Tế bào thần kinh trong 'lưỡi' của muỗi phát sáng như pháo hoa khi nếm máu người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Muỗi cảm thấy máu người có vị gì? Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng hương vị thơm ngon của máu người khiến các tế bào thần kinh cảm giác trong chiếc "lưỡi" hình kim tiêm của muỗi sáng bừng lên như pháo hoa.

Theo Live Science, chỉ có muỗi cái mới hút máu để nuôi dưỡng trứng đang phát triển. Nếu không hút máu, muỗi sẽ hút mật hoa. Để hiểu rõ hơn về khả năng hút máu người của muỗi, các nhà khoa học đã biến đổi gen muỗi Aedes aegypti để khiến các tế bào thần kinh liên quan đến vị giác của loài này phát ra ánh sáng huỳnh quang khi được kích hoạt. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi huỳnh quang để phát hiện ra phản ứng của các tế bào thần kinh khi muỗi hút máu người và các thức ăn lỏng khác.

Các nhà sinh vật học nghiên cứu về muỗi thường để muỗi hút máu trên chính da của họ. Tuy nhiên trong nghiên cứu mới này, họ đã chuyển sang sử dụng một thiết bị gọi là biteOscope (Tạm dịch: Kính soi vết cắn). Được thiết kế bởi một nhóm nghiên cứu khác, biteOscope có một lớp màng trên các túi chứa chất lỏng. Nó cho phép muỗi hút máu trong một môi trường bắt chước vật chủ có da bọc, đồng thời cho phép các nhà khoa học quan sát hành vi kiếm ăn của muỗi và thu thập dữ liệu mà không cần phải hy sinh da của họ, những người tạo ra biteOscope đã viết trên tạp chí eLife ngày 22 tháng 9.

Các nhà nghiên cứu về muỗi đã quan sát hoạt động của tế bào thần kinh ở muỗi khi chúng tiếp cận mật hoa, máu và hỗn hợp "máu" nhân tạo làm từ glucose, natri clorua và natri bicarbonate, với nồng độ "trong phạm vi giá trị máu tiêu chuẩn đối với các loài động vật có xương sống". Ngoài ra, máu nhân tạo cũng bao gồm adenosine triphosphate (ATP), một hợp chất trong máu có chức năng vận chuyển năng lượng đến các tế bào mà các nghiên cứu trước đây cho thấy có sức hấp dẫn đối với muỗi.

Tác giả chính của nghiên cứu, Veronica Jové, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Rockefeller ở Thành phố New York, cho biết: “Để hiểu được các đặc tính của tế bào thần kinh nhạy cảm với máu, chúng tôi cần một hỗn hợp ổn định với thành phần đã biết mà có thể được sử dụng để kích hoạt các tế bào thần kinh một cách đáng tin cậy”.

Một thiết bị gọi là BiteOscope cho phép các nhà khoa học quan sát và ghi lại hành vi kiếm ăn của muỗi. (Ảnh: Prakash Lab)
Một thiết bị gọi là BiteOscope cho phép các nhà khoa học quan sát và ghi lại hành vi kiếm ăn của muỗi. (Ảnh: Prakash Lab)

Hợp chất bí ẩn

Theo nghiên cứu, khi một tập hợp con các tế bào thần kinh của muỗi - khoảng một nửa trong số 40 tế bào thần kinh được tìm thấy trong cơ thể của một con muỗi cái - tiếp xúc với máu thật và hỗn hợp máu tạo ra trong phòng thí nghiệm thì chúng bừng sáng lên. Nhưng những tế bào thần kinh này không hề kích hoạt chút nào khi tiếp xúc mật hoa.

Vậy chính xác máu thì của chúng ta có thể có mùi vị như thế nào đối với một con muỗi - ngọt, vì máu có chứa glucose hay là mặn, vì máu có natri clorua?.

Đồng tác giả nghiên cứu Leslie Vosshall, một giáo sư và nghiên cứu viên của HHMI tại Đại học Rockefeller, cho biết: “Không có vị gì giống như trong trải nghiệm của con người”. Đó là bởi vì một trong những thành phần quan trọng khiến muỗi hút máu là ATP, vốn không có "mùi vị" trên lưỡi người.

Cô nói trong một tuyên bố: "Nó không có hương vị gì cả. ATP là thứ bí ẩn đặc biệt không có vị gì đối với con người. Nhưng nó phải cực kỳ thú vị và bổ ích đối với loài muỗi”.

Muỗi cái tìm kiếm máu để nuôi dưỡng trứng phát triển của chúng. (Ảnh: Wikipedia)
Muỗi cái tìm kiếm máu để nuôi dưỡng trứng phát triển của chúng. (Ảnh: Wikipedia)

Jové cho biết con người trải qua năm vị cơ bản : ngọt, chua, umami, đắng và mặn. Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể nói chắc chắn chính xác mùi vị nào gây kích thích cho muỗi, nhưng chúng ta có thể là vị mặn vì natri clorua có trong máu người và được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xác định điều gì khiến máu người trở nên ngon miệng đối với muỗi có thể là bước đầu tiên để sản xuất ra chất khiến chúng ta kém ngon miệng với muỗi và do đó có thể giảm nguy cơ bị muỗi đốt. Việc xác định những yếu tố này cũng có thể làm sáng tỏ các bệnh như sốt xuất huyết và Zika, những bệnh mà muỗi lây lan khi hút máu những người bị nhiễm bệnh.

Bà nói: “Hiểu biết về cách muỗi nếm máu để bắt đầu hành vi hút máu là cơ bản để hiểu cách vật trung gian truyền bệnh trên toàn cầu”.

Nghiên cứu được công bố ngày 12 tháng 10 trên tạp chí Neuron.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Tế bào thần kinh trong 'lưỡi' của muỗi phát sáng như pháo hoa khi nếm máu người