Trái đất lưu giữ lượng nhiệt lớn gấp đôi kể từ năm 2005

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nghiên cứu mới của NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, lượng nhiệt đang được Trái đất lưu giữ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2005. Điều này góp phần đẩy nhanh sự ấm lên của các đại dương, không khí và trên bề mặt Trái đất.

Bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu của NASA và Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đo được sự mất cân bằng năng lượng mà Trái Đất đang trải qua. Đây là sự chênh lệch giữa mức năng lượng được Trái đất hấp thụ từ Mặt trời, và lượng nhiệt có thể tỏa ra hoặc bức xạ trở lại không gian. Theo đó, các nhà khoa học phát hiện Trái Đất hiện tại đang hấp thụ nhiều nhiệt lượng hơn so với lượng nhiệt mất đi. Đây được coi bước đầu tiên dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Norman Loeb, nhà khoa học thuộc NASA và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố tuần này trên tạp chí Geophysical Research Letters cho biết: "Mức độ gia tăng lớn chưa từng có. Trái Đất đang ấm lên nhanh hơn dự kiến".

Nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng nói trên đã tăng gần gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2019. Lượng nhiệt lượng được Trái Đất ‘tích trữ’ lớn đến mức, nó tương đương với việc mỗi người trên thế giới đun nóng 20 ấm trà điện cùng một lúc.

Theo ước tính của các nhà khoa học, Trái đất hấp thụ khoảng 240 watt trên mỗi mét vuông năng lượng từ Mặt trời. Các đại dương hấp thụ hầu hết lượng nhiệt đó, chiếm tới khoảng 90%.

Ở đầu giai đoạn nghiên cứu (tức vào năm 2005), Trái Đất đã bức xạ trở lại không gian khoảng 239,5 watt. – chỉ giữ lại khoảng 0,5 watt. Tuy nhiên, vào năm 2019, sự chênh lệch giữa lượng năng lượng được Trái Đất hấp thụ và lượng năng lượng tỏa ra không gian đã tăng gần gấp đôi - lên khoảng một watt trên mỗi mét vuông.

Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là điều gì đã thúc đẩy sự tích tụ nhiệt lượng quá mức như trên.

Nghiên cứu chỉ ra rằng sự suy giảm độ che phủ của mây và băng biển, những thứ phản xạ lại năng lượng Mặt trời vào không gian, khiến Trái Đất giữ lại nhiều nhiệt lượng hơn. Song song đó, sự gia tăng các khí nhà kính do con người thải ra, chẳng hạn như mêtan và carbon dioxide, cũng như hơi nước, càng khiến tình trạng trên trở nên trầm trọng.

Khoảng thời gian mà các nhà khoa học đã nghiên cứu cũng trùng lặp với những biến động của khí hậu, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng tốc giữ nhiệt lượng. Có thể kể đến các sự kiện như El Nino mạnh từ năm 2014 đến năm 2016, dẫn đến nước biển trên khắp các đại dương trở nên ấm bất thường. Lượng nhiệt tăng thêm ở các đại dương, làm cho các trận bão và sóng nhiệt biển dữ dội hơn nhiều.

Tác giả chính của nghiên cứu, Norman Loeb cảnh báo: "Đó không phải là tin tốt".



BÀI CHỌN LỌC

Trái đất lưu giữ lượng nhiệt lớn gấp đôi kể từ năm 2005