Tổng thống Trump đưa hơn 200 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn ba năm kể từ khi công ty viễn thông Trung Quốc ZTE lần đầu tiên bị Washington đưa vào danh sách đen, danh sách này không ngừng tăng lên, bao gồm các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei cho đến các các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). 

Danh sách đen không ngừng được mở rộng

Tính đến cuối tháng 10/2019, đã có hơn 200 công ty và tổ chức của Trung Quốc có tên trong Danh sách đen "Entity List" của Bộ thương mại Hoa Kỳ, tăng khoảng 40 công ty so với hồi tháng 5/2019.

Hôm thứ Hai (18/11), cơ quan này cho hay họ sẽ tiếp tục giữ Huawei trong danh sách đen và gia hạn thêm 90 ngày cho các công ty Mỹ được phép tiếp tục kinh doanh với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, trước khi chấm dứt hoàn toàn.

Gần đây, số lượng các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen ngày càng tăng. Các công ty này bị cáo buộc đang tạo ra những mối đe dọa ngày càng rõ đối với an ninh của nước Mỹ. Cụ thể, chính quyền Trump đã mở rộng phạm vi mục tiêu kiểm soát, không chỉ dừng lại ở các công ty viễn thông như ZTE và Huawei, mà còn cả các công ty trong lĩnh vực nhạy cảm như siêu máy tính và năng lượng hạt nhân.

Theo đó, hồi tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đứng đầu là Bộ trưởng Wilbur Ross tiếp tục liệt kê các công ty nhận diện khuôn mặt SenseTime, Megvii và Yitu - ba trong số 'bốn con rồng' AI của Trung Quốc - vào danh sách đen.

Các công ty này mặc dù chỉ được thành lập chưa tới 10 năm, nhưng dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh, chúng đã phát triển nhanh chóng.

Megvii, một startup công nghệ đang được định giá khoảng 4 tỷ USD, đã sớm có kế hoạch niêm yết tại Hồng Kông. Trong khi Yitu được định giá 2,4 tỷ USD, đang cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho các camera giám sát không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nước ngoài, bao gồm cả Malaysia - dùng cho lực lượng cảnh sát.

Vẫn còn những kẽ hở

Từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ​​Washington sử dụng Entity List như một công cụ chính nhằm siết chặt "vòi bạch tuộc" của các công ty công nghệ Trung Quốc trên đất Mỹ, đặt ra chướng ngại đối với chính quyền Bắc Kinh trong nỗ lực xâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc đưa các công ty công nghệ như Huawei ra khỏi danh sách đen trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu được chính quyền Bắc Kinh theo đuổi, và dự kiến ​​sẽ nổi lên như một điểm mấu chốt trong tiến trình đàm phán thương mại Trung - Mỹ kỳ này.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đang gia tăng nỗ lực kiểm soát các công ty Trung Quốc trong vài năm trở lại, nhưng vẫn còn những kẽ hở đang bị khai thác.

Mới đây nhất, Công ty cung cấp thiết bị an ninh Aventura Technologies có trụ sở tại New York đã bị cáo buộc nhập hàng Trung Quốc, sau đó gắn mác "Made in USA" để bán ra tại thị trường Mỹ.

Một số công ty Trung Quốc trong danh sách đen cũng tránh né hàng rào hạn chế xuất khẩu của Mỹ bằng cách chuyển hàng hóa nhập từ các nhà cung cấp ở Hoa Kỳ đi qua một nước thứ ba. Trong khi đó, các công ty Mỹ cũng có thể xin được giấy phép xuất khẩu cho các thực thể trong danh sách đen với lý do: nếu không làm vậy sẽ có nguy cơ gây tổn hại đến người tiêu dùng ở Mỹ...

'Danh sách đen' là lợi thế đàm phán của Trump?

Giới quan sát cho rằng, khi cần thiết Washington có thể chuyển từ Danh sách Các Thực Thể (Entity List) sang Danh sách Những Người Bị Cấm Xuất Cảnh (Denied Persons List). Đây có thể là một biện pháp chặt chẽ và toàn diện hơn việc cấm mọi hoạt động xuất khẩu đối với các thực thể liên quan đến người bị cấm xuất cảnh mà không có ngoại lệ.

Chẳng hạn, ZTE bị đưa vào Entity List trong một năm mà không bị tổn hại nào nghiêm trọng, nhưng kể từ khi những người đứng đầu ZTE bị đưa vào Danh sách Những Người Bị Cấm Xuất Cảnh hồi tháng 4/2018, tập đoàn này đã bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Việc doanh thu của Huawei vẫn tăng 24% trong ba quý đầu năm 2019 bất chấp tập đoàn này bị đưa vào Entity List hồi tháng 5 vừa qua, nói lên rằng Washington vẫn chưa dùng đến biện pháp mạnh tay đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Những cam kết mua thêm nông sản Mỹ, tôn trọng sở hữu trí tuệ, hay cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc một cách thiết thực hay không sẽ ảnh hưởng đến các động thái tiếp theo của chính quyền Tổng thống Trump - điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang hồi hộp chờ đợi.

Ảnh đầu bài Steve Jurvetson/Flickr

Yên Sơn (tổng hợp)

Tham khảo NAR

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Trump đưa hơn 200 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen