Sự thật đằng sau những chiến dịch tuyên truyền Twitter của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều tài khoản Twitter đang cường điệu hóa các phát ngôn của Bắc Kinh khi đất nước này đang cố gắng “định hình” lại các thông tin về virus Corona Vũ Hán trên toàn thế giới và nhiều loại thông tin khác.

Trong khi chính quyền Trump đả kích Trung Quốc với một loạt phát biểu, thì những nhà ngoại giao và đại diện của Bắc Kinh lại sử dụng kênh phát ngôn trực tuyến yêu thích nhất của Tổng thống Trump - Twitter - để đáp trả lại phía Mỹ.

Đằng sau những thông điệp đáp trả của Bắc Kinh là những bài ca tuyên truyền của những tài khoản “vẫn còn khá lạ lẫm” với nền tảng Twitter. Đa phần các tài khoản này không làm gì khác ngoài việc chia sẻ (repost/retweet) các bài đăng của truyền thông Bắc Kinh và đi kèm theo đó là những lời tung hô.

Có thể chắc chắn rằng các tài khoản này được sử dụng bởi những người Trung Quốc “am hiểu công nghệ”, những người có thể vượt qua kiểm duyệt Internet, khi mà quốc gia này đã cấm Twitter và các nền tảng trực tuyến khác đến từ phương Tây. Nhưng theo một phân tích bởi The New York Times, rất nhiều những tài khoản hành xử như thể họ đều có chung một tư tưởng. Điều này có thể là kết quả của sự phối hợp giống như kênh truyền thông quốc gia đã thực hiện trên Twitter trong quá khứ.

The New York Times phát hiện ra rằng trong khoảng 4.600 tài khoản chuyên chia sẻ lại lời của các phát ngôn viên và truyền thông nhà nước Trung Quốc, rất nhiều trong số đó đã có những hành động đáng ngờ. 1/6 đã chia sẻ lại với tần suất cực lớn dù có ít lượt người theo dõi (follower), như những người này sử dụng Twitter như chiếc loa phóng thanh tuyên truyền chứ không phải nền tảng chia sẻ.

Gần 1/7 trong số này gần như không đăng lên bất cứ thứ gì về cá nhân họ, thay vào đó trang của họ tràn ngập những bài đăng từ các tài khoản chính thức của truyền thống Trung Quốc và những thứ tương tự.

Cuối cùng là 1/3 tổng số tài khoản mới được lập trong vòng 3 tháng nay, khi những cuộc khẩu chiến với chính quyền Trump và Trung Quốc bắt đầu, và 1/7 là không có bất kì một lượt theo dõi nào.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang liên tục cáo buộc lẫn nhau. Trung Quốc đã bị chỉ trích do không có những biện pháp kịp thời trong thời kỳ đầu, nhưng đã lấy lại được vị thế khi các quốc gia khác cũng phạm sai lầm trong việc phòng chống dịch bệnh. Với sự hỗn loạn diễn ra ở Hoa Kỳ, bắt đầu với dịch bệnh và giờ là biểu tình, Bắc Kinh hiểu rằng đây là một cơ hội để khẳng định họ là một nhà lãnh đạo toàn cầu, và không ngần ngại gia tăng áp lực lên Hồng Kông.

Trung Quốc đã bị chỉ trích do không có những biện pháp kịp thời trong thời kỳ đầu, nhưng đã lấy lại được vị thế khi các quốc gia khác cũng phạm sai lầm trong việc phòng chống dịch bệnh.
Trung Quốc đã bị chỉ trích do không có những biện pháp kịp thời trong thời kỳ đầu, nhưng đã lấy lại được vị thế khi các quốc gia khác cũng phạm sai lầm trong việc phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: Getty Images)

Có thể khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc đang đứng đằng sau hàng loạt các tài khoản Twitter nhằm truyền bá những tuyên truyền của họ. Theo các chuyên gia bảo mật, những cuộc vận động ‘thông tin trực tuyến’ đang trở nên ngày càng tinh vi hơn khi kĩ năng che giấu và ngụy trang các hành động của những người này trở nên thành thục hơn trước. Giờ họ hiếm khi mắc phải những sai lầm sơ đẳng, ví dụ như sử dụng các tài khoản mạng xã hội được lập ra trong cùng một ngày, theo dõi lẫn nhau và đăng cùng một nội dung.

