Sự sống có thể đã truyền từ sao Hỏa đến Trái Đất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy rằng một loại vi khuẩn có thể tồn tại trong không gian bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Phát hiện này mở ra khả năng sự sống có thể đã lan truyền từ sao Hỏa đến Trái đất.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Microbiology phát hiện rằng vi khuẩn Deinococcus có thể tồn tại trong 3 năm bên ngoài ISS ở trên các tấm nhôm bên ngoài phòng thí nghiệm không gian. Kết quả mới mang lại niềm tin đáng kể cho các giả thuyết “Panspermia”, cho rằng sự sống trên Trái đất bắt nguồn từ vi sinh vật đến từ không gian vũ trụ.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Akihiko Yamagishi cho biết trong một tuyên bố: “Nguồn gốc của sự sống trên Trái đất là bí ẩn lớn nhất của con người”.

Ông nói thêm: “Các nhà khoa học có thể có những quan điểm hoàn toàn khác nhau về vấn đề này. Một số người nghĩ rằng sự sống là rất hiếm và chỉ xuất hiện một lần trong Vũ trụ, trong khi những người khác cho rằng sự sống có thể nảy sinh trên mọi hành tinh phù hợp. Nếu giả thuyết Panspermia là đúng, sự sống phải tồn tại thường xuyên hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trước đây”.

Nghiên cứu cho biết thêm, vi khuẩn Deinococcus trên bề mặt đĩa đã chết, nhưng “nó tạo ra một lớp bảo vệ cho các vi khuẩn bên dưới để đảm bảo sự tồn tại”.

Vi khuẩn vẫn sống sót ở bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế. (Ảnh: JAXA / NASA)
Vi khuẩn vẫn sống sót ở bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế. (Ảnh: JAXA / NASA)

Các chuyên gia phát hiện ra rằng Deinococcus có khả năng tồn tại điều kiện khắc nghiệt, ở độ cao 7,5 dặm (12,7 km) phía trên Trái Đất.

Sử dụng dữ liệu về khả năng sống sót của vi khuẩn từ 1 đến 3 năm, Yamagashi và các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng những con vi khuẩn dày hơn 0,5 mm này sẽ sống được từ 15 đến 45 năm trên ISS. Các nhà nghiên cứu đề xuất, những con dày hơn 1 mm (kích thước mà Deinococcus được biết là có thể tạo thành các đàn lớn) có thể sống đến 8 năm trong không gian.

Yamagishi cho biết thêm: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng chống chọi với bức xạ của Deinococcus khiến nó có thể tồn tại trong quá trình du hành từ Trái đất đến sao Hỏa và ngược lại, khoảng vài tháng hoặc vài năm trong quỹ đạo ngắn nhất”.

Những phát hiện này là một phần của sứ mệnh Tanpopo Nhật Bản, trong đó Yamagishi là điều tra viên chính.

Một số nghiên cứu trước đây đã thảo luận về giả thuyết Panspermia, bao gồm cả một nghiên cứu hồi đầu năm nay, cho rằng các sao chổi được đề xuất có thể đã cung cấp “yếu tố cần thiết” cho sự sống trên Trái đất.

Vào năm 2019, NASA đã tìm thấy các phân tử đường trên hai thiên thạch khác nhau. Việc này làm tăng thêm độ tin cậy cho ý tưởng rằng các tiểu hành tinh đóng một vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự sống trên Trái đất.

Gần đây, Hoa Kỳ đã phóng tàu thám hiểm Perseverance của NASA lên Hành tinh Đỏ. Tàu này sẽ thực hiện một số nhiệm vụ ở đó, bao gồm tìm kiếm bằng chứng hóa thạch về sự sống ngoài Trái đất.

Mục tiêu dài hạn của NASA là gửi một tàu vũ trụ có người lái lên sao Hỏa vào những năm 2030.

Panspermia là gì?

Panspermia từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là 'hạt giống', là giả thuyết cho rằng sự sống tồn tại khắp Vũ trụ , được phân bố bởi bụi không gian, thiên thạch, tiểu hành tinh, sao chổi, hành tinh, và cả do tàu vũ trụ mang theo vi sinh vật nhiễm bẩn ngoài ý muốn. Sự phân bố có thể đã xảy ra trải dài các thiên hà, và do đó sự sống có thể không bị giới hạn ở quy mô hệ Mặt trời.

Các giả thuyết của Panspermia đề xuất rằng các dạng sống cực nhỏ có thể sống sót sau các tác động của không gian. Các vi sinh vật có thể bị mắc kẹt trong các mảnh vỡ phóng ra ngoài không gian.

Một số sinh vật có thể di chuyển trong trạng thái không hoạt động trong một khoảng thời gian dài trước khi va chạm ngẫu nhiên với các hành tinh khác. Trong một số hoàn cảnh lý tưởng nhất định (ví dụ như vào một vùng nước) trên bề mặt hành tinh mới, rất có thể các sinh vật có thể trở nên hoạt động trở lại và bắt đầu phát triển ra môi trường mới xung quanh.

Ít nhất một báo cáo cho thấy nội bào tử từ một loại vi khuẩn Bacillus được tìm thấy ở Ma-rốc có thể sống sót khi được làm nóng đến 420°C, khiến lập luận về bệnh Panspermia càng trở nên mạnh mẽ hơn. Các nghiên cứu về Panspermia không chỉ tập trung vào cách sự sống bắt đầu, mà vào các phương pháp có thể phân phối nó trong Vũ trụ.

Văn Thiện

Theo nypost, wikipedia



BÀI CHỌN LỌC

Sự sống có thể đã truyền từ sao Hỏa đến Trái Đất?