Tìm thấy bằng chứng: Con người cổ đại đã làm ra quần áo cách đây 120.000 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới đã công bố việc phát hiện ra các công cụ bằng xương trong một hang động ở Ma Rốc. Điều đặc biệt là các công cụ này có niên đại khoảng 120.000 năm và chúng có thể được sử dụng để lấy da và lông để dùng cho việc làm quần áo. Cho đến nay, đây là bằng chứng sớm nhất về việc con người làm ra quần áo.

Các nhà nghiên cứu đã công bố việc phát hiện ra các công cụ bằng xương trong một hang động ở Ma Rốc. Các công cụ này dường như được sử dụng một cách cẩn thận để lấy da và lông từ cơ thể của những động vật đã chết. Da và lông của động vật được lấy theo cách này thường được sử dụng để làm quần áo.

Một phát hiện kiểu như vậy thường không được coi là quá quan trọng. Nhưng những công cụ đặc biệt này đã có tuổi đời xấp xỉ 120.000 năm, điều này đẩy khung thời gian cho các hoạt động sản xuất quần áo trở lại quá khứ xa hơn so với thời gian mà các nhà khoa học từng tin là có thể thực hiện được việc sản xuất quần áo.

Nhà nhân chủng học và trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Emily Hallett giải thích trong một thông cáo báo chí từ nhà xuất bản tạp chí khoa học Cell Press rằng: “Những công cụ xương này có các dấu hiệu định hình và sử dụng cho thấy chúng từng được dùng để nạo và loại bỏ các mô khỏi da trong quá trình xử lý da và lông của động vật”.

“Cùng lúc đó, tôi tìm thấy một mẫu vết cắt trên xương của động vật ăn thịt từ hang động Contrebandiers. Điều này cho thấy rằng con người không chỉ chế biến động vật ăn thịt để lấy thịt mà họ còn lấy da và lông của chúng”.

Những người làm ra da và lông thú cổ đại là người Homo Sapiens thời kỳ đầu (người hiện đại). Những người vào thời điểm này vẫn chưa rời khỏi châu Phi để khám phá phần còn lại của thế giới. Ngay cả trước cuộc di cư vĩ đại ban đầu làm phân tán quần thể của họ trên toàn cầu, những người thời kỳ đầu này đã thể hiện một loạt các hành vi tinh vi đáng ngạc nhiên.

Tiến sĩ Hallett, người cùng với hầu hết các nhà khoa học tham gia vào dự án nghiên cứu này từ Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại ở Đức cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung một phần khác vào danh sách dài các hành vi đặc trưng của con người bắt đầu xuất hiện trong hồ sơ khảo cổ học của châu Phi khoảng 100.000 năm trước”.

Địa điểm hang động Contrebandiers, Ma Rốc. (Nguồn: The Guardian)
Địa điểm hang động Contrebandiers, Ma Rốc. (Nguồn: The Guardian)

Các nhà nghiên cứu không mong đợi tìm thấy các mẫu quần áo thực tế trong quá trình khai quật tại Hang Contrebandiers. Quần áo bằng da và lông thú sẽ quá mỏng để có thể bảo quản trong hơn 100.000 năm.

Nhưng các nghiên cứu về DNA của chấy trên quần áo đã chỉ ra rằng chúng có khả năng tiến hóa từ chấy ở người trong khoảng từ 83.000 đến 170.000 năm trước. Điều này đưa nguồn gốc của họ trở lại thời kỳ khi con người hiện đại vẫn còn sống ở châu Phi, cung cấp thêm bằng chứng rằng con người đã làm quần áo từ rất lâu.

Những câu chuyện từ các công cụ

Khi các nhà nghiên cứu giải thích trong một bài báo trình bày chi tiết những khám phá của họ trên tạp chí iScience, Tiến sĩ Hallett và các đồng nghiệp của bà đã kiểm tra kỹ lưỡng phần còn lại của xương động vật được khai quật trong vài thập kỷ từ Hang động Contrebandiers trên bờ biển Đại Tây Dương của Ma Rốc. Những bộ xương này đã được khai quật trong nhiều lớp có niên đại từ 120.000 đến 90.000 năm trước Công nguyên, và đã được tìm thấy cùng với bộ xương của những người đã sử dụng hang động trong suốt khoảng thời gian đó.

Một số xương động vật (chính xác là 62) rõ ràng đã được chế tạo thành các loại công cụ, và một loại công cụ đặc biệt thu hút sự chú ý của họ. Những vật chắc chắn này được làm từ xương sườn của gia súc, và được làm tròn thành hình cái thìa ở một đầu.

