Nỗi sợ trách nhiệm: Nguyên nhân và cách khắc phục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh sợ trách nhiệm, có tên khoa học là Hypengyophobia (trong tiếng Hy Lạp ‘hypengos’ nghĩa là ‘trách nhiệm’). Có nhiều người sợ trách nhiệm, dù bản thân họ và những người xung quanh họ phải trả một giá nào đó. Những người sợ trách nhiệm là những người quá chú trọng vào BẢN THÂN, có tính tự tư và ưa an nhàn rất cao tới mức dù bản thân bị ảnh hưởng ở những phương diện khác, họ cũng không nhận ra.

Có 5 nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh sợ trách nhiệm

  1. Thiếu kinh nghiệm khi nhận trách nhiệm
  2. Trải nghiệm thất bại khi nhận trách nhiệm trước đó
  3. Tính cầu toàn và sợ mắc lỗi
  4. Thiếu bao dung
  5. Hư danh

Nguyên nhân thứ nhất là thiếu kinh nghiệm khi nhận trách nhiệm có thể lý giải như sau:

Kinh nghiệm là một trong những tác nhân tạo nên niềm tin mạnh mẽ nhất. Một người sợ hãi và trốn tránh trách nhiệm có thể chỉ đơn giản là không có đủ kinh nghiệm sống ‘dự trữ’ được từ quá khứ để họ biết rằng họ có thể lãnh trách nhiệm này tốt hay không. Ví dụ, một học sinh chưa bao giờ đảm nhận bất kỳ vai trò lãnh đạo nào trước đây có thể rất do dự và miễn cưỡng khi nhận vị trí lớp trưởng.

Con người có mức độ tự tin khác nhau trong từng lĩnh vực cuộc sống khác nhau. Điều đó có thể khiến họ sợ trách nhiệm trong một số lĩnh vực không phải sở trường. Như vậy, đối với lý do đầu tiên, để vượt qua bệnh sợ trách nhiệm, tất cả chỉ tóm lại là cần có một kho dự trữ tốt những kinh nghiệm sống thành công trong quá khứ. Có thể thấy thành công trong một lĩnh vực cuộc sống có thể tạo ra sự tự tin lan sang các lĩnh vực cuộc sống khác.

Về nguyên nhân thứ hai gây ra nỗi sợ trách nhiệm chính là việc đã từng lãnh trách nhiệm và thất bại. Những người đã từng nhận lãnh trách nhiệm sau đó thất bại, có thể trở nên sợ trách nhiệm trong cuộc sống sau này do trải nghiệm tồi tệ từ lần dám nhận trách nhiệm mang tới. Thực ra, hậu quả về kinh tế có lẽ không phải là điều gây ám ảnh nhất với loại trải nghiệm này. Có lẽ điều khó lãng quên nhất từ thất bại khi nhận trách nhiệm là khiến người khác thất vọng, nhất là sự thất vọng của những người được coi là quan trọng.

Nguyên nhân thứ ba chính là tính cầu toàn sợ mắc lỗi. Thông thường, khi bạn có cơ hội chịu trách nhiệm, bạn sẽ có cơ hội thoát ra khỏi vùng an toàn của mình - điều này thật không thoải mái. Thật không thoải mái vì bạn lo lắng liệu mình có thực hiện trách nhiệm một cách hoàn hảo và tránh mắc sai lầm hay không. Biết rằng chủ nghĩa hoàn hảo là một mục tiêu bất khả thi và phạm sai lầm là điều không sao - miễn là chúng không phải là những sai lầm lớn - có thể giúp bạn vượt qua những nỗi sợ hãi này.

Thiếu bao dung cũng là nguyên nhân gây ra bệnh sợ trách nhiệm. Một trách nhiệm to lớn thường đi kèm với nó là sự lo lắng và băn khoăn rất lớn. Điều này quay trở lại việc nằm ngoài vùng an toàn của bạn. Khi bước ra ngoài vùng an toàn của mình, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng. Nếu bạn có khả năng chịu đựng thấp đối với những cảm xúc này hoặc không thể quản lý chúng, bạn sẽ sụp đổ trước trách nhiệm. Sống trong vỏ bọc của những cảm xúc thoải mái sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc trải nghiệm những cung bậc cảm xúc đi kèm với việc chịu trách nhiệm và phát triển.

Hư danh là nguyên nhân cuối cùng. Không một người nào muốn mình xấu trước mặt người khác. Đảm nhận một trách nhiệm to lớn và thất bại có thể đồng nghĩa với việc trở thành người kém cỏi và khiến người khác thất vọng. Khi bạn nhận trách nhiệm, bạn đang nói, “Tôi sẽ biến điều này thành hiện thực. Anh hãy tin tôi". Đây là vị trí có rủi ro cao / phần thưởng cao / thua lỗ cao. Nếu bạn thành công, mọi người sẽ coi bạn là người lãnh đạo của họ (phần thưởng cao). Nếu bạn thất bại, họ sẽ coi thường bạn (tổn thất cao).

Để vượt qua nỗi sợ trách nhiệm, cần hiểu được rằng khi nhận bất kỳ một trách nhiệm nào, thì cũng chính là nhận về mình một rủi ro, tỷ lệ thành công và thất bại có thể xấp xỉ nhau. Nếu bạn nghĩ quá nhiều về những thứ bản thân mình được và mất khi nhận trách nhiệm thì toàn bộ quá trình sau này sẽ trở nên rất căng thẳng. Và bạn sẽ lại có một trong năm cớ trên để từ chối trách nhiệm.

Nỗi sợ trách nhiệm chỉ có thể khắc phục khi bạn xác định cho mình một điểm cơ bản ban đầu khi nhận trách nhiệm đó là: mình nhận trách nhiệm thực hiện sự việc này vì lợi ích của người khác. Từ điểm quan trọng là VÌ NGƯỜI KHÁC, bạn sẽ đối chiếu lại với nguồn lực của bản thân xem có bao nhiêu khả năng sẽ hoàn thành việc này tốt đẹp nhất cho người khác, chứ không đặt việc bản thân mình được gì, mất gì qua sự việc đó.

Trên cơ sở suy xét mọi thứ là vì người khác, quyết định nhận hay không nhận một trách nhiệm của bạn sẽ trở nên thấu đáo và thực tế. Đồng thời cũng sẽ loại bỏ được ngay từ đầu những nỗi sợ hãi vì phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, sợ mọi người phán xét năng lực, hay sợ mắc lỗi trong quá trình thực hiện trách nhiệm. Và những nỗi sợ này lại bắt nguồn từ việc bạn quá chú trọng vào BẢN THÂN mình.

Lê Na



BÀI CHỌN LỌC

Nỗi sợ trách nhiệm: Nguyên nhân và cách khắc phục