Thành phố David và bí ẩn về những chiếc răng cá mập hóa thạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã tìm thấy một bộ sưu tập những chiếc răng cá mập hóa thạch tại Thành phố David ở Jerusalem. Một địa điểm 2.900 năm tuổi và điều kỳ lạ là chưa từng có loài cá mập sinh sống ở đó.

Khu vực mà những hóa thạch như thế này có thể được tìm thấy thì cũng phải cách nơi đó ít nhất 80 km. Chưa có bằng chứng thuyết phục về lý do tại sao bộ sưu tập răng cá mập lại được tìm thấy ở Thành phố David. Có thể những chiếc răng 80 triệu năm tuổi là một phần của bộ sưu tập, có niên đại ngay sau khi vua Solomon qua đời. Các nhà nghiên cứu hiện đã khai quật được những điều tương tự chưa được giải thích ở các khu vực khác của Judea cổ đại.

Tại Hội nghị thông tin Goldschmidt 2021, trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Thomas Tuetken (Đại học Mainz, Viện Khoa học Địa chất) cho biết:

"Những hóa thạch này không còn nguyên vẹn như ban đầu, vì vậy chúng đã bị dịch chuyển. Chúng có thể có giá trị đối với nhiều người, chúng tôi không biết tại sao hoặc tại sao những hiện vật tương tự lại được tìm thấy ở nhiều nơi ở Israel".

Những chiếc răng tìm thấy được bao phủ trong vật liệu làm nền móng trước khi chuyển đổi thành một ngôi nhà lớn thời kỳ đồ sắt. Bản thân ngôi nhà nằm ở Thành phố David, một trong những khu vực lâu đời nhất của Jerusalem, ngày nay là khu vực thuộc ngôi làng Silwan của người Palestine. Chúng được tìm thấy cùng với xương cá như là đồ ăn thừa cách đây 2.900 năm. Bên cạnh đó còn có nhiều các loại vật liệu khác như đồ gốm. Điều thú vị là chúng được tìm thấy cùng với hàng trăm những con dấu bằng chì (bullae) - vật liệu được sử dụng để niêm phong các thư và bao hàng bí mật. Điều này cho thấy có một số mối liên hệ với tầng lớp quản trị hoặc quản lý nhà nước. Thông thường, tài liệu khảo cổ học được xác định niên đại tùy theo hoàn cảnh nơi nó được tìm thấy. Vì vậy, ban đầu người ta cho rằng những chiếc răng là cùng thời với những phát hiện khác.

Tiến sĩ Tuetken nói: "Lúc đầu, chúng tôi cho rằng răng cá mập là tàn tích của thức ăn bị vứt bỏ cách đây gần 3.000 năm. Nhưng khi chúng tôi gửi bài báo để xuất bản, một trong những người đánh giá đã chỉ ra rằng một trong những chiếc răng chỉ có thể đến từ những con cá mập thuộc kỷ Phấn trắng muộn, loài cá mập đã bị tuyệt chủng ít nhất 66 triệu năm. Điều đó đưa chúng tôi trở lại các mẫu, nơi chúng tôi đã thực hiện đo chất hữu cơ, thành phần nguyên tố và độ kết tinh của răng, kết quả xác nhận rằng thực sự tất cả răng cá mập đều là hóa thạch. Thành phần đồng vị stronti của chúng cho biết tuổi khoảng 80 triệu năm. Điều này khẳng định rằng tất cả 29 chiếc răng cá mập được tìm thấy ở Thành phố David đều là hóa thạch cuối kỷ Phấn trắng, cùng thời với khủng long. Hơn thế nữa, chúng không chỉ bị phong hóa khỏi lớp nền bên dưới mà có thể đã được chuyển đến từ một nơi xa nào đó. Có thể chúng được chuyển đến từ Negev, cách đó ít nhất 80 km, nơi các hóa thạch tương tự được tìm thấy”.

Hình ảnh minh họa về một con cá mập Squalicorax kỷ Phấn trắng.
Hình ảnh minh họa về một con cá mập Squalicorax kỷ Phấn trắng. Ảnh: Dimitri Bogdanov

Kể từ khi phát hiện đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các hóa thạch răng cá mập khác ở những nơi khác ở Israel, tại các địa điểm Maresha và Miqne. Những chiếc răng này cũng có khả năng đã được khai quật và di chuyển khỏi vị trí ban đầu của chúng. Tiến sĩ Tuetken nói:

"Giả thuyết là những chiếc răng đã được các nhà sưu tập thời cổ đại ghép lại với nhau, nhưng chúng tôi không có bất cứ bằng chứng nào cả. Không có dấu vết nào cho thấy chúng được sử dụng làm công cụ và hay lỗ khoan nào để chỉ ra rằng chúng có thể là đồ trang sức. Ngày nay nhiều nơi lưu trữ răng cá mập, vì vậy có thể thời đó người ta cũng có xu hướng sưu tầm những món đồ như vậy. Đây là thời kỳ giàu có của Tòa án Judean".

Những chiếc răng cá mập đã được xác định có nguồn gốc từ một số loài. Bao gồm cả từ nhóm Squalicorax cuối kỷ Phấn trắng đã tuyệt chủng. Squalicorax, có chiều dài từ 2 đến 5 mét, chỉ sống trong kỷ Phấn trắng muộn (cùng thời kỳ với khủng long cuối). Vì vậy nó đóng vai trò là điểm tham chiếu trong việc xác định niên đại của những hóa thạch này.

Tiến sĩ Brooke Crowley (Đại học Cincinnati) cho biết trong bản nhận xét của mình:

"Nghiên cứu này của Tiến sĩ Tuetken và các đồng nghiệp là một ví dụ tuyệt vời về việc tiếp cận một câu hỏi nghiên cứu với ít giả định nhất có thể là rất quan trọng. Đôi khi chúng ta phải xem xét lại các giả định ban đầu của mình. Nó cũng nêu bật lợi ích của việc áp dụng nhiều công cụ để trả lời một câu hỏi nghiên cứu. Trong trường hợp này, các tác giả đã sử dụng cả đồng vị stronti và oxy, cũng như phân tích nhiễu xạ tia X và nguyên tố vi lượng để xác định tuổi và nguồn gốc của răng hóa thạch. Nhưng những nỗ lực này đã đưa ra một câu chuyện thú vị hơn về những người sống ở vùng này trong quá khứ. Tôi rất hào hứng với công việc này và hy vọng rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể làm sáng tỏ bí ẩn tại sao những chiếc răng hóa thạch này được sưu tầm từ thời văn hóa tiền sử”.

Ngọc Mai

Theo Phys.org



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố David và bí ẩn về những chiếc răng cá mập hóa thạch