Các cuộc vận động này thường được phát hiện ra trong những khoảng thời gian ngắn tại một thời điểm. Chỉ cần phân tích 6 tài khoản, Twitter đã tuyến bố rằng những hoạt động này được chính quyền nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động có sức ảnh hưởng nhất định được che đậy bởi Trung Quốc vẫn chưa được xác định. Vào cuối năm ngoái, Twitter đã vô hiệu hóa hơn 200.000 tài khoản được cho là được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn nhằm bôi nhọ những người biểu tình ở Hồng Kông, dù họ không nói rõ ràng rằng vì sao họ có thể đưa đến kết luận đấy.

Liệu Twitter tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc?

Gần đây, The New York Times đã tìm ra những bằng chứng cho thấy Twitter đang bị thao túng nhằm tuyên truyền những thông điệp ủng hộ Bắc Kinh. Next Dim, một công ty chuyên về dữ liệu ở Israel, đã phát hiện 2 bài đăng trên Twitter ca ngợi các động thái phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc một cách lộ liễu. 2 bài này đã được yêu thích (like) và chia sẻ lại hàng trăm nghìn lần trong tháng 3, và rất có thể là với sự trợ giúp “chiến lược” của những tài khoản có sức ảnh hưởng lớn.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tìm ra những tài khoản có thể chưa được xác thực. Vào tháng 4, những tài khoản này đã trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Cambridge, làm gia tăng những nghi ngờ về việc virus Corona Vũ Hãn có bắt nguồn từ Trung Quốc hay không.

Những bằng chứng mới được tìm ra của Next Dim và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa từng được báo cáo trước đây.

Twitter viết trong một tuyên bố: “Cải thiện tính minh bạch của những cuộc trò chuyện công khai là ưu tiên hàng đầu của công ty chúng tôi. Việc cố gắng kiểm soát nền tảng, bao gồm spam và những cố gắng nhằm phá hoại các cuộc trò chuyện công khai, là vi phạm các Quy tắc của Twitter”.

Bộ Ngoại giao đã tố cáo những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh bóng hình ảnh và nhấn chìm những lời chỉ trích trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, và so sánh với các chiến dịch bóp méo thông tin của Nga. Theo Lea Gabrielle, điều phối viên của Trung tâm Hội nhập Toàn cầu, cả hai quốc gia đang sử dụng một loạt những công cụ để “định hình và định hướng bất kỳ thông tin nào có lợi cho họ”.

Bà Kristine Lee, một nhân viên tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, cho biết: “Tôi nghĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đang cố gắng khẳng định mối quan hệ của họ với Twitter. Và đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã được dùng như một giai đoạn thử nghiệm quan trọng”.

Tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đặt ra câu hỏi cho Twitter về việc họ giải quyết “những bình luận mang tính khiêu khích hoặc gây hiểu lầm” từ những nhà lãnh đạo thế giới như thế nào. Ông Trump đã cáo buộc công ty này vì đã kiểm duyệt nội dung bài viết của ông và những thành viên Đảng Cộng hòa khác, trong khi đó lại bỏ qua những bài viết đáng ngờ của các thành viên Đảng Dân chủ và chính phủ Trung Quốc.

Bộ máy tuyên truyền tinh vi của Bắc Kinh trên Twitter

“Đội ngũ Twitter của Bắc Kinh” gồm có bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), giám đốc bộ phận thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Từ khi sử dụng Twitter vào tháng 10 năm ngoái, Bà Hoa đã thu hút hơn 500.000 lượt theo dõi bằng những phát ngôn mang tính khiêu khích và kích động đối với Hoa Kỳ.

Vào năm ngoái, trên một tạp chí truyền thông nhà nước, bà Hoa cho biết Trung Quốc cần có được tiếng nói trên trường quốc tế để tương xứng với sức mạnh kinh tế hiện tại: “Chúng tôi đã đi sát gần đến trung tâm của thế giới hơn bao giờ hết, nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự có được tiếng nói của riêng mình”. Bà cho biết một trong những lý do đó là: “Chúng tôi thiếu tinh thần chiến đấu”.

Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao, đã trở nên cực kì nổi tiếng sau khi phát ngôn trên Twitter rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus Corona Vũ Hán đến Trung Quốc. Twitter sau đó đã thêm nhãn “đã kiểm tra thực tế” lên bài đăng này.