Các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của họ trên tạp chí iScience: “Các công cụ có hình dạng khối rất lý tưởng để nạo và do đó loại bỏ các mô liên kết bên trong khỏi da trong quá trình xử lý da và lông, vì chúng không xuyên qua da hoặc vết rách”.

Bộ xương cáo cũng với bằng chứng về việc nạo da để làm quần áo. (Nguồn: Cell Press)
Bộ xương cáo cùng với bằng chứng về việc nạo da để làm quần áo. (Nguồn: Cell Press)

Một vài mẩu xương mà Tiến sĩ Hallett và các đồng nghiệp của bà xem xét hoàn toàn không được chế tạo thành công cụ. Nhưng chúng có những dấu vết nạo cho thấy da và lông dính liền đã được loại bỏ kỹ lưỡng và cẩn thận. Điều đáng chú ý là những chiếc xương có những dấu hiệu như vậy đến từ những loài có khả năng sở hữu lớp lông dày, bao gồm các phiên bản cổ đại của cáo, mèo rừng và chó rừng.

Tiến sĩ Hallett đã tìm thấy những bộ xương được đánh dấu khác đến từ các loài tương tự như gia súc hiện đại. Nhưng trong những trường hợp này, vết cắt và vết nạo có những đặc điểm khác nhau. Những vết cắt này có thể gây ra do việc lấy thịt khi loại bỏ xương, để chuẩn bị cho việc sử dụng làm thực phẩm.

Một khám phá hấp dẫn khác được tìm thấy tại hang động là răng của một con cá voi, đã được sửa đổi một phần và có khả năng được sử dụng để làm bóng các đồ vật bằng đá. Có cùng niên đại từ 120.000 đến 90.000 năm trước Công nguyên, đây là công cụ cổ nhất được làm từ xương động vật có vú biển từng được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ học ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tiến sĩ Hallett xác nhận rằng không có gì thuộc loại này từ bất kỳ khoảng thời gian nào trước đây từng được tìm thấy ở Bắc Phi.

Giống như con người tiền sử, người Neanderthal cũng đã biết làm ra quần áo

Tiến sĩ Hallett không nghĩ rằng con người hiện đại là loài hominin duy nhất khám phá ra lợi ích của việc may quần áo. Bà tin rằng người Neanderthal ở châu Âu đã làm quần áo từ da và lông thú trước khi con người hiện đại đến khu vực này, rất có thể khoảng 40.000 năm trước.

Có bằng chứng hỗ trợ lý thuyết này. Vào năm 2013, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một loại công cụ làm da đặc biệt được gọi là lissoir trong cuộc khai quật tại hai hang động (Abri Peyrony và Pech-de-l’Azé) ở Tây Nam nước Pháp. Những hang động này từng bị người Neanderthal chiếm giữ chứ không phải con người, và các công cụ được đề cập rõ ràng đã được sản xuất vào khoảng 50.000 năm trước Công nguyên.

Bình luận về những phát hiện mới nhất ở Ma Rốc, Tiến sĩ Matt Pope, một nhà khảo cổ học từ Đại học College London, nói với Guardian rằng những người cổ đại này hẳn là những người thợ làm đồ da thành công.

Ông nói: “Đây là một sự thích nghi vượt ra ngoài việc sử dụng quần áo''. Ông cũng nói thêm: “Nó cho phép chúng ta hình dung ra loại quần áo không thấm nước, ôm sát hơn và dễ dàng di chuyển hơn so với những tấm da sống được nạo đơn giản”.

Cách các công cụ được tạo kiểu và sử dụng để may quần áo. (Nguồn: Cell Press)
Cách các công cụ được tạo kiểu và sử dụng để may quần áo. (Nguồn: Cell Press)

Tiến sĩ Pope lưu ý rằng da được xử lý tốt cũng có thể được sử dụng để làm hộp đựng, chắn gió, mái che và nhiều sản phẩm hữu ích khác. Theo ông, vì người Neanderthal đã sử dụng các công cụ tinh vi tương tự ở châu Âu, họ phải có kỹ năng khá cao trong việc chế tạo các sản phẩm da thuộc nhiều loại khác nhau.

Tiến sĩ Hallett tò mò muốn biết liệu các nhà khảo cổ khác, khi khám phá các hang động có con người ở những nơi khác ở châu Phi có tìm thấy bằng chứng tương tự về các hoạt động may quần áo cổ đại hay không. Bây giờ họ biết bằng chứng như vậy tồn tại, họ sẽ biết những gì cần tìm và sẽ không loại bỏ những phát hiện đẩy dòng thời gian làm quần áo trở lại sâu hơn nữa về thời tiền sử.

Theo Ancient Origins



BÀI CHỌN LỌC

Tìm thấy bằng chứng: Con người cổ đại đã làm ra quần áo cách đây 120.000 năm