Tham vọng bá chủ công nghệ toàn cầu của Trung Quốc đã tan vỡ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nước Phương Tây coi các hãng công nghệ của Trung Quốc như là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” của họ, khiến giấc mơ vươn ra toàn cầu của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang trở nên xa xôi hơn bao giờ hết.

Vốn từ lâu, mục tiêu của các tập đoàn công nghệ khổng lồ tại Trung Quốc (TQ) như Huawei, ZTE, Alibaba, Tencent... hay ByteDance – công ty mẹ quản lý ứng dụng Tik Tok đã luôn tìm cách hướng tới các hoạt động toàn cầu theo định hướng và hỗ trợ bởi chính quyền Bắc Kinh.

Tham vọng bá chủ công nghệ của TQ

Ngày càng có nhiều bằng chứng được tổng hợp và phân tích bởi các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh thực sự nhắm đến vị trí cường quốc toàn cầu và có thể là vị trí số một thế giới trong thế hệ tiếp theo, giáo sư Hal Brands, nhà phân tích của Bloomberg, giáo sư của Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho biết.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng ám chỉ rất nhiều đến tham vọng này trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Ông đã tuyên bố Trung Quốc "đã vươn lên, giàu có và mạnh mẽ" và giờ đây "là nước tiên phong cho những quốc gia đang phát triển khác", đồng thời dùng "sự thông thái và cách tiếp cận của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề của nhân loại". Ông cam kết rằng tới năm 2049, Trung Quốc sẽ "trở thành lãnh đạo toàn cầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế", cũng như sẽ xây dựng một "trật tự quốc tế ổn định" mà ở đó Trung Quốc sẽ phục hưng.

Theo giáo sư Hal Brands, đây là tuyên bố của một lãnh đạo rằng quốc gia của ông không chỉ tham gia vào các vấn đề toàn cầu mà phải thiết lập các quy định cho toàn thế giới.

Dựa trên một phân tích tương tự, Nadege Rolland đồng ý rằng Trung Quốc "khao khát bá chủ một phần", thống trị những khu vực rộng lớn ở phía nam bán cầu. Khi hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu, Bắc Kinh muốn xây dựng một hệ thống mà ở đó các tổ chức quốc tế ủng hộ thay vì phản đối những chế độ quản lý hà khắc. Trong khi đó, nhiều học giả và chiến lược gia Trung Quốc đang bắt đầu chia sẻ cởi mở hơn về mục tiêu xây dựng "một trật tự kinh tế toàn cầu mới với Trung Quốc là trọng tâm".

"Có rất ít dấu hiệu cho thấy chân trời chiến lược của Bắc Kinh chỉ giới hạn ở phía Tây Thái Bình Dương hay thậm chí châu Á. Lời kêu gọi của ông Tập về 'một cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại' hồi năm 2019 cho thấy tham vọng tạo ra tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc", giáo sư Brands nhận định.

Các công ty công nghệ của Trung Quốc đã đổ nhiều tài lực cho việc nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI). Đáng nói là kế hoạch đầu tư cho AI của Bắc Kinh nhằm tạo ra ngành công nghiệp trị giá 150 tỉ USD vào năm 2030 cho thấy tham vọng bá chủ về lĩnh vực này.

Kai-Fu Lee (Lý Khai Phục), cựu nhân viên cao cấp làm việc cho Microsoft cũng như Google và hiện điều hành công ty Sinovation Ventures ở Bắc Kinh, đã nhận định Trung Quốc có nhiều lợi thế về số người, dữ liệu để thực hiện tham vọng của mình.

Thứ nhất, với con số 730 triệu người sử dụng, "dân số trực tuyến" của Trung Quốc đã lớn gấp hai lần so với Mỹ và hơn hẳn nhiều quốc gia khác.

Thứ hai, Trung Quốc sở hữu một nguồn dữ liệu lớn - thứ được xem là "nhựa sống" của các ứng dụng AI. Chính quyền Trung Quốc bắt đầu thu thập thông tin về công dân mình kể từ khi họ được sinh ra.

