Thống kê thiên tai 100 năm qua - phân tích, dự báo và chiến lược đối phó thảm họa kép trong đại dịch COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là một cuộc khủng hoảng toàn cầu phức tạp chưa có tiền lệ cho đến nay. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang dồn hết nguồn lực để ứng phó với sự kiện này. Tuy nhiên con người và các hệ thống trên thế giới sẽ đối phó thế nào nếu xảy ra một thảm họa tự nhiên lớn, như động đất hoặc bão nhiệt đới, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành?

Các giáo sư của Đại học Melbourne đã nghiên cứu, phân tích và đưa ra mô hình đối phó với thảm họa kép này của nhân loại và đã được Phys.org đăng tải.

các thảm họa thiên tai từ 1900 đến 2016.
Hình 1: Thống kê số người thiệt mạng trên toàn cầu hàng năm trong các thảm họa thiên tai từ 1900 đến 2016. (Ảnh: Đại học Melbourne)

Nghiên cứu của các nhà khoa học kết hợp mô hình dịch tễ học đơn giản về COVID-19 với các đường dự báo về thảm họa tự nhiên ở một số quốc gia khác nhau để đưa ra các kịch bản có thể xảy ra.

Điều quan trọng, nó cũng phác thảo một số bước chiến lược mà chính phủ và các cơ quan quản lý thảm họa có thể xem xét để giảm thiểu rủi ro trong đại dịch.

Từ cháy rừng đến đại dịch

Vào tháng Giêng năm nay, khi những vụ cháy rừng tàn khốc đã khiến hàng ngàn người Úc phải sơ tán khỏi nhà, Trung Quốc đã áp đặt biện pháp phong tỏa ở tỉnh Hồ Bắc để giảm thiểu sự bùng phát của một dịch bệnh do virus Corona Vũ Hán gây ra mà ngày nay chúng ta gọi là đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Đến cuối tháng đó, khi các vụ cháy rừng bắt đầu tàn lụi, COVID-19 đã nổi lên như một đại dịch toàn cầu vào cuối tháng 4, gây ra hơn 260.000 cái chết trên toàn thế giới cho đến nay.

Phản ứng của chính phủ và các cơ quan liên quan đến khủng hoảng, cho dù đó là cháy rừng hay đại dịch, được hỗ trợ bởi các kiến thức chuyên môn, dữ liệu, kinh nghiệm và các ý kiến cảnh báo về phơi nhiễm cộng đồng và tính dễ bị tổn thương trước nguy cơ.

Nói chung, những điều này, và sự phục hồi của chúng ta sau mỗi đại dịch hoặc thiên tai, hỗ trợ cho việc xác định khả năng phục hồi của cộng đồng.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi cả 2 khủng hoảng xảy ra đồng thời cùng một lúc? Ứng phó khẩn cấp đối với các thảm họa tự nhiên thường là sơ tán mọi người vào các trung tâm công cộng, nhưng rõ ràng điều này lại gây ra những rủi ro khác trong đại dịch bệnh truyền nhiễm.

Một điều rõ ràng: cách xử lý khủng hoảng COVID-19 hiện nay ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phương án xử lý tình huống của bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào.

Thảm họa kép là gì?

Lịch sử cho thấy dịch bệnh thường xảy ra sau các thảm họa thiên nhiên.

Trận sóng thần Nam Á năm 2004 đã giết chết hơn 250.000 người và hơn 1,7 triệu người phải sơ tán trên 16 quốc gia đã tạo điều kiện lý tưởng cho một đợt bùng phát lây nhiễm đường hô hấp cấp tính ở Aceh, Indonesia, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Vào năm 2010, đợt dịch tả đầu tiên trong hơn một thế kỷ đã xảy ra ở Haiti đã gây ra 8.183 cái chết do được khuếch đại từ thiệt hại cơ sở hạ tầng mà trận động đất trước đó 10 tháng đã gây ra.

Trên thực tế, sau bất kỳ thảm họa khí tượng nào (như là lốc xoáy, lũ lụt, bão táp) hoặc địa vật lý (động đất, núi lửa phun trào) làm cho số lượng lớn người phải di tản, các bệnh dịch như bệnh tiêu chảy, viêm gan, sốt rét hoặc sốt xuất huyết vẫn thường xuất hiện sau đó.

Nhưng vào năm 2020 này, chúng ta đang ở trong vùng lãnh thổ chưa được khám phá.

Đại dịch COVID-19 đang bùng nổ, thiên tai có thể sắp xảy ra, kết hợp với các lỗ hổng kinh tế xã hội đã tăng cao do COVID-19 gây ra là những mối đe dọa không hề nhỏ đối với toàn nhân loại.

Một số quốc gia đã từng trải qua những cuộc khủng hoảng kép này.

