Sự biến động dân cư và hình thành các đế chế Mông Cổ, Hung Nô vùng thảo nguyên Đông Á-Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cell, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã điều tra những thay đổi về di truyền, chính trị xã hội và văn hóa đi kèm với sự xuất hiện của các đế chế du mục Hung Nô và Mông Cổ ở thảo nguyên Á-Âu. 

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu toàn bộ bộ gen của 214 cá thể người vùng Đông Á-Âu trong suốt 6 thiên niên kỷ và thảo luận về những thay đổi trong dân số và văn hóa vật chất trước sự trỗi dậy của các đế chế du mục Hung Nô và Mông Cổ.

Từ cuối thời đại đồ đồng đến thời trung cổ, vùng thảo nguyên Đông Á-Âu là nơi sinh sống của một số đế chế du mục có ảnh hưởng rất lớn. Vương quốc của người Hung Nô (209 TCN đến 98 SCN) và các đế chế Mông Cổ (916-1125) đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nhân khẩu học và địa chính trị của khu vực Á-Âu này. Do thiếu các nghiên cứu di truyền quy mô lớn, nguồn gốc, sự tương tác và mối quan hệ của những người hình thành nên những đế chế ở khu vực Á-Âu này phần lớn vẫn chưa được biết đến.

Để hiểu được sự biến động dân số đã giúp vùng thảo nguyên giàu có trỗi dậy như thế nào, các nhà nghiên cứu từ Viện Max Planck về Lịch sử loài người (MPI-SHH), Đại học Quốc gia Mông Cổ, và các tổ chức đối tác ở Mông Cổ, Nga, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ đã thu thập và phân tích dữ liệu bộ gen từ 214 cá thể người ở khu vực này.

Các mẫu vật này đến từ 85 địa điểm khảo cổ của Mông Cổ và ba địa điểm khảo cổ của Nga, và tuổi của chúng từ khoảng 8.400 năm đến 1.400 năm. Điều đó làm cho nghiên cứu này trở thành một trong những nghiên cứu lớn nhất về DNA cổ đại ở phía Đông và Giữa châu Á cho đến nay.

Ngôi nhà ngày nay ở vùng nông thôn Mông Cổ, được gọi là ger (tiếng Mông Cổ) hoặc yurt (tiếng Nga).
Ngôi nhà ngày nay ở vùng nông thôn Mông Cổ, được gọi là ger (tiếng Mông Cổ) hoặc yurt (tiếng Nga). (Nguồn: Christina Warinner)

Trong suốt thời kỳ Holocen giữa, ở vùng thảo nguyên Á-Âu đã được những người săn bắt và hái lượm có nguồn gốc Đông Bắc Á (ANA) và Bắc Á-Âu (ANE) đến đây định cư. Khoảng 5.000 năm trước, sự lan rộng của nền văn hóa Afanasievo từ dãy núi Altai đã mang chăn nuôi bò sữa đến khu vực này, nguồn gốc của chúng có thể bắt nguồn từ những người chăn nuôi trên thảo nguyên Yamnaya cách vùng Biển Đen hơn 3.000 km về phía Tây.

Tác động văn hóa của cuộc di cư này là rất lớn, mặc dù nó chỉ để lại những dấu vết di truyền ngoại biên: vào thời kỳ đồ đồng giữa đến cuối thời đại đồ đồng, chăn nuôi bò sữa đã phổ biến trong các nhóm dân cư trên khắp thảo nguyên phía Đông.

Sự pha trộn đột ngột của các nguồn gen khác biệt lâu đời đã tạo ra dòng dõi Hung Nô Mông Cổ mới

Vào cuối thời đại đồ đồng và đầu thời đại đồ sắt, các nhóm dân cư phía Tây, Bắc, Nam và Trung Mông Cổ đã hình thành 3 nguồn gen có cấu trúc địa lý khác nhau. Các nguồn gen này vẫn tách biệt với nhau trong hơn một thiên niên kỷ cho đến khi khả năng di chuyển giữa các vùng miền tăng lên, đó là do sự thúc đẩy của việc cưỡi ngựa đã phát triển hơn lên, đã làm tan rã các cấu trúc gen này.

