Radar xuyên đất tiết lộ toàn bộ thành phố La Mã cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học đã sử dụng radar xuyên đất để lập bản đồ toàn bộ thành phố La Mã cổ đại Falerii Novi mà không cần khai quật, theo Gizmodo.

Một bản đồ sơ bộ về Falerii Novi, một thành phố La Mã cổ đại nằm cách Rome khoảng 50 km về phía bắc, đã được biên soạn với dữ liệu lấy từ radar xuyên đất. Đây là bản đồ “sơ bộ”, vì các nhà nghiên cứu không thể phân tích đầy đủ 28 tỷ điểm dữ liệu thu thập được trong quá trình thực hiện dự án, ông Martin Millett, đồng tác giả của nghiên cứu và nhà khảo cổ học tại Đại học Cambridge, giải thích với Gizmodo.

Một bản đồ của Falerii Novi, được tạo ra với dữ liệu từ radar xuyên đất.
Một bản đồ của Falerii Novi, được tạo ra với dữ liệu từ radar xuyên đất. (Ảnh: Verdonck và cộng sự, 2020/Antiquity)

Các nhà nghiên cứu đã có thể ghi lại vị trí của các tòa nhà, tượng đài, lối đi, và thậm chí cả đường ống nước - tất cả mà không cần phải đào xới lên. Ngoài việc ghi lại những đặc điểm kiến trúc chưa từng được biết đến trước đây, các nhà khoa học còn có thể ghi lại những thay đổi của thành phố theo thời gian và nhận ra những yếu tố độc đáo không thấy ở nơi nào khác tại Rome cổ đại. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.

Falerii Novi từng được ghi chép lại đầy đủ trong lịch sử. Nó đại diện cho một trong số khoảng 2.000 thành phố trên khắp Đế chế La Mã. Thành phố này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 241 trước Công nguyên và bị chiếm đóng cho đến thời Trung cổ. Cuối cùng, nó bị bỏ hoang vào khoảng năm 700 sau Công nguyên.

Một chiếc xe chạy trên mọi địa hình đã được sử dụng để kéo một giàn được trang bị radar xuyên đất.
Một chiếc xe chạy trên mọi địa hình đã được sử dụng để kéo một giàn được trang bị radar xuyên đất. (Ảnh: Verdonck và cộng sự, 2020 / Antiquity)

Trong cuộc khảo sát mới này, Millett và các đồng nghiệp đã sử dụng một chiếc xe chạy trên mọi địa hình để kéo một giàn được trang bị radar xuyên đất. Các nhà khoa học đã thực hiện quét mỗi 12,5 cm (4,9 inch) trên toàn bộ khu vực 75 mẫu Anh (30,3 ha). Falerii Novi được chọn là nơi tốt để thử nghiệm công nghệ radar xuyên đất, vì thị trấn không bị che khuất bởi rừng hoặc bị chôn vùi dưới các công trình mới hơn. Hơn nữa, địa điểm này cũng bị cấm khai quật theo luật pháp Ý.

Ông Millett nói với Gizmodo: “Tuy nhiên, ngay cả khi thành phố này không được pháp luật bảo vệ, thì nó cũng không thể khai quật được ở quy mô lớn như thế này”, và nói thêm rằng phải mất gần 200 năm để khai quật được Pompeii, một thành phố La Mã cổ đại khác.

Dữ liệu radar thu được ở nhiều độ sâu cho phép tạo ra các mô hình 3D.
Dữ liệu radar thu được ở nhiều độ sâu cho phép tạo ra các mô hình 3D. (Ảnh: Verdonck và cộng sự, 2020/Antiquity)

Được trang bị quét radar, các nhà khảo cổ đã ghi lại một khu nhà tắm, chợ, một cặp đền dọc ngoại vi, một nhà hát ngoài trời, nhà ở giữa và khu vực mua sắm. Họ cũng phát hiện ra một tượng đài công cộng lớn bao gồm hai cấu trúc đối diện nhau theo một cấu hình không thấy tại nơi nào khác ở La Mã cổ đại.

Ông Millett nói: “Một phần quan trọng là cuộc khảo sát cho chúng ta thấy một thị trấn La Mã bình thường ở Ý, không phải là một thị trấn đặc biệt - nhưng thật ấn tượng khi thấy mức độ chi tiết về kiến trúc của toàn bộ khu vực”.

Falerii Novi có bố cục không chính thống và ít được tiêu chuẩn hóa so với các thành phố La Mã cổ đại khác. Các nghiên cứu trước đây sử dụng từ kế, một phương pháp quét không xâm lấn khác, đã xác định các không gian linh thiêng trong thành phố. Công trình mới đã xác định các tòa nhà lớn trong khu vực rìa ngoài, đặc biệt là bên cạnh các lối vào của Falerii Novi.

Chú thích về thành phố.
Chú thích về thành phố. (Ảnh: L. Verdonck và cộng sự, 2020/Antiquity)

Các nhà nghiên cứu viết trong công trình mới: “Tuy chúng ta vẫn chưa hiểu không gian linh thiêng này hoạt động như thế nào, nhưng cuộc khảo sát đã cung cấp những hiểu biết mới về sự đa dạng của các khái niệm quy hoạch... Bằng cách cung cấp một sự tương phản với các thị trấn quen thuộc như Pompeii, công việc này cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về việc quy hoạch của các thị trấn La Mã nói chung”.

Tuy nhiên, lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập bởi các công cụ dùng trong nghiên cứu này mất rất nhiều thời gian hơn để xử lý. Mỗi 1 ha cần khoảng 20 giờ xử lý, vì vậy các nhà nghiên cứu chưa xử lý xong tất cả dữ liệu về Falerii Novi. Để có thể xử lý được nhiều dữ liệu hơn trong tương lai, họ sẽ dùng một số giải pháp tự động.

Ông Millett cho biết, các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành việc xử lý dữ liệu trong năm tới, và hy vọng có được phát hiện thêm về Falerii Novi.

Ông Millett và các đồng nghiệp cũng từng sử dụng kỹ thuật radar xuyên đất để nghiên cứu các địa điểm chôn cất khác ở Ý và Bắc Yorkshire, Anh.

Ông nói: "Thật thú vị khi tưởng tượng radar xuyên đất được sử dụng để khảo sát một thành phố lớn như Miletus ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nicopolis ở Hy Lạp hay Cyrene ở Libya. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu về cuộc sống đô thị La Mã cổ đại và công nghệ này sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có trong nhiều thập kỷ tới".

Văn Thiện

Theo gizmodo, cnn



BÀI CHỌN LỌC

Radar xuyên đất tiết lộ toàn bộ thành phố La Mã cổ đại