Hình 2: Một thảm họa động đất mạnh 5,3 độ richter xảy ra ở Zagreb, thủ đô của Croatia, phá vỡ các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng.
Hình 2: Một thảm họa động đất mạnh 5,3 độ richter xảy ra ở Zagreb, thủ đô của Croatia, phá vỡ các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng. (Ảnh: Đại học Melbourne)

Vào cuối tháng 3, một trận động đất mạnh 5,3 độ richter đã tấn công Zagreb, thủ đô của Croatia, phá vỡ các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng. Mặc dù ảnh hưởng đầy đủ của sự gián đoạn tạm thời này đối với sự lây nhiễm của COVID-19 vẫn chưa được đánh giá chi tiết, nhưng theo phân tích của các nhà khoa học về dữ liệu có sẵn, đã có sự gia tăng rõ rệt về tỷ lệ lây nhiễm trong những ngày sau trận động đất.

Một số thảm họa tự nhiên đồng thời khác đã gây ra thiệt hại và phá vỡ các biện pháp giãn cách xã hội bao gồm Bão nhiệt đới Harold ở Thái Bình Dương, núi lửa Anak Krakatoa phun trào ở Indonesia và lốc xoáy ở Hoa Kỳ; tác động của những thảm họa này vẫn chưa được đánh giá.

Vì vậy, một mặt, theo các báo cáo hoạt động và phương tiện truyền thông ban đầu, thực tế là các biện pháp đối phó COVID-19 có thể cản trở phản ứng khẩn cấp đối với các thảm họa như thế này. Mặt khác, sự gián đoạn đối với sự giãn cách xã hội có thể làm tăng khả năng lây nhiễm của dịch bệnh.

Đây là một sự gấp đôi rắc rối tiềm năng mà các chính phủ có thể phải đối phó trong vài tháng tới hoặc có thể nhiều năm tới. Sự chuẩn bị sẵn sàng để xử lý thích hợp cho bất cứ vấn đề nào là chìa khóa quan trọng của chúng ta.

Để hiểu tác động tiềm tàng của kịch bản xảy ra bởi thảm họa kép thiên tai-dịch bệnh tạo ra, các nhà khoa học đã kết hợp các mô hình dự báo dịch bệnh với các mô hình nguy cơ tự nhiên để đưa ra hai ví dụ sơ bộ.

Dự báo về thảm họa kép thiên tai-dịch bệnh

Nhóm các nhà khoa học đã sử dụng một nền tảng dự báo dịch bệnh công khai để xem xét hiệu quả của các phản ứng COVID-19 có thể ảnh hưởng đến các dự báo về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở Hoa Kỳ, Úc, Bangladesh và Trung Quốc.

xem xét hiệu quả của các phản ứng COVID-19 về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong
Hình 3: Nghiên cứu xem xét hiệu quả của các phản ứng COVID-19 về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở Hoa Kỳ, Úc, Bangladesh và Trung Quốc. (Ảnh: Đại học Melbourne)

Những dự báo này được thực hiện bằng cách giảm thiểu sự khác biệt giữa số ca tử vong được xác nhận và những trường hợp được dự đoán bởi một mô hình dịch bệnh trong một khoảng thời gian nhất định, có tính đến các yếu tố như COVID-19 lây truyền như thế nào (tỷ lệ lây truyền: R₀) và các biện pháp đối phó COVID-19 hiệu quả như thế nào (được định lượng theo tỷ lệ phần trăm).

Dự báo của các nhà khoa học, mặc dù khá đơn giản và chưa đảm bảo chính xác, chủ yếu nhấn mạnh đến sự cần thiết của các biện pháp đối phó COVID-19 hiệu quả bền vững.

Nhìn vào Hình 3, các trường hợp tử vong dự kiến ở Hoa Kỳ (trên bảng A) có thể tăng từ khoảng 92.000 (đường màu xám nét đứt) lên 220.000 (đường màu xám) nếu các biện pháp đối phó nới lỏng giảm 10%.

Để đưa ra bối cảnh này, các nhà khoa học cũng đã xem xét các đường cong thiên tai tự nhiên theo mùa cùng với các đường cong dự báo về COVID-19. Các mối nguy hiểm thiên tai tự nhiên theo mùa như lũ lụt, bão và lốc xoáy nhiệt đới, sóng nhiệt, cháy rừng và lốc xoáy có khả năng làm trầm trọng thêm tác động của COVID-19.

Xác suất tổng thể về các mối nguy hiểm do thiên tai tự nhiên gây ra ở Hoa Kỳ, Bangladesh và Trung Quốc thực sự tăng trong vài tháng tới, trong khi ở Úc, xác suất của chúng giảm dần so với cùng thời gian đó.

Vì vậy, trong mùa hè ở Bắc bán cầu, các quốc gia như Mỹ, Bangladesh và Trung Quốc đặc biệt phải đối mặt với rủi ro gộp của đại dịch và thiên tai.

Phân tích tác động của COVID-19 kết hợp với thời điểm của các mối nguy hiểm tự nhiên

Sử dụng mô hình dịch bệnh đơn giản, các nhà khoa học nghiên cứu kết hợp với thời điểm dự kiến xảy ra thảm họa tự nhiên tiềm ẩn và tác động của nó trên đường cong tỷ lệ lây nhiễm mới hàng ngày.

