Quân đội Mỹ đang thử nghiệm AI có thể dự đoán các sự kiện sắp xảy ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Mỹ đang thử nghiệm các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến mà Lầu Năm Góc cho rằng chúng sẽ cho phép họ dự đoán trước nhiều ngày các sự kiện lớn có thể xảy ra.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 28/7, Tướng Glen D. VanHerck, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phòng thủ Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ, đã phát biểu trước đám đông phóng viên và tiết lộ rằng các cuộc thử nghiệm đang diễn ra nhằm cải thiện việc quân đội sử dụng dữ liệu để ra quyết định quan trọng.

Sáng kiến được gọi là “Thử nghiệm Thống trị Thông tin Toàn cầu” (GIDE) mà VanHerck đã nói đang cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn.

GIDE được thiết kế để truy cập thông tin thời gian thực hỗ trợ các nhà lãnh đạo quân sự chuẩn bị cho hành động của kẻ thù và có khả năng ngăn chặn xung đột trước khi nó bắt đầu bùng phát.

'Kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược mới và đổi mới'

VanHerck đã tuyên bố trong cuộc họp báo: “Hiện tại, những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt và tốc độ thay đổi của môi trường địa chiến lược tiếp tục tăng với tốc độ thực sự đáng báo động. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới và đổi mới, và lần này, chúng ta đang phải đối mặt với hai đối thủ ngang hàng, đều được trang bị vũ khí hạt nhân, đang cạnh tranh với chúng ta hàng ngày”.

Mặc dù VanHerck từ chối nêu tên hai "đối thủ ngang hàng", các quốc gia mà ông đang đề cập đến rất có thể là Nga và Trung Quốc.

Mục tiêu của các thử nghiệm GIDE là để “vượt mặt” các đối thủ cạnh tranh bằng cách tăng tốc nỗ lực chuyển đổi văn hóa. Các yếu tố trong phòng thủ đất nước sẽ thay đổi để bao gồm “mọi chiến lược, mọi kế hoạch, việc quản lý lực lượng, việc quyết định thiết kế lực lượng, cũng như các khía cạnh của việc mua lại và ngân sách để chúng tôi có thể răn đe trong cạnh tranh, giảm leo thang trong khủng hoảng và nếu cần, có thể đánh bại trong xung đột”, VanHerck nói.

VanHerck khẳng định rằng học máy và AI có thể phát hiện những thay đổi trong các thông số đã theo dõi, sau đó chúng sẽ kích hoạt cảnh báo cho quân đội thông tin cho phép họ tập trung vào một địa điểm cụ thể, chẳng hạn như kênh đào Panama.

VanHerck cho biết thêm rằng: “Khả năng nhìn thấy tình huống trước nhiều ngày tạo ra không gian quyết định. Không gian quyết định đối với tôi với tư cách là chỉ huy tác chiến [cho phép chúng tôi] có khả năng bố trí các lực lượng [hoặc] để tạo ra các phương án răn đe để cung cấp cho bộ trưởng hoặc thậm chí tổng thống”.

11 đơn vị chỉ huy Hoa Kỳ tham gia

Cuộc thử nghiệm do Lầu Năm Góc tiến hành đã chứng kiến 11 đơn vị chỉ huy của Mỹ mô phỏng việc tiếp quản các địa điểm quan trọng như kênh đào Panama.

Vanherck tuyên bố rằng trong một hoạt động mô phỏng, dữ liệu thu được từ các cảm biến khác nhau cả quân sự và dân sự, trải rộng trên các khoảng cách rộng lớn, được đưa vào một mô hình trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện các mẫu và đưa ra cảnh báo khi phát hiện các dấu hiệu như tàu ngầm chuẩn bị rời cảng.

Biết được những gì đối thủ đang làm trước khi họ làm điều đó tạo ra thời gian để xem xét các chiến lược và lập kế hoạch trong một kịch bản xung đột, điều này là vô giá và có khả năng tạo cơ hội để tránh xung đột chết người trước khi nó có cơ hội xuất hiện.

VanHerck nhấn mạnh rằng tất cả thông tin được sử dụng để cung cấp cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo đã tồn tại; nó chỉ đơn giản là được sử dụng theo một cách rất khác.

Ông nói thêm: “Hãy nhớ rằng đó không phải là thông tin mới… Và tất cả những gì chúng tôi đang làm là lấy và chia sẻ nó và làm cho nó có sẵn sớm hơn. Vì vậy, những người ra quyết định chính của chúng tôi sẽ có các lựa chọn thay vì phản ứng trong trường hợp họ có thể bị buộc phải thực hiện một số loại lựa chọn leo thang”.

Sự phát triển của các công cụ tự động hóa trong chiến tranh làm dấy lên lo ngại

Sử dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp thông tin tốt hơn cho các quyết định quân sự là mục tiêu chính của Lầu Năm Góc, đặc biệt là khi các đối thủ leo thang sử dụng công nghệ mới nổi. Tuy nhiên, sự phát triển của các công cụ tự động hóa trong chiến tranh đang làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng giữa nhiều nhóm vận động.

Các thí nghiệm GIDE được thực hiện với nhiều nhóm khác trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và làm việc trong các dự án bao gồm cả Dự án Maven khét tiếng.

Dự án Maven đã gây ra tranh cãi vào năm 2018 khi các nhân viên của Google phản đối việc công ty tham gia vào thử nghiệm chiến tranh. Vào thời điểm đó, Google đã ký hợp đồng hỗ trợ phát triển công nghệ đằng sau Dự án Maven.

Dự án Maven là một dự án của Lầu Năm Góc sử dụng tài năng học máy và kỹ thuật để phân biệt người và vật thông qua các video bằng máy bay không người lái.

VanHerck rất muốn giải quyết những lo ngại về việc sử dụng tự động hóa trong chiến tranh khi nói rằng "Con người vẫn đưa ra tất cả các quyết định trong những gì tôi đang nói đến" và rằng, "Chúng tôi không có bất kỳ máy móc nào đưa ra quyết định”.

Các khả năng công nghệ được thử nghiệm trong GIDE đã có sẵn và sẵn sàng được sử dụng trên thực địa thông qua nhiều lệnh chiến đấu. Mục đích của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ là cải thiện hơn nữa khả năng của lực lượng này và trong tương lai, hợp tác với các đồng minh và đối tác quốc tế để tạo ra một cuộc trao đổi toàn cầu về thông tin tình báo thời gian thực.

Văn Thiện

Theo Visiontimes

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Mỹ đang thử nghiệm AI có thể dự đoán các sự kiện sắp xảy ra