Sự tăng giảm dân số đảo Phục Sinh là bài học cho tương lai nhân loại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có nhiều huyền thoại, truyền thuyết và truyện kể về đảo Phục Sinh - còn gọi là Rapa Nui, đặc biệt là về những bức tượng khổng lồ bí ẩn, gọi là moai, được tạc từ những năm 1250 đến 1500. Chuyến thám hiểm Kon-Tiki của nhà thám hiểm Na Uy Thor Heyerdahl vào năm 1947 khiến công chúng chú ý nhiều đến đảo Phục Sinh.

Đảo Phục Sinh là một trong những hòn đảo có người sinh sống xa xôi nhất trên thế giới. Dân số trên đảo Phục Sinh đã từng suy giảm nhiều lần, nhưng không phải do sự xuất hiện của người châu Âu. Thực tế là trong nhiều thế kỷ, cuộc sống của người dân nơi đây đã không hòa hợp với thiên nhiên.

Một nhóm nghiên cứu liên ngành, đa quốc gia gồm 11 nhà khoa học đến từ Chile, Tây Ban Nha và Na Uy đã phản bác lại một số câu chuyện liên quan đến đảo Phục Sinh và dân số trên hòn đảo. Không ai biết chính xác con người định cư nơi đây từ khi nào, nhưng một số nhà sử học tin rằng một nhóm nhỏ người Polynesia đã đến đây vào khoảng năm 800 - 900 sau Công nguyên. Ngược lại, những người khác tin rằng con người đã cư trú trên đảo từ khoảng năm 1200 sau Công nguyên.

Kể từ đó, những người định cư trên đảo đã trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng. Nghiên cứu mới cho thấy các cuộc khủng hoảng có liên quan đến tác động lâu dài của biến đổi khí hậu đối với năng lực sản xuất lương thực trên đảo.

Lịch sử gây tranh cãi về sự suy giảm dân số trên đảo Phục Sinh

Các nghiên cứu về thực vật cổ sinh chỉ ra rằng khi những người đầu tiên đến hòn đảo, nơi đây được bao phủ bởi những cánh rừng, với nhiều loại cây cối, cây bụi, dương xỉ và cỏ. Tuy nhiên, việc khai khẩn đất đai để trồng trọt và sự xuất hiện của loài chuột Polynesian đã dẫn đến việc rừng dần dần bị tàn phá. Vậy nên đến ngày nay, phần lớn đảo Phục Sinh chỉ còn là các đồng cỏ. Giáo sư Mauricio Lima, ở Đại học Católica de Chile, Santiago, giải thích:

“Lịch sử dân cư trong chiều dài lịch sử của Rapa Nui còn khá nhiều tranh cãi. Có hai giả thuyết lớn về sự phát triển của quần thể nơi đây. Một là giả thuyết huỷ diệt sinh thái, cho rằng dân số từng bị suy giảm mạnh do người dân khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên trên đảo. Giả thuyết khác nói rằng sự sụt giảm xảy ra sau khi người châu Âu đến đảo. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cả hai giả thuyết trên đều không đúng ”.

Báo cáo khoa học trình bày những phát hiện mới của nhóm đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society, đã thu hút rất nhiều chú ý. Giáo sư Nils Chr. Stenseth từ Đại học Oslo, Na Uy, cho biết: “Còn một huyền thoại kể rằng dân cư trên đảo Rapa Nui sống hài hoà với tự nhiên trong nhiều thế kỷ. Điều đó cũng không đúng ”.

Ba cuộc khủng hoảng xã hội trên đảo Phục Sinh

Một nghiên cứu chi tiết hơn cho thấy người dân trên đảo Phục Sinh đã phải chịu ít nhất ba cuộc khủng hoảng xã hội trong nhiều thế kỷ sau khi bị thuộc địa hóa. Cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra vào năm 1450-1550, trong Kỷ tiểu băng hà. Lần suy giảm dân số khác ít hơn xảy ra giữa sự xuất hiện chưa rõ lý do của những người châu Âu đầu tiên vào năm 1772 và 1774. Còn một cuộc khủng hoảng nữa diễn ra trong suốt thế kỷ 19, do bệnh dịch và buôn bán nô lệ. Do đó, cuộc sống trên đảo không phải luôn hài hòa và dân số nơi đây cũng không giảm sút mạnh trong một lần.