Chính đường cong này mà các chính phủ đang cố gắng "san phẳng" để giảm bớt ảnh hưởng của COVID-19 lên sức khỏe cộng đồng. Phân tích ban đầu cho thấy những can thiệp này đã ngăn chặn đáng kể sự lan truyền của dịch bệnh cho đến nay.

Hình 4 ,: Đường cong màu xanh minh họa tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào, đường cong màu đỏ là tỷ lệ lây nhiễm với các biện pháp “làm phẳng’’.
Hình 4 ,: Đường cong màu xanh minh họa tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào, đường cong màu đỏ là tỷ lệ lây nhiễm với các biện pháp “làm phẳng’’. (Ảnh: Đại học Melbourne)

Trong Hình 4, đường cong màu xanh minh họa tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày điển hình trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào và đường cong màu đỏ là tỷ lệ lây nhiễm với các biện pháp “làm phẳng’’ toàn lực.

Sau đó, các nhà khoa học đã đưa vào mô hình một sự kiện bên ngoài, chẳng hạn như một thảm họa tự nhiên, và đánh giá tác động của sự kiện đó lên đường cong đã được làm phẳng.

Nhóm các nhà khoa học đã đưa vào mô hình sự kiện này không ở bất cứ đỉnh nào của tỷ lệ lây nhiễm (tức là không ở trước đỉnh ở cột bên trái và sau đỉnh ở bên phải). Chúng tôi cũng giả định thời gian ủ bệnh COVID-19 là 5 ngày và các biện pháp làm phẳng có thể được thực thi lại đầy đủ sau một số ngày nhất định (ở đây chúng tôi đưa ra là 7 và 21 ngày) sau khi có thảm họa xảy ra.

Đường cong tỷ lệ lây nhiễm có kết hợp với một sự kiện bên ngoài được minh họa bằng đường cong màu xám dấu chấm, cho thấy sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm trên đường cong phẳng ở các mức độ khác nhau.

Thí nghiệm này cung cấp 2 cái nhìn sâu sắc quan trọng.

  • Đầu tiên là sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm lớn hơn đối với các sự kiện xảy ra trong thời kỳ tiền cao điểm so với thời kỳ hậu cao điểm.
  • Thứ hai là tỷ lệ lây nhiễm tăng cùng với thời gian áp dụng lại đầy đủ các biện pháp giãn cách xã hội.

Mặc dù hai ví dụ mô hình này có những điểm không chắc chắn, nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh đến tính chất đa chiều của các quyết định phải đưa ra để các biện pháp đối phó COVID-19 có hiệu quả trong khi xảy ra các thảm họa tự nhiên.

Chiến lược COVID-19

Trong trường hợp không có vaccine, các dự báo về lan truyền COVID-19 cho thấy cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ là một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Nhưng có 4 chiến lược tiên quyết mà các chính phủ có thể áp dụng để chống lại các rủi ro kép của COVID-19 và các mối nguy hiểm tự nhiên.

  • Đầu tiên, việc xác định các kịch bản thảm họa thiên tai có thể xảy ra với tình huống xấu nhất trong đại dịch COVID-19 là rất quan trọng; điều này đòi hỏi phải xây dựng các mô hình dự báo mới kết hợp các mô hình dự báo đại dịch hiện có và dự báo nguy cơ tự nhiên.
  • Thứ hai, các phản ứng khẩn cấp đối với các sự kiện thảm họa cực đoan có thể được điều chỉnh trước bằng cách xem xét các mô hình dự báo thời tiết theo mùa. Đã có dự báo về một cơn bão Đại Tây Dương trên trung bình trong năm nay, vì vậy có khả năng một cơn bão lớn có thể đổ bộ vào Bắc Mỹ trong vài tháng tới, cho nên việc lên kế hoạch trước cho sự kiện này là cấp thiết và rất quan trọng trong đại dịch này.
  • Thứ ba, cần thiết kế lại các phản ứng chính sách để giải quyết các mối nguy hiểm tự nhiên khác nhau, tập trung vào sự giãn cách xã hội. Thay đổi chính sách phải được đưa ra áp dụng cho một loạt các hoạt động sau thảm họa, từ phân phối viện trợ khẩn cấp đến cung cấp nơi trú ẩn.
  • Cuối cùng, các cơ quan cứu trợ của chính phủ phục vụ các cộng đồng hoặc khu vực có thu nhập thấp và chính quyền của các khu vực đó cần được đặc biệt quan tâm vì tác động của các hiệu ứng thảm họa kép đối với các khu vực này có thể sẽ cao một cách không tương xứng.

Mặc dù trọng tâm chính của nhiều chính phủ là quản lý cuộc khủng hoảng COVID-19, việc lập kế hoạch cho các thảm họa tự nhiên có khả năng xảy ra đồng thời cũng rất quan trọng để đảm bảo các cộng đồng được chuẩn bị đầy đủ cho những phức tạp có thể phát sinh từ các cuộc khủng hoảng kép.

Ánh Dương

Theo Phys.org

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Thống kê thiên tai 100 năm qua - phân tích, dự báo và chiến lược đối phó thảm họa kép trong đại dịch COVID-19