"Khi xét về dữ liệu của chính phủ, Mỹ không thể địch nổi với những gì Trung Quốc thu thập về công dân của mình" - ông James Lewis, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, bình luận.

Mặc dù luật về bảo vệ quyền riêng tư tại Trung Quốc được đánh giá là yếu kém nhưng có thể thấy nhiều gã khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent hiện nay nắm giữ nhiều thông tin về khách hàng của mình, chẳng hạn họ mua gì, họ đi đâu và họ nhắn tin với ai.

Đồng thời, Giám đốc Trung tâm cải tiến AI của ĐH Bắc Kinh, ông Ming Lei cho biết chính phủ Trung Quốc đang ngày càng đầu tư tiền vào lĩnh vực này theo cách thông minh hơn. "Trước đây chính phủ chỉ chi tiền vào các dự các nghiên cứu hoặc cho các trường đại học lớn. Nhưng giờ họ thích đầu tư nhiều hơn cho một công ty tư nhân bởi nó linh hoạt hơn và có khả năng sản xuất ngay lập tức các sản phẩm cùng dịch vụ", ông nói.

Trong khi tạo đòn bẩy phát triển AI từ khu vực kinh tế tư nhân, Trung Quốc cũng theo đuổi việc nghiên cứu và ứng dụng AI vào ngành công nghiệp quốc phòng cũng như trong các viện nghiên cứu quân sự của nước này.

Trong "Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới" được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, Bắc Kinh nói rõ: "Nhìn vào thế giới, Trung Quốc phải đưa việc phát triển AI lên mức chiến lược quốc gia… giành thế chủ động chiến lược trong giai đoạn mới của cuộc cạnh tranh toàn cầu về AI, tạo ra lợi thế cạnh tranh và bảo vệ an ninh quốc gia một cách hiệu quả".

Trong một nhận định phần nào cho thấy tầm quan trọng của AI đối với Trung Quốc trong tương lai, nhật báo South China Morning Post của Hong Kong nói rằng để cạnh tranh với Mỹ, AI nhất thiết là thứ "phải có" trong bất cứ hồ sơ đầu tư nào của Trung Quốc.

Với tham vọng như vậy, nhưng liệu Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ và trở thành "bá chủ toàn cầu" trong lĩnh vực AI và công nghệ hay không?

Tham vọng đổ vỡ?

Những "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc như Huawei, Hikvision, ZTE và Sense Time hiện đã bị cấm tiếp cận với công nghệ của Mỹ, danh sách đen này tiếp tục được mở rộng với cái tên mới được đưa vào là trường đại học 100 năm tuổi – Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT).

Trước đó, hồi tháng 5, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (HEU) cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Hiện tại, cả HEU và HIT đều không thể nhập khẩu thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ mà không có sự chấp thuận của Washington. Một sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật y sinh chia sẻ với Nikkei rằng phòng thí nghiệm của anh phụ thuộc nhiều vào chipset cao cấp của Mỹ để xử lý hình ảnh về y tế và công cụ này rất khó để thay thế.

Trong khi đó, các trường đại học này của Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy quốc gia này tiến đến vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ. Cùng với việc hỗ trợ nâng cao khả năng của các nhà khoa học, kỹ sư và lập trình viên cho các công ty trong nước, họ cũng trực tiếp cung cấp công nghệ hiện đại.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một thông báo rằng hai trường đại học trên của Trung Quốc và 22 thực thể khác bị trừng phạt vì "tham gia các hoạt động trái với lợi ích an ninh hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ".

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cấm bán công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc đồng thời vận động các đồng minh phương Tây cùng ngăn chặn "gã khổng lồ viễn thông" Huawei xây dựng hạ tầng mạng 5G gây nghi ngại về bảo mật thông tin.