Sự xuất hiện của Đế chế Hung Nô, ở phía Bắc miền Trung Mông Cổ, đế chế du mục đầu tiên ở châu Á, xảy ra cùng lúc với sự pha trộn dân số này và hình thành nên dòng tổ tiên di truyền mới từ khắp Âu-Á, từ Biển Đen đến Trung Quốc. Tiến sĩ Choongwon Jeong, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư sinh học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết:

“Thay vì chỉ là một biến động di truyền hoặc thay thế, sự trỗi dậy của người Hung Nô có liên quan chặt chẽ đến sự pha trộn đột ngột của các quần thể dân cư trước đó đã từng tách biệt trong nhiều thiên niên kỷ. Kết quả là, tộc người Hung Nô Mông Cổ mới đã cho thấy sự đa dạng di truyền ấn tượng, điều này phản ánh một phần lớn sự đa dạng di truyền của vùng Á-Âu này ”.

Một nghìn năm sau, những người từ Đế chế Mông Cổ, một trong những đế chế tiếp giáp lớn nhất trong lịch sử, cho thấy sự gia tăng rõ rệt về tổ tiên của người Đông Á-Âu so với những người đến từ các thời kỳ trước đó như Hung Nô, Thổ Nhĩ Kỳ và Uyghur. Sự gia tăng này đi kèm với việc mất gần như hoàn toàn nguồn gốc Bắc Á-Âu (ANE) cũ.

Những người chăn nuôi bò sữa ngày nay có truyền thống hàng nghìn năm từ thời tiền sử của Mông Cổ. (Hình ảnh: Christina Warinner)

Đến khi Đế chế Mông Cổ sụp đổ, cấu trúc gen của những người ở khu vực thảo nguyên phía Đông đã thay đổi đáng kể và cuối cùng đã ổn định trong cấu trúc gen đặc trưng cho người Mông Cổ ngày nay. Ke Wang, đồng tác giả thứ nhất của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tại MPI-SHH, cho biết:

“Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ cho thấy sự đóng góp di truyền ban đầu từ các quần thể dân cư ở thảo nguyên phía Tây, mà còn là sự gia tăng rõ rệt của tổ tiên của những người ở khu vực Đông Á-Âu trong thời kỳ Đế chế Mông Cổ. Lịch sử di truyền của khu vực này rất năng động và việc phân tích DNA cổ đại dần dần cho thấy sự phức tạp của các sự kiện dân số đã hình thành nên các dân tộc ở thảo nguyên Á-Âu hiện nay”.

Thiếu sự tồn tại của enzyme lactase mặc dù đã có lịch sử 5.000 năm chăn nuôi bò sữa

Ngoài ảnh hưởng của các sự kiện di truyền này lên các cấu trúc chính trị, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra mối quan hệ giữa di truyền và hình thái kinh tế. Mặc dù đã có hơn 5.000 năm chăn nuôi bò sữa trong khu vực, sữa đã đóng góp quan trọng vào chế độ ăn uống của người Mông Cổ, nhưng không có bằng chứng nào về sự tồn tại của enzyme lactase, một đặc điểm di truyền giúp tiêu hóa lactose. Tác giả chính, Tiến sĩ Christina Warinner, Giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Harvard và Trưởng nhóm Nghiên cứu tại MPI-SHH, cho biết:

“Thực tế là chúng tôi không thể phát hiện sự tồn tại của enzyme lactase trong dân số hiện tại hoặc trước đó đặt ra câu hỏi về các giả định y tế hiện tại liên quan đến việc không dung nạp lactose và cho thấy một lịch sử phức tạp hơn nhiều của ngành công nghiệp sữa. Trong nghiên cứu sâu hơn của mình, chúng tôi chuyển sang hệ vi khuẩn đường ruột để hiểu cách mà quần thể dân cư thích nghi với chế độ ăn uống dựa trên sữa của họ".

Tiến sĩ Erdene Myagmar, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư nhân chủng học và khảo cổ học tại Đại học Quốc gia Mông Cổ, kết luận:

“Việc tái tạo 6.000 năm lịch sử di truyền của Mông Cổ đã có tác động lâu dài đến sự hiểu biết của chúng tôi về khảo cổ học của khu vực này. Trong khi chúng tôi cố gắng trả lời một số câu hỏi lâu nay, nghiên cứu cũng đưa ra những câu hỏi mới và có một số điều bất ngờ. Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ kích thích các nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp khám phá các mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa tổ tiên, văn hóa, công nghệ và chính trị trong thời kỳ trỗi dậy của các cộng đồng dân cư du mục ở vùng Đông Á-Âu này”.

Ánh Dương

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Sự biến động dân cư và hình thành các đế chế Mông Cổ, Hung Nô vùng thảo nguyên Đông Á-Âu