Mauricio Lima và Nils Chr. Stenseth muốn xem xét kỹ hơn sự tăng và giảm dân số trên đảo, vì họ ngờ rằng hẳn phải có bài học kinh nghiệm nào đó. Và họ đã đúng. Đầu tiên, họ thu thập rất nhiều dữ liệu có sẵn từ các nghiên cứu trước đó tại các địa điểm khảo cổ, những biến đổi của khí hậu Thái Bình Dương, sự thay đổi quy mô dân số qua nhiều thế kỷ, thay đổi trong cách trồng rừng và canh tác nông nghiệp trên đảo, v.v. Sau đó, họ tích hợp tất cả dữ liệu vào một mô hình khoa học dựa trên lý thuyết sinh thái dân số cổ điển. Giáo sư Stenseth nói:

“Chúng tôi đã sử dụng mô hình này vài lần trước đây, để xác định lý do đằng sau những thay đổi trong quần thể của các loài động vật khác như các loài gặm nhấm nhỏ hoặc các loài cá. Đây là quần thể dân cư ít trên một hòn đảo nhỏ với tài nguyên hạn chế. Mô hình này xem ra có thể mang lại những kết quả thú vị. Muốn biết điều gì sắp xảy đến với người dân tại một thời điểm trong tương lai, bạn cần biết điều gì đã xảy ra trước đó”.

Khi Stenseth và Lima sử dụng mô hình và lý thuyết của mình để phân tích dữ liệu về đảo Phục Sinh, kết luận sớm trở nên rõ ràng. Mauricio Lima giải thích:

“Sự suy giảm nhân khẩu học của đảo Phục Sinh có liên quan đến những tác động lâu dài của biến đổi khí hậu đối với khả năng sản xuất lương thực của hòn đảo.”

Khi Stenseth và Lima sử dụng mô hình và lý thuyết của mình để phân tích dữ liệu từ Rapa Nui, kết luận sớm trở nên rõ ràng.
Khi Stenseth và Lima sử dụng mô hình và lý thuyết của mình để phân tích dữ liệu từ Rapa Nui, kết luận sớm trở nên rõ ràng. (Image: via pixabay / CC0 1.0)

Dân cư trên đảo Phục Sinh đã đấu tranh với thiên nhiên hung dữ để sinh tồn

Báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu mô tả cách thức đấu tranh sinh tồn của một quần thể dân cư ít ỏi và biến động, trên hòn đảo nhỏ xa xôi ở Thái Bình Dương, trong một môi trường đã và đang liên tục thay đổi. Khu vực này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi El Niño-Southern Oscillation (ENSO), là biến đổi bất thường theo chu kỳ của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên vùng biển nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương.

Pha ấm lên của nước biển được gọi là El Niño và pha lạnh đi là La Niña. Báo cáo mới cho thấy đảo Phục Sinh nhạy cảm nhất với các pha ENSO lạnh - La Niña - khiến lượng mưa trên đảo giảm. Kết quả làm năng lực sản xuất lương thực tổng thể trên đảo bị giảm sút, Lima giải thích:

“Chúng tôi không tìm thấy vết tích về một cuộc sống yên bình, hoà hợp với tự nhiên, chúng tôi cũng không thấy dấu vết huỷ diệt lớn. Thay vào đó, chúng tôi tìm được dấu vết sự tương tác giữa ba yếu tố: biến đổi khí hậu, quy mô dân số của con người và những thay đổi trong hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu thể hiện qua biểu đồ thay đổi lượng mưa dài hạn trong khoảng 400 năm. Trong cùng thời gian đó, dân số trên đảo tăng lên. Người dân cũng tăng cường sử dụng và thay đổi cách dùng tài nguyên thiên nhiên và các phương pháp nông nghiệp.”

Điều này giải thích tại sao không có “trạng thái cân bằng hài hoà” trên đảo: Rất khó để đạt được trạng thái cân bằng khi môi trường tự nhiên xung quanh liên tục biến đổi. Nils Chr. Stenseth và Mauricio Lima cho rằng người dân trên đảo đều nhận thức rõ những biến đổi về khí hậu và sinh thái đang diễn ra và sự cần thiết phải thích ứng, Lima nói:

“Quan điểm của tôi là người dân trên đảo không chỉ nhận thức được những thay đổi, mà họ còn có thể thay đổi cách sinh sống trên đảo. Họ dần dần thay đổi từ một xã hội khá phức tạp với những bức tượng moai kỳ vỹ, sang một xã hội nông nghiệp chậm hơn và đơn giản hơn với quy mô gia đình giảm đi và một phương thức sản xuất lương thực mới trên các khu vườn đá.”