The New York Times đã phân tích tất cả các bài đăng từ ngày 18/5 đến ngày 25/5 của bà Hoa, ông Triệu và 12 người dùng Twitter khác có liên hệ với chính phủ Trung Quốc .

Những người dùng khác này bao gồm tài khoản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tài khoản của Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ và Anh, và 9 tài khoản của các công ty truyền thông nhà nước.

Trong tuần đó (từ ngày 18/5 đến ngày 25/5), Bắc Kinh đã thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông. Ông Trump đe dọa sẽ cắt bỏ tài trợ đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các cơ quan của Hoa Kỳ đã chúc mừng Tổng thống Đài Loan tái đắc cử. Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, đã bày tỏ sự phẫn nộ.

Bà Hoa bày tỏ suy nghĩ về việc virus Corona Vũ Hán có thực sự bắt nguồn từ Hoa Kỳ hay không: “Những nhà khoa học của Viện Sức khỏe Quốc gia (Hoa Kỳ) đã bắt đầu nghiên cứu phát triển vaccine chống virus vào ngày 11/1. Đã có báo cáo những trường hợp lây nhiễm từ những ngày đầu tháng 11 năm ngoái. Có lời giải thích hay khảo sát nào không?”. Bài này này đã nhận được khoảng 4.600 lượt yêu thích.

Các phân tích của The New York Times cho thấy có hàng trăm tài khoản trong số 4.600 tài khoản đã chia sẻ những phát ngôn của chính phủ Trung Quốc, và chúng đều có những hành động đáng ngờ. Rất nhiều trong số đó đã liên tục chia sẻ mặc dù có rất ít người theo dõi. Sau khi loại bỏ những tài khoản “không có lượt theo dõi và đã đăng ít hơn 5 bài”, có hơn 1/6 số lượng tài khoản đã đăng hơn 100 lần hoặc nhiều hơn cho mỗi lượt theo dõi.

Một số tài khoản đã đăng lại bài lặp đi lặp lại sau một khoảng thời gian nhất định - sau 9 giờ 49 phút, hoặc sau 19 giờ 34 phút - cho thấy phần mềm đã được sử dụng để tự động lên lịch đăng lại bài. Twitter đã vô hiệu hóa một số tài khoản vi phạm các chính sách của họ.

Khi được The New York Times liên hệ, rất nhiều người dùng Twitter ủng hộ Trung Quốc đã phủ nhận việc nằm trong các cuộc vận động của chính phủ nhưng thừa nhận rằng họ đã tham gia sử dụng nền tảng này để theo dõi tài khoản của những đại diện của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời khi có yêu cầu bình luận.

Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao, đã trở nên cực kì nổi tiếng sau khi phát ngôn trên Twitter rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus Corona Vũ Hán đến Trung Quốc.
Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao, đã trở nên cực kì nổi tiếng sau khi phát ngôn trên Twitter rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus Corona Vũ Hán đến Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Những người khác trả lời rằng họ tò mò về những bài đăng của ông Trump về Trung Quốc hoặc cảm thấy khó chịu về những bài đó.

Một người sử dụng với nickname @beautifullady76 đã đăng trên Twitter rằng: “Ông ta (Tổng thống Trump) đã làm rất nhiều việc đáng xấu hổ để nhằm tái đắc cử. Vô số người dân Trung Quốc đã phẫn nộ và tất cả mọi người đều có quyền được biết sự thật. Chúng tôi chỉ muốn nói lời công bằng cho Trung Quốc”.

Những phân tích và hồ sơ công khai cho thấy rằng Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của họ đến các nền tảng truyền thông phương Tây. Theo những tài liệu được chính phủ hỗ trợ biên soạn, cơ quan quản lý Internet tại Trung Quốc đã tìm những nhà đầu tư để giúp họ “sử dụng hiệu quả những nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài để đẩy mạnh tuyên truyền về những chủ đề chính”.

Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động này không xuất hiện trong những tài liệu được ban hành chính thức. Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc đã không hồi đáp lại yêu cầu bình luận.

Cô Camille François, nhân viên của Graphika, một công ty chuyên phân tích mạng lưới hệ thống, cho biết: “Không có lý do gì để cho rằng những bộ phận chịu trách nghiệm cho những vận hành quản lý thông tin của chính quyền Trung Quốc, không thể thực thi các hoạt động công nghệ tinh vi. Họ chỉ là chưa bị phát hiện và bị điều tra phân tích kỹ càng mà thôi”.

