Video: Phát hiện một thứ gì đó rất lớn đã va vào sao Mộc và bốc cháy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có rất nhiều camera trên Trái đất, cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, đang hướng ống kính vào hệ Mặt trời của chúng ta, theo dõi các hành tinh trong đó để tìm manh mối và sự kiện có thể giúp chúng ta hiểu quá khứ, và có thể là cả tương lai của Trái đất, nơi chúng ta đang ở. Và những camera đó đã tình cờ chụp được cảnh một thứ gì đó rất lớn va vào sao Mộc.

Vào hôm 13/9, nhiều camera của các nhà thiên văn nghiệp dư trên Trái đất chụp được khoảnh khắc một thứ gì đó rất lớn đập vào sao Mộc, khiến một đốm sáng lóe lên trong bầu khí quyển trên của hành tinh này. Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ va chạm thứ tám được camera trực tiếp quan sát thấy trên sao Mộc kể từ vụ va chạm lịch sử của sao chổi Shoemaker-Levy 9 với người khổng lồ khí vào năm 1994.

Với việc sở hữu lực hấp dẫn lớn nhất do là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời, sao Mộc sẽ phải hứng chịu các vụ va chạm với các tiểu hanh tinh hoặc sao chổi nhiều nhất.

Nhưng chúng ta hiếm khi nhìn thấy những vụ va chạm này. Nguyên nhân là do một nửa trong số chúng xảy ra ở phía xa của hành tinh khí khổng lồ và chỉ kéo dài vài giây khi các tảng đá không gian biến mất vào các lớp khí quyển của sao Mộc, bốc cháy và tạo ra đốm sáng chớp nhoáng.

Rất may, các nhà thiên văn nghiệp dư với kính thiên văn và camera hướng ống kính lên bầu trời, đã chụp được hầu hết các sự kiện được ghi lại cho đến nay, bao gồm một tiểu hành tinh hoặc sao chổi va vào sao Mộc năm 2016 và một vụ va chạm giữa sao Mộc với một tiểu hành tinh vào năm 2019.

Trên thực tế, vụ va chạm năm 2019 đã cho phép các nhà thiên văn tính toán tần suất sao Mộc bị một thứ gì đó đủ lớn đâm vào để tạo ra một đốm sáng có thể nhìn thấy từ Trái đất. Họ cho rằng khoảng 20-60 vật thể đập vào hành tinh này mỗi năm. Việc vật thể mới này là vật thể thứ tám từng được ghi nhận cho thấy hiếm khi chúng ta thực sự bắt gặp những sự kiện này.

Tuy nhiên, có vẻ như tỷ lệ chúng ta phát hiện ra các vụ va chạm trên sao Mộc mà nhìn thấy được từ Trái đất đang tăng lên. Từ vụ va chạm sao chổi được nhìn thấy đầu tiên vào năm 1994, lần va chạm được quan sát tiếp theo là vào năm 2009, và kể từ đó các vụ va chạm đã được ghi lại vào các năm 2010, 2012, 2016, 2017, 2019, 2020 và hiện tại là 2021.

Do có lực hấp dẫn lớn, sao Mộc có thể hoạt động như một lá chắn cho Trái đất. Nó có thể hút bất kỳ tảng đá không gian đi lạc nào có thể đang hướng về phía chúng ta. Tuy nhiên, cũng có xác suất nhỏ nó kéo một tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay về phía hành tinh của chúng ta.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Video: Phát hiện một thứ gì đó rất lớn đã va vào sao Mộc và bốc cháy