Radar mặt đất tiết lộ lý do tại sao thủ đô Campuchia cổ đại được chuyển đến Angkor

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoảng thế kỷ thứ 10, một công trình thủy lợi lớn nhất trong lịch sử Đế quốc Khmer đã được xây dựng ở Koh Ker, phía bắc Campuchia ngày nay. Công trình đã hỏng chỉ sau năm đầu tiên hoạt động và nhà vua khi đó đã buộc phải phải rời kinh đô về Angkor Wat.

Sự kiện nhà vua rời kinh đô về Angkor Wat đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các học giả và nhà nghiên cứu. Tiến sĩ Ian Moffat, đến từ Đại học Flinder, dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đến khu vực khu vực Koh Ker khảo sát để tìm nguyên nhân của sự việc. Họ sử dụng radar xuyên lòng đất để lập bản đồ vùng này thời đó.

Theo tiến sĩ Moffat: “Vào thời điểm đó, việc thực hiện các dự án xây dựng dân dụng như đền thờ, cải tạo đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng nước là trọng tâm để thiết lập tính hợp pháp của các vị vua Khmer”.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Geoarchaeology, các nhà khảo cổ đã phát hiện một công trình thủy lợi có bờ kè dài 7km được thiết kế để lấy nước từ sông Rongea. Nhưng nó chỉ có thể chứa được lưu lượng nước trung bình.

Bản đồ khu vực của Koh Ker cho thấy vị trí của đập tràn và các đặc điểm khảo cổ quan trọng. Nó cũng cho thấy vị trí của Koh Ker so với Angkor, Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh ở ảnh phía dưới bên phải. (Ảnh: Đại học Flinder)

Bờ kè đã không chịu được lượng nước quá lớn trong mùa mưa đầu tiên. Việc này đặt câu hỏi về tính hợp pháp của vị vua Khmer đã ra lệnh xây dựng công trình thủy lợi.

Tiến sĩ Moffat cho biết: “Không khó để dự đoán rằng sự thất bại của kè tại Koh Ker - dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất thời đại - đã tác động đáng kể đến uy tín của nhà vua. Do đó, việc này đã góp phần vào quyết định tái lập Angkor là thủ đô của Đế quốc Khmer”.

Koh Ker nằm cách thủ đô Angkor 90 km về phía đông bắc. Vẫn còn rất nhiều bí ẩn ở khu vực này mặc dù nó là thủ đô vào giữa thế kỷ thứ 10 dưới thời vua Jayavarman IV.

Địa điểm nằm trong một đồi dốc thoai thoải và có những ngọn núi đá, cách xa trung tâm của người Khmer - vùng đồng bằng ngập nước.

Đồng tác giả Leaksmy Kong với các trợ lý hiện trường ở Campuchia. (Ảnh: Đại học Flinder)

Văn Thiện (biên dịch)

Theo Visiontimes
Tham khảo Flinder University



BÀI CHỌN LỌC

Radar mặt đất tiết lộ lý do tại sao thủ đô Campuchia cổ đại được chuyển đến Angkor