại thành phố Altay ở Tân Cương, nói với tờ Financial Times (The Straits Times): “Sử dụng cảnh quay video, công nghệ nhận diện cảm xúc có thể nhanh chóng xác định các nghi phạm hình sự bằng cách phân tích trạng thái tinh thần của họ, từ đó ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp bao gồm khủng bố và buôn lậu,... Chúng tôi đã bắt đầu sử dụng nó”.

Các thanh tra hải quan Tân Cương sẽ triển khai công nghệ này để giám sát người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Nó có khả năng xác định mức độ căng thẳng, hung hăng và khả năng một người có thể thực hiện hành vi bạo lực đối với người khác. Như vậy, chính quyền tận dụng công nghệ này để bắt hoặc giam giữ những người Duy Ngô Nhĩ mà hệ thống tự động phân loại là “mối đe dọa an ninh”.

Công nghệ này chủ yếu được triển khai bởi các thanh tra hải quan của Tân Cương. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube )

Chính quyền cũng sẽ sớm áp dụng công nghệ nhận biết cảm xúc tại các sân bay và ga tàu điện ngầm. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ này trên quy mô lớn là bất khả thi trong ít nhất ba đến năm năm vì nó vẫn cần phải phát triển và hoàn thiện. Hiện tại, các chuyên gia coi phần mềm nhận dạng cảm xúc phần lớn chỉ là một mánh lới quảng cáo. Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí học thuật Sensors, Nhận dạng biểu hiện khuôn mặt (FER) rất khó thu được kết quả chính xác.

Tờ Disruptive Asia cho rằng: “Trong khi các hệ thống FER trong phòng thí nghiệm có thể đạt được tỷ lệ chính xác lên tới 97 phần trăm, thì tỷ lệ đó giảm xuống chỉ còn khoảng 50 phần trăm đối với các ứng dụng trong thực tế. Những sự thay đổi trong ánh sáng và vị trí của khuôn mặt có thể sẽ làm giảm hiệu suất của hệ thống”. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là những biểu hiện được thể hiện trên khuôn mặt của một người có thể không tương ứng với cảm xúc của họ. Ví dụ, một người có thể khóc khi họ cảm thấy vui vẻ. Công nghệ chỉ thấy những giọt nước mắt và phân loại cảm xúc là buồn khi thực tế không phải vậy.

Trung Quốc đã thiết lập một trong những hệ thống giám sát công cộng lớn nhất thế giới. Một báo cáo của Comparitech cho thấy 8 trong số 10 thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới đều ở Trung Quốc. Đứng đầu là thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, nơi đây có tỉ lệ gần 168 camera trên 1.000 người dân.

Thay đổi hành vi

Một nghiên cứu gần đây của Axios SurveyMonkey chỉ ra, mọi người có xu hướng thay đổi hành vi của họ khi họ nhận ra rằng họ đang bị giám sát. Kết luận được đưa ra sau một cuộc thăm dò trực tuyến trên 3.454 người trưởng thành cho thấy: “62% người cho rằng việc chủ lao động thường xuyên theo dõi nhân viên sử dụng công nghệ là hợp lý... 48% cho biết họ sẽ thay đổi hành vi nếu họ biết họ đang bị theo dõi”.

Trong một số tình huống, giám sát rất hữu ích trong việc cải thiện năng suất. Tuy nhiên, giám sát cũng tạo ra một môi trường tiêu cực tại nơi làm việc do việc này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhân viên. Một số nhân viên sẽ luôn cố gắng tránh sự giám sát, khiến các nhà quản lý tiếp tục phát triển hệ thống giám sát chặt chẽ hơn.

Chúng ta hãy chờ xem mạng lưới theo dõi rộng khắp của Bắc Kinh sẽ làm thay đổi hành vi của người dân Trung Quốc như thế nào nhé.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo Visiontimes

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc áp dụng công nghệ nhận diện cảm xúc trong việc giám sát người dân