Tik Tok đã tạo nên một tiếng vang mới về công nghệ khi thu hút hàng triệu khán giả tuổi teen với các video giải trí đơn giản. Nhưng quyết định rời thị trường Hongkong và gặp phải lệnh cấm tại thị trường Ấn Độ là một minh họa tiêu biểu cho sự thay đổi sâu sắc hơn trong tương lai của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Lệnh cấm Tik Tok tại thị trường Ấn Độ là một minh họa tiêu biểu cho sự thay đổi sâu sắc của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc
Lệnh cấm Tik Tok tại thị trường Ấn Độ là một minh họa tiêu biểu cho sự thay đổi sâu sắc của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc (Ảnh: Singvanz)

Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu ở Hồng Kông. Trong bối cảnh đó, TikTok rời đặc khu này với hy vọng sẽ tránh được những câu hỏi khó xử, đặc biệt liên quan tới vấn đề lưu trữ dữ liệu của người dùng, cũng như cách mà ứng dụng này cung cấp dữ liệu của người dùng cho chính quyền Trung Quốc.

Việc rời thị trường Hongkong dường như là bước đi cuối cùng trong những nỗ lực tuyệt vọng của ByteDance nhằm cân bằng giữa chính trị và kinh doanh. Trước đó, ByteDance đã cố gắng độc lập TikTok với các ứng dụng sử dụng trong thị trường nội địa như Douyin - ứng dụng cung cấp các video ngắn, tương tự như TikTok dành riêng cho người dùng tại đại lục.

Những động thái như vậy đã không thuyết phục được Ấn Độ, vốn đã cấm ứng dụng Tik Tok vào tháng 6 vừa qua vì lý do an ninh quốc gia sau các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc. Và Mỹ cũng không đứng ngoài làn sóng quay lưng với ứng dụng này khi vào ngày 6/7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố, Washington đang xem xét cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó các ứng dụng video thịnh hành Tik Tok.

Những cáo buộc như vậy cho thấy thực tế rằng việc các công ty công nghệ Trung Quốc có thể dễ dàng bị nghi ngờ như thế nào, đặc biệt là những công ty nắm trong tay dữ liệu trên hàng triệu người dùng. Nói cách khác, nếu TikTok có thể được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, thì gần như mọi doanh nghiệp kỹ thuật số lớn nào khác của Trung Quốc đều có thể rơi vào những cáo buộc tương tự.

Ở một khía cạnh khác, người hưởng lợi chính từ những rắc rối của TikTok sẽ là các nhóm công nghệ khác của Mỹ mà đặc biệt là Facebook. Sự nổi tiếng nhanh chóng của TikTok khiến ứng dụng này trở thành đối thủ đáng gờm của các bộ phận trong đế chế kinh doanh của Mark Zuckerberg.

Các công ty công nghệ của Mỹ như Facebook đang phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ sau hậu quả của COVID-19, khi giá cổ phiếu của hãng này tăng mạnh, bất chấp suy thoái. Thậm chí, nhiều hãng vẫn đưa ra các kế hoạch phát triển ở nước ngoài. Chẳng hạn như Google, vào ngày 14/7 vừa qua đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào Ấn Độ, từ bây giờ cho đến năm 2027.

Điều đó cũng có nghĩa là các công ty công nghệ của Mỹ sẽ ngày càng lớn mạnh hơn. Chính những áp lực này khiến các đại gia công nghệ của TQ phải đối mặt với một sự lựa chọn. Hoặc là thu hẹp lại tham vọng toàn cầu của họ ở nhiều nền kinh tế tiên tiến. Hoặc nếu họ muốn hoạt động ở những thị trường vốn có “ác cảm” với Trung Quốc, thì họ phải phát triển một cấu trúc kinh doanh triệt để minh bạch, để có thể chứng minh với giới chức các quốc gia, rằng các dịch vụ của họ thực sự hoạt động động lập và không chịu sự giám sát của Bắc Kinh.

Ánh Dương

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tham vọng bá chủ công nghệ toàn cầu của Trung Quốc đã tan vỡ?