Phát hiện thêm các bằng chứng đáng ngờ

Các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tìm kiếm thêm các bằng chứng. ProPublica đã theo dõi khoảng 10.000 các tài khoản đáng ngờ đã đăng tải các bài viết về virus Corona Vũ Hán và biểu tình ở Hồng Kông. Alkemy, một công ty tiếp thị kỹ thuật số tại Ý, đã tìm ra những tài khoản nặc danh chuyên đăng những bài viết “ca ngợi” hành động trợ giúp y tế của Trung Quốc cho Ý.

Vào tháng 3, 2 bài đăng ca ngợi việc xử lý dịch bệnh của Trung Quốc đã được yêu thích và chia sẻ hàng trăm nghìn lần. Nội dung bài đăng không hề có tính gây sốc, hài hước hay đang tin cậy, và bắt nguồn từ những tài khoản có số lượng theo dõi khá khiêm tốn.

Điều đó đã thu hút sự chú ý của Next Dim, một công ty Israel chuyên phân tích mạng lưới hệ thống nhằm phát hiện và ngăn chặn tội phạm tài chính.

Ông Netta Marrom, giám đốc điều hành của Next Dim, cho biết: “Khi đang phân tích Twitter, hệ thống của chúng tôi tự động phát hiện ra một sự bất thường cực lớn”.

Vào ngày 12/3, người dùng có nickname @manisha_kataki đăng tải một video với nội dung các nhân viên đang khử trùng trên các đường phố ở Trung Quốc. Lời chú thích ghi rằng: “Với tốc độ như thế này, Trung Quốc sẽ sớm hoạt động trở lại, có thể sớm hơn nhiều so với dự đoán của thế giới”.

Vào ngày hôm sau, 13/3, một tài khoản khác tên @Ejiketion chia sẻ lại bài viết trên, và bày tỏ sự ngạc nhiên về cách mà Trung Quốc đã phong tỏa thành phố và xây dựng nhưng bệnh viện dã chiến. Ở phương Tây, trái lại, tài khoản này viết: “Chúng ta vẫn đang phải rửa tay haha”. Tài khoản này hiện nay đã bị xóa.

Cả 2 bài đăng cùng nhau đã nhận được hơn 382.000 lượt chia sẻ và 1,1 triệu lượt yêu thích, và hầu hết đều nhận được trong vòng 2 ngày đầu tiên. Có thể nói hai bài đăng này phổ biến tương đương với bài của Elon Musk, cũng vào tháng 3 vừa qua, trong đó giám đốc của Tesla gọi sự hoảng loạn trong đại dịch virus Corona Vũ Hán vừa qua là “ngớ ngẩn”.

2 bài đăng khác cũng chia sẻ lại bài của @manisha_kataki nhưng dịch bài của @Ejiketion sang tiếng Tây Ban Nha và Pháp, và nhận được tổng cộng khoảng 67.000 lượt chia sẻ và 181.000 lượt yêu thích.

Next Dim đã xác định có khoảng 20 tài khoản Twitter, và hàng ngàn người theo dõi các tài khoản trên đã chia sẻ các bài viết của @manisha_kataki và @Ejiketion. Một số trong 20 tài khoản đó có lượng người theo dõi khổng lồ nhưng rất hiếm khi đăng những nội dung về Trung Quốc.

Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong kỳ họp Lưỡng hội thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào tháng trước.
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong kỳ họp Lưỡng hội thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào tháng trước. (Ảnh: Getty Images)

Các phân tích sau đó của Next Dim cho thấy những dấu hiệu về sự sắp đặt trong mức độ phổ biến của hai bài đăng này. Trong số những người đầu tiên chia sẻ lại bài viết của @manisha_kataki, hầu như không có một ai theo dõi tài khoản này, nghĩa là họ gần như không hề nhìn thấy các bài viết của @manisha_kataki. Có hàng nghìn tài khoản đã chia sẻ lại cả hai bài viết, thậm chí @Ejiketion đã chia sẻ chính bài của @manisha_kataki.

Cả hai tài khoản @manisha_kataki và @Ejiketion đều không trả lời lại khi có yêu cầu bình luận.

Quang Minh

Theo The New York Times



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật đằng sau những chiến dịch tuyên truyền Twitter của Trung Quốc