Cuộc khủng hoảng dân số đầu tiên diễn ra vào giữa những năm 1450-1550, trong Kỷ Băng hà Nhỏ. Một sự suy giảm dân số ít rõ ràng hơn đã xảy ra giữa sự xuất hiện của những người châu Âu đầu tiên vào năm 1772 và 1774, vì lý do vẫn chưa được biết.
Cuộc khủng hoảng dân số đầu tiên diễn ra vào giữa những năm 1450-1550, trong Kỷ Băng hà Nhỏ. Một sự suy giảm dân số ít rõ ràng hơn đã xảy ra giữa sự xuất hiện của những người châu Âu đầu tiên vào năm 1772 và 1774, vì lý do vẫn chưa được biết. (Ảnh: qua pixabay / CC0 1.0)

Đảo Phục Sinh trong quá khứ cũng giống như thế giới ngày nay

Cả Mauricio Lima và Nils Chr. Stenseth nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu mới của họ không chỉ phù hợp với đảo Phục Sinh, mà trên nhiều hòn đảo khác ở Polynesia cũng tương tự. Nhưng điều quan trọng không chỉ có vậy, Giáo sư Lima nói:

“Dân cư trên Rapa Nui đã sống và luôn sống trên một hòn đảo nhỏ và xa xôi với nguồn tài nguyên hạn chế, còn bản thân chúng ta thì đang sống trên một hành tinh nhỏ và xa xôi với nguồn tài nguyên hữu hạn. Một trong những bài học rút ra từ nghiên cứu này, đó là tầm quan trọng của các tương tác giữa biến đổi khí hậu, quy mô dân số con người và những thay đổi trong hệ sinh thái. Ba yếu tố này đã ảnh hưởng đến dân số trên đảo Phục Sinh, và trên quy mô toàn cầu, chúng cũng quan trọng.”

“Chúng tôi nghiên cứu về đảo Phục Sinh và lịch sử của nó vì chúng tôi đang cố gắng hiểu được những gì đang diễn ra với Trái đất. Mọi người đều nói về biến đổi khí hậu và các hậu quả, nhưng rất ít người nói về dân số toàn cầu đang gia tăng và các vấn đề nó gây ra”.

Nils Chr. Stenseth bổ sung: “Tôi hoàn toàn đồng ý với Mauricio. Dân số trên Hành tinh Trái đất chịu ảnh hưởng của các quá trình sinh thái, giống như bất kỳ loài động vật nào khác trong một môi trường hữu hạn”.

Các nhà khoa học liên ngành tiếp cận đảo Phục Sinh

Giáo sư Stenseth thừa nhận rằng các nhà nghiên cứu tác giả của báo cáo mới này đang bước vào một cuộc tranh luận khoa học. Stenseth khẳng định:

“Trong quá khứ, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về chủ đề này theo quan điểm khảo cổ học hoặc xã hội học đã có xu hướng bỏ qua tự nhiên, bỏ qua các quá trình sinh thái. Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến sự phân mảnh bên trong khoa học, bởi vì các nhà sinh thái học và nhà sử học hay nhà khảo cổ học đã sống trong các thế giới khác nhau. Những gì chúng tôi làm trong bài báo này là tập hợp các năng lực khác nhau, từ cả các nhà khảo cổ học và các nhà sinh thái học, để phát triển tri thức sâu sắc hơn. Đó là thông điệp chính của công trình này”.

Lima nói thêm: "Điều này quả là đúng đắn. Cách tiếp cận liên ngành là cần thiết để hiểu được Rapa Nui - và cả thế giới chúng ta đang sống ”.

Thor Heyerdahl chính là nguồn cảm hứng của đảo Phục Sinh

Lần đầu tiên, người châu Âu tiếp cận với Rapa Nui là vào năm 1722 khi nhà hàng hải người Hà Lan Jacob Roggeveen đến đây cùng ba con tàu vào ngày 5 tháng 4 - Chủ nhật Phục sinh. Các thủy thủ Hà Lan ngay lập tức bắt đầu sử dụng cái tên “đảo Phục Sinh” đến mãi rất lâu sau, khi Thor Heyerdahl đến vào năm 1948. Những năm gần đây, hòn đảo này thường được gọi bằng cái tên mà người dân bản địa sử dụng.

Ngày nay, Rapa Nui nổi tiếng ít nhất một phần vì Heyerdahl - ngay cả khi ông không còn được coi là nhà khoa học giỏi nhất. Nhưng ông là một người kể chuyện tuyệt vời và do đó trở thành nguồn cảm hứng cho cả Mauricio Lima và Nils Chr. Stenseth. Lima kể lại:

“Thor Heyerdahl gần như là một cái tên quen thuộc ở quê nhà của tôi. Tôi nhớ đã đọc một số cuốn sách của ông ấy khi tôi còn là một thiếu niên và thấy chúng rất thú vị. Sau này, tôi ít nhiều quên đi Heyerdahl khi bắt đầu nghiên cứu sinh học và sinh thái học. Tôi không nghĩ nhiều về ông cho đến khi Nils hỏi tôi về việc thu thập dữ liệu từ các địa điểm khảo cổ ở Rapa Nui vài năm trước. Rồi thì mọi ký ức ùa về”.

Diên Vỹ

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Sự tăng giảm dân số đảo Phục Sinh là bài học cho tương